Ngày 16/3/1920, mật thám Pháp ghi nhận được cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Ái Quốc với một nhân vật tên là Lâm trong đó Nguyễn cho biết đã hoàn thành bản thảo sách mang tên “Những người bị áp bức” (Les Opprimés), đang có ý định gặp Marcel Cachin và Jean Longuet đề nghị viết lời tựa cho sách. Nguyễn cũng cho biết đã dành được 300 quan tiền Pháp để in và dự định sẽ đến vùng Pons làm nghề nhiếp ảnh để kiếm thêm kinh phí tái bản cuốn sách đó.
Có thể nói rằng sau khi xuất hiện cái tên “Nguyễn Ái Quốc” ký dưới “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” (Les Revendications du Peule Annamite) gửi tới các đại biểu tham dự Hoà hội Versailles, cả bộ máy an ninh của thực dân Pháp được huy động để theo dõi nhân vật mang tên tác giả của văn kiện này.
Ngày 16/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên hải.
Ban đầu, đây là tên ký chung của Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, nhưng để ứng phó với chính quyền thực dân, Nguyễn Tất Thành đã đứng nhận trách nhiệm về mình.
Kể từ đó cái tên Nguyễn Ái Quốc trở thành môt bí danh nổi tiếng của Bác đồng thời cũng là một nhân vật bị bộ máy mật thám Pháp và một số nước theo dõi chặt chẽ. Vào thời điểm này có một viên mật thám có bí danh là “Jean” thường xuyên tìm cách tiếp cận để thu thập và theo dõi mọi hoạt động của nhà cách mạng Việt Nam.
Trong một báo cáo vào cuối năm 1919, Jean viết: “(Nguyễn Ái Quốc) Đó là một nhà trí thức, nhưng nói năng có vẻ khô khan, biết viết và nói khá tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, đọc và nói được chút ít tiếng Italia.
Ông ta có những xét đoán nhạy bén về nhiều sự việc. Ông ta dành cả ngày để học hỏi, đọc tất cả những sách bằng tiếng Pháp hay tiếng nước ngoài đã đề cập đến Đông Dương.
Mục đích duy nhất khiến ông ta muốn ở lại Pháp là để có thể bênh vực quyền lợi của Đông Dương một cách tự do. Rất có thể ông ta nói được tiếng Trung Quốc và Nhật. Một ngày nào đó tôi sẽ hỏi về việc trên”.
(Viên mật thám này cho biết sau đó đã nhờ Nguyễn Ái Quốc dịch một đoạn quảng cáo ra tiếng Trung Quốc và cho biết ông ta đã làm đựơc việc đó).
Viên mật thám đã sử dụng những tin tức do một nhân vật là “phó quản Lâm” tiếp cận với đối tượng theo dõi nhằm trả lời câu hỏi: Nguyễn Ái Quốc là ai và đang làm gì?
Khi Lâm hỏi vì sao lại tham gia các hoạt động yêu nước và chống chính quyền thuộc địa, nhà cách mạng đã trả lời: “Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Lưu đầy tôi ư? Hoặc cắt đầu tôi, điều ấy có xảy ra tôi cũng bất cần”.
Nguyễn Ái Quốc còn cho biết rằng mình đang viết một cuốn sách với 4 phần nội dung: tình trạng Đông Dương trước khi Pháp chiếm đóng; nước Pháp đem lại những gì cho Đông Dương; tình trạng Đông Dương hiện tại; và tương lai.
Trả lời cho câu hỏi "Lấy tiền đâu để in sách", Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ: “Tôi sẽ làm rất giản dị thôi. Khi nào tôi hoàn thành xong quyển sách ấy, tôi sẽ đem bản thảo đến một đảng viên xã hội hay bất cứ ai khác. Sau khi biết giá tiền để in, tôi sẽ bán thân tôi cho họ như một người đầy tớ. Chả nhẽ tôi không biết đánh giày hay dọn nhà hay sao?”.
Về khả năng có ai đó được chính quyền xui kiện vì đã sử dụng nhưng tư liệu của họ, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Tôi có gì để họ kiện tôi? Tôi sẽ đi từ toà án này đến toà án khác để khiếu naị, có lẽ đây sẽ là dịp để quảng cáo và tuyên truyền trước các ông toà và công chúng của toà án”...
Bản báo cáo của mật thám ngày 16/3/1920 còn cho biết: “Nguyễn Ái Quốc đang dịch một đoạn “L’ Esprit des Lois” (Vạn pháp tinh lý) của Montesquieu sang quốc ngữ” và “Quốc chẳng được một Hội kín nào giúp đỡ. Ông ta rất tự trọng, muốn là do tự mình đảm nhận việc in sách bằng tiền để dành”.
Các báo cáo của mật thám khẳng định là đến tháng 5/1920 thì bản thảo sách này đã hoàn tất. Rất tiếc là cho đến nay chúng ta chưa tìm được cuốn sách này và cũng rất ít khả năng rằng cuốn sách này chỉ là tên khác của “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Francaise) được xuất bản tại Pháp năm 1925 và tái bản ở Việt Nam năm 1946.