--------------------------------------------------------------------------------
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ
NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA HOA KỲ (1900-2001)
Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tháng 4/2006
Warren I.Cohen
Warren I. Cohen là Giáo sư Đại học Danh dự về Lịch sử và Giáo sư Nghiên cứu về tổng thống tại Đại học Maryland tại Baltimore. Ông cũng là học giả cao cấp của Chương trình châu Á tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson dành cho các Học giả tại Washington. Ông là sử gia chuyên nghiên cứu về quan hệ đối ngoại Mỹ và quan hệ của Mỹ với Đông Á, cũng như lịch sử Trung Quốc và khu vực.
“Bất cứ một dân tộc nào trở nên ổn định và thịnh vượng, có khả năng gìn giữ hòa bình bên trong phạm vi biên giới quốc gia của mình và đủ mạnh để chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, thì đó là sự thuận lợi chứ không phải là bất lợi đối với các dân tộc khác. Chúng tôi thực lòng hy vọng về sự tiến bộ của Trung Quốc, và bằng những hành động hợp pháp và hòa bình chúng ta sẽ phấn đấu để thúc đẩy tiến bộ đó”.
--Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt phát biểu
trước Đại diện của Trung Quốc Đồng Thiệu Nghĩa, tháng 12/1908
Chiến thắng năm 1949 của những người cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến đã tác động lớn tới nước Mỹ. Trong nửa đầu thế kỷ XX, các nhà hoạch định chính sách Mỹ, từ Tổng thống Theodore Roosevelt trở đi, đều ủng hộ sự xuất hiện của một nước Trung Quốc hùng mạnh và thịnh vượng. Họ cho rằng Trung Quốc sẽ thân thiện với Mỹ. Người Mỹ đã nhìn lại thế kỷ của những công việc có ý nghĩa mà họ đã làm được ở Trung Quốc, chẳng hạn như việc xây dựng các trường cao đẳng Cơ đốc giáo-tiền thân của hệ thống giáo dục hiện đại của Trung Quốc, và tài trợ của Quỹ Rockefeller cho các chương trình tái thiết nông thôn và Trường Cao đẳng Y khoa Bắc Kinh, nơi các bác sĩ hàng đầu của Trung Quốc được đào tạo. Nhiều người Mỹ tin rằng đất nước họ đã ủng hộ sự nghiệp của Trung Quốc chống những kẻ đế quốc châu Âu và Nhật Bản, khởi đầu bằng “Những lá thư mở cửa” từ Washington gửi tới các cường quốc khi sự sống còn của Trung Quốc với tư cách một dân tộc bị đe dọa vào những năm 1899 và 1900. Và rõ ràng nhất là việc Mỹ đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng Trung Quốc khỏi sự xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
Quan hệ Mỹ-Trung đổ vỡ
Thế nhưng, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) - tuyên bố thành lập ngày 1/10/1949 - lại không thân thiện với Mỹ, và ít có người Trung Quốc nào chia sẻ với người Mỹ về vai trò lịch sử của họ ở Trung Quốc. Nhà lãnh đạo mới của họ, Mao Trạch Đông, nghi ngờ ý đồ của Mỹ và tháng 6/1946 ông đã ra lệnh thực hiện chiến dịch bài Mỹ. Lực lượng của Mao Trạch Đông đã sách nhiễu người Mỹ ở Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Mỹ đã bị cảnh sát Thượng Hải đánh đập. Tổng lãnh sự Mỹ ở Mukden bị quản thúc trong một năm liền. Tồi tệ nhất là sự kiện tháng 10/1950 khi quân cộng sản Trung Quốc can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên, chống lại các lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo khi lực lượng này đang cố gắng đẩy lui cuộc xâm lược của Bắc Triều vào Nam Triều Tiên. Khi quân Mỹ và Trung Quốc giết lẫn nhau trên chiến trường với con số lên tới hàng chục nghìn quân, thì mọi ý nghĩ về việc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa Bắc Kinh và Washington đã không còn nữa.
Hơn 20 năm sau, Mỹ và Trung Quốc vẫn coi nhau là kẻ thù. Mặc dù các nhà ngoại giao của họ thỉnh thoảng vẫn “vượt giới tuyến” trong các hội nghị quốc tế và đôi khi tiến hành đàm phán cấp đại sứ, nhưng không nước nào thể hiện sự quan tâm đến việc đạt được một thỏa hiệp. Người Mỹ tiếp tục công nhận Cộng hòa Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch - người bị đánh bại trên đại lục và sống sót trên đảo Đài Loan - là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Mao và những cộng sự của ông không ngừng lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ và từ chối thảo luận bất cứ vấn đề gì ngoại trừ việc Mỹ chấm dứt viện trợ cho Tưởng và bảo vệ Đài Loan.
Ở Mỹ, sự thù địch của Trung Quốc, làn sóng chống cộng trong nước gia tăng bởi Chiến tranh lạnh, và sự vận động của bè bạn là người Mỹ của Tưởng, tất cả đã ngăn không cho các nhà hoạch định chính sách trong những năm 1950 và 1960 tiếp cận Bắc Kinh. Thực vậy, Washington đã dùng ảnh hưởng của mình để Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không được vào Liên Hợp Quốc, ngay cả khi Tổng thống Dwight Esenhower thừa nhận rằng cô lập Trung Quốc là một sai lầm.
Tuy nhiên, giữa những năm 1960, nhận thức được sự chia rẽ Xô-Trung và cường độ chống cộng giảm do tan vỡ ảo tưởng về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, dư luận Mỹ về quan hệ với Trung Quốc đã thay đổi. Các nhà lãnh đạo quan trọng của chính phủ và giới học thuật lập luận ủng hộ cái mà họ cho là một chính sách thực tế hơn nếu chấp nhận chế độ Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc và tìm cách hợp tác với chính phủ đó. Họ nói về chính sách “ngăn chặn mà không cô lập”. Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson đã bị sa lầy ở Việt Nam và người Trung Quốc thì bị cuốn theo cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Vì vậy không có mối quan hệ mới nào được xác lập.
Căng thẳng giảm bớt
Richard Nixon, Phó Tổng thống dưới thời Ensenhower và là ứng cử viên tổng thống thất bại năm 1960, là một nhà lãnh đạo Mỹ nổi tiếng về chống cộng và thù địch với Trung Quốc. Năm 1968, ông được bầu làm Tổng thống Mỹ và khả năng giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc do vậy càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Thế nhưng Nixon đã nhất trí với những tính toán của các quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao cho rằng Trung Quốc có thể giúp Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và hỗ trợ nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại sức mạnh đang gia tăng của Liên Xô. Ông nhận thấy rằng tâm lý đã thay đổi của công chúng Mỹ, cộng với những thành tích chống cộng của bản thân, sẽ khiến ông có thể thỏa hiệp với Trung Quốc. Chầm chậm, cẩn thận, và không làm tổn hại tới an ninh của Mỹ, chính quyền Nixon đã bắn tín hiệu mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Chu Ân Lai, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đã phấn đấu để đạt mục tiêu tương tự. Bằng chứng là ông đã mời đội tuyển bóng bàn Mỹ tới thăm Trung Quốc và liên lạc thông qua lãnh đạo của Pakistan. Dần dần ông đã thuyết phục được Mao Trạch Đông “đa nghi tào tháo” rằng Mỹ không còn là mối đe dọa đối với Trung Quốc và có thể có ích cho Bắc Kinh trong nỗ lực chống lại áp lực từ Liên Xô. Và bước đột phá lớn đã đến năm 1971.
Trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội tháng 2/1971, Nixon đã nói về sự cần thiết phải thiết lập đối thoại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông kêu gọi dành cho chính phủ Bắc Kinh một vị trí tại Liên Hợp Quốc mà không phải hy sinh vị trí của Cộng hòa Trung Hoa ở Đài Loan. Trước kia, việc Mỹ công nhận và ủng hộ chế độ của Tưởng là một trở ngại lớn đối với việc lập lại mối quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc của Mao. Cả Mao Trạch Đông lẫn Tưởng Giới Thạch đều khẳng định chỉ có thể có một nước Trung Quốc và sẽ chống lại nỗ lực của Mỹ muốn có hai nước Trung Quốc, một trong đại lục và một ở Đài Loan. Tuy nhiên, năm 1971 Nixon và Mao Trạch Đông nóng lòng muốn lợi dụng lẫn nhau và nhất trí với một phương thức thỏa hiệp "một Trung Quốc nhưng không phải bây giờ". Trên thực tế, với nhận thức về giá trị chiến lược của việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, Nixon và cố vấn an ninh quốc gia của ông Henry Kissinger đã sẵn sàng đáp ứng Mao một nửa trên vấn đề này, vì tìm kiếm một đối tác trong cuộc đấu tranh chống Liên Xô còn quan trọng hơn nhiều.
Tháng 7/1971, thế giới phát hiện ra rằng Kissinger mới từ Trung Quốc trở về sau một sứ mệnh bí mật. Nixon thông báo rằng ông, với tư cách Tổng thống Mỹ, đã nhận lời mời tới thăm Trung Quốc. Lần đầu tiên, vào tháng 8 và tháng 9, Mỹ ủng hộ ghế đại diện của Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thời vẫn ủng hộ nỗ lực của Đài Bắc duy trì chiếc ghế riêng của mình. Đề nghị của Mỹ nhằm sắp xếp chỗ ngồi cho hai phái đoàn đã thất bại, và bị ảnh hưởng bởi quyết định của Kissinger chọn thời điểm đó để bay đến Bắc Kinh. Đề nghị của An-ba-ni nhằm để đại diện Bắc Kinh thay thế đại diện của Đài Bắc dễ dàng được chấp thuận. Đó là một trong những thất bại ngoại giao đau đớn mà Mỹ gặp phải. Washington đã tiến một bước gần hơn nữa tới chính sách một Trung Quốc.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
Tháng 2/1972, Nixon đã bay tới Trung Quốc, nơi ông được tiếp kiến Mao Trạch Đông. Khán giả truyền hình trên toàn thế giới sửng sốt theo dõi Nixon ngồi xem và vỗ tay nhiệt tình trước một điệu múa của Trung Quốc mang đậm màu sắc tuyên truyền cộng sản. Đó quả thực là một Nixon mới và một mối quan hệ mới với Trung Quốc.
Trong tuyên bố chung Trung-Mỹ đưa ra vào cuối tuần Nixon ở thăm Trung Quốc, rõ ràng là việc cùng nhau chống lại những người Xô Viết chính là điều đã đưa hai nước xích lại gần nhau. Phản đối "bá quyền" ở châu Á và Thái Bình Dương rõ ràng ám chỉ việc làm suy yếu ảnh hưởng của Mát-xcơ-va ở khu vực. Mặt khác, Đài Loan vẫn là trở ngại chính đối với việc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường và "bình thường hóa quan hệ". Người Mỹ thừa nhận việc Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng cũng tái khẳng định lợi ích của họ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề này. Trước yêu cầu của Trung Quốc đòi lực lượng Mỹ rút khỏi Đài Loan, Nixon đã cam kết Mỹ sẽ rút hết quân và hứa sẽ rút quân từ từ khi căng thẳng trong vùng (Việt Nam) giảm bớt. Đồng thời ông và Kissinger tìm cách loại bỏ nỗi lo sợ của Trung Quốc rằng lực lượng Nhật Bản sẽ thay thế quân Mỹ trên đảo này. Tổng thống còn trấn an các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không ủng hộ Đài Loan độc lập và hứa sẽ thực hiện những bước đi mà người Trung Quốc mong muốn sau dự tính ông sẽ được tái đắc cử vào năm 1972.
Mỹ bị ràng buộc bởi hiệp ước bảo vệ Đài Loan năm 1954. Các doanh nghiệp Mỹ có mối lợi hàng triệu đô-la trên đảo này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ không sẵn sàng bỏ rơi người dân Đài Loan, bạn bè và đồng minh, cho những người cộng sản. Tuy nhiên, chính quyền Nixon đã sẵn sàng hủy bỏ hiệp ước phòng thủ với Đài Loan, cho rằng về ngắn hạn người dân đảo này sẽ tự bảo vệ được mình và về lâu dài họ sẽ tìm được một giải pháp hòa bình.
Bình thường hóa quan hệ
Năm 1973, Trung Quốc và Mỹ mở "văn phòng liên lạc" ở thủ đô mỗi nước – chẳng khác gì các đại sứ quan ngoại trừ cái tên. Tuy nhiên, công việc bình thường hóa đã bị trì hoãn do vụ bê bối Watergate, buộc Nixon cuối cùng phải từ chức trong sự xấu hổ. Tuy nhiên, những người kế nhiệm ông cũng đã cam kết bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, và việc này đạt được đầu năm 1979. Trao đổi tình báo quân sự bí mật về những động thái của Liên Xô, được Kissinger khởi động năm 1979, chưa bao giờ bị gián đoạn.
Việc Nixon cởi mở với Trung Quốc đã tạo ra biến chuyển quan trọng lớn lao trong cán cân quyền lực của Chiến tranh lạnh. Liên minh ngầm giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trực tiếp nhằm chống lại sức mạnh đang gia tăng rõ rệt của Liên Xô, khiến Trung Quốc bớt lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng từ Liên Xô và cho phép Mỹ tập trung sức mạnh quân sự ở châu Âu - trong khi những người Xô viết tiếp tục phải đương đầu với những kẻ thù ở cả Đông lẫn Tây và hiện đang cùng nhau hợp tác chống Mát-xcơ-va. Đó là một bước ngoặt lớn trong lịch sử thế giới và góp phần dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc Chiến tranh Lạnh. Năm 1979, Phó Tổng thống Mỹ Walter Mondale công du tới Bắc Kinh nơi ông đã nhắc lại những lời của Theodore Roosevelt năm 1908 để thể hiện niềm tin chắc chắn rằng một Trung Quốc hùng mạnh - và có lẽ thân thiện – là lợi ích của Mỹ.