--------------------------------------------------------------------------------
"Học Lịch sử sẽ giúp bạn hiểu được hiện tại...” - PGS-TS sử học Shawn F. McHale (ĐH George Washington, Washington DC, Mỹ) nói về phương pháp giáo dục thông qua môn Lịch sử.
Khi yêu cầu SV viết về việc Mỹ nên hoặc không nên xâm lược VN trong thời chiến tranh VN, tôi không quan tâm SV chọn nên hay không nên; tôi chỉ muốn họ chứng minh luận điểm của mình với chứng cứ. Điều đó mới quan trọng! Tôi có ý kiến của tôi, nhưng SV của tôi thường thì có ý kiến khác. Tôi thật sự luôn khuyến khích SV bất đồng quan điểm với mình... Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ hiểu được quá khứ, để họ hiểu và giải quyết vấn đề hiện tại!” - PGS.TS Shawn F. McHale (ĐH George Washington, Washington DC, Mỹ) đã chia sẻ như vậy trong một buổi trò chuyện riêng với phóng viên VietNamNet!
"Tôi luôn khuyến khích sinh viên bất đồng với mình".
- Ông bắt đầu quan tâm đến lịch sử VN trong hoàn cảnh nào?
- Năm 1982, tôi bắt đầu nghiên cứu LS VN. Tôi có một bằng Cao học ở Hawaii, lúc đó thầy giáo của tôi là ông Trương Bửu Lâm, Trưởng khoa Lịch sử (LS) ở đây. Ông ấy rất tiến bộ! Ông ấy không phải là người cộng sản, nhưng ông có một cái nhìn khách quan về hệ thống VN. Ông đã giới thiệu LS VN cho tôi. Và một người khác, ông Nguyễn Đăng Liêm, dạy tôi tiếng Việt. Hai người này đã bắt đầu cho quá trình nghiên cứu LS VN của tôi. Thật sự là có nhiều người VN đã giúp đỡ tôi trong nhiều năm qua.
- Ông cảm nhận thế nào về LS VN?
Năm 1989, P.GS TS Shawn F. McHale đến VN. Ông được biết đến như là một trong những người Mỹ đầu tiên đến VN kể từ năm 1975 (trước đó có người Nga, Thụy Sĩ, Anh). Thời gian đó ông và Peter Zinoman - hiện là GS lịch sử tại ĐH Berkeley - đến VN hai tháng để học tiếng Việt, đồng thời dạy tiếng Anh tại ĐH Cần Thơ. Shawn F.McHale viết nhiều sách nghiên cứu và giảng dạy về LS VN.- LS VN rất đa dạng và giàu có. Một trong số những đề tài nhạy cảm hầu như chưa được nói đến là quan hệ giữa người VN và người Khmer trong quá khứ. Bạn sẽ không tìm thấy nhiều sách viết sự tương tác gay go giữa người Việt và người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là một phần của lịch sử, dù nó tốt hay xấu. Hoặc, trong thời kì thuộc địa, đã từng có người Ấn Độ đến sống ở ĐBSCL. Nhưng khi chúng ta đọc sách LS, rất ít người nhắc đến người Ấn Độ, tuy không nhiều nhưng họ đã sống ở đây. VN trong thời kì thuộc địa là một thành phố quốc tế, đó là một điều đang dần bị lãng quên, người ta biết rất ít về nó...
Tôi cho rằng, cách quan trọng nhất để dạy lịch sử là cho thấy được lịch sử VN đa dạng và giàu có như thế nào; hay nói cách khác, người ta nên hiểu về sự đa dạng trong quá khứ của VN; và làm cho nó đa dạng hơn, tôi nghĩ là sẽ có ích hơn.
- Ông nghĩ LS quan trọng như thế nào đối với giới trẻ ngày nay?
- Ở VN hiện nay, giới trẻ không thích thú lắm với LS. Theo tôi, đôi khi họ quá quan tâm đến tương lai và không đủ quan tâm đến quá khứ hấp dẫn của VN.
Lí do tại sao người VN nên quan tâm đến LS? Vì đó chính là di sản văn hóa của VN. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, bạn không muốn bắt chước những gì người Nhật, Hàn Quốc, hay người Mỹ từng làm. Bạn muốn người khác biết bạn đến từ đâu. Điều đó quan trọng với người Kinh, người Khmer, người Chăm... sống ở đây, tất cả những người sống ở VN! Điều đó cũng quan trọng đối với người Mỹ. Đây là bài học chung, khái quát: bạn đến từ đâu, đó là di sản văn hóa!
- LS có thể hướng dẫn và đưa ra những bài học cho hiện tại hay không, thưa ông?
PGS-TS sử học Shawn F. McHale.- LS VN rất đa dạng, có rất nhiều bài học khác nhau mà người ta có thể học được từ nó.
Đôi khi bạn học những sự kiện đã xảy ra, nó sẽ giúp bạn hiểu về hiện tại. Đối với giới trẻ, điều này lại làm họ hứng thú hơn. Ví dụ ở Mỹ, SV nói nhiều về chiến tranh ở Iraq, vì sao chúng tôi lại tham chiến, vv… Đây là một trường hợp để hiểu về chiến tranh ở VN. SV thật sự muốn biết những gì đã xảy ra ở VN, bởi vì họ cho rằng người Mỹ cũng đang phạm phải những sai lầm như trước đây tại Iraq hiện nay... Tôi cho rằng, học LS là một cách đúc kết để tìm ra kết luận cho vấn đề hiện tại!
- Theo ông, cách nào để LS trở thành một phần trong đời sống của giới trẻ ngày nay?
- Đây là một câu hỏi thú vị! Nhiều người nghĩ LS là nhàm chán, vì họ không thích học hết sự kiện này lại đến sự kiện khác. Câu hỏi ở đây là cách bạn dạy LS để có thể thu hút SV quan tâm, thích thú. Họ không bị bắt buộc phải học LS, mà chỉ học nếu họ muốn.
Có lẽ điều này sẽ giúp bạn hiểu quan điểm của tôi. Ở Mỹ, tại hầu hết các trường ĐH, ở cả bậc ĐH và sau ĐH, bạn không bị đòi hỏi là phải học một môn LS cụ thể. Bạn phải học một môn LS, nhưng được chọn lớp học. Có khá nhiều “nhánh” lịch sử như: lịch sử về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị... để bạn chọn lựa. Khi bạn lựa chọn học một cái bạn thích, bạn sẽ thấy thích thú và học tốt hơn. Ở Mỹ, chúng tôi cơ bản thường phải học lịch sử, thường là hai học kì học LS Mỹ bắt buộc, sau đó được lựa chọn.
Để làm cho LS thành một phần của cuộc sống, tôi nghĩ rằng cần đem quá khứ vào thành một phần của cuộc sống. Ví dụ, nếu bạn thích âm nhạc, bạn sẽ học âm nhạc truyền thống, bạn có thể biểu diễn, và điều này đã trở thành một phần của LS. Nếu bạn quan tâm đến làm giàu, chúng tôi dạy LS kinh tế, giảng giải cho bạn làm thế nào mà đất nước đã trở nên giàu có trong thời gian qua. Rồi LS thời trang, LS tình dục... Chúng tôi có nhiều cách dạy LS khác nhau.
- Vậy ông có thể chia sẻ thêm về phương pháp dạy lịch sử của ông cụ thể như thế nào?
- Điều này phụ thuộc vào trình độ SV. Tôi nghĩ kĩ năng giỏi nhất của tôi là tổ chức hội thảo, thảo luận. SV cũng thích điểm đó. Nên khi tôi dạy bậc đại học, tôi sẽ giảng bài một tuần một lần, buổi học tuần sau hoàn toàn sẽ là thảo luận. Thảo luận là để hiểu tài liệu. SV không chỉ nghe giảng không, mà còn phải suy nghĩ từ tài liệu. Họ cần phải phê bình các sử gia hoặc những người khác, họ cần phải chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề đó với người khác. Không chỉ là bạn nói, mà là bạn thảo luận - sẽ làm bạn học tốt hơn. Vì thế, chúng tôi xoáy vào việc thảo luận.
Cũng còn những cách khác như: Tôi đề nghị SV viết bài. Tôi không quan tâm họ đứng ở vị trí nào. Ví dụ, họ có thể viết về Mỹ nên hoặc không nên xâm lược VN thời chiến tranh VN. Tôi không quan tâm họ chọn cái nào, tôi chỉ muốn họ chứng minh luận điểm của mình với chứng cứ. Điều đó mới quan trọng!
Một điều làm tôi băn khoăn là có nhiều tiền chi cho phát triển, cho đào tạo con người trong những lĩnh vực như Nhân Học, Kinh tế... nhưng rất ít cho LS. Các sử gia xứng đáng được đầu tư nhiều tiền hơn, vì họ là người kể câu chuyện của đất nước. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, tôi thật sự hy vọng, các sử gia sẽ tiếp cận với thế hệ trẻ. Sẽ rất có ích nếu chính phủ ủng hộ họ nhiều hơn, đầu tư cho họ nhiều tiền để nghiên cứu, đào tạo, giúp giáo viên và những người khác làm cho LS thú vị hơn đối với giới trẻ, học và thử nghiệm những phương pháp khác nhau…
- Xin cám ơn ông!
Ngọc Quỳnh (thực hiện)
Theo:
http://vietnamnet.vn/__________________