Năm 2009 khép lại, dấu ấn về một mảnh đất văn hiến, đậm đà bản sắc đã khắc ghi trong trái tim bao người yêu mến. Cùng với sự kiện dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại, Bắc Ninh còn được bạn bè quốc tế và du khách thập phương biết đến bởi việc đăng cai môn Boxing nữ trong khuôn khổ Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ III (AIG 3), Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc hoà bình thế giới...
Những sự kiện ấy đã đưa tinh hoa văn hoá quê hương Quan họ vươn lên một tầm cao mới hội tụ và lan toả. Năm 2010 này, chào đón 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và sự kiện Festival Bắc Ninh lần đầu tiên được tổ chức sẽ là dịp để văn hiến Bắc Ninh thêm một lần nữa toả sáng.
Có thể nói năm 2009 là năm văn hoá Bắc Ninh hội nhập. Thật khó diễn tả được cảm xúc của cộng đồng 44 làng Quan họ gốc trong tỉnh khi nhận được thông tin Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại. Sau hơn 1 năm chờ đợi, ngày 30/9/2009 đã ghi một dấu ấn đặc biệt, tất cả các thành viên tại Hội nghị Liên chính phủ UNESCO họp tại Thủ đô AbuDhabi (Tiểu các Vương quốc Ả rập thống nhất) đã nhất trí bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ là di sản của thế giới. Hành trình vươn tầm thế giới của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một câu chuyện dài có hậu và là kết quả của công sức, trí tuệ tập thể. Vinh dự lớn, trách nhiệm càng cao, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn di sản đặc sắc ấy, UBND tỉnh đã thông qua chương trình hành động trong thời gian tới gồm 14 nội dung trọng tâm, trong đó tập trung vào các việc: Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kê Dân ca Quan họ Bắc Ninh định kỳ theo từng năm; Hoàn thiện danh sách nghệ nhân Quan họ ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; Xây dựng chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, nhất là nghệ nhân được phong tặng “báu vật nhân văn sống”; Hoàn thiện, phân loại hệ thống tư liệu và kết quả nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu về Quan họ Bắc Ninh; Hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các làng quê; Thành lập Hiệp hội nghệ nhân Quan họ Bắc Ninh trên cơ sở các câu lạc bộ hiện nay; Tìm ra các giải pháp để Quan họ thích ứng với sự phát triển của các phương tiện âm thanh trong đời sống đương đại; Xây dựng chuyên đề Dân ca Quan họ Bắc Ninh để đưa vào giảng dạy ở các nhà trường THCS và THPT; Mở chuyên mục Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên Đài, Báo tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác; Phối hợp với ngành du lịch khai thác và phát huy giá trị di sản Quan họ một cách bền vững… Mục tiêu ưu tiên là đẩy mạnh hoạt động truyền dạy hát Quan họ tại gia đình và cộng đồng các làng Quan họ, để ông bà, cha mẹ dạy truyền khẩu cho thiếu nhi từ 9 tuổi trở lên. Có như vậy, dân ca Quan họ mới trường tồn và lan toả bởi sức sống của loại hình diễn xướng đặc sắc này phụ thuộc vào việc cộng đồng đón nhận và nuôi dưỡng như thế nào.
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, một Bắc Ninh thân thiện, mến khách và giàu bản sắc đã được du khách quốc tế biết đến qua giải Boxing nữ trong khuôn khổ AIG 3. Bên lề những trận so găng quyết liệt trên đài đấu, đông đảo quan khách, VĐV, HLV, trọng tài đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đã được thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm, thăm thú các di tích lịch sử, làng nghề tiêu biểu và nếm đặc sản qua các tour du lịch do đơn vị Thường trực BTC AIG 3 thực hiện. Cùng với sự kiện Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch còn trao Giấy chứng nhận VĐV mặc trang phục Quan họ Bắc Ninh đẹp cho Cho Weng Chan, VĐV đến từ Ma Cao. Với người dân Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, AIG 3 là sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục lớn nhất mà chúng ta có vinh dự đăng cai, còn với quan khách và bạn bè quốc tế, dù những ngày thi đấu ngắn ngủi vẫn kịp yêu mến và vương vấn tình cảm nồng hậu về một miền quê thanh bình có nền văn hoá độc đáo. Vượt lên trên những tấm Huy chương, điều đọng lại sâu sắc nhất trong các đoàn VĐV Boxing đến với Bắc Ninh chính là dấu ấn văn hoá tốt đẹp về Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Sự kiện cung nghinh Phật ngọc hoà bình thế giới tại chùa Phật Tích đã làm nức lòng hàng vạn tăng ni, phật tử và hàng triệu lượt du khách trong cả nước hồi trung tuần tháng 5/2009. Trong những ngày Phật ngọc toạ lạc tại chùa Phật Tích đã diễn ra song song hoạt động Phật pháp gắn với xã hội: lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ, cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hoà... Đây không chỉ là hoạt động mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng mà đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, độc đáo văn hoá Bắc Ninh do vậy cũng toả hương khoe sắc.
Ba sự kiện văn hoá đặc sắc, độc đáo trên cùng với nhiều hoạt động của các ngành, địa phương: Đài PT-TH đăng cai Liên hoan Dân ca toàn quốc khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thư viện tỉnh đăng cai tổ chức Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách khu vực đồng bằng sông Hồng với sự tham dự của 14 tỉnh, thành và các hoạt động sôi nổi khác của Hội Văn học - Nghệ thuật, Bảo tàng, Trung tâm Văn hoá tỉnh... thực sực đã làm nên một năm văn hoá Bắc Ninh hội tụ và lan toả.
Đặt mục tiêu tổ chức thành công và ấn tượng Festival Bắc Ninh 2010, các khâu quan trọng trong công tác chuẩn bị được tiến hành khá chu đáo. Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, đây là sự kiện được người dân chờ đón nhất trong năm 2010 - lễ hội tổng hợp lớn nhất với quy mô chưa từng có trên quê hương Quan họ nhằm quảng bá nền văn hoá, thể thao và du lịch Bắc Ninh đã và đang trên đà phát triển. Festival Bắc Ninh 2010 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/4/2010 (tức mồng 4 và 5 tháng Ba, Xuân Canh Dần) với lễ khai mạc và bế mạc đầy ấn tượng cùng nhiều hoạt động thể hiện tiềm năng văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh nhà.
Tham dự và chứng kiến cuộc diễu hành Carnaval đường phố với chủ đề “Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Bắc Ninh” gồm các phần: Giới thiệu Bắc Ninh, Lễ rước kiệu truyền thống, Nông dân làng nghề, Thể thao và Du lịch, Công nghiệp Bắc Ninh… du khách thập phương sẽ được hoà mình vào không khí lễ hội sôi động, độc đáo và hấp dẫn được kết nối với lễ khai mạc, bế mạc hoành tráng, dàn dựng công phu do chính các nghệ nhân, nghệ sỹ và đông đảo tầng lớp nhân dân trên quê hương Quan họ thể hiện. Lễ khai mạc có chủ đề “Văn hiến Bắc Ninh” cùng lễ bế mạc “Bắc Ninh hội nhập và phát triển” với phần lễ trang nghiêm, trọng thị, chương trình nghệ thuật đa dạng màu sắc, ánh sáng, âm thanh thể hiện rõ hào khí dân tộc chắc chắn sẽ ghi dấu ấn mới về mảnh đất Bắc Ninh giàu bản sắc trong lòng du khách. Tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực cho việc tổ chức thành công sự kiện này, nhằm đưa Festival Bắc Ninh trở thành “thương hiệu” gắn liền với sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.