CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam I_icon_minitimeTue Mar 09, 2010 11:29 pm

Hoangnga
Theo đuổi môn lịch sử được 13 năm và tiếp tục theo đuổi đến năm về hưu là 30 năm nữa.

Thành viên mới gia nhập

Hoangnga

Thành viên mới gia nhập

Họ & tên Họ & tên : Hoàng Thị Nga
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Cộng tác viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 09/03/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 4
Đến từ Đến từ : Hà Nội
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Theo đuổi môn lịch sử được 13 năm và tiếp tục theo đuổi đến năm về hưu là 30 năm nữa.
Điểm thành tích Điểm thành tích : 9
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam

 
Chính sách can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại nói riêng và của tiến trình lịch sử dân tộc nói chung. Trong nội dung này, những thủ đoạn của Mỹ trong thực hiện chính sách can thiệp là nội dung nổi bật, qua đoa chúng ta thấy được tính chất ngoan cố, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân của Mỹ.
1. Từ 1945 – 1950: Mỹ núp sau các lực lượng khác can thiệp vào Việt Nam
Cách mạng tháng Tám thành công cũng vào giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nước ta lúc này bắt đầu gây được sự chú ý đến Mỹ và lọt vào tầm ngắm của đế quốc này, nhưng giai đoạn này, Mỹ chưa trực tiếp ra mặt can thiệp vào Việt Nam mà đứng sau các lực lượng khác.
Thứ nhất, Mỹ đứng sau Tưởng phá Việt Nam dân chủ cộng hòa trong giai đoạn đầu sau cách mạng tháng Tám, gây nhiều sóng gió để phá hoại nền độc lập non trẻ của Việt Nam, làm cho khó khăn chồng chất khó khăn trong giai đoạn này mà chúng ta gọi là “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thứ hai, Mỹ là nước đã tạo điều kiện cho Pháp quay lại tái xâm lược Việt Nam. Ở miền Nam Việt Nam vào đầu năm 1946, Mỹ và Anh cùng thỏa thuận Anh sẽ rút khỏi Sài Gòn để Pháp chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở vào.
2. Từ 1950 – 1954: Viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, sự thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, Mỹ càng muốn nắm được Đôgn Dương, vì vậy, lợi dụng Pháp đang gặp khó khăn, Mỹ đã can thiệp sâu và dính líu trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.
Tháng 2/1950: Mỹ công nhận chính phủ bù nhìn Bảo Đại. Tháng 5/1950, Mỹ đồng ý viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp ở Đông Dương khởi đầu bằng 10 triệu đô la. Đến tháng 7/1950, Mỹ thành lập phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự (MAAG) ở Việt Nam với âm mưu năm quyền điều khiển trực tiếp cuộc chiến tranh này.
Qua thời gian, theo những thất bại ngày càng nhiều của Pháp trên chiến trường thì viện trợ của Mỹ cũng tăng dần lên: Năm 1951 là 52 tỷ Phơ răng, chiếm 19% ngân sách, đến 1953 là 285 tỷ phơ răng, chiếm 43%, và đến 1954 là 555 tỷ Phơ răng, chiếm 73%.
Nhiều phái đoàn viện trợ của Mỹ đã đến Việt Nam như Rô be Blum, các trung tâm và các trường huấn luyện của Mỹ bắt đầu chọn người đưa sang đào tạo bên Mỹ.
Khi Pháp liên tiếp gặp khó khăn và phải dựa hẳn vào Mỹ để tìm kiếm thắng lợi danh dự là cơ hội cho Mỹ đẩy nhanh hơn quá trình can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam, lấn quyền của Pháp buộc Pháp kéo dài và quốc tế hóa cuộc chiến tranh này.
Tháng 7/1953, Mỹ thỏa thuận với Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương với nỗ lực cuối cùng tìm kiếm thắng lợi với sự hỗ trọ của Mỹ lên tới 73%. Tuy nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954 đã đạp tan âm mưu của Pháp và can thiệp Mỹ.
3. Từ 1954 – 1975: Mỹ thực hiện các chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc
3.1. Giai đoạn 1954 – 1960: Mỹ dựng chính quyền tay sai, phá hoại hiệp định Giơnevơ và thực hiện “chiến tranh đơn phương” ở miền Nam Việt Nam
Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ là nơi các thế lực đế quốc và phản động quốc tế đều có lợi ích về kinh tế, chính trị, nên giữa chúng với nhau vừa có mâu thuẫn về quyền lợi, vừa phải hòa hoãn cấu kết với nhau chống phá cách mạng Việt Nam và Đông Dương, càng làm cho các mối mâu thuẫn ở đây thêm phức tạp và sâu sắc.
Năm 1954, đế quốc Mỹ đã “viện trợ cho Pháp 1,1, tỷ đô la, chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương để Pháp kéo dài cuộc chiến đấu, tạo thời cơ cho Mỹ đưa dần bộ máy chiến tranh vào Việt Nam” .
Thực dân Pháp thua trận phải kết thúc cuộc chiến tranh khiến đế quốc Mỹ bàng hoàng lo sợ “Cộng sản kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Á sẽ làm cho vị trí của Mỹ ở cái mắt xích gồm các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương trở nên mỏng manh và sẽ phá hoại nghiêm trọng lợi ích an ninh của Mỹ ở Viễn Đông”. Đế quốc Mỹ chọn Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, nhằm đè bẹp cách mạng Việt Nam, ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Động Dương và Đông Nam Á, qua đó răn đe các nước XHCN, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Việt Nam vừa nêu gương đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp và chưa có được một ngày hòa bình trọn vẹn, đã trở thành điểm chủ chốt trong chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, đã được chọn làm nơi thí điểm đầu tiên cho một loại chiến tranh sau này có thể đem áp dụng vào những nơi khác trong hoàn cảnh thích hợp ở Châu Mỹ La tinh, Trung Đông và có thể ở cả Trung Âu nữa.
Chỉ một ngày sau Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, Tổng thống Mỹ Ai – xen – hao tuyên bố với báo chí rằng: Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Giơnevơ và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy.
Ngày 7 – 7 – 1954, trước khi Hiệp định Giơ ne vơ về Đông Dương được ký kết 13 ngày, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng bù nhìn thay Bửu Lộc.
Tháng 9/1954, chính phủ Mỹ quyết định viện trợ trực tiếp cho Ngô Đình Diệm, nhằm củng cố một chính quyền tay sai phản động, lệ thuộc Mỹ ở miền Nam Việt Nam
Ngày 8/8/1954, Hội đồng An nhinh Quốc gia Mỹ đưa ra 4 chính sách lớn:
* Mỹ trực tiếp viện trợ cho Ngụy quyền Sài Gòn , Mỹ chỉ dành cho Pháp 100 triện đô la trong tổng số 400 triệu đô la viện trợ
* Mỹ trực tiếp chỉ huy và huấn luyện quân đội ngụy
* Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam
* Loại bỏ Bảo Đại và những ảnh hưởng của Pháp
Theo đó, tháng 11/1954, Mỹ cử tướng Côlin (Lawton Collins), Quyền Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và đại diện Mỹ ở Ủy ban quân sự khối NATO, sang miền Nam Việt Nam làm đại sứ. Ngày 17/11/1954, Cô lin đến Sài Gòn mang theo một kế hoach chiến lược gồm 6 biện pháp khẩn cấp:
* Chỉ ủng hộ Ngô Đình Diệm và viện trợ thẳng cho Diệm, không qua Pháp
* Thành lập quân đội Quốc gia cho Diệm (15 vạn) do Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí
* Lập “Quốc hội” và thực hiện độc lập
* Tiến hành cải cách “điền địa”, đẩy mạnh chính sách di cư từ miền Bắc vào miền Nam và thực hiện việc định cư cho số người miền Bắc di cư vào Nam
* Thay đổi các thứ thuế, dành ưu tiên cho hàng hóa và tư bản Mỹ vào miền Nam
* Đào tạo cán bộ hành chính cho Diệm
Thực hiện kế hoạch 6 điểm trên là thực chất biến miền Nam Việt Nam đang trong vòng kiềm tỏa của Pháp trở thành một miền Nam Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…
3.1.1. Về chính trị
Trong những tháng cuối năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn bị uy hiếp từ nhiều phía. Các thế lực thân Pháp trong hàng ngũ sĩ quan, quân đội Liên hiệp Pháp tập hợp quanh tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham mưu trưởng nguy quân, ra sức chống Diệm. Vì vậy, sau đó Mỹ phải ép Pháp thông qua Bảo Đại đưa Hinh sang Pháp.
Các giáo phái có lực lượng vũ trang riêng do Pháp xây dựng để chống lại cách mạng. Mỗi giáo phái cát cứ ở một địa phương cả về chính trị và kinh tế như: Phái Bình Xuyên có khoảng 4000 quân, lực lượng Hòa Hảo có khoảng 25000 quân, hoạt động ở một số tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ, phái Cao Đài có khoảng 6000 quân…
Mặt khác, lực lượng cách mạng đang tồn tại ở khắp các địa phương trên toàn miền Nam , nhất là ở các vùng tự do Liên khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và các căn cứ khác như U Minh, Đồng Tháp Mười…Đây là lực lượng chủ yếu đe dọa đến sự sống còn của chính quyền Mỹ - Diệm ở miền Nam.
Để đối phó lại với những khó khăn trên, ngây khi vừa đến Việt Nam, Cô lin đã đôn đốc chính quyền Ngô Đình Diệm khẩn trương thực hiện kế hoạch của Mỹ: Sử dụng sức mạnh của chủ nợi đối với con nợ (Pháp nhận viện trợ của Mỹ giai đoạn trước), Mỹ buộc Pháp phải nhượng bộ nhanh chóng các yêu cầu của Mỹ như: rút Cao ủy Pháp về nước, trao chủ quyền cho chính quyền Ngô Đình Diệm, để Mỹ viện trợ thẳng cho Diệm không qua Pháp, Mỹ trực tiếp huấn luyện và trang bị cho ngụy quân…
Trước sức ép của Mỹ ngày 2/12/1954, Pháp đã ký với Mỹ một Hiệp ước về việc rút quân Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam và ngày 10/12, tướng Pháp Pôn Eely (Paul Ely), Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương thay mặt cho Pháp ký với Tướng Cô lin một Hiệp ước cam kết cùng lo việc huấn luyện cho quân đội Ngụy, nhưng thực tế toàn quyền năm trong tay của tướng Ô Đanien (Trưởng phái đoàn viện trợ của Mỹ).
Sau đó, tháng 1/1955, Ngô Đình Diệm gửi công hàm cho tướng Cô lin yêu cầu từ nay Hoa Kỳ đảm trách hoàn toàn vấn đề tổ chức và huấn luyện quân đội. Ngày 14/4/1956, Pháp gửi công hàm cho hai đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ (Liên Xô và Anh) thông báo cho biết quân Pháp sẽ rút khỏi Việ Nam và kể từ ngày 28/4/1956, Pháp không còn chịu trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơnevơ. Cuối tháng 4/1956, đơn vị cuối cùng của quân đội thực dân Pháp đã rút khỏi miền Nam. Như vậy đến đêy, Pháp đã trút bỏ trách nhiệm một bên phải thực hiện các điều khoản Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương.
Cuộc rút quân của Pháp tạo điều kiện cho chính quyền Ngô Đình Diệm thanh toán hết các thế lực thân Pháp ra khỏi bộ máy chính quyền các cấp, tiêu diệt các lực lượng vũ trang, giáo phái thân Pháp, tiến tới thiết lập chế độ độc tài, phát xít, gia đình trị.
Để phát triển lực lượng của mình, cuối năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh xây dựng các tổ chức chính quyền phản động như: “Đảng cần lao nhân vị” do Ngô Đình Nhu cầm đầu, có nhiệm vụ làm quân đội chủ lực cho chế độ. Từ cuối năm 1957, “Đảng cần lao nhân vị” biến thành “Đảng Cần lao Thiên chúa giáo”, lấy tôn giáo làm yếu tố ưu tiên bậc nhất cho mọi chính sách nhân sự, nên Đảng viên hầu hết là tín đồ Thiên chúa giáo. Kẻ có chân trong Đảng Cần lao là thể hiện sự trung thành với chế độ, được chế độ tin tưởng và cất nhắc: “Cần lao là con đường duy nhất để đưa người Công giáo và chỉ những người công giáo mà thôi vào chính quyền”. Do vậy, bộ máy cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm thể hiện tính chất “giáo trị” một chiều hết sức cao độ.
Vào cuối năm 1954, Diệm thành lập tổ chức “Phong trào cách mạng quốc gia” do Trần Chánh Thành, tay chân thân tín của Diệm cầm đầu. Tổ chức này nêu 3 mục tiêu: chống Cộng, đả thực, bài phong.
Song song với việc xây dựng chính quyền Trung ương, Mỹ - Diệm ra sức củng cố chính quyền xã, thôn, ấp bằng cách bổ nhiệm những người thuộc phe cánh Diệm làm xã trưởng, ấp trưởng. Đi ngược lại truyền thống dân chủ vốn có của làng xã Việt Nam, Mỹ - Diệm bãi bỏ các Hội đồng dân cử thay vào đó bằng chế độ chỉ định, nên bộ máy chính quyền thôn, xã ra sức bạo hành, ức hiếp nhân dân.
Cùng với bộ máy cai trị từ Trung ương xuống xã, thôn, Mỹ - Diệm lập các tổ chức quần chúng trá hình như: “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”, “Liên gia tương trợ”…để kìm kẹp nhân dân.
Để hợp pháp chính quyền Sài Gòn, ngày 23/10/1955, Mỹ - Diệm bày trò “trưng cầu dân ý”, phế truất Bảo Đại, suy tôn Diệm làm Tổng thống. Tiếp theo, ngày 4/3/1956, Diệm tổ chức bầu cử quốc hội riêng rẽ, đến ngày 26/10/1956 thì Ban hành Hiến pháp, lập nền “Cộng hòa đệ nhất”.
Song song với việc xây dựng bộ máy chính quyền bất hợp pháp ở miền Nam, ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ chưa ráo mực, Mỹ - Diệm đã nhiều lần tuyên bố không thừa nhận Hiệp định này. Ngày 28/2/1955, Đài Sài Gòn lên tiếng: “Trong thực tế, không thể có cuocj Tổng tuyển cử năm 1956”. Ngày 6/7/1955, Phó Tổng thống Mỹ Ních xơn nói: “Mỹ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của chính phủ Diệm không tham gia tổng tuyển cử thống nhất đất nước”
Ngày 20/7/1955, Diệm cho tay chân tập trung bọn lưu manh bày trò biểu tình chống hiệp định Giơnevơ và đập phá trụ sở Ủy ban quốc tế ở Sài Gòn.
3.1.2. Về quân sự
Mỹ - Diệm dồn sức lập một đội quân làm công cụ ổn định tình hình. Trong 6 tháng đầu năm 1955, Mỹ đã ký một loạt Hiệp định quân sự với chính quyền Ngô Đình Diệm.
Dựa vào các Hiệp định này, Mỹ không ngừng đưa nhân viên, cố vấn quân sự vào miền Nam Việt Nam. Ngoài phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) còn có phái đoàn tổ chức, huấn luyện, kiểm tra và tác chiến. Đầu năm 1955, Mỹ -Diệm giải ngũ nhiều sĩ quan thân Pháp, dành tới 2/3 số tiền viện trợ cho quân sự, gấp rút cải tổ đạo quân ngụy hỗn tạp mang nặng tư tưởng chiến bại do Pháp để lại thành lập một “quân đội quốc gia”. Đến tháng 6/1956, Mỹ - Diệm hoàn tất xong việc xây dựng.
Về lục quân, gồm 10 sư đoàn, 13 trung đoàn địa phương, 5 trung đoàn giáo phái, 1 trung đoàn dù. Pháo binh có 7 tiểu đoàn và 9 đại đội. Cơ giới có 5 trung đoàn, công binh có 6 tiểu đoàn, 14 đại đội. Vận tải có 12 đại đội.
Về không quân, lực lượng máy bay chiến đấu có 100 chiếc, dự trữ có 132 chiếc. Các căn cứ không quân Pháp đã chuyển giao cho chính quyền Sài Gòn được sửa chữa, thiết bị đầy đủ hơn. Mỹ còn xây dựng ở miền Nam Việt Nam một hệ thống viễn thông để điều khiển các hoạt động của không quân Mỹ giữa miền Nam Việt Nam, Philippin và Thái Lan.
Về hải quân, gồm hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 4 đại đội không quân trợ chiến, 1 đại đội biệt kích hải quân, 121 tàu chiến đấu trên sông, trọng tải 5130 tấn, 25 tàu hải quân trên biển trọng tải 7795 tấn…Các căn cứ hải quân cũ được tổ chức lại thành 4 hải khu.
Mỹ tăng cường phái đoàn MAAG, đưa cố vấn xuống nắm quân khu, sư đoàn và các binh chủng. Các loại vũ khí và dụng cụ chiến tranh do Mỹ đưa vào miền Nam ngày càng nhiều. Nếu tính thành giá trị, từ năm 1955 – 1960, tổng số vũ khí và phương tiện chiến tranh do Mỹ đưa vào miền Nam là 1,5 tỷ đô la. Từ chỗ gần như không có gì, đến 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm có trong tay khoảng 250 máy bay các loại, 250 tàu chiến trọng tải cỡ 20000 tấn, 600 xe bọc sắt, 100 xe tăng…
Song song với việc xây dựng quân ngụy, gạt bỏ các thế lực thân Pháp, Mỹ - Diệm dùng lực lượng quân sự tiêu diệt các lực lượng vũ trang giáo phái thân Pháp để loại trừ khả năng chống đối, thống nhất quân đội dưới quyền chỉ huy của anh em Diệm.
Ngày 26/4/1955, Diệm cắt chức Lại Văn Sang (thuộc phái Bình Xuyên), Tổng giám đốc cảnh sát và công an Sài Gòn, bãi bỏ độc quyền của Bình Xuyên thu thuế tại sòng bạc “Đại thế giới”, sau đó đến tháng 10/1955, phái Bình Xuyên bị tiêu diệt, Nguy cơ đe dọa trực tiếp đối với chính quyền Sài Gòn bị đẩy lùi.
Ngoài ra, bằng nhiều thủ đoạn khác như:tấn công vũ trang, chia rẽ nội bộ, triệt tiếp tế…Ngô Đình Diệm dần tiêu diệt được các phái Hòa Hảo, Cao Đài, Quốc Dân Đảng hay lực lượng Đại Việt…
3.1.3. Chính sách khủng bố của Mỹ - Diệm
Với phương châm “Tiêu diệt cộng sản không thương tiếc”. “tiêu diệt cộng sản tận gốc”…Mỹ - Diệm đã gây ra hàng loạt vụ tàn sát bằng những hình thức giết người man rợ thời trung cổ, kết hợp với những phương án tra tấn, cực hình hiện đại, hòng bóp chết tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Ngày 2/8/1954, chúng gây ra vụ tàn sát ở Kim Đôi làm 17 người chết, ở chợ Được giết chết 39 người, sau đó vào ngày 25/10/1954, chúng giết chết 105 người…Dã man hơn, chúng còn tàn sát trẻ em ở Hướng Thiện, đầu độc 6000 người yêu nước ở nhà giam Phú Lợi ngày 1/12/1958…Đó chính là những bằng chứng tố cáo tính chất tàn bạo của chế độ Mỹ - Diệm khi vừa mới lên cầm quyền ở miền Nam Việt Nam.
Từ giữa năm 1955, tập đoàn Ngô Đình Diệm mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” trên toàn miền Nam và coi đây là “quốc sách”. Mở đầu cho chiến dịch “tố cộng”, ngày 12/5/1955, chính quyền Sài Gòn tổ chức “Đại hội tố cộng toàn quốc” dưới sự chủ tọa của Ngô Đình Diệm, nhằm cổ vũ, hô hào tay chân đi vào con đường khủng bố nhân dân. Diện và tay chân cho rằng: “Phong trào tố cộng là vũ khí sắc bén nhất, màu nhiệm nhất, để tiêu diệt chiến tuyến cộng sản…”.
Thực hiện quốc sách “tố cộng, diệt cộng”, một mặt, chính quyền Ngô Đình Diệm kiện toàn bộ máy đàn áp, Tổng ủy “Công dân vụ” thành lập tháng 3/1955, ngày càng được tăng cường và chuyên lo việc đàn áp chính trị với gần 4000 tên mật vụ.
Trong năm 1955, dưới nhãn hiệu “Phái bộ đại học đường Michigan”, các cố vấn Mỹ đến miền Nam giúp Diệm xây dựng bộ máy công an, cảnh sát, đào tạo cán bộ, phổ biến kỹ thuật điều tra và tra tấn, thành lập một hệ thống điều tra lý lịch tối tân.
Mặt khác, để có cơ sở pháp lý cho chính sách khủng bố, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành các luật lệ phát xít, trong đó có Dụ số 6 về lập các trại tập trung, giam giữu những người gọi là “nguy hiểm cho quốc phòng và an ninh”.
Tháng 5/1955 đến tháng 5/1956, Mỹ - Diệm phát động “3 đợt chiến dịch tố cộng”. Ở mỗi đợt gồm nhiều bước có điều chỉnh rút kinh nghiệm. Kế hoạch tố cộng lúc đầu đánh trên diện rộng, sau đó đánh vào chiều sâu, đánh cả ở nông thôn và thành thị.
Qua các chiến dịch tố cộng, diệt cộng của Mỹ - Diệm, hàng ngàn cán bộ, Đảng viên, đồng bào bị địch tra tấn, giết hại, thủ tiêu, tù đày. Tại nhà tù Côn Đảo, với hệ thống “chuồng cọp”, người giam bị biệt lập hoàn toàn với bên ngoài, thường xuyên bị đánh đập dã man. Tính từ năm 1957 – 1959, đã có 3000/4000 người bị chết.
Chinhsachs khủng bố điên cuồng của Mỹ - Diệm đã gây cho cách mạng miền Nam nhiều tổn thất nghiêm trọng. Tính đến cuối năm 1958, trên toàn miền Nam, Mỹ - Diệm đã giết hại khoảng 68.800 cán bộ, đảng viên, bắt giam 466000 người và tra tấn thành thương tật 680000 người.
Song song với chiến dịch “tố cộng”, Mỹ - Diệm dùng lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo ân, dân vệ càn quét, đánh phá dữ dội vùng nông thôn, khu căn cứ. Ngày 23/3/1959, Diệm công khai tuyên bố tình trạng chiến tranh ở miền Nam và lấy cớ đó để huy động toàn bộ quân đội, cảnh sát vào các cuộc hành quân, càn quét. Địch tập trung đánh vào các khu căn cứ của ta ở miền Đông Nam bộ, Đồng Tháp Mười và vùng U Minh. Trong năm 1969, địch mở 279 cuocj hành quân càn quét, trong đó có 12 cuộc càn quét với quy mô lớn.
3.2. Mỹ tiến hành chiến lược “ Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam.
Để tránh thất bại hoàn toàn ở miền Nam Việt Nam sau cuộc "Đồng khởi" (1959-1960), Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, từ chiến lược "Chiến tranh đơn phương" (l954-1960) sang chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961-1965). Mặt khác, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn cho Mỹ, nên năm 1961, ngay khi bước vào nhà Trắng, tập đoàn Kennơđi – Giôn xơn đã xem xét, đánh giá lại toàn bộ tình hình thế giới và trong nước, đi đến quyết định loại bỏ chiến dịch trả đũa ồ ạt và chấp nhận phương hướng chiến lược mới do Tay lo đề xướng, chiến lược “phản ứng linh hoạt”.
Chiến tranh đặc biệt'’ là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn" quân sự và dựa vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của Mỹ nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta. Âm mưu cơ bản của "Chiến tranh đặc biệt" là "dùng người Việt đánh người Việt".
Ngày 29/4/1961, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ duyệt y bản “Chương trình hành động của Mỹ ở miền Nam Việt Nam” gồm chính sách, biện pháp và các bước tiến hành “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam. Ngày 11/5/1961, Ken nơ đi chính thức phê duyệt quốc định của Hội đồng an ninh quốc gia, trong đó mục tiêu và hành động của Mỹ ở miền Nam được xác định nhằm: “ngăn chặn cộng sản thống trị Nam Việt Nam”, đồng thời với việc chuẩn y các biện pháp trên đây, để tranh thủ các đồng minh châu Á và làm cho chính quyền Sài Gòn yên tâm về chính sách của Mỹ, tham dò khả năng triển khai quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, ngay trong tháng 5/1961, chính phủ Mỹ cử Phó Tổng thống Giôn – xơn sang thăm các nước Philippin, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ và miền Nam Việt Nam. Tại đây, Giôn xơn đã ký với Ngô Đình Diệm một Bản thông cáo chung gồm những nội dung chủ yếu sau:
* Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, kinh tế và cố vấn cho miền Nam Việt Nam
* Tăng cường và mở rộng các lực lượng vũ trang , bán vũ trang của Sài Gòn gồm quân chủ lực, bảo an và dân vệ
* Lập nhóm chuyên viên kinh tế, tài chính, quân sự cao cấp của hai bên để xây dựng kế hoạch hành động chung giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Sài Gòn
* Mỹ hoan nghênh các nước khác viện trợ và hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm
* Triển khai mạnh mẽ chương trình “Lập ấp chiến lược”
Thực hiện Thông cáo chung trên, ngày 19/6/1961, Tổng thống Mỹ Ken nơ đi cử một “phái đoàn kinh tế” đặc biệt do Stalây dẫn đầu sang miền Nam Việt Nam giúp Diệm xây dựng chương trình bình định. Sau gần một tháng nghiên cứu tình hình, phái đoàn này trình bản báo cáo yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự và kinh tế để phục vụ kế hoạch bình định.
Ngày 18/10/1961, Chính phủ Mỹ cử một phái đoàn gồm các chuyên gia về quân sự, dân sự do Tay lo cầm đầu sang Việt Nam để nghiên cứu, đánh giá lại tình hình cụ thể và kết luận tại chỗ, đề ra các phương án đối phó. Hai tuần sau, Tay lo gửi về nhà Trắng bản báo cáo trong đó kiến nghị một loạt biện pháp cấp bách như: cử cố vấn hành chính tham gia bộ máy chính quyền Sài Gòn, cải thiện mạng lưới tình báo quân sự, mở các cuộc điều tra rộng lớn trên khắp miền Nam liên quan đến công tác “chống nổi loạn” để có thêm cơ sở cho việc đề ra các biện pháp hiệu quả hơn…
Ngoài những biện pháp trên, phái đoàn Tay lo còn kiến nghị một chương trình “tham gia có giới hạn” của Mỹ trong lĩnh vực quân sự, cử sang miền Nam Việt Nam các cố vấn cao cấp tham gia vào các cơ quan chính phủ và các Bộ chủ chốt, thành lập Ban Thanh tra quân sự hỗn hợp từ Trung ương xuống quân khu và các tỉnh, đưa thêm các lực lượng đặc biệt Mỹ để cùng lực lượng đặc biệt Sài Gòn tăng cường cho vùng biên giới, đẩy mạnh các hoạt động tiến công bí mật ra miền Bắc Việt Nam, kể cả Lào và Campuchia, nếu tình hình miền Nam Việt Nam xấu đi, Mỹ sẽ ném bom miền Bắc Việt Nam để gây áp lực.
Nhưng kiến nghị của phái đoàn Tay lo bổ sung vào chủ trương do phái đoàn Stalây đưa ra vào hồi tháng 7/1961 để trở thành kế hoạch hành động tương đối hoàn chỉnh của Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam. Kế hoạch này được gọi là kế hoạch Xtalây – Tay lo, gồm 3 giai đoạn:
* Giai đoạn 1: Dự định trong vòng 18 tháng (giữa năm 1961 – cuối năm 1962), cơ bản bình định xong miền Nam Việt Nam bằng cách triển khai mạnh mẽ việc tập trung dân vào 16000 ấp chiến lược trên 17000 ấp , nhằm triệt phá cơ sở cách mạng ở nông thôn, phát triển quân đội Sài Gòn gồm chính quy, bảo an, dân vệ, đồng thời tăng cường lực lượng yểm trợ Mỹ nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, thiết lập hệ thống cứ điểm chốt chặt ở biên giới và giới tuyến quân sự tạm thời, tăng cường kiểm tra vùng biển để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc., hỗ trợ nỗ lực bình định miền Nam.
* Giai đoạn 2: Dự kiến trong năm 1963, củng cố những kết quả đạt được trong giai đoạn trước bằng cách tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế miền Nam, hoàn tất chương trình bình định, tiếp tục tăng cường thêm quân đội Sài Gòn, đẩy mạnh các hoạt động gây rối, phá hoại miền Bắc.
* Giai đoạn 3: Dự kiến trong hai năm 1964 và 1965, hoàn tất các mục tiêu của cuộc chiến tranh đặc biệt bằng việc chuyển hẳn trọng tâm sang phát triển kinh tế miền Nam trong khi vẫn tiếp tục tăng cường ngụy quân nhằm làm cho miền Nam trở thành một quốc gia mạnh về quân sự, phồn vinh về kinh tế của “thế giới tự do”.
Để đạt được mục tiêu của giai đoạn 1, Mỹ đã tăng viện trợ tài chính để nâng số quân ngụy đạt tới ưu thế 20 chọi 1, viện trợ tăng dần từ 321,7 triệu đô la trong tài khóa 1961 – 1962 lên 675 triệu đô la trong tài khóa 1962 – 1963. Năm 1960 số quân chính quy của Diệm là 15 vạn đến năm 1962 lên đến 36,2 vạn, đồng thời trang bị cho quân đội Sài Gòn nhiều vũ khí hiện đại nhất như máy bay, xe tăng thiết giáp và những phương tiện thông tin hiện đại.
Đội quân ngụy do hệ thống cố vấn Mỹ chỉ huy. Tháng 3/1961, Mỹ đưa vào miền Nam hơn 400 lính thuộc lực lượng đặc biệt và 100 cố vấn quân sự, 1600 chuyên gia giúp chính quyền Ngô Đình Diệm mở rộng, cải tạo quân ngụy, đưa tổng số quân Mỹ ở miền Nam lên 1077 tên (1960) lên 10960 tên (1962) rồi lên tới 26200 tên (cuối năm 1964). Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) được thành lập tại Sài Gòn ngày 8-2-1962 thay cho Đoàn cố vấn viện trợ quân sự (MAAG) được thành lập năm 1950.
Để phối hợp, chính quyền Sài Gòn ra sức bắt lính, tăng nhanh lực lượng quân ngụy, từ 170.000 (giữa 1961) lên 560.000 (cuối 1964). Quân ngụy được trang bị hiện đại, sử dụng phổ biến các chiến thuật mới, như "trực thăng vận", "thiết xa vận".
Được sự hỗ trợ chiến đấu và chỉ huy của cố vấn Mỹ, quân ngụy liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, tiến hành nhiều hoạt động phá hoại miền Bắc, hoạt động kiểm soát, phong tỏa biên giới và vùng biển.
Chúng lập ấp đến đâu thì giăng đồn bốt, lập bảo an, dân vệ, chính quyền đến đó để kìm kẹp. Nhân dân trong các "Ấp chiến lược" bị kiểm soát gắt gao, ngột ngạt, như trong các trại tập trung. "Ấp chiến lược" được coi là "quốc sách" và gần như một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi các xã, ấp, tách dân khỏi cách mạng tiến tới nắm dân, thực hiện chương trình "bình định" miền Nam. Từ đầu tháng 7/1961, Mỹ - ngụy mở đợt thí điểm dồn dân lập ấp chiến lược ở Vĩnh Long và Quảng Ngãi, sau đó chương trình được triển khai rộng rãi trên quy mô toàn miền Nam với tên gọi: “chiến dịch xây dựng nông thôn”.
Bên cạnh đó, ngày 19/10/1961, Ngô Đình Diệm tuyên bố tình trạng khẩn cấp , tiến hành các cuộc hành quân càn quét, dồn dân với sự chi viện, yểm trợ hỏa lực bằng các chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”.
Cùng với các biện pháp trên, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức vơ vét nhân lực, tài lực phục vụ cho chiến tranh, tăng cường thuế má làm cho giá cả hàng hóa lên cao, lập thêm thuế đảm phụ quốc phòng.
Trên lĩnh vực tôn giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh chính sách kỳ thị đối với Phật giáo. Chính sách này vốn đã được tiến hành ngay từ khi chính quyền Diệm được thành lập, bắt nhiều gia đình “cải đạo”, bắt di dân…
Dã man hơn, Mỹ bắt đầu sử dụng chất hóa học để phát quang các vùng căn cứ cách mạng, các đường hành lang dọc dải Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Từ tháng 8/1961 đến tháng 5/1964, Mỹ đã rải chất độc hóa học trên 200 lần xuống nhiều vùng, phá hủy trên 300000ha lúa và hoa màu.
3.3. Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam thông qua “Chiến tranh cục bộ”, leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", nhà Trắng quyết định thay đổi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và mở rộng "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc.
"Chiến tranh cục bộ" là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới nằm trong chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ. "Chiến tranh cục bộ" bắt đầu từ giữa năm 1965 được tiến hành bằng lực lượng của quân viễn chinh Mỹ, quân "đồng minh" và quân ngụy tay sai ở miền Nam, trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta.
Đầu năm 1965, những hoạt động quân sự cho “chiến tranh cục bộ” được ráo riết chuẩn bị. Tháng 2/1965, sau khi đưa một đại đội máy bay vào Biên Hòa, Mỹ đưa tiểu đoàn tên lửa phòng khồn vào Đà Nẵng. Tháng 3/1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng.
Trong giai đoạn này, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cụ thể hóa quyết định của Giôn – xơn thành các biện pháp quan trọng:
* Chuẩn y tăng thêm 18000 đến 20000 quân trong các lực lượng hỗ trợ của Mỹ
* Chuẩn y thêm 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và những bộ phận kết hợp về chỉ huy và hỗ trợ
Ngày 26/6/1965, Oátmôlen được chính phủ Mỹ cho phép đưa quân Mỹ vào trận “khi nào thấy cần thiết”. Tháng 7/1965, Giôn – xơn chuẩn y tăng quân Mỹ lên 44 tiêu đoàn và kế hoạch “tìm và diệt ”, một quyết định “đã vượt qua ngưỡng cửa bước vào cuộc chiến tranh trên dải đất liền ở châu Á”. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu quá trình thay đổi đường lối, chính sách leo thang chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam.
Do ỷ vào ưu thế quân sự số đông, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh, cơ động nhanh, nên khi mới vào miền Nam, quân viễn chinh Mỹ với tư thế hùng hổ của người cầm chắc chiến thắng. Chúng mở liền hai cuộc tiến cong chiến lược mùa khô 1965 -1966 và 1966 – 1967 bằng những cuộc hành quân “tìm diệt” vào vùng đất thánh Việt cộng. Giới cầm quyền Mỹ cho rằng với ưu thế hơn hẳn, Mỹ cầm chắc phần thắng trong vòng 18 tháng.
Cùng với việc đưa quân chiến đấu vào miền Nam, Mỹ tăng cường không quân và hải quân đánh phá miền Bắc mạnh mẽ, liên tục hơn với mục đích làm cho “cột xương sống” của Hà Nội mềm đi để phải thương lượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ. Mỹ lấy cớ sự kiện vịnh Bắc bộ (đêm 4/8/1964), cho rằng tàu Mỹ bị hải quân Việt Nam tấn công ở ngoài khơi vịnh Bắc bộ, nên đã cho lệnh ném bom một số nơi ở miền Bắc như: cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thủy, Lạch Trường và thị xã Hòn Gai.
Ngày 13/2/1965, Mỹ quyết định ở các hoạt động đánh phá miền Bắc thành cuộc chiến tranh phá hoại, coi đây là một biện pháp bổ sung cho chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam với các mục tiêu:
* Làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu của nhân dân hai miền Nam Bắc
* Ngăn chặn sự chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và chi viện từ Bắc vào Nam, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam
* Phá hủy tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc Việt Nam.
Với âm mưu trên, các tướng lĩnh của Mỹ cho rằng: “chúng ta sẽ phá hủy mọi nhà máy, mọi cơ sở công nghiệp, không bao giờ ngừng lại khi còn hai viên gạch dính liền vào nhau, làm như vậy tức là kéo lùi miền bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”
3.4. Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, vừa đánh vừa đàm và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai
Đầu năm 1969, vừa trúng cử tổng thống và chính thức bước vào Nhà Trắng, Níchxơn cho ra đời "Học thuyết Níchxơn", đề ra chiến lược toàn cầu "Ngăn đe thực tế" thay cho chiến lược toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" của Kennơđi đã bị phá sản trên thế giới và ở Đông Dương. Mỹ thực hiện thí điểm ở các nước Đông Dương chiến lược toàn cầu mới, đề ra chiến lược "Việt Nam hoá" chiến tranh, "Lào hoá" chiến tranh, "Khơme hoá" chiến tranh, và "Đông Dương hoá" chiến tranh.
"Việt Nam hoá" chiến tranh của Níchxơn là để thay cho chiến lược chiến tranh cục bộ của Giônxơn đã phá sản, là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ được tiến hành bằng quân đội tay sai là chủ yếu, có sự phối hợp của một bộ phận đáng kể lực lượng chiến đấu Mỹ và vẫn do Mỹ chỉ huy bằng hệ thống cố vấn quân sự, cung cấp đô la, vũ khí kỹ thuật, phương tiện chiến tranh, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta.
Thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá" chiến tranh, quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu rút dần khỏi chiến tranh đồng thời tăng cường quân đội tay sai để giảm xương máu người Mỹ trên chiến trường. Thực chất đó là sự tiếp tục thực hiện âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt".
Nhưng trong thời kỳ đầu của "Việt Nam hoá" chiến tranh, quân Mỹ còn giữ vai trò quan trọng, cùng với quân ngụy là hai lực lượng chiến lược. Quân Mỹ và chư hầu trong năm đầu (1969) đạt đến con số cao nhất (hơn 50 vạn lính Mỹ, 7 vạn lính chư hầu) là chỗ dựa của quân ngụy và của chiến lược "Việt Nam hoá" chiến tranh.
Quân đội Sài gòn còn được Mỹ sử dụng như lực lượng xung kích ở Đông Dương trong các cuộc hành quân mở rộng xâm lược Campuchia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971), thực hiện âm mưu "dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương".
Trong giai đoạn này , Mỹ dùng mọi thủ đoạn về tát cả các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao để đối phó với cách mạng ở cả hai miền Nam – Bắc.
Ở miền Nam: Mỹ tiến hành các kế hoạch “Bình định cấp tốc”, “Bình định đặc biệt”…kết hợp với hàng vạn cuộc hành quân càn quét, đóng hàng nghìn đồn bốt, chiếm lại hầu hết vùng nông thôn, kìm kẹp nhiều dân trên nhiều vùng…
Ở miền Bắc, Ních xơn thực hiện “Mỹ hóa trở lại” cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng lực lượng lớn không quân và hải quân, ồ ạt tham chiến ở miền Nam, gây lại chiến tranh phá hoại miền Bắc. Về số lượng máy bay, Mỹ huy động lúc cao nhất lên tới 1400 máy bay chiến thuật, 193 máy bay B52, 14 tàu chiến. Riêng chỉ lực lượng không quân Mỹ huy động đánh Việt Nam bằng lực lượng không quân 3 nước mạnh nhất Tây Âu lúc đó cộng lại.
Mỹ đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với các nước lớn khác nhằm cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn Trung – Xô, ép các nước giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý đồ của Mỹ. Thủ đoạn thâm độc nhất là “lá bài Trung Quốc”, chúng gây sức ép giải quyết vấn đề Đài Loan để Trung Quốc ép Việt Nam chấp nhận yêu sách của Mỹ.
Mỹ còn sử dụng bàn đàm phán để đấu tranh với ta về mặt chính trị. Sau 1968, các bên đã ngồi thương lượng về việc giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên lập trường các bên khác nhau nên bàn đàm phán diễn ra căng thẳng và bế tắc. Cuối năm 1972, chính phủ Hoa Kỳ sau những thất bại quân sự và dưới sức ép của dư luận, đã đi đến thỏa hiệp các vấn đề cơ bản như: Quân Mỹ và đồng minh nước ngoài rút khỏi Việt Nam, chấm dứt mọi can thiệp quân sự vào Việt Nam …Đến ngày 27/1/1973, sau thất bại của trận tập kích bất ngờ bằng
B52 ra Hà Nội trong 12 ngày đem, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari. Ngày 29/3/1973, những tên lính Mỹ cuối cùng rút về nước, chấm dứt thời kỳ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam.
Tuy đã về nước, nhưng Mỹ vẫn ngoan cố đứng đằng sau viện trợ cho chính quyền Việt Nam cộng hòa tiến hành chiến tranh bằng các hình thức trá hình như: đội cố vấn quân sự 2 vạn người đội lốt dân sự, vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn. Phải đến ngày 30/4/1975, khi quân Việt Nam cộng hòa thất bại hoàn toàn, Mỹ mới dừng các thủ đoạn thâm độc để can thiệp vào Việt Nam.

KẾT LUẬN
Các thủ đoạn đế quốc Mỹ thực hiện trong việc can thiệp vào Việt Nam từ 1945 đến 1975 có thể nói là hết sức tinh vi, tàn bạo và thâm độc như vậy. Qua thời gian, các thủ đoạn ngày càng thể hiện tính chất tàn bạo với các chiến lược chiến tranh khủng khiếp, với vũ khí tối tân, hiện đại. Nhưng dù thủ đoạn nào đi chăng nữa, với lòng yêu nước sâu sắc, kiên quyết đánh giặc đến cùng, chúng ta đã đẩy Mỹ vào thế thất bại nhục nhã, đến bây giờ vẫn là một “Hội chứng Việt Nam” trong lòng nước Mỹ.












TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự, “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975”, Tập 1, Nxb Sự Thật, HN, 1960
2. Trần Bá Đệ, “Lịch sử Việt Nam từ 1858 – nay”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003
3. Nguyễn Phúc Đức, “Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam”, Nxb Lao động, Hn, 2009
4. Đặng Dũng Chí, “Vì sao Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam”, Tạp chí NCLS, số 11/1995
Chữ ký của Hoangnga





Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam I_icon_minitimeWed Mar 10, 2010 9:46 pm

gamiriki
sing , dance , xem show hàn , yêu VN

Thành viên cấp 2

gamiriki

Thành viên cấp 2

Họ & tên Họ & tên : Thu Chi
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 28/02/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 51
Đến từ Đến từ : Thái Bình hiện học ở Hà Nội
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : sing , dance , xem show hàn , yêu VN
Điểm thành tích Điểm thành tích : 65
Được cám ơn Được cám ơn : 12

Bài gửiTiêu đề: Re: Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam

 
chị ơi hay lắm chị em mình già thật ùi ở đây toàn nhok nhỏ tuổi hơn mình thui
Chữ ký của gamiriki




 

Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử :: Khối Trung học phổ thông :: Lớp 12-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất