Hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta - thành viên CLB Sử học trẻ - hãy cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ những hiểu biết của mình về vùng đất Lịch sử này nhé. Ai biết gì viết cái đó hoặc chia sẻ những bài viết mình sưu tầm được tại đây nha.Xin mở màng bằng việc tìm hiểu lịch sử tên gọi của địa danh Thăng Long - Hà Nội (do mình viết lại từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau):
1. Địa danh Thăng Long
Địa danh Thăng Long gắn liền với vai trò lịch sử của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Theo sử liệu phổ biến hiện nay, Lý Công Uẩn (974 – 1028) là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Lúc lên ba tuổi, mẹ ông (có sách nói tên mẹ ông là Phạm Thị) đem ông giao cho sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi trưởng thành, với sự bảo bọc của sư Vạn Hạnh - anh trai sư Lý Khánh Văn- Lý Công Uẩn vào Hoa Lư làm quan cho nhà Tiền Lê. Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) qua đời, sư Vạn Hạnh và các quan đã tôn Lý Công Uẩn lên làm vua. Sau khi lên ngôi được một năm, Lý Công Uẩn thấy kinh đô Hoa Lư khá chật hẹp, không thích hợp cho việc làm kinh đô (Đất Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay là nơi có chiều ngang hẹp nhất nước ta hiện nay, chỉ khoảng 50km). Với con mắt nhìn xa trông rộng, Lý Công Uẩn cho rằng thành Đại La mới là nơi thích hợp cho việc đóng đô. Trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn cho rằng: “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu, hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Vì thế, ông đã cho dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Việc dời đô được chính thức khởi sự vào tháng 7, năm Thuận Thiên thứ nhất (1010). Tên Thăng Long có từ thời điểm đó. Địa danh Thăng Long còn gắn với một truyền thuyết về việc dời đô của Lý Công Uẩn. Tương truyền, trong quá trình dời đô ra Đại La, khi thuyền của nhà vua cập bến dưới thành Đại La thì thấy một con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất mất trong không trung. Vì thế vua mới đổi tên thành Đại La thành Thăng Long.
2. Địa danh Hà Nội
Địa danh Hà Nội gắn liền với đợt cải cách hành chính của Vua Minh Mạng năm 1831. Nhưng khác với địa danh Thăng Long, tên Hà Nội khi mới xuất hiện không phải dùng để chỉ kinh đô mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc trung ương.
Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã cho đổi phủ Phụng Thiên (vốn là đất đai kinh thành Thăng Long cũ) thành phủ Hoài Đức, là đơn vị hành chính ngang với trấn, trực thuộc trung ương mà đại diện là Tổng trấn Bắc Thành. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua này tiến hành cải cách hành chính lớn và cho xóa bỏ Bắc Thành, lập ra 15 tỉnh trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội lúc đó bao gồm bốn phủ: phủ Hoài Đức (bao gồm ba huyện Từ Liêm, Thọ Xương, Vĩnh Thuận), phủ Thường Tín (bao gồm ba huyện Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên), phủ Ứng Hòa (bao gồm ba huyện Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Thanh Oai), phủ Lý Nhân (bao gồm năm huyện Nam Xang, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục). Địa danh Hà Nội xuất hiện từ thời điểm đó. Và Hà Nội có nghĩa là phía trong sông vì thực tế tỉnh mới này được bao quanh bởi sông Hồng và sông Đáy.
Như vậy địa danh Hà Nội lúc mới xuất hiện chỉ là một tỉnh trực thuộc trung ương. Hà Nội trở thành Thành phố là vào thời Pháp thuộc và do Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập! Sau khi Hiệp ước Harmand (còn gọi là Hiệp ước Quý Mùi) được ký kết ngày 25/8/1883, nhà Nguyễn đã chính thức thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp và thừa nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trên cơ sở đó, ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội trên phần đất của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội thời Minh Mạng và xếp vào loại Thành phố cấp I. (Như vậy địa giới hành chính Thành phố Hà Nội lúc này thu hẹp hơn nhiều so với địa giới hành chính tỉnh Hà Nội thời Minh Mạng). Tên Hà Nội, thành phố Hà Nội được dùng từ đó cho đến nay dù địa giới hành chính có sự thay đổi khác nhau qua từng thời kỳ.
Thời điểm Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của nước ta là vào ngày 02/7/1976 theo sự Quyết nghị của Quốc hội khóa VI.
3. Các tên gọi khác nhau của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kì lịch sử
Vùng đất Hà Nội được biết đến đầu tiên trong lịch sử với tên gọi là Tống Bình từ thế kỷ thứ V trong thời kỳ Bắc thuộc. Tống Bình là một huyện thuộc quận Giao Chỉ. Đến năm 545, huyện Tống Bình được nâng cấp lên thành Quận Tống Bình. Thời nhà Tùy cai trị, Tống Bình được đặt lại làm huyện (năm 602). Thời nhà Đường, Tống Bình trở thành Tống Châu (năm 621), Châu Nam Tống (năm 623) rồi được khôi phụ lại huyện Tống Bình (năm 627). Năm 757, kinh lước sứ nhà Đường Trương Bá Nghi cho đắp La Thành tại Tống Bình, sau được Triệu Xương, Bùi Thái mở rộng. Năm 808, được Trương Châu tu sửa lớn, gọi là An Nam la Thành. Năm 866, tiết lộ sứ Cao Biền đã cho đắp rộng An Nam La Thành và gọi là Thành Đại La.
Đến năm 1010, Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La và cho đổi tên nơi này thành Thăng Long.
Cuối đời Trần, vào năm 1397, Hồ Quý Lý ép vua Trần Thuận Tông dời đô vào Thanh Hóa, xây thành mới gọi là Tây đô. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, lập nên nhà Hồ, vẫn đóng đô ở Tây Đô. Thăng Long được đổi thành Đông Đô để phân biệt với Tây Đô. Từ 1407 – 1427, nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh và Đông Đô được gọi là Đông Quan. Năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo hoàn toàn thắng lợi, Đông Quan được giải phóng. Đến năm 1430, được đổi thành Đông Kinh. Tuy vậy, tên gọi Thăng Long vẫn được dung. Chẳng những vậy, Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lê còn được mở rộng. Thời Lê Thánh Tông, Đông Kinh được gọi là phủ Trung Đô (1466), rồi phủ Phụng Thiên (1469).
Đời Tây Sơn (1788 - 1802), đóng đô tại Phú Xuân (Huế), Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành và được gọi như là Bắc Thành. Triều đại Tây Sơn sụp đổ sau một thời gian ngắn ngủi, Gia Long lên ngôi năm 1802 vẫn đóng đô ở Phú Xuân. Thăng Long khi ấy vẫn được gọi là Bắc Thành nhưng phủ Phụng Thiên được đổi thành phủ Hoài Đức (năm Gia Long thứ tư – 1805). Năm 1831, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội, bao gồm phủ Hoài Đức và ba phủ khác. Thăng Long cũng được gọi là Hà Nội từ thời điểm đó và được dùng cho đến ngày nay.
Hà Nội còn được gọi với tên khác là Hà Thành.