Hát Xoan trên vùng đất Tổ
Hát xoan là một loại dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng cũng như hát dặm, hát dô ở đồng bằng sông Hồng.
Hát xoan được tổ chức vào mùa xuân, mở đầu cho múa hát để đón chào năm mới.
Các họ xoan ở vùng đất Tổ lần lượt hát khai xuân ở miếu đình làng xã, sau đó các họ xoan sẽ đi hát lần lượt các nơi khác. Vì hát ở cửa đình cho nên hát xoan còn gọi là “khúc môn đình”.
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Tập "truyền thuyết Hùng Vương" đã ghi sự tích của hát xoan như sau: "Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sanh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt , khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô dẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát xoan".
Ngày nay, hát xoan chỉ thấy phổ biến ở vùng đất Tổ diễn ra vào mùa xuân, sau Tết Nguyên Đán. Mỗi phường xoan giữ hát ở một số cửa đình nhất định. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường xoan. Từ tục này đã dẫn đến tục kết nghĩa họ xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng. Và mỗi phường xoan hay còn gọi là họ xoan phải có một ông trùm, bốn năm kép và từ mười đến mười lăm đào.
Ông trùm xoan lo hướng dẫn, chỉ bảo các đào, kép học tập các làn điệu hát, múa và chuyên lo giao dịch với các địa phương. Các đào xoan đều là các cô gái xinh đẹp, có giọng hát hay, tuổi từ 15-20. Khi đã có chồng thì không theo phường hát nữa. Kép có thể là người đứng tuổi, đã có vợ con.
Hàng năm, trước khi đi hát, các phường xoan thường lo tập luyện trước vào tháng Chạp âm lịch.
Hát xoan phải theo trình tự đã qui định, gồm hát phần nghi lễ tôn giáo; phần diễn xướng các quả cách như xuân, hạ, thu, đông, ngư tiều canh mục, thuyền chèo, tứ dân... cơ bản là hát lối và ngâm đọc, có thêm phần hát hội mang tính chất trữ tình, phản ánh những nội dung yêu đương, giao duyên giữa trai và gái. Cuối cùng là phần giã cá để kết thúc quá trình diễn xướng của hát xoan.
Mùa xuân trên quê hương đất Tổ, không gì vui bằng đi xem hát xoan. Và hát xoan thì cứ tiếp tục hát từ đình này cho đến đình khác khiến cho không khí hội hè, vui xuân cứ kéo dài ra mãi.
Minh Đạt