* Canh Tý 40, mùa xuân, hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Hán, giải phóng đất nước và thiết lập chính quyền tự chủ.
* Giáp Tý 544, tháng 2, sau khi chiến thắng quân Lương xâm lược, Lý Bí lên ngôi (Nam Việt Đế), đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, củng cố kinh tế, phát triển văn hóa, xây dựng chính quyền và pháp luật.
* Mậu Tý 1108, tháng 3, lần đầu tiên đắp đê sông Hồng phòng chống lũ lụt tại phường Cơ Xá - Thăng Long (Hà Nội).
* Mậu Tý 1288, mùa xuân, quân đội nhà Trần đánh tan 30 vạn quân Nguyên Mông lần thứ ba xâm lược, chấm dứt sự xâm lược Đại Việt của đế chế Nguyên Mông.
* Bính Tý 1396, Hồ Quí Ly cải cách sâu rộng các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và tài chính. Tháng 5, ban hành tiền giấy đầu tiên ở nước ta.
* Mậu Tý 1408, ngày 30-12, quân dân nhà Hậu Trần đánh tan quân Minh xâm lược tại Ninh Bình, chặn đứng đà tiến của giặc.
* Canh Tý 1540, Nguyễn Kim từ Sầm Châu (Lào) về đánh quân Mạc ở Nghệ An, bắt đầu trung hưng nhà Lê.
* Canh Tý 1600, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, phát triển dải đất Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào Nam) và chống lại họ Trịnh.
* Canh Tý 1660, Quận công Dương Trí Trạch và Phạm Công Trứ dâng sớ lên chúa Trịnh Tạc kiến nghị các biện pháp bài trừ nạn tham nhũng.
* Nhâm Tý 1672, hai họ Trịnh - Nguyễn kết thúc cuộc chiến kéo dài từ năm 1627, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến: triều đình Lê - Trịnh thống trị Đàng Ngoài, còn chúa Nguyễn cai quản Đàng Trong.
* Giáp Tý 1804, tháng 3, nhà Nguyễn đặt quốc hiệu là Việt Nam. Cũng năm này, Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều.
* Mậu Tý 1828, tháng 5, triều Nguyễn chế định các đơn vị đo lường. Tháng 11, ra lệnh thống nhất về y phục trên toàn quốc.
* Mậu Tý 1888, hàng loạt cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Đốc Tích... phát triển mạnh mẽ tại Bắc và Trung bộ, khiến giặc Pháp lao đao.
* Nhâm Tý 1912, tháng 2, Phan Bội Châu cùng Cường Để thành lập “Việt Nam Quang phục hội”.
* Giáp Tý 1924, ngày 17-6, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản. Ngày 19-6, Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Đông Dương Merlin tại Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc), gây tiếng vang lớn trong công cuộc chống Pháp.
* Bính Tý 1936, mở màn cao trào cách mạng dân tộc dân chủ (1936 - 1939). Ngày 1-10, hoàn tất xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt và Đông Dương.
* Mậu Tý 1948, ngày 20-1, đợt phong quân hàm đầu tiên cho các tướng lĩnh, đánh dấu sự trưởng thành của quân đội cách mạng VN. Ngày 19-6, Hồ Chủ tịch kêu gọi thi đua ái quốc, thực thi khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
* Canh Tý 1960, ngày 1-1, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh công bố hiến pháp mới. Ngày 6-1, Bác phát động tết trồng cây đầu tiên. Ngày 5-9, khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 3. Ở miền Nam, ngày 17-1, bùng phát phong trào đồng khởi tại Bến Tre, sau đó lan khắp các tỉnh. Ngày 20-12, thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN.
* Nhâm Tý 1972, ngày 29-12, quân dân Hà Nội làm thất bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng máy bay B52 của Mỹ. Ở miền Nam, ngày 15-7, chấm dứt trận chiến 100 ngày đêm trên đường số 13 tại Đông Nam bộ, diệt và bắt sống 22.000 địch. Ngày 11-9, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN tuyên bố về việc kết thúc chiến tranh xâm lược của Mỹ, lập lại hòa bình ở VN.
* Giáp Tý 1984, ngày 4-4, công bố pháp lệnh về bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Ngày 26-5, ngọn lửa dầu công nghiệp đầu tiên bừng sáng trên giàn khoan Việt - Xô, khởi đầu sự phát triển của ngành dầu khí VN.
* Bính Tý 1996, ngày 28-6, khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 8. Ngày 7-12, Hoàng Thị Minh Hồng - người VN đầu tiên thám hiểm châu Nam cực.