Trong các lễ hội mang tính cộng đồng, người Cơ Ho Lâm Đồng nói riêng và người thiểu số Tây Nguyên nói chung thường tổ chức đâm trâu với ý nghĩa hiến sinh để cầu an.
Trong lễ đâm trâu, ngoài con vật hiến tế (trâu) còn có một "cây linh hồn" khác được gọi là gùng lgang stàng liep (cây nêu) với tục lệ bôi máu con vật hiến tế được hiểu như là một thông điệp cầu an gửi đến các thế lực siêu nhiên, nhất là thế lực siêu nhiên thuộc tuyến thần ác.
Sau lễ rửa chân trâu, lúc koi me (lúa mẹ) ngậm sữa là lúc dân làng chuẩn bị cho ngày hội sapu (ăn trâu) tạ ơn thần linh. Hội đồng già làng họp lại để lên danh sánh khách mời ở những buôn xa bản gần. Hội đồng này cũng chuẩn bị cho sự hòa giải những mâu thuẫn và đôi khi còn có cả những mối hận thù giữa các thành viên trong cộng đồng mình và giữa cộng đồng mình với các cộng đồng khác.
Còn những người phụ nữ thì ngồi vào khung dệt chuẩn bị cho mình bộ váy rực rỡ nhất. Và có lẽ công phu nhất vẫn là việc chuẩn bị cây nêu, dài khoảng hai, ba chục mét.
Mỗi lần sapu diễn ra thì tất thảy đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ đều không được ngủ. Những ché rượu cần được xếp quanh vòng cây nêu. Bên cây nêu, những thù hận phải được gột rửa, những hiềm khích phải được xóa bỏ. Bởi, cây nêu đã nói thay lời già làng rằng cuộc sống này phải có tình thương yêu.