Trong những năm tháng đất nước đang bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, lá cờ đỏ sao vàng-biểu tượng độc lập, tự do của Tổ quốc-vẫn phấp phới bay bên bờ Bắc cầu Hiền Lương như hồn thiêng sông núi, như niềm tin tất thắng cho miền Nam ruột thịt hướng tới. Để lá cờ đỏ sao vàng vẹn nguyên bay dưới bom đạn giặc thù, một người thương binh quả cảm đã bốn lần lặn lội đến dựng lại cột cờ...
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên đang học năm thứ hai Trường Kỹ nghệ Thực hành Sài Gòn, khi ngọn lửa cách mạng Tháng Tám bùng lên, Trương Nam Sơn cùng bè bạn trang lứa “bỏ bút nghiên” đi biểu tình, mít-tinh cướp chính quyền, trừ gian diệt ác…
Sau đó, Sơn về tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 311 rồi trở thành cán bộ tham mưu, kiêm thư ký của Bộ Tư lệnh Khu 7. Nhưng chẳng may, trong một trận càn của địch, Sơn bị thương và phải cắt bỏ chân trái. Cũng trong năm này, Sơn nhận được tin cha mẹ bị giặc giết hại. Được sự động viên của đồng đội, nhất là sau lần Sơn đọc bản tin về người anh hùng Liên Xô Ma-Rếp-Sép bị cụt hai bàn chân mà vẫn khổ luyện để trở thành một phi công đạt kỷ lục bắn hạ máy bay phát xít Đức, hy vọng lại bùng cháy trong Sơn. Anh tập đi với chiếc chân giả bằng vỏ bom napalm và thép xe tăng nặng gần 6kg. Sau vài tháng tập luyện, Sơn trở lại chiến trường với nhiều nhiệm vụ khác nhau rồi tập kết ra Bắc.
Bốn lần dựng cột cờ bên bờ Hiền Lương
Sau năm 1954, Mỹ-ngụy ra sức phá hoại Hiệp định Genève. Lúc này ở bờ Bắc cầu Hiền Lương có một cột cờ bằng gỗ thông cao 15m do quân dân ta mang từ Trường Sơn về. Đến 1956 thì cột cờ này mục, chính quyền và nhân dân lập một đoàn đại biểu ra Bắc xin Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho xây dựng cột cờ khác. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ này cho Cục Cơ khí-Điện nước đảm nhiệm (Cục được thành lập đầu 1955, thuộc Bộ Xây dựng, có nhiệm vụ tiếp quản và sửa chữa, phục hồi hệ thống máy móc cơ khí, điện, nước do Pháp để lại). Lúc này, Sơn đã về làm trợ lý cho đồng chí Hai Dung, người thủ trưởng năm xưa nay làm Cục trưởng.
Thế là Sơn được anh Hai Dung tin tưởng giao nhiệm vụ cùng một người nữa thiết kế rồi đưa tới Nhà máy cơ khí Gia Lâm gia công vì ở Vĩnh Linh lúc ấy chưa có điện mà cũng không có sắt thép; một người nữa thì dẫn công nhân đi trước vào Hiền Lương xây dựng móng. Cột gồm 3 đoạn ống thép: 350-300-200mm, dày 9-12mm, dài 21m và nặng hơn 5 tấn… Việc thiết kế và chế tạo mất 1 tháng. Khó khăn nhất là việc vận chuyển, đường sá bấy giờ toàn “ổ voi”, lầy lội, phải mất 10 ngày đêm mới vượt được 800km và qua 10 chuyến phà.
Khi móng cột, hố neo… hoàn tất, cột cờ cũng đã chở tới thì Mỹ-ngụy biết được kế hoạch nên làm một cột cờ cao hơn của ta (23m). Thời ấy muốn gọi điện về Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo phải ra thị xã Quảng Bình, do thời gian gấp rút, với tư cách là đặc phái viên của Cục trưởng, Sơn tự quyết định thay đổi thiết kế bằng cách nâng móng cũ lên. Vượt qua nhiều khó khăn, đoàn đã dựng cột cờ thành công trước ngày Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (20-7-1956) khoảng 1 tuần, cột cờ của ta cao hơn của Mỹ-ngụy trên 2m.
Sau sự kiện vịnh Bắc bộ, vĩ tuyến 17 trở thành tuyến lửa và cột cờ Hiền Lương cũng trở thành tọa độ ném bom, pháo kích của Mỹ-ngụy. Lúc này, đoạn từ Nghệ An vào Quảng Trị là trận địa pháo kích, bom, rốc két, pháo hạm của giặc nên rất nguy hiểm… Cuối tháng 11-1966, Sơn nhận nhiệm vụ khẩn cấp phải thay thế cột cờ cũ đã “mang nhiều thương tích”. Một đội đặc nhiệm với điều kiện bắt buộc vừa có tay nghề cao, vừa phải có tinh thần dũng cảm và kinh nghiệm chiến đấu được cấp tốc thành lập.
Ông Sơn kể: “Đêm 24-12 chúng tôi đã chuẩn bị xong để rạng ngày 25-12 dựng cờ vì nhân lễ Giáng sinh, giặc ngừng bắn. Nhưng khi đang dựng cột cờ lên được khoảng 15 độ thì một chiếc OV 10 bay đến quần đảo mấy vòng rồi bắn trái khói. Anh em vẫn bình tĩnh nâng cột lên, từ 20 độ rồi 30 độ cho đến khi cột thẳng đứng. Cột cờ mới cách cột cờ cũ 30m, khi dựng xong, chúng tôi mới hạ cột cờ cũ. Đếm trên mình lá cờ có trên 300 vết thương, 8 dây chằng thì chỉ còn lại 5 dây”. Lần dựng cờ thứ ba vào năm 1969, cũng dịp Giáng sinh.
Trước khi trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nổ ra, Sơn lại được lệnh cấp tốc vào Hiền Lương dựng cờ lần thứ tư với mục đích nâng cao thêm khí thế chiến đấu cho quân dân ta. Lần dựng cờ này nhẹ nhàng hơn so với những lần trước vì quân ta đã làm chủ hoàn toàn Quảng Trị, ngọn cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ mới.
“Anh cả” của nhiều công trường
Không chỉ là người lính trên chiến trường, Trương Nam Sơn còn là người thợ, người chỉ huy ưu tú trên những công trường xây dựng lớn. Giai đoạn 1959-1960, Hungary giúp ta xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hàm Rồng (Thanh Hóa), tuy công suất chỉ 3.000kW nhưng là nhà máy nhiệt điện đầu tiên do VN xây lắp.
Ở công trình này, Sơn là chỉ huy công trường lắp ráp. Thời điểm đó công việc đều làm thủ công vì chưa có cần cẩu, phải dùng tời kéo, ròng rọc… Do không có cần cẩu, Sơn đã đề xuất sáng kiến thiết kế một cột buồm bằng ống thép khoảng 250mm, lấy cột buồm đó làm điểm tựa rồi dùng tời tay kéo 1 lò hơi nặng 5 tấn lên cao. Khánh thành xong, anh được Bộ Xây dựng thưởng 300 đồng, một số tiền khá lớn thời đó.
Sau khi hoàn thành việc xây lắp Nhà máy Nhiệt điện Hàm Rồng, anh Sơn lại đi Quảng Ninh xây lắp Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đợt 1 (do LX viện trợ), là nhà máy điện lớn nhất miền Bắc với 4 tổ máy, công suất 24.000 kW/máy. Lúc này, Cục Cơ khí-Điện nước đã giải tán, thay vào đó là Công ty Lắp máy (tiền thân của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam-LILAMA) và anh Sơn được đề bạt làm Phó Giám đốc.
Còn trên công trường Uông Bí, Sơn là chỉ huy phó kiêm tổng đội trưởng lắp lò hơi. Ở Uông Bí, khả năng sáng tạo của Sơn lại bộc phát. Để chuyển các lò hơi nặng 54 tấn/lò từ kho đến công trường, chuyên gia Liên Xô yêu cầu bên ta kiếm một toa xe lửa bằng (không mui) vì thời điểm đó xe tải của ta chỉ tải được tối đa 13 tấn. Yêu cầu này hầu như không thực hiện được vì toa xe thì trên Hà Nội có nhưng hầu như không thể chuyển về Quảng Ninh trong điều kiện lúc đó... Sơn đề nghị giải pháp đặt đường ray giả, bôi mỡ lên đường ray cho trơn rồi đặt mấy máng trượt, dùng kích (con đội) dịch chuyển lò hơi lên máng rồi dùng tời kéo trượt từ từ.
Các chuyên gia phía bạn không đồng ý, định báo lên Bộ Xây dựng và Chính phủ nhưng sau khi Sơn đã thuyết trình và cam kết đảm bảo an toàn, chịu trách nhiệm mọi hậu quả thì giám đốc công ty lắp máy đồng thời là chỉ huy trưởng công trường đồng ý cho thực hiện. Kết quả là chỉ mất một ngày để chuyển lò hơi tới vị trí đặt lò, cách đó độ vài trăm mét.
Trong giai đoạn đang chỉ huy công trường xây lắp Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đợt 2 (1974-1975), Sơn lại được phân công chỉ huy việc thi công cột ăng ten truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo, công trình này do Việt Nam tự thiết kế. Mục đích là mở rộng vùng phủ sóng của đài truyền hình Trung ương.
Ông kể lại: “Tuy cột truyền hình chỉ cao 70m nhưng phải xây lắp trên đỉnh núi cao 1.200m, điều kiện rất khắc nghiệt, chợt nắng, chợt mưa, chợt mây mù; mặt bằng thi công chật hẹp, hiểm trở, vực sâu kề bên… Vật liệu, thiết bị đều được vận chuyển lên núi bằng sức người, nhờ những học sinh đang học ở trường lắp máy của công ty. Do không đưa được xe cẩu lên núi nên lại dùng ròng rọc, tựa lên các cây cổ thụ rồi kéo, dựng cột lên, lúc đó ta cũng có trực thăng nhưng với điều kiện khí tượng đó thì không thể”.
Từ năm 1977, Sơn chuyển vào Nam. Giai đoạn này, anh chỉ huy lắp ráp Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 với công nghệ và thiết bị của Pháp. Nhờ đã từng xây lắp Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn nên Sơn mạnh dạn và cương quyết đề nghị không cần thuê chuyên gia nước ngoài vì giá thuê quá cao, sự “liều lĩnh” này đã tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng cho nhà nước mà nhà máy vẫn được lắp xong và vận hành suôn sẻ… Sau, ông Trương Nam Sơn còn đứng ra thành lập một trường đào tạo công nhân lắp máy đầu tiên của công ty ở phía Nam và làm hiệu trưởng trường này cho đến khi về hưu.
Hiện nay, tuy đã cao tuổi nhưng ông vẫn “máu nghề”, đang biên soạn lịch sử ngành lắp máy VN, biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy, đào tạo những người thợ lắp máy kế thừa.