--------------------------------------------------------------------------------
Mỹ thúc đẩy tiến trình gia nhập Nato của Gruzia và Ukraina:
Đối đầu quyết liệt Nga - Mỹ và thái độ lưỡng lự của châu Âu
Sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ đang nóng lên từng ngày cùng với chuyến công du châu Âu của Phó tổng thống Dick Cheney, một chuyến đi được phía Nga nhìn nhận là hành động "*****c nước béo cò" của Washington, lợi dụng cuộc xung đột Nga - Gruzia nhằm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực không gian hậu Xôviết.
Phó Tổng thống Dick Cheney được chào đón nồng nhiệt tại Gruzia.
Trong bối cảnh nhiều người phải nhận định về một cuộc Chiến tranh lạnh mới, nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ tại NATO lại không muốn đánh mất những lợi ích trong quan hệ đối tác với Nga...
Vì sao Mỹ muốn thúc đẩy nhanh tiến trình gia nhập của Ukraina và Gruzia?
Chỉ cần liếc qua danh sách những quốc gia ông Cheney đặt chân tới trong chuyến công du châu Âu lần này, không khó để có thể đoán được những mục đích của Washington. Gruzia và Ukraina hiện đang là hai nước tỏ thái độ đối đầu quyết liệt nhất đối với Nga. Sự có mặt của ông Cheney như muốn khẳng định Mỹ sẽ luôn đứng đằng sau cả Kiev và Tbilisi trong cuộc đối đầu này.
Việc chọn Azerbaijan là một chặng dừng chân cũng có ý nghĩa không kém phần quan trọng. Azerbaijan là quốc gia có vai trò quyết định đối với dự án xây dựng đường ống khí gas Nabucco không đi qua lãnh thổ Nga. Đây là một nước đi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc về năng lượng của châu Âu với Nga, mà theo như Washington đồng nghĩa với việc sẽ loại bỏ được một “vũ khí” ảnh hưởng quan trọng của Moskva trên bàn đàm phán.
Tại đây, Cheney cam kết với Tổng thống Aliev rằng, ông sẽ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống đường ống Nabucco. Tuy nhiên, những gì Phó tổng thống Mỹ nhận được chủ yếu là những hứa hẹn xã giao. Tổng thống Aliev khẳng định coi trọng quan hệ với Washington nhưng đồng thời lại không muốn tranh cãi với Moskva.
Ông Cheney có mặt tại Gruzia với lời cam kết sẽ nhanh chóng thúc đẩy tiến trình đưa quốc gia này vào quỹ đạo của NATO cùng món "quà ra mắt" 1 tỉ USD tiền viện trợ, cùng với hứa hẹn cung cấp thêm cho Tbilisi khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá gần 30 triệu USD nữa.
Tờ Wall Street Journal dựa trên một nguồn tin giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết, Cheney đã thông báo cho Tbilisi quyết định tăng cường số lượng chuyên gia quân sự của Mỹ tại nước này để đảm bảo tốt cho khả năng huấn luyện cũng như trang bị lại cho các đơn vị bọc thép của Gruzia.
Cùng lúc đó, đại diện chính thức của NATO James Appathurai cũng tuyên bố: Liên minh quân sự này đã kết nạp thêm Gruzia vào hệ thống kiểm soát không phận của mình. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định này cùng với việc cung cấp các hệ thống giám sát quân sự như radar cho Gruzia từ phía NATO đã vi phạm thỏa thuận đã được ký kết trước đó giữa hai Tổng thống Medvedev-Sarkozy.
Phản ứng của Nga và Châu Âu
"Các đồng minh (ý nói tới các nước đồng minh trong NATO) đã bày tỏ sự đồng ý với việc Ukraina và Gruzia gia nhập NATO" - Hãng Thông tấn ANSA của Italia đã trích nguyên văn câu nói của Phó tổng thống Dick Cheney ngay khi vừa đặt chân tới quốc gia này trong chặng cuối của chuyến công du châu Âu. Ôâng Cheney còn tuyên bố, việc mở rộng NATO cần phải được tiếp tục và đối với cả Ukraina lẫn Gruzia, “đã tới thời điểm để bắt đầu các thủ tục cần thiết gia nhập liên minh này”.
Tuy nhiên, thái độ của các thành viên tại châu Ââu của NATO lại không cho thấy sự quyết tâm như ông Cheney đã nói. Cụ thể ngay như Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Italia Franco Frattini, tiến trình mở rộng NATO bằng cách kết nạp Gruzia và Ukraina sẽ "không được thúc đẩy nhanh và cũng không cố tình trì hoãn".
Cũng theo ông này, Hội đồng NATO trong thời gian gần nhất sẽ bàn bạc lại về tình hình ở Gruzia trước khi "đưa ra quyết định mở rộng liên minh hay không vào trước tháng 12 này". Cần nhớ là tại phiên họp thượng đỉnh NATO hồi tháng 4 vừa rồi, các nước thành viên trong liên minh đã chưa thống nhất chấp nhận đơn xin gia nhập vào "Kế hoạch hành động thành viên" của Ukraina và Gruzia vì lo ngại những phản ứng của Nga.
Phản ứng của Nga về những động thái trên tỏ ra không kém phần kiên quyết. Moskva buộc tội Mỹ đã cố tình thổi phồng cuộc xung đột Nga-Gruzia nhằm tranh giành quyền kiểm soát khu vực Kavkaz.
"Ông Cheney rõ ràng là tác giả chính của nhiều sự kiện phức tạp gần đây trong không gian hậu Xôviết. Những gì đã diễn ra cho thấy, Gruzia trong trường hợp này chỉ là một công cụ mù quáng trong tay ông ta, vì chính phủ liên minh tại đây vừa mới tan rã, nên các đối tác hàng đầu của Wahington chẳng còn tâm trạng nào để bàn bạc về những vấn đề xa xôi hơn, ngoài việc tranh giành những chiếc ghế trong chính phủ tương lai trong tay những con diều hâu Mỹ" - Konstatin Koschev, Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế đã đánh giá như vậy.
Các nhà quan sát đều có chung một nhận định, chuyến công du của ông Dick Cheney đã không đạt được nhiều mục tiêu như đã dự tính từ trước. Ngoài việc được chào đón tại Tbilisi, ông Cheney khi tới Ukraina lại phải "phân tâm".
Còn ngay sau khi ông Cheney rời khỏi Azerbaijan, giữa Tổng thống Aliev và Tổng thống Medvedev ngay lập tức đã có một cuộc nói chuyện điện thoại riêng. Điều này cho thấy quan hệ Nga - Azerbaijan sẽ không bị tác động nhiều từ chuyến đi của Cheney.
Ngay như quyết định “bật đèn xanh” mở rộng NATO, Washington sẽ còn phải rất khó khăn trong việc thuyết phục nhiều đồng minh quan trọng tại châu Ââu như Đức, Italia, Pháp - những nước đang có quan hệ thân thiện cùng nhiều quyền lợi kinh tế với Nga. Có lẽ phải chờ đến thời điểm phiên họp sắp tới của NATO vào tháng 12 mới có thể trả lời được câu hỏi này
Hồng Sơn (Tổng hợp)
Theo ANTG