--------------------------------------------------------------------------------
Vô tuyến vẫn bật, nhạc mở hết cỡ... Trên màn hình là nữ ca sĩ nhỏ nhắn như con búp bê. Nhạc là thứ rock Nhật đang thịnh hành, có thể nghe thấy khắp mọi nơi trên đường phố. Dưới sàn trước tivi, tấm thân bất động của một cô bé nằm sóng soài. Đó là Tomoyo Cumasaki, 13 tuổi, vừa tự tử tại ngôi nhà tuềnh toàng của mình trong khu phố Chiba thuộc ngoại ô Tokyo.
Tomoyo chỉ là một trong nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản đi tìm "cái chết tự nguyện", mà người ta chẳng thể thống kê được con số chính xác là bao nhiêu với hàng trăm vụ mỗi năm, có ngày tới 5 người tự vẫn ở độ tuổi vị thành niên. Nhất là sau cái chết của Yukiko Okada - nữ ca sĩ thần tượng của giới trẻ xứ Phù Tang. Cô tìm đến cái chết khi chưa đầy 18 tuổi, cô nhảy từ cửa sổ văn phòng hãng ghi âm trên tầng 7 thuộc một cao ốc chọc trời ở Tokyo xuống.
Sau cái chết của Y.Okada, một "bệnh dịch" lây lan phổ biến khắp nước Nhật, hàng chục thanh thiếu niên trong độ từ 13 đến 16 tuổi nhảy xuống đất tự vẫn từ ban công nhà mình, từ cửa sổ trường học, hay từ các tháp cao trong công viên thiếu nhi... Hai chị em Iasuho Arai, 18 tuổi và Hiroko, 12 tuổi người Hải cảng Osaka, đã nắm tay nhau cùng quyên sinh từ một mái hiên. Một cậu bé 13 tuổi ở làng Kiuragimachi gần cố đô Kyoto trút hơi thở cuối cùng, trong tay giữ tấm hình của diva thần tượng.
Còn "cậu ấm" Miki Parac, 16 tuổi, là người thừa kế của một trong những dòng họ giàu nhất xứ Mặt trời mọc, thì nhảy từ trên nóc một nhà cao tầng ở Kobe xuống. Tiếp đến là Yosiaki Kobaiashi 14 tuổi tự thiêu trong nhà, Kazuco Miazhi tự sát bằng khẩu súng săn của cha mình v.v... Trên mặt báo và trên truyền hình Nhật xuất hiện ảnh các nạn nhân, tất cả đều giống nhau trong đồng phục học sinh.
Ápphích một cuốn phim nói về nạn tự vẫn trong giới trẻ.
"Đừng chết hỡi con trẻ!", đấy là lời kêu gọi bi ai của Shimai Ko, nhà văn và nhà xã hội học nổi tiếng ở Nhật. Đứa con trai 13 tuổi của ông mới tự vẫn... theo tiếng gọi của thần tượng (!). Shimai Ko giải thích hiện trạng này: "Trong xã hội Nhật, giới trẻ bị đánh mất vị trí của mình. Chúng ta tạo ra họ và chỉ bảo họ những điều như chúng ta muốn theo các quan điểm cố hữu bất di bất dịch... Sau đó lại bỏ rơi họ, khiến họ mất khả năng thích nghi với cuộc sống thực tế, nếu như họ không tìm được một thần tượng hoặc một hoài bão cụ thể nào đấy".
Còn Sytomu Komazashki, nhà tâm lý học thiếu nhi và là Giáo sư của Trường đại học Tổng hợp Tokyo, thêm: "Nhiều sự kiện mang tính "phản ứng dây chuyền" sau cái chết của nữ ca sĩ Okada thật đáng báo động. Bắt buộc chúng ta phải nghĩ về thực trạng như là một tấn thảm kịch quốc gia. Giờ thì chúng ta mới phát hiện ra rằng, tuy con trẻ Nhật Bản lớn lên trong sự "thần kỳ kinh tế", nhưng lại thiếu cảm xúc chín muồi, không có khả năng suy nghĩ sáng suốt. Họ có chỉ số thông minh cao nhất thế giới, nhưng đồng thời là sự trống rỗng nội tâm còn đáng sợ hơn. Chỉ cần một điều tưởng chừng nhỏ nhặt rằng thần tượng của họ đã chết, lập tức "bùng nổ" làn sóng tự vẫn theo".
"Hội chứng Okada" như giới truyền thông xứ Phù Tang gọi, đã đến tai nội các. Văn phòng Thủ tướng Nhật chỉ thị phải tiến hành ngay một cuộc thăm dò sâu rộng trong giới trẻ cả nước. Trước đây là nạn du đãng học đường; rồi đến tệ tụ tập băng đảng; sau nữa là "mốt" lừa máy điện toán trong các lớp cuối cấp trung học; và giờ là "nạn" tự tử.
Ông Jico Tokuaima, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia nổi danh mang tên Nomura chuyên đào tạo giới cán bộ lãnh đạo các cấp, thì đề nghị chính phủ nên tiến hành ngay những biện pháp khẩn thiết, vì: "Chúng ta bất ngờ nhận ra rằng, thế hệ trẻ Nhật ngày nay sống không có mục đích, bởi chúng được sinh ra từ một thế hệ chuyên tụ tập băng nhóm của những kẻ chán chường - hậu duệ của lứa người thất trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai".
"Nạn tự vẫn ở những người trẻ tuổi không phải là hiện tượng hiếm thấy của thế giới tiêu thụ phương Tây. Điều đáng nói ở đây, rằng Nhật Bản đã trở thành quốc gia có tỉ lệ tự sát cao nhất so với các nước còn lại trong nhóm G-8 quy tụ các quốc gia kỹ nghệ phát triển nhất! - nhà xã hội học nổi tiếng Nobuto Hosaka nhận định - "Cái chết tự nguyện" là một phần thuộc lịch sử - tập tục của chúng ta. Chí ít cả nghìn người trẻ dưới 18 tuổi hàng năm tự kết liễu đời mình. Cho đến giờ, lý do của căn bệnh này phải được tìm trong những khủng hoảng tâm lý, trong những nhọc nhằn học đường, trong sự cạnh tranh khốc liệt khiến kẻ thua phải "tự hủy diệt"...
Hiện tượng ganh đua bon chen đang nổi cộm lên". Hiện tượng ấy cũng đã được phân tích trong cuốn sách vừa ấn hành của học giả gạo cội Mamoru Yga, với tựa đề "Nạn tự tử và những thành tựu kinh tế ở Nhật", trong đó viết: "Chúng ta đã trở thành một siêu cường về kinh tế, khiến nhiều dân tộc khác phải ghen tị, nhưng cái giá mà chúng ta phải trả thật là quá tải về mặt tâm lý. Mục đích thành đạt đã hủy hoại mọi giá trị, lương tâm, biểu tượng - nhất là trong lớp trẻ. Họ thử cố đi tìm những giá trị tinh thần mới qua các biểu tượng mới, nhưng họ đã bị ngộ nhận một cách khó tin và thường đẩy họ tới sự vỡ mộng".
"Ý tưởng" của thế hệ Nhật mới lớn - báo chí có lý khi khẳng định - được tạo ra giống như máy điện tử hay xe hơi. Các "nhà thiết kế" đã tạo ra khắp nước thế hệ chỉ biết phục tùng. Bày họ cách đi đứng, ăn mặc... Áp đặt cho họ lối cư xử và sau đó thì "nóng lòng" chờ kết quả từ họ y như một chương trình đã được lập sẵn - Tiến sĩ N.Hosaka thổ lộ - Một sự điều khiển thực sự, khiến giới trẻ "phát điên" lên".
"Ở Nhật Bản không chỉ đơn thuần nói về các thông số hàng chục hay hàng trăm người trẻ tự tử. Đó là một tội ác thực thụ, mà chính chúng ta là thủ phạm! Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại toàn bộ vấn đề, trước khi quá muộn!", Giáo sư S.Komazashki kết luận
Trần Quang
Nguồn
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/vuan/2010/3/71744.cand