CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết I_icon_minitimeSun Feb 14, 2010 8:13 pm

fudo85

Thành viên thân thiện

fudo85

Thành viên thân thiện

Họ & tên Họ & tên : Ngô Văn Dương
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết 36 Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết 40 Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết 43 Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết 102
Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 15/07/2009
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 394
Đến từ Đến từ : Hà Nội
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1101
Được cám ơn Được cám ơn : 244

Bài gửiTiêu đề: Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết

 
--------------------------------------------------------------------------------






Nguyễn Thành Trung lái chiếc F5E về căn cứ an toàn
Ý định sử dụng không quân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã được Bộ Tổng tham mưu đặt ra trước khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh

Theo hồi ức từ năm 1985 của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất chủ trì cơ quan Bộ Tổng tham mưu trong chiến cuộc Xuân 1975 (lúc này Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng đang chỉ huy ở chiến trường) đã kể, thì ý định sử dụng không quân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã được Bộ Tổng Tham mưu đặt ra và trao đổi với Bộ Tư lệnh ở chiến trường B2 trước khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh, là: Trước đó Hải quân ta đã phối hợp tác chiến với Bộ đội Quân khu V kịp thời giải phóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa và các đảo khác thuộc lãnh hải Việt Nam, còn Không quân nên sử dụng để hiệp đồng với Lục quân và Phòng không tham gia chiến dịch như thế nào, cần đặt ra và suy nghĩ kỹ để đề đạt với Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị - đó là Bộ Thống soái trong chiến tranh đặt đại bản doanh tại khu A Thành cổ Thăng Long - Hà Nội.

Trong khi Bộ Tổng Tham mưu đặt vấn đề như vậy, ngay từ đầu tháng 4/1975, thì ngày 7/4, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền – Phó Tổng tham mưu trưởng lúc này cùng với Đại tướng Văn Tiến Dũng đang trực tiếp ở chiến trường chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, điện ra báo cáo vừa qua sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung, ta đã thu được một số máy bay chiến đấu của địch loại phản lực ném bom A37, đề nghị Bộ phái cán bộ và nhân viên kỹ thuật của không quân vào tiếp thu, nghiên cứu để sử dụng dùng máy bay địch đánh địch.

Tiếp theo, ngày hôm sau 8/4, Bộ Tổng Tham mưu lại nhận được tin Trung uý phi công Nguyễn Thành Trung - một đảng viên cơ sở binh vận của ta cài vào hoạt động bí mật trong lực lượng không quân nguỵ từ trước, đã lái máy bay F5E của địch bất ngờ đánh bom dinh Tổng thống Sài Gòn rồi bay về hạ cánh an toàn xuống vùng giải phóng ở sân bay Phước Long.

Trên cơ sở những thông tin mới nhất đó, Bộ Tổng Tham mưu sau khi trao đổi, đã báo cáo với Quân ủy Trung ương - nhân lúc địch đang hoang mang rối loạn, ta kịp thời dùng máy bay địch đánh một số mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn - như căn cứ Tân Sơn Nhất, thì sẽ tạo ra tác động lớn càng gây hoảng loạn tinh thần của chúng.

Trong khi đó, tại Bộ Tư lệnh chiến dịch ở chiến trường, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng đã đề cập vấn đề này, và đề nghị giao cho Nguyễn Thành Trung phụ trách số phi công và nhân viên kỹ thuật của không quân Sài Gòn đã sang hàng ngũ ta hướng dẫn kỹ thuật lại cho các phi công ta sử dụng máy bay A37 và F5E để đánh địch.

Được biết, ý kiến này của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ chiến trường điện ra, Bộ Tổng Tham mưu rất tâm đắc, đã kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương và được sự nhất trí của Quân ủy về chủ trương đó.

Theo chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, để triển khai ý định này, Thiếu tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng đã truyền đạt cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân cử ngay phi công và nhân viên kỹ thuật vào sân bay Đà Nẵng tiếp nhận máy bay và tiếp thu kỹ thuật để sử dụng loại máy bay địch mà ta vừa thu được. Đồng thời triệu tập Thiếu tướng Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng đến “Nhà con rồng” - Tổng hành dinh để trực tiếp nhận lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh chuẩn bị sử dụng phi đội A37 sẵn sàng nhận lệnh xuất kích do Bộ Tư lệnh chiến dịch sẽ ra lệnh trực tiếp.

Bàn về cách đánh, Bộ Tổng Tham mưu đã thảo luận đồng thời trao đổi với Bộ Tư lệnh chiến dịch và chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Theo đó, ta sử dụng phi đội A37 với số lượng như đội hình không quân nguỵ vẫn thường áp dụng.

Từ sân bay Thành Sơn bay thấp ở độ cao khoảng 300m, vào đến Xuân Lộc - Vũng Tàu rồi nâng dần độ cao để tiếp cận mục tiêu ở căn cứ Tân Sơn Nhất - chủ yếu là khu để máy bay quân sự của địch.

Sau khi oanh tạc xong khi quay về cần nghi binh để đánh lạc hướng địch trước khi hạ cánh trở lại sân bay Thành Sơn. Để đảm bảo chiến đấu, Cục Tác chiến sẽ thông báo cho các đơn vị phòng không mặt đất dọc địa phận từ Phan Rang trở vào chú ý theo dõi máy bay A37 ta xuất kích để không bắn nhầm.

Sau khi nhất trí giữa Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh chiến trường, tại Sở chỉ huy chiến dịch, ngày 24/4 Đại tướng Tư lệnh Văn Tiến Dũng đã lệnh cho Đại tá Hoàng Dũng ( lúc bấy giờ là Bí thư quân sự của Tướng Dũng - NV) điện cho Đại tá Hoàng Ngọc Diêu - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân từ Đà Nẵng vừa vào sân bay Thành Sơn, ngày 25/4 có mặt tại Sở chỉ huy chiến dịch để nhận nhiệm vụ khẩn cấp.

Nay Thiếu tướng Hoàng Dũng (sau năm 1975 ông là Thiếu tướng, Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu - hiện đang nghỉ hưu ở TP. Hồ Chí Minh) hồi tưởng lại: Chiều 25/4/1975 tại Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch Hồ Chí Minh ở Bến Cát, trong cuộc họp gồm Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tá Hoàng Ngọc Diêu và Đại tá Hoàng Dũng, sau khi nghe Đại tá Diêu báo cáo tình hình tiếp quản sân bay và kết quả phi công ta học lái máy bay A37 của địch ở Đà Nẵng, Tướng Dũng cũng phân tích và chỉ thị nhiệm vụ: “Tôi đã suy nghĩ và trao đổi nhất trí với Chính ủy Phạm Hùng, cũng như đã thống nhất chủ trương tác chiến với Bộ Tổng tham mưu.

Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng máy bay A37 do phi công ta lái để đánh bom thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất và giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức thực hiện. Đây là một biện pháp tích cực, chủ động để khống chế căn cứ không quân địch và hiệp đồng tác chiến với bộ binh ta tấn công vào nội đô Sài Gòn.

Đây còn là sự thể hiện phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra chỉ đạo chiến dịch này. Trận đánh bom Tân Sơn Nhất sẽ tạo thêm sự rối loạn của địch và cảnh báo cho chúng biết rằng khi không quân ta đã xuất kích ở đây, thì không phận miền Nam không còn là của chúng, mà đang thuộc về chúng ta kiểm soát.

Còn đối với ta, sẽ tăng thêm sĩ khí các cánh quân trên bộ đang áp sát và hình thành thế hợp vây chiến dịch để tấn công vào Sài Gòn trong trận quyết chiến lược cuối cùng. Riêng đối với bộ đội không quân, thì đây là cơ hội tốt để các phi công ta trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử này, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến để huấn luyện xây dựng lực lượng không quân trong tương lai. Nhưng về thời gian thì rất gấp, chỉ mấy ngày tới là phải thực hiện kế hoạch, vậy việc chuẩn bị có kịp không?”.

Nghe tướng Dũng hỏi vậy, Đại tá Diêu trả lời ngay: “Báo cáo Tư lệnh, chúng tôi xin kiên quyết chấp hành mệnh lệnh và thực hiện bằng được sự nỗ lực cao nhất. Xin phép cho tôi trở ra sân bay Thành Sơn ngay trong tối hôm nay, và đề nghị Tư lệnh chỉ thị Thiếu tướng Lê Văn Tri cho phi công và thợ máy vừa tập huấn ở sân bay Đà Nẵng di chuyển ngay vào sân bay Thành Sơn trong ngày mai 26/4”.

Khi thân mật bắt tay tạm biệt, Đại tá Diêu, Tướng Dũng niềm nở động viên và nhắc lại quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch: “Chúng tôi tin tưởng trận đánh bất ngờ của không quân ta sẽ thành công và có tác dụng lớn. Cần hết sức khẩn trương, táo bạo, nhưng phải chắc thắng. Nếu đến ngày 28/4 mà không thực hiện được kế hoạch, thì coi như không quân ta không còn cơ hội nào nữa để lập công trong chiến dịch lịch sử này đâu. Các đồng chí chỉ còn một lần này và một hai ngày chuẩn bị nữa thôi. Chúc thành công”.

Vừa giao xong nhiệm vụ cho Đại tá Diêu, ngay chiều cùng ngày hôm đó (25/4), Bộ Tư lệnh chiến dịch đã điện về báo cáo Tổng hành dinh. Sau đó, theo chỉ thị của Tướng Hoàng Văn Thái, Cục Tác chiến đã truyền đạt chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Tham mưu lệnh cho Thiếu tướng Lê Văn Tri dẫn đầu Tổ chỉ huy đặc biệt và điện đài, cơ yếu, đáp máy bay vào ngay sân bay Thành Sơn.

Vậy là trong ngày 26/4, hai đồng chí Tư lệnh và Phó Tư lệnh đã gặp nhau tại sân bay này cùng các phi công, hoa tiêu, thợ máy - trong đó có cả Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung. Tại đây, Đại tá Hoàng Ngọc Diêu đã báo cáo lại Tư lệnh Lê Văn Tri mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, sau đó quán triệt cho tất cả những người vinh dự được chỉ định tham gia trận chiến đấu này.

Tiếp theo trong ngày 27/4, một phi công đội A37 gồm 5 chiếc (đã kiểm tra) được thành lập, đặt tên là “Phi đội Quyết Thắng” do 5 phi công trực tiếp lái, gồm: Ngoài Nguyễn Thành Trung còn có Từ Để, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Văn Vượng và Hán Văn Quảng - là những phi công đang lái máy bay chiến đấu MIG vừa chuyển sang tập huấn sử dụng máy bay A37 được 5 ngày ở Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có Trung úy Trần On, nguyên là hoa tiêu huấn luyện A37 của không quân ngụy đã trình diện, nay xin tình nguyện tham gia chiến đấu.




Ngay hôm sau, khi nhận được báo cáo của Tư lệnh Lê Văn Tri từ sân bay Thành Sơn gửi về Tổng hành dinh Hà Nội đồng thời báo cáo vào Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đang đặt sát cửa ngõ Sài Gòn - về công tác chuẩn bị trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu đã nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương: Đến ngày 27/4, một quyết tâm mới rất táo bạo đã hình thành và đang được triển khai tổ chức thực hiện với sự nhất trí cao giữa các anh trong Bộ Tư lệnh chiến dịch và Bộ Tổng tham mưu.

Bằng trí thông minh và trình độ kỹ thuật cơ bản về không quân vốn có, các phi công ta đã nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt được kỹ thuật sử dụng loại máy bay chiến đấu của địch, chắc chắn sẽ tạo nên một đòn đánh bất ngờ lớn đối với quân ngụy - cũng như không quân ta đã từng làm cho giặc lái Mỹ bất ngờ và thảm bại khi chúng leo thang ra đánh phá miền Bắc những năm trước đây.

Cuộn băng được ghi chiều ngày 28/4/1975, lưu lại phút xuất kích và lúc trở về của trận đánh bom Tân Sơn Nhất . Đây là lời kể trực tiếp của các phi công về trận đánh.
Đến sáng 28/4, tại sân bay Thành Sơn, tất cả đã sẵn sàng đợi lệnh xuất kích. Cùng lúc đó trên khắp các mặt trận 5 cánh quân của 5 binh đoàn chiến dịch từ 5 hướng đang hình thành thế hợp vây nhằm đột phá vào nội đô để đánh chiếm 5 mục tiêu trung tâm đầu não hiểm yếu nhất của chế độ Sài Gòn.

Chiều hôm ấy, theo kế hoạch đã định – sau khi báo cáo Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh chiến dịch về thời gian xuất kích, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đã ra lệnh cho Phi đội Quyết thắng từ sân bay Thành Sơn bắt đầu cất cánh lúc 16 giờ 30 để thực hiện phi vụ đặc biệt đánh bom vào căn cứ Tân Sơn Nhất – một trong 5 mục tiêu trọng yếu của chiến dịch.

Phi vụ đặc biệt này đã được phái viên cơ quan Chính trị – Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân ghi âm lại trong cuộn băng với nhan đề “Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất”. Thu ngày 28/4/1975 tại sân bay Thành Sơn – Phan Rang.
Trước lúc Phi đội Quyết thắng xuất kích, qua đoạn đầu băng ghi âm phát ra tiếng nói của một người tự giới thiệu tên là Nguyên – nhân viên kỹ thuật của quân đội Sài Gòn đã ra trình diện: “Tôi ở sân bay Đà Nẵng đã 8 năm, làm lính không quân chuyên sửa chữa động cơ máy bay. Sáng 29/3, khi Quân giải phóng vừa tấn công vô, các ông lớn ở đây đều chạy hết.

Tôi ra trình diện và rất phấn khởi được cách mạng kêu lại phục hồi những chiếc máy bay đang hư hại nặng. ở Đà Nẵng có 10 chiếc A37 rất xấu, tôi chỉ sửa được 2 chiếc. Tiếp đó tôi được đưa vô sân bay Phù Cát sửa thêm 5 chiếc A37 nữa và bây giờ 5 chiếc này sẽ bay đi chiến đấu hôm nay”.

Tiếng người nhân viên kỹ thuật (có tên là Nguyên) vừa nói đến đây, băng ghi âm bỗng rồ lên tiếng động cơ và tiếp đó có cả tiếng người giới thiệu: Đó là tiếng máy bay A37 đang phát động để các nhân viên kỹ thuật mặt đất kiểm tra lần cuối trước khi xuất kích.

Băng ghi âm tiếp tục chạy qua mấy giây rồi dứt tiếng động cơ máy bay. Tiếp đến nghe thấy có tiếng sột soạt giở bản đồ. Một giây im lặng… băng lại phát ra tiếng nói trang nghiêm dõng dạc với giọng Quảng Trị của đại tá Lê Văn Tri(1) – Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho Phi đội Quyết Thắng: “Trước giờ phút lịch sử trọng đại này, để tham gia cùng các lực lượng giải phóng Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam yêu quý của chúng ta, hôm nay, tôi thay mặt Bộ Tư lệnh quân chủng giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết Thắng: Một – các đồng chí phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao một cách xuất sắc. Hai – tập trung toàn bộ lực lượng của phi đội đánh vào khu tập trung máy bay của quân ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian xuất kích là mười sáu giờ ba mươi (16h30) ngày 28/4/1975. Chúc các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”.

Kế đó băng ghi âm phát tiếp với giọng nói Nam Bộ của Nguyễn Thành Trung bày tỏ quyết tâm: “Tôi thay mặt Phi đội Quyết thắng rất vinh dự được lãnh trách nhiệm của nhân dân giao phó nhằm đóng góp vào chiến công chung. Tôi xin hứa quyết tâm đánh thật bất ngờ, đánh thắng và mang lại kết quả nhiều nhất”. Tiếp theo là tiếng vỗ tay đồng loạt kéo dài trong phòng họp, rồi tiếng công tắc tắt máy.

Dừng một đoạn, băng ghi âm lại phát ra lời giới thiệu hối hả đè trên nền tiếng động cơ máy bay đang phát động vang rền: “Bây giờ là mười sáu giờ ba mươi (16h30), Nguyễn Thành Trung số 1 dẫn đầu, Để số 2, Lục số 3, Vượng và On số 4, Quảng số 5… bắt đầu xuất kích”. Dứt tiếng người thuyết minh với giọng hồi hộp khẩn trương, tiếp theo là tiếng động cơ máy bay rít lên như xé không gian, rồi xa dần… xa dần… Sau đó tiếng công tắc ghi âm tắt máy.

… Rồi máy ghi âm lại bật mở, nghe rộn ràng giọng nói gấp của người đang ở tại sân bay Thành Sơn – Phan Rang giới thiệu tiếp đã được ghi vào băng: “Chiều xuống, không gian trở nên yên tĩnh, mọi người có mặt tại sân bay lúc này đang hồi hộp, bồn chồn chờ đợi để tiếp nhận Phi đội xuất kích trở về…

Đây rồi! Bây giờ là mười tám giờ ba mươi (18h30) trên bầu trời từ xa chúng tôi thấy đang xuất hiện hai chiếc A37 đầu tiên đã bật đèn đỏ xin hạ cánh. Cả sân bay chúng tôi đang hướng về phía đường băng. Tiếng động cơ đã vang trên bầu trời sân bay… Và tiếp theo… kìa, chiếc máy bay thứ ba cũng đã về…

Kia nữa, chúng tôi đã thấy từ xa hai chiếc nữa cũng đang nối tiếp nhau bay về. Như thế là toàn Phi đội Quyết thắng đã trở về đầy đủ. Đẹp quá… Lúc này cả Phi đội đang hình thành đội hình bay qua sân bay chuẩn bị hạ cánh”.

Băng ghi âm vẫn mở, tiếng động cơ máy bay to dần và lời người tường thuật đang phát tiếp: “Toàn phi đội đã hạ cánh an toàn trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người đang lao nhanh ra chào đón những người chiến thắng trở về…

Nguyễn Thành Trung đang báo cáo với Tư lệnh Quân chủng. Đồng chí Tư lệnh đang ôm hôn từng người trong Phi đội Quyết thắng…”. Tiếp theo cuộn băng phát rộ lên tiếng nói cười phấn khởi, hân hoan náo nhiệt, hòa với lời của các phi công mới hạ cánh cùng những người ở mặt đất– cả giọng Nam Bộ xen lẫn giọng miền Trung, miền Bắc, tiếng nói của cả ba miền rộn ràng, nhộn nhịp vui như ngày hội lớn. Sau đây là tóm lược lời thuật lại trận đánh của các phi công được ghi tại sân bay thành Sơn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về:

“Chiều 28/4 thời tiết rất xấu. Khi máy bay đến Xuân Lộc nâng dần độ cao lên 2000 m, phi công ta không nhìn thấy mặt đất. Có lúc khoang buồng lái tối sầm lại vì phải chui qua đám mây đen. Trời đổ mưa. Phi công Nguyễn Thành Trung vẫn bình tĩnh dẫn đầu phi đội bay về phía Bà Rịa – Vũng Tàu rồi ngược lên Biên Hòa (xem sơ đồ đường bay).



Trời vừa lóe ánh nắng thì phi đội cũng vừa đến đỉnh sân bay Tân Sơn Nhất, thấy rõ từng dãy máy bay, ô tô các loại dày đặc ở khắp nơi. Nguyễn Thành Trung báo mục tiêu cho toàn Phi đội, rồi nhằm đúng khu tập trung máy bay quân sự bổ nhào xuống cắt bom, nhưng bom không rơi.

Trong ống nghe bên tai các phi công ta bỗng dội vào tiếng nói nhốn nháo, xôn xao của đám lính truyền tin dưới sân bay, rồi có tiếng ngơ ngác quát tháo của một sĩ quan ngụy hỏi: “A37 của phi đoàn nào? Phi đoàn nào?”. Lúc này Từ Để (số 2) vẫn bay sát theo máy bay số 1 nối tiếp bổ nhào xuống cắt bom, vừa nghe chúng nó hỏi nhau vậy, anh liền trả lời luôn: “Của phi đoàn America chúng mày đây!”.

Tiếp theo Từ Để là Lục, Quảng, Vượng và On lần lượt nhào xuống cắt bom. Nguyễn Thành Trung quay lại lần thứ ba mới cắt luôn cả bốn quả bom rơi cùng một lúc. Tiếng nổ rung chuyển cả Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất bùng phát những đám lửa, cột khói cuồn cuộn từ khu vực để máy bay C130, C47, A37 bốc lên”.

Trở lại với Tổng hành dinh ở Hà Nội lúc bấy giờ, cũng qua hồi ức của Đại tướng Hoàng Văn Thái kể lại: Cuối buổi chiều hôm ấy 28/4, trong khi từ chiến trường chưa báo cáo ra kịp vì còn đang kiểm tra lại kết quả, thì qua các đài phương Tây, Bộ Tổng tham mưu đã được tin: Hồi 17 giờ, 5 chiếc máy bay phản lực A37 của Quân Giải phóng đã đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Tin đầu tiên của các đài này cho biết nhiều máy bay trong căn cứ bị phá hủy – có cả máy bay C130 của Mỹ túc trực để thực hiện kế hoạch di tản. Cả Sài Gòn náo động vì bị đòn đánh bất ngờ này.

Cũng từ Hà Nội, ngay tối hôm đó Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cho gọi sĩ quan Cục Tình báo – Bộ Tổng tham mưu (Cục 2) sang nhà để báo cáo những thông tin mới nhất về địch sau khi căn cứ Tân Sơn Nhất bị không quân ta đánh bom.

Qua các đài phương Tây và tình báo kỹ thuật ta, Cục 2 đã tổng hợp báo cáo nhiều tên tay sai ở Sài Gòn đã bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên và Thủ tướng Nguyễn Bá Cần vừa từ chức, cùng 60 nghị sĩ. Tại Sài Gòn cuộc di tản đang diễn ra trong cảnh hoảng loạn, vì máy bay vận tải của Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất đảm nhiệm chuyên chở di tản đã bị phá hủy trong trận bị đánh bom chiều 28/4, nên Mỹ phải sử dụng hàng loạt trực thăng dùng sân thượng các cao ốc làm bãi đáp để tiếp nhận người di tản ngay giữa trung tâm nội thành, cảnh tượng ấy càng làm cho Sài Gòn thêm hỗn loạn.

Các hãng thông tin Mỹ, Anh, Úc, Nhật… đều loan tin cảnh náo động và tình trạng mất trật tự không thể kiểm soát được đang diễn ra. Và, cũng trong lúc này có tin Dương Văn Minh (nhậm chức Tổng thống chính quyền Sài Gòn đúng chiều 28/4 thay Trần Văn Hương) đã cử đại diện đến trại David ở Tân Sơn Nhất – nơi đóng trụ sở của phái đoàn quân sự ta (từ năm 1973 sau Hiệp định Paris), đề nghị “thương lượng” cho cuộc ngừng bắn nhằm hãm đà cuộc tấn công của quân ta và hòng vớt vát chút ít để khỏi mất hết.

Vậy là tác động về tinh thần, trận đánh bom Tân Sơn Nhất góp phần tạo ra áp lực mạnh đối với nội các Sài Gòn trong cơn hấp hối trước cuộc tấn công như vũ bão của 5 cánh quân ta đang xốc thẳng vào nội đô.

Được biết về sau qua kiểm tra của Bộ Tổng tham mưu ta và các sĩ quan không quân ngụy có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc bấy giờ, sau khi ra trình diện ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định đã khai báo lại, trong trận tập kích bất ngờ này không quân ta đã đánh trúng cả khu để máy bay chiến đấu, phá hủy 24 chiếc các loại, một kho nhiên liệu chứa đầy xăng bốc cháy, hơn 200 lính ngụy chết, hàng trăm tên khác bị thương, số sống sót đều bỏ chạy tán loạn. Căn cứ Tân Sơn Nhất hoàn toàn tê liệt. Trận đánh đã hỗ trợ đắc lực cho bộ binh ta nhanh chóng phát triển đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Sau ngày giải phóng Sài Gòn và cả đồng bằng sông Cửu Long, khi đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng 30/4 và kỷ niệm 85 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gặp gỡ, thân mật bắt tay biểu dương khen ngợi các phi công trong Phi đội Quyết thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi một chiến công đặc biệt của không quân Việt Nam trong mùa Xuân đại thắng 1975.

Về cuộn băng ghi âm “Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất” ngày 28/4/1975 với thời lượng khoảng 60 phút đã ghi lại những giờ phút sôi động, hào hùng của chiến công oanh liệt này, nay đã trở thành một chứng tích lịch sử trong Bảo tàng truyền thống của Bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam Anh hùng.




Ghi chép của Bùi Đình Nguyên
(Theo tienphong online)
Chữ ký của fudo85




 

Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử :: Khối Trung học phổ thông :: Lớp 12-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất