3:20, 16/11/2009
Các tàu chiến tuần tiễu của hải quân Hàn Quốc.
Tại khu vực biển Hoàng Hải vừa xảy ra vụ đụng độ giữa các tàu chiến của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Phía Seoul khẳng định, tàu tuần tiễu của CHDCND Triều Tiên đã xâm nhập trái phép vào hải phận của Hàn Quốc buộc họ phải nổ súng. Còn Bình Nhưỡng tuyên bố, chính các thủy thủ Hàn Quốc là những kẻ khiêu khích đầu tiên.
Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm lại nằm ở những mục đích chính trị nằm sau vụ chạm súng chỉ kéo dài có 2 phút này…
Thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định, một tàu tuần tiễu của hải quân CHDCND Triều Tiên đã xâm nhập sâu khoảng 1 dặm vào vùng lãnh hải của họ gần hòn đảo Daecheong (nằm cách thành phố cảng Incheon, phía tây Seoul 120 dặm). Nếu đúng như vậy, chiếc tàu của CHDCND Triều Tiên được coi là đã vi phạm "Đường giới hạn phía bắc" (NLL - Northern Limit Line), được coi là đường ranh giới giữa hai quốc gia trên biển Hoàng Hải.
Đường ranh giới này trong quá khứ được lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu đơn phương ấn định từ tháng 8/1953, tuy nhiên chưa bao giờ được CHDCND Triều Tiên công nhận. Chính vì vậy, những cuộc đụng độ nhỏ giữa tàu chiến của hai nước tại khu vực này từ trước vốn không phải là chuyện quá hiếm. Seoul khẳng định chỉ riêng từ đầu năm đến nay, tàu chiến Triều Tiên đã 22 lần vi phạm ranh giới NLL. Bình Nhưỡng về phần mình cũng đưa ra những con số thống kê tương tự về những vi phạm của Seoul. Trước vụ việc vừa rồi, từng xảy ra những vụ chạm súng đáng chú ý của tàu chiến hai nước vào năm 1999 và 2002.
Vụ đụng độ vào ngày 29/6/2002 - ngay vào thời điểm đang diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới tại Hàn Quốc và Nhật Bản - được coi là vụ việc nghiêm trọng nhất khi cả hai bên đều có các trường hợp bị chết và bị thương (riêng phía Hàn Quốc có tới 6 binh sĩ thiệt mạng). Chưa kể vấn đề ranh giới trên còn thường xuyên được nhắc tới trong hầu hết các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên.
Quay trở lại với vụ đụng độ mới nhất này, tướng Lee Ki-sik - đại diện Ủy ban Tham mưu liên quân Hàn Quốc - cho biết tàu chiến nước này đã bắn cảnh cáo trước khi bị các thủy thủ Triều Tiên đáp trả. Trong khoảng cách gần 3 km, tàu chiến Triều Tiên đã bắn gần 50 phát đạn, trong đó có 15 viên trúng đích. Tuy nhiên, tàu chiến của Hàn Quốc đã không bị thiệt hại đáng kể nào. Ngược lại, khoảng 200 phát đạn bắn trả của họ đã khiến tàu chiến Triều Tiên bị thương và buộc phải rút lui.
Ngay sau sự kiện trên, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia, trong đó kêu gọi quân đội phải thực sự bình tĩnh. Còn một quan chức quân sự cao cấp khác của Hàn Quốc cũng gọi những gì đã diễn ra chỉ là "vụ đụng độ tình cờ". Dù sao Tổng thống Lee Myung-bak cũng chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng phải nâng cao mức báo động sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Phản ứng chung của cả hai phía đều là chính thức lên tiếng đổ lỗi cho nhau, cũng như yêu cầu bên kia phải có lời công khai xin lỗi.
Thông tin về những thiệt hại chính thức trong vụ chạm súng đều không được cả hai bên nhắc tới. Tuy nhiên theo kênh truyền hình YTN của Hàn Quốc dựa trên những nguồn tin nặc danh từ chính phủ, có ít nhất 1 sĩ quan Triều Tiên thiệt mạng cùng với 3 thủy thủ khác bị thương. Phía Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối khẳng định hay phủ nhận về thông tin được kênh YTN công bố.
Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, vụ đụng độ lần này hoàn toàn không phải là những xung đột tình cờ, mà có nguyên nhân sâu xa từ những mục đích chính trị của cả hai bên. Đối với CHDCND Triều Tiên, sự leo thang căng thẳng này được cho là "có lợi" khi thời điểm các cuộc tư vấn trực tiếp Mỹ - CHDCND Triều Tiên đang tới gần. Washington đang nỗ lực bằng mọi giá để thuyết phục CHDCND Triều Tiên quay trở lại với vòng đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra cũng trong tuần này, Tổng thống Barack Obama sẽ đặt chân tới Seoul trong khuôn khổ một chuyến công du thu hút được sự chú ý của công luận. "Đây là một cách kích động có chủ ý của Triều Tiên nhằm thu hút sự chú ý ngay trước chuyến đi của Obama" - Giáo sư Shin Yul tại Trường đại học Myongji (Seoul) nhận xét.
Ông này cũng nói rằng, đây cũng là một thông điệp mà Bình Nhưỡng gửi cho Obama, cho biết họ muốn thay thế thỏa thuận đình chiến hồi năm 1953 bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài trong thời gian tới. Ngoài ra, với lý do về một mối đe dọa an ninh mới từ phía Seoul, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ có được những lý lẽ trọng lượng hơn trong giai đoạn đàm phán quyết định sắp tới với Washington.
Nhưng một số nhà phân tích khác lại cho rằng, vụ chạm súng trên rất có thể lại là kịch bản từ phía các quan chức quân sự Hàn Quốc. Theo họ, giới lãnh đạo quân đội đang lâm vào thế khó khăn, sau quyết định của chính phủ Hàn Quốc giảm 60% quân số của lực lượng bảo vệ bờ biển. Vụ chạm súng lần này sẽ là cái cớ để giới lãnh đạo quân sự Hàn Quốc nhắc nhở chính phủ nước này không được phép làm suy yếu lực lượng bảo vệ lãnh hải "trước mối đe dọa từ phương Bắc".
Ngoài ra, nhiều quan chức hàng đầu tại Seoul không hề che giấu sự khó chịu trước triển vọng của những cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ - CHDCND Triều Tiên. Vụ việc mới nhất này sẽ là cơ hội để Seoul "cảnh báo" chính quyền Obama cần thận trọng trong việc tiếp cận với Bình Nhưỡng.
Trước những động thái từ cả hai phía, nhận định chung đều cho rằng, sẽ khó có một bước leo thang căng thẳng thực sự tại bán đảo Triều Tiên. Hay nói cách khác, "tai nạn" vừa qua chỉ là một nước cờ đã được tính toán sẵn vì những mục đích riêng trong thời gian sắp tới