--------------------------------------------------------------------------------
Vợ chồng Thủ tướng Chu Ân Lai và Tôn Duy Thế thời kỳ ở Diên An.
Ngày 14/10/1950, vợ chồng Thủ tướng Chu Ân Lai - Đặng Dĩnh Siêu tổ chức lễ cưới cho Tôn Duy Thế, cô con gái nuôi duy nhất của mình với Kim Sơn, cán bộ thuộc Bộ Tuyên truyền TW Đảng. Khi tiệc vui đang diễn ra, thì Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, đã kéo Duy Thế ra một góc, rồi hỏi rất gay gắt: "Tại sao cô không cho tôi đi sang đó?".
Rất bất ngờ vì không hiểu có chuyện gì xảy ra, Duy Thế hỏi lại: "Dạ, về việc gì vậy ạ?", thì Giang Thanh rít lên: "Cô vẫn còn giả vờ không hiểu chuyện gì ư? Thế thì nghe đây, chẳng phải tôi đang nói về chuyện cô và Chủ tịch xuất ngoại hay sao? Các người đã làm những chuyện gì trong suốt hơn hai tháng trời ở bên đó vậy?".
Thấy Giang Thanh đang nóng giận và câu hỏi của Giang là rất vô lý nên Duy Thế chỉ nhẹ nhàng: "Cháu chỉ thực thi nhiệm vụ. Còn tại sao cô không đi sang bên đó, thì quả thật cháu không thể biết".
Theo hồi ký của Kim Sơn, chuyện mà Giang Thanh truy hỏi Duy Thế chính là chuyến thăm Liên Xô của Chủ tịch Mao Trạch Đông diễn ra trước đó vài tháng.
Nước CHND Trung Hoa được thành lập ngày 1/10/1949, thì chỉ hai tháng sau, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Chính phủ Trung Quốc (TQ) tới Mátxcơva thăm chính thức Liên Xô. Mục đích của chuyến đi ngoài việc cùng với các nhà lãnh đạo Liên Xô (LX) thảo luận và ký kết một loạt các hiệp định về chính trị, kinh tế, quân sự giữa hai nước, thì còn là để dự lễ sinh nhật 70 tuổi của Stalin, người đứng đầu Đảng và Nhà nước LX lúc bấy giờ.
Đây cũng là lần đầu tiên Mao Chủ tịch xuất ngoại, với chương trình làm việc rất quan trọng và phức tạp nên đòi hỏi phải có một phiên dịch tin cậy và trình độ ngoại ngữ cao. Sau nhiều lần thẩm định, Tôn Duy Thế đã được tin tưởng giao trọng trách đó.
Sở dĩ Tôn Duy Thế được giới lãnh đạo cao cấp của nước CHND Trung Hoa tin tưởng vì rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là vấn đề lý lịch. Tôn Duy Thế là con gái của Tôn Bính Văn (1885-1927), một cán bộ nổi tiếng của Cách mạng và Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ.
Đỗ cử nhân vào cuối đời Quang Tự (1875-1909) triều Thanh, năm 26 tuổi (1911), ông đã gia nhập Đồng minh hội do Tôn Trung Sơn là Hội trưởng. Năm 1922 ra nước ngoài, gặp và kết giao thân thiết với Chu Ân Lai khi đó đang hoạt động ở Berlin (Đức).
Được sự giới thiệu của Chu, Bính Văn trở thành đảng viên ĐCS TQ, sau đó được cử đi học tại LX. Năm 1925, Tôn Bính Văn về nước, làm giáo sư Trường đại học Trung Sơn (Quảng Châu), đồng thời là đại biểu thay mặt ĐCS tham gia Chính phủ Quốc dân. Trong chiến tranh Bắc phạt, Tôn trở thành Bí thư Tổng bộ Chính trị quân đội "Quốc dân cách mạng", còn vợ của ông, bà Nhiệm Nhuệ cũng là một cán bộ cấp cao của ĐCS hoạt động bí mật tại Thượng Hải.
Mùa xuân năm 1927, Tưởng Giới Thạch làm chính biến, tiến hành "đại tàn sát", giết hại những người Cộng sản. Ngày 16/4/1927 do có kẻ phản bội, Tôn Bính Văn bị bắt. Biết Tôn là người tài, lại rất có uy tín trong dân chúng, Tưởng Giới Thạch đã dùng trăm phương ngàn kế, kể cả việc hứa dành cho Tôn một chức vụ cao trong Chính phủ của Tưởng, song Tôn vẫn cương quyết từ chối. Ngày 20/4, Tôn Bính Văn đã bị giết hại, khi đó mới 42 tuổi.
Năm Bính Văn hy sinh Tôn Duy Thế mới có 6 tuổi (Duy Thế sinh năm 1921). Bà Nhiệm Nhuệ phải mang Duy Thế trốn về Vũ Hán. Một thời gian sau thấy tình hình bớt căng thẳng, hai mẹ con lại bí mật quay trở lại Thượng Hải để tiếp tục hoạt động.
Có thể nói từ khi bố mất thì tuổi thơ của Duy Thế phải sống trong những hoàn cảnh rất khó khăn, cái chết luôn rình rập. Cho tới năm 12 tuổi Duy Thế mới được đi học. Năm 1935, bà Nhiệm Nhuệ được Đảng cử sang lãnh đạo Hội những diễn viên nghiệp dư Thượng Hải và chủ trì hoạt động biểu diễn những tác phẩm tiến bộ trong Thượng Hải xã.
Lúc bấy giờ Giang Thanh (với cái tên Lâm Bình), cũng là thành viên trong nhóm này. Tôn Duy Thế khi đó 14 tuổi, nhưng cũng đã cùng mẹ nhiều lần tham gia các buổi biểu diễn nghệ thuật và sớm tỏ ra là một diễn viên có tài. Đạo diễn phim nổi tiếng Cung Thu Hà đã từng mời Duy Thế tham gia diễn xuất trong bộ phim "Áp tuế tiền" (Tiền mừng tuổi). Bộ phim rất thành công, khiến Duy Thế trở nên nổi tiếng ở Thượng Hải.
Ngày 7/7/1937, quân Nhật gây ra sự kiện Lư Cầu Kiều (cách Bắc Kinh chừng 10km về phía tây nam), tạo cớ tiến hành cuộc xâm lược toàn diện đối với TQ. Mặc dù mới 16 tuổi, nhưng Duy Thế đã tình nguyện tham gia đoàn kịch "Thượng Hải hí kịch cứu vong", đi lưu diễn khắp nơi, từ Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán..., để cổ vũ "tinh thần kháng chiến chống Nhật của dân tộc Trung Hoa".
Một số vở kịch mà Duy Thế tham gia, nhất là vở "Phóng hạ nhĩ đích tiên tử" (Hãy vung chiếc roi ngựa của bạn lên), tiếng tăm của Duy Thế được nhiều người hâm mộ.
Có một lần khi lưu diễn tại Vũ Hán, Duy Thế đã tới Văn phòng đại diện ĐCS TQ với mong muốn được tới Diên An, thủ đô của Cách mạng TQ lúc bấy giờ, để tham gia kháng Nhật. Tại đây, Duy Thế đã may mắn gặp Chu Ân Lai, người phụ trách của văn phòng.
Sau một hồi hàn huyên, Chu Ân Lai đã nhận ra Duy Thế chính là con gái của vợ chồng Tôn Bính Văn - Nhiệm Nhuệ, những người đồng chí, người bạn thân thiết của mình, đã hy sinh cho sự nghiệp Cách mạng. Vì vậy Chu Ân Lai đã cho người đưa Duy Thế đến Diên An.
Là con liệt sĩ, có trí tuệ sắc sảo, lại được sự giới thiệu trực tiếp của Chu Ân Lai, Duy Thế đã được đưa vào học tại Trường đại học Quân chính kháng Nhật, Trường Đảng cao cấp, Học viện Mác - Lênin.
Sau khi Duy Thế tới Diên An, được sự đồng ý của BCH TW Đảng, Chu Ân Lai và vợ ông là Đặng Dĩnh Siêu đã nhận Duy Thế là con gái nuôi của mình (vì vợ chồng Chu - Đặng không có con).
Sau 2 năm ở Diên An, do thành tích học tập và công tác rất xuất sắc, Duy Thế được kết nạp vào ĐCS TQ. Cũng trong thời gian này, Duy Thế tham gia đóng vai chính trong vở kịch "Huyết tế Thượng Hải". Vở kịch thành công mỹ mãn nhờ tài diễn xuất của Duy Thế, được nhiệt liệt hoan nghênh.
Là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, Duy Thế nổi lên như một "bông hoa ngát hương" của Diên An, nên đã có rất nhiều người mến mộ, không ít người đã "thầm yêu trộm nhớ”, trong đó có Lâm Bưu, đang giữ chức Hiệu trưởng Trường đại học Quân chính kháng Nhật. Lâm đã từng ngỏ lời cầu hôn với Duy Thế, nhưng bị Duy Thế từ chối.
Để bồi dưỡng lớp cán bộ trẻ kế tục, năm 1939, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đích thân ký quyết định cử Duy Thế sang học tại LX, và đề nghị vợ chồng Chu Ân Lai đưa Duy Thế đi Mátxcơva, nhân dịp Chu Ân Lai sang LX để chữa cánh tay bị gãy và đang bị nhiễm trùng nặng.
Vào thời gian này, LX đang phải tiến hành cuộc chiến tranh Vệ quốc chống lại sự xâm lược của phát xít Hitler, nên mọi điều kiện đều rất khó khăn. Biết Duy Thế là con gái của Chu Ân Lai, phía LX đề nghị được đưa Duy Thế vào sống cùng với một gia đình cán bộ cấp cao của LX để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Nhưng Duy Thế đã từ chối, và vẫn ở lại trong khu ký túc xá sinh viên, chịu đựng những khó khăn, thực hiện nghĩa vụ lao động thời chiến, tham gia công tác cứu thương trong các bệnh viện, hiến máu cho thương binh, xếp hàng lấy khẩu phần ăn ít ỏi trong nhà bếp như các sinh viên khác.
Mặc dù vậy, thành tích học tập của Duy Thế vẫn cực kỳ xuất sắc: cô đã tốt nghiệp cùng một lúc cả hai trường là Trường đại học Đông Phương và Khoa đạo diễn Học viện kịch Mátxcơva, đồng thời có trình độ tiếng Nga thuộc hàng "siêu đẳng". Đây cũng là một trong những lý do để Duy Thế trở thành phiên dịch chính trong chuyến thăm LX của Chủ tịch Mao Trạch Đông sau này.
Năm 1946, Duy Thế trở về Diên An. Đây là thời kỳ TQ đang lâm vào cuộc nội chiến Quốc - Cộng vô cùng ác liệt. Để có thể góp sức vào cuộc chiến đấu, tìm hiểu tình hình và thâm nhập thực tế, Duy Thế đã tình nguyện xin được ra mặt trận.
Thời kỳ đầu Duy Thế đã đi tới tận các vùng sâu vùng xa ở Thiểm Tây, Sơn Tây... tham gia "phong trào thổ cải" (cải cách ruộng đất), từ tháng 9/1948, tham gia giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật thuộc Đại học Hoa Bắc đóng tại Thạch Gia trang, đồng thời là thành viên của Tổ nghiên cứu lý luận. Sau đó Duy Thế tới công tác tại Đoàn Văn công Hoa Bắc để đi phục vụ chiến dịch.
Chính trong thời gian này, Duy Thế đã sáng tác và chỉ huy dàn dựng hàng loạt các vở kịch cách mạng nổi tiếng, trong đó có vở "Nhất trường hư kinh" (Nỗi sợ không đâu) được đánh giá có tác dụng rất lớn trong việc giúp nhân dân vùng mới giải phóng hiểu rõ hơn về cách mạng.
Nước CHND Trung Hoa được thành lập, Tôn Duy Thế giữ chức Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân toàn quốc (tức Mặt trận). Mặc dù công việc bận rộn, song Duy Thế đã đạo diễn nhiều vở kịch nổi tiếng của TQ và nước ngoài, trong đó bao gồm cả những vở tự sáng tác hoặc tự dịch, và góp công rất lớn lập ra Học viện Kịch và Đoàn Kịch thanh niên TQ.
Thời gian sau, Duy Thế được trao giữ chức Phó viện trưởng, Chủ nhiệm Hội đồng Nghệ thuật Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo và việc trực tiếp tham gia đào tạo của Tôn Duy Thế, một loạt những đạo diễn và diễn viên tài năng của nước TQ mới, đã xuất hiện và trưởng thành.
Chính các "cư dân" sống trong "Bức tường đỏ" (ý nói tới con cái và gia đình của các vị lãnh đạo cao cấp của TQ sống trong Trung Nam Hải) cũng rất tự hào có được "một người hàng xóm" tài sắc vẹn toàn như Tôn Duy Thế. Họ đã tặng Duy Thế 4 chữ "Tài hoa hoành dật" (Tài sắc tuyệt vời). Họ còn gọi Duy Thế là "Hồng sắc công chúa" (Công chúa đỏ).
Đại tướng La Thụy Khanh, Bộ trưởng Bộ Công an TQ thì nhận xét: "Tôn Duy Thế là chuyên gia hàng đầu về bộ môn nghệ thuật kịch mà Đảng đã bồi dưỡng nên, xứng đáng là "chuyên gia đỏ" của TQ".
Do hội đủ các yêu cầu, ngày 6/12/1949 Tôn Duy Thế lãnh trách nhiệm Tổ trưởng Tổ phiên dịch, tháp tùng Mao Trạch Đông sang Mátxcơva. Cuộc viếng thăm kéo dài hơn 2 tháng, thu được kết quả rất tốt. Tới ngày 17/2/1950, Đoàn TQ trở về Bắc Kinh. Mao Chủ tịch đã đánh giá cao và rất ca ngợi tài năng cũng như những đóng góp của Tôn Duy Thế trong những cuộc đàm phán chung cũng như riêng giữa Stalin và Mao Trạch Đông.
Tài năng và những thành công rực rỡ của Tôn Duy Thế được nhiều người mến mộ, nhưng lại khiến Giang Thanh rất không hài lòng.
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, đã từng tham gia Hội Các diễn viên kịch nghiệp dư Thượng Hải do Nhiệm Nhuệ phụ trách, nên Giang Thanh cũng biết Duy Thế từ đó. Tuy lớn hơn Duy Thế 8 tuổi (Giang Thanh sinh năm 1913), nhưng lúc bấy giờ Giang cũng chưa hề tạo dựng được tiếng tăm gì ở Thượng Hải.
Nhưng từ khi tới Diên An (1937), rồi sau đó trở thành vợ của Mao Trạch Đông, Giang luôn tự coi mình là chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật cũng như diễn viên kịch số một. Việc Duy Thế được đào tạo bài bản ở LX rồi xuất hiện ở Diên An với những thành công vang dội khiến Giang không thể chịu nổi. Và "giọt nước tràn ly "khi Duy Thế cùng với Mao Trạch Đông và phái đoàn TQ sang LX. Giang đã cực kỳ tức giận vì cho rằng với địa vị "nhất phẩm phu nhân" thì người phụ nữ duy nhất đi bên cạnh Mao phải là Giang.
Vẫn theo Kim Sơn, thì vấn đề mà Giang Thanh hỏi Duy Thế ngay trong đám cưới có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do ghen tuông. Bởi nếu xét về thân phận, thì kể từ năm 1938, tức là sau khi kết hôn, Giang đã trở thành một trong "Ngũ đại bí thư" của Chủ tịch Mao (gồm Hồ Kiều Mộc và Trần Bá Đạt là thư ký chính trị, Diệp Tử Long là thư ký tùy thân, Điền Gia Anh là thư ký tổng quản, Giang Thanh là thư ký đời sống) trực thuộc Văn phòng Quân ủy TW.
Với chức danh này Giang toàn quyền được tiếp cận với những văn kiện chính thống của Bộ Chính trị. Vì vậy những việc cơ mật quốc gia cũng không còn là những việc cơ mật đối với Giang.
Hơn nữa, từ giữa năm 1950, thông qua việc bình phẩm cuốn "Thanh cung bí sử", Giang đã bắt đầu được thay mặt Mao Trạch Đông tham dự các công việc lớn nhỏ của giới văn nghệ.
Với cương vị này, Giang đã từng gây nhiều chuyện khó dễ cho Hồ Kiều Mộc và thậm chí cho cả Chu Dương (Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền TW Đảng). Điều ấy chứng tỏ quyền lực thực sự của Giang Thanh khi đó là không hề nhỏ.
Thế thì tại sao Giang lại phải trực tiếp gặp Tôn Duy Thế để hỏi về "những chuyện bí mật quốc gia của phái đoàn Chính phủ TQ tại Liên Xô, mà lại hỏi ngay tại nơi đang diễn ra đám cưới?".
Tuy nhiên vào thời điểm đó, Giang Thanh vẫn chưa dám động tới Duy Thế, vì dẫu sao Duy Thế cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc, là con nuôi Thủ tướng Chu Ân Lai và là người đang được Mao Trạch Đông mến mộ. Hậm hực, tức tối, nhưng rồi Giang cũng phải rời đám cưới, và tự nhủ sẽ chờ cơ hội khác.
Còn tiếp..........