--------------------------------------------------------------------------------
Chính quyền Seoul vừa khởi tố một nữ điệp viên CHDCND Triều Tiên hoạt động tại Hàn Quốc suốt bảy năm qua trong vỏ bọc người tị nạn.
Ngày 27-8, các công tố viên ở Suwon (TP vệ tinh của Seoul, thuộc tỉnh Gyeonggi) ra quyết định khởi tố cô Won Jeong Hwa, 35 tuổi, về tội làm gián điệp cho CHDCND Triều Tiên. Won bị bắt giữ tại Suwon ngày 15-7 trong lúc cung cấp thông tin tình báo quân sự của Hàn Quốc cho phía Bình Nhưỡng. Trước đó, tình báo Hàn Quốc theo dõi cô Won trong suốt ba năm.
Won là nữ gián điệp CHDCND Triều Tiên đầu tiên bị bắt kể từ năm 1992, sau vụ Lee Sun Sil bị khởi tố tại Hàn Quốc. Đây cũng là vụ án gián điệp đầu tiên bị phát hiện tại Hàn Quốc, kể từ khi hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lịch sử vào năm 2000.
Mỹ nhân kế
Công tố viên Kim Kyeong Su tiết lộ khi còn trẻ, cô Won từng ngồi tù tại CHDCND Triều Tiên vì tội ăn cắp hàng tấn nhôm. Won chạy trốn sang đông bắc Trung Quốc và ẩn náu ở đó vài năm. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của người nhà, Won đã trở lại quê hương và vào năm 1998, Won được đào tạo để trở thành một điệp viên cho Cơ quan an ninh quốc gia CHDCND Triều Tiên.
Nhiệm vụ đầu tiên của Won là sang tỉnh Cát Lâm (đông bắc Trung Quốc) truy lùng những người đồng hương tị nạn đang lẩn trốn để đưa về CHDCND Triều Tiên. Đến năm 2001, Won tìm đường sang Hàn Quốc bằng cách giả làm một phụ nữ Trung Quốc gốc Triều Tiên, để lấy một công nhân người Hàn Quốc. Ngay khi đặt chân đến miền Nam, Won lập tức ly dị và ra trình diện tại Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc, tự nhận mình là người tị nạn từ CHDCND Triều Tiên.
Sau khi được Seoul công nhận, Won được giao nhiệm vụ giảng dạy các bài học chống CHDCND Triều Tiên tại các căn cứ quân sự ở tỉnh Gyeonggi. Nhờ đó, Won có dịp làm quen và quyến rũ ba, bốn sĩ quan để moi thông tin. "Cô ta dùng tình dục làm phương tiện phục vụ hoạt động do thám" - phòng công tố Suwon khẳng định. Trong số đó có trung úy quân đội họ Hwang, 27 tuổi. Won đã chung sống cùng trung úy Hwang trong một thời gian dài.
Trung úy Hwang đã đoán ra Won là gián điệp khi thấy cô hay dò hỏi về các thông tin quân sự. Tuy nhiên, mờ mắt vì tình yêu, Hwang vẫn trao thông tin cho Won. Thậm chí Hwang còn giúp Won hủy các bản fax gửi sang cho cơ quan tình báo CHDCND Triều Tiên. Những thông tin Won muốn có là vị trí những căn cứ quân sự chủ chốt, danh sách người tị nạn ở Hàn Quốc. Ngoài ra, Won cũng tìm thông tin cá nhân của các sĩ quan quân đội Hàn Quốc.
Theo các công tố viên Suwon, trong vài năm qua cô Won đã sang Trung Quốc 14 lần để đến văn phòng Cơ quan tình báo CHDCND Triều Tiên. Ở đó, Won nhận mệnh lệnh và tiền bạc. Số tiền và thiết bị Won nhận được lên đến 60.000 USD. Có lần, quan chức văn phòng trao cho Won vài chiếc kim tiêm tẩm thuốc độc để ám sát hai điệp viên Hàn Quốc tên Lee và Kim mà cô đã phát hiện. Tuy nhiên, kế hoạch ám sát không được thực hiện.
An ninh Hàn Quốc bắt đầu theo dõi Won từ tháng 3-2005 sau khi một sĩ quan bị cô quyến rũ báo cáo lên cấp trên.
Ảnh chụp Won Jeong Hwa trong đám cưới năm 2001 -Ảnh: Reuters
Cộng đồng dân tị nạn bị ***
Trung úy Hwang cũng bị bắt giữ vì tội đồng phạm. Ngoài ra, cảnh sát tỉnh Gyeonggi còn bắt cha nuôi của cô Won là ông Kim, 63 tuổi. Chính quyền cho biết ông Kim cũng cung cấp tài chính cho cô Won. Ông Kim đến Trung Quốc vào năm 1999 và sang Hàn Quốc cuối năm 2006 qua đường Campuchia trong vai một người tị nạn.
Hiện tại, các công tố viên Suwon vẫn chưa đưa ra ngày xét xử cô Won. Cô Won có khả năng chịu án từ 7 năm tù cho đến tử hình. Ban đầu, khi mới bị bắt, cô Won còn phủ nhận mọi cáo trạng nhưng sau đó đã khai nhận.
Sau vụ Won, các công tố viên Hàn Quốc đang yêu cầu chính phủ cho phép mở rộng cuộc điều tra đối với những người tị nạn đang sinh sống ở Hàn Quốc, vì cho rằng có thể còn có nhiều điệp viên của Bình Nhưỡng đang trà trộn trong cộng đồng này. Công tố viên Kim Kyeong Su khẳng định: "Từ lâu chúng tôi nghi ngờ một số người tị nạn là gián điệp và vụ Won đã khẳng định mối nghi ngờ đó”.
Seoul Times dẫn số liệu quân đội cho biết có hơn 4.500 người bị phát hiện làm gián điệp cho CHDCND Triều Tiên tại Hàn Quốc kể từ năm 1948, khi hai miền Triều Tiên bị chia cắt. Sau chiến tranh 1950-1953, có khoảng 14.180 người CHDCND Triều Tiên di tản sang Hàn Quốc, và con số này gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây