Khá khen cho những người xuất bản serie truyện tranh này đã rất khéo léo khi có lời mở đầu rằng: “Đúng như tên gọi! Truyện hay sử Việt cùng những câu chuyện hấp dẫn, những giai thoại kỳ lạ về các vị vua, các danh tướng quen thuộc sẽ lần lượt xuất hiện...". GS sử học Lê Văn Lan đã bức xúc: Tôi đang phải thẩm định một sản phẩm thế này đây! Một cuốn sách lịch sử mà chẳng có tí gì lịch sử cả! Thật vô lối!
Ông đưa cho chúng tôi xem một cuốn sách đang trong giai đoạn “thô”, chưa xuất bản rồi lắc đầu. Giật mình, đảo qua hiệu sách của NXB Kim Đồng, lựa chọn vài quyển trong bộ Truyện hay sử Việt (NXB Kim Đồng cùng Cty Phan Thị liên kết xuất bản), chúng tôi thấy sự bức xúc của vị Giáo sư này là hoàn toàn có lý.
Khá khen cho những người xuất bản serie truyện tranh này đã rất khéo léo khi có lời mở đầu rằng: “Đúng như tên gọi! Truyện hay sử Việt cùng những câu chuyện hấp dẫn, những giai thoại kỳ lạ về các vị vua, các danh tướng quen thuộc sẽ lần lượt xuất hiện...”. Chính sử ở đây đã được chuyển tải dưới dạng... giai thoại, khá hấp dẫn để thu hút sự theo dõi của trẻ nhỏ. Đó sẽ là một cách làm đúng, nếu ngôn ngữ trong đó không bị... loạn!
Hic hic, he he, ặc ặcTrong hơn chục cuốn sách có trong tay, chúng tôi đọc được cơ man những câu nói của các vị vua, các danh tướng, những tên tuổi lịch sử... với ngôn ngữ cực kỳ hiện đại và tự nhiên chủ nghĩa. Điển hình nhất là sự xuất hiện một cách “liên hồi kỳ trận” những “hic hic; he he, hi hi, ặc ặc...” – những ngôn từ đang làm mưa làm gió trên thế giới mạng, làm đau đầu không ít những người muốn duy trì sự trong sáng của tiếng Việt. Có thể liệt kê ra đây hàng loạt những câu kiểu như vậy.
Trong cuốn Hầu tước mỏ đỏ: “- Hừm! Ngươi làm tướng mà nhát như đàn bà, mặc xiêm áo đi là vừa!” (Lời vua Trần Duệ Tông); “- Hic! Em ta vắn số! Thôi để ta lập con nó lên thay, khanh tiếp tục phò tá vậy!” (Lời Thượng hoàng Trần Nghệ Tông); “- Haha! Chết vua này thì còn vua khác, chớ mình mà chết thì biết nhờ ai!”; “- Hừm! Thằng cháu bạc tình! Tên vua nhãi ranh... muốn hại ta hả?” (Lời Hồ Quý Ly).
Bìa cuốn "Hoàng đế tu tiên".
Trong cuốn Cao tăng tài giỏi: “-Grừ... Grừ... grừ... Thịt sống đâu? Ta đói quá! Mau đưa thịt vào đây cho ta ngự thiện!” (Lời vua Lý Thần Tông); “- He... he, vị cao tăng này mới ở quê lên đó! Nhìn bộ dạng là biết chẳng làm được trò trống gì rồi!... Cao tăng nên về vườn chăn vịt đi thì hơn! Hí hí!” (lời các vị danh y trong cung nói với Thiền sư Không Lộ).
Rất nhiều câu tương tự mà chúng tôi không thể liệt kê hết. Đó là chưa kể các đại từ nhân xưng mang đậm chất “kiếm hiệp Trung Quốc” (huynh - đệ) hay các kiểu mô tả trần trụi, đậm chất hiện đại cũng đầy rẫy trong những cuốn truyện tranh cực mỏng (32 trang, khổ 14cmx17cm) này!
Hiệu ứng “xuyên tạc ngôn từ”
“Chẳng có chính sử nào viết như vậy cả. Toàn là bịa đặt!” – TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học) đã thốt ra như vậy khi đọc xong vài cuốn trong serie Truyện hay sử Việt.
Theo chị, những “giai thoại” này phần lớn chỉ là do người đương thời nghĩ ra và viết lại theo lối rất tự nhiên chủ nghĩa. Cùng chung quan điểm như TS Phương Chi, TS Phạm Văn Tình (Phòng Ngữ pháp học - Viện Ngôn ngữ) cũng bày tỏ sự lo ngại trước lối viết sử kiểu giai thoại như vậy. Theo ông, tuyệt đối không nên dùng ngôn ngữ hiện đại hóa để viết về lịch sử. Khi nói đến các nhân vật lịch sử, nhất là nhân vật trong chính sử, nghĩa là chúng ta đang nói về quá khứ, về những thời kỳ đã qua.
Không phủ nhận việc các nhà viết truyện cố gắng tìm ngôn ngữ riêng để hấp dẫn các độc giả trẻ tuổi, nhưng cũng phải có chừng mực và không được tùy hứng hiện đại hóa các ngôn ngữ lịch sử. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng với những từ ngữ đối thoại trong giao tiếp – nghĩa là những từ ngữ của quá khứ, chứ không phải ngôn ngữ kể chuyện của người đương đại. Trong các cuốn sách trên, đã có hiện tượng dùng ngôn ngữ khẩu truyền đương đại để nói về các danh nhân Việt Nam. Đó chính là một cách làm mất đi tính nghiêm túc, tính chân thực của lịch sử.
“Tôi cho rằng, cách viết này chính là một biểu hiện của hiệu ứng xuyên tạc ngôn từ khi viết về lịch sử” – TS Tình nói. “Điều đó sẽ tạo nên rất nhiều hệ lụy như làm mất đi ý nghĩa lịch sử, mất đi tính thiêng liêng, khiến trẻ em không có sự hiếu kính, sự tôn trọng đối với các nhân vật đã đi vào sử sách”.
Trên thực tế, trẻ em không có nhiều kênh tiếp cận với lịch sử, nên kênh truyện tranh vẫn là một trong những phương án tối ưu, dễ tiếp cận. Nhưng dù thế, vẫn phải giữ nguyên những dấu ấn ngôn ngữ đã “hóa thạch”, chứ không thể tùy tiện phết lên đó những lớp sơn của hiện đại.
Ông Tình cũng cho rằng, việc lạm dụng ngôn ngữ “mạng” vào những cuốn sách kiểu này là một cách làm vô lối, mất đi tính giáo dục. Con em của chúng ta sau khi đọc sách sẽ thấy những vị vua, những danh tướng lừng lẫy, tên tuổi vượt trên cả không gian và thời gian, bỗng chốc trở thành những kẻ pha tạp, cũng văng tục, văng bậy, cũng nói những câu “chẳng khác gì mấy thằng bạn bắng nhắng của mình đang nói”, do đó sự hiếu kính sẽ không còn nữa. Danh nhân trong mắt con trẻ trở nên “cũng thường thôi”!