Trận Nhật Tảo diễn ra vào ngày 11 tháng 12 năm 1861 tại khúc sông Vàm Cỏ Đông gần làng Nhật Tảo (hay còn gọi Nhựt Tảo), nay thuộc xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An
Diễn biến
Theo một nguồn sử liệu dân gian nhiều người biết khi tả về chiến tích Hỏa Nhựt Tảo Thuyền của Nguyễn Trung Trực thì làng Nhật Tảo nằm trên một vùng đồng ruộng bao la, mới sáng tinh sương đã nhìn thấy ánh mặt trời nên được gọi là Nhựt Tảo, nghĩa là "mặt trời mọc sớm".
Giữa thế kỷ thứ 19, Nhựt Tảo là vùng đất mới được ông Hồ Văn Chương đến khai phá lập nghiệp theo chương trình khai hoang của triều Nguyễn. Dòng dõi họ Hồ thống lãnh cả vùng và đều là hương chức địa phương. Lúc bấy giờ, ông Hồ Quang Minh làm cai Tổng, tuy hợp tác với chính quyền Pháp nhưng có liên kết với nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, lập mưu đánh phá lực lượng Pháp. Mục tiêu là chiến Pháo thuyền L’Espérance đóng án ngữ trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc làng Nhựt Tảo, một địa điểm vô cùng xung yếu về mặt quân sự. Chiến thuyền L'Espérance được coi như một "căn cứ nổi" rất lợi hại, vừa là thành lũy bố phòng vừa là một phương tiện di động để điều động và vận chuyển binh lính, quân nhu.
Nguyễn Trung Trực với sự giúp đỡ của Hồ Quang Minh đã giả là thợ mộc, đóng mái che lá dừa cho chịếc chiến thuyền, đồng thời nghiên cứu kế hoạch và chuẩn bị chiếm và đốt tàu.
Sáng ngày 11 tháng 12 năm 1861 (nhằm tháng 11 năm Tân Dậu), một toán nghĩa quân làm kế nghi binh kéo về Kênh Hóng, gióng trống khua chiêng để nhử thủy binh Pháp. Viên sĩ quan chỉ huy bèn cắt cử một đại bộ binh lính, rời tàu để đi càn quét nghiã quân gây loạn.
Vào lúc gần trưa, lính Pháp trên tàu chỉ còn lại một số nhỏ. Ðược biết quân Pháp đậu pháo thuyền tại đó, ông Nguyễn Trung Trực tập hợp một số nghĩa quân gan dạ, ăn mặc giả làm gia đình nông dân đi cưới vợ cho con. Phía nghĩa quân được đều động đi phá tàu dưới quyền chỉ huy của ông Nguyễn Trung Trực, cả nam lẫn nữ đi trên hai chiếc ghe ngụy trang là "đám cưới quê đi rước dâu", mà đóng vai chú rể là Nguyễn Trung Trực. Một đoàn ba chiếc ghe có treo cờ đuôi nheo màu sắc và các người trên ghe ăn mặc áo dài, khăn đống, che dù bên nhiều mâm phủ vải đỏ .
Ba chiếc ghe đi gần chiếc tàu Pháp. Bọn lính Pháp đã biết đám cưới của nông dân nên không đề phòng. Chúng đang bị cơn nóng giữa trưa của miền nhiệt đới nên đứa nào cũng xoay trần, quần cụt nằm ngủ gà ngủ gật dưới mui vải.
Ba chiếc ghe nhẹ nhàng chèo ngang cạnh chiếc pháo thuyền, vừa đúng tầm tay rồi bất ngờ áp sát tàu L’Espérance, để leo lên tàu, mọi người quấn vội áo dài cho gọn, đồng hè nhau bất ngờ nhảy lên đánh giáp lá cà. Khí giới là mả tấu sáng ngời dấu sẵn trong mấy mâm vải được rút ra chém chết hết những thằng lính Tây đang ngủ mơ màng để chúng không kịp hô hoán và nghĩa quân đã chận cửa hầm lên xuống, đồng thời phóng hỏa đốt tàu. Nghĩa quân đã tính trước chuyện phóng hỏa đốt tàu nên đem theo nhiều chất dẫn hỏa. Sau một khắc chém giết và đốt nhiều nơi trên tàu, nghĩa quân kịp nhảy xuống ba chiếc ghe chèo mau ra xa rồi rút lui cho an toàn.
Soái hạm L’Espérance bọc đồng phía đáy nhưng phần trên lại là gỗ nên nó cháy thật mau. Một tiếng nổ lớn do thuốc pháo trong tàu đã làm tan xác đám lính Pháp cũng như chiếc soái hạm L'Espérance từ từ chìm trong vùng lửa sáng rực một khúc sông Nhựt Tảo. Pháo hạm L’Espérance bị cháy và đánh chìm, 17 quân Pháp và 20 tên Việt gian bị tiêu diệt, một số bị bắt sống.
Trận hỏa công nầy làm phấn khởi lòng dân khắp nơi và làm quân cướp nước bớt hung hăng.
Một số người dân địa phương ở thôn Nhật Tảo bị quân kháng chiến trừng phạt giết chết vì hợp tác với quân Pháp, nhà cửa của những người nầy bị thiêu hủy.
[sửa] Ý nghĩa
Cuộc tấn kích của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo là ngọn lửa chăm ngòi cho những cuộc nổi dậy đồng loạt của quân kháng chiến để tấn công đốt phá đồn bót của quân Pháp ở khắp nơi từ ngày 14 đến 30 tháng 12 năm 1861. Từ Tân An, Cần Giuộc, Gò Công đến Gia Thạnh, Cái Bè, Rạch Gầm. Quân kháng chiến bị thiệt hại nhiều trong chiến dịch tổng tấn công nầy.
"Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khắp quỷ thần"
Là hai câu thơ của Cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt ca tụng chiến công vẫn còn được lưu truyền.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia