Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 1 đến ngày 10/10/2010) và sẽ khai mạc trọng thể vào sáng 1/10/2010 tại vườn hoa Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Thế là chỉ còn vài ngày nữa thì toàn quốc sẽ đón mừng ngày đại lễ của dân tộc. Nhân dịp này, ta cũng nên tìm hiểu xem các địa danh Thăng Long và Hà Nội có nghĩa là gì.Trước nhất xin nói về hai tiếng Thăng Long.
Thăng Long là tên đầu tiên của Hà Nội, là kinh đô chính thức của nước Đại Việt. Tuy đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng nó vẫn luôn luôn gắn liền với tên Hà Nội như hình với bóng và tính đến ngày khai mạc Đại lễ thì địa danh Thăng Long đã “thọ” đúng 1.000 năm.
Vậy Thăng Long nghĩa là gì? Tên Thăng Long gắn liền với truyền thuyết về việc dời đô của Lý Thái Tổ. Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy một con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong mây. Vì thế vua mới xuống chiếu đổi tên thành Đại La ra Thăng Long. Đây là một cái tên đẹp, hàm chứa đầy niềm tin tưởng và lòng tự hào về vùng đất vua chọn để đóng đô. Thăng Long có nghĩa là "rồng bay lên", mà rồng cũng là biểu trưng của đế vương. Điều này cũng được phản ánh cả trong ngôn ngữ: long bào hoặc long cổn (áo rồng) là áo của nhà vua, long nhan (mặt rồng) là diện mạo nhà vua, long sàng (giường có chạm khắc hình rồng) là giường vua nằm, long xa (xe rồng) là xe vua đi, v.v...
Ở đây, ta không nên kéo Lý Thái Tổ đi với mình quá xa để liên hệ hình tượng con rồng với tín ngưỡng dân gian cổ xưa vì vấn đề này lại thuộc một phạm vi khác. Với Vua Lý thì long chỉ đơn giản - mà sâu sắc - là vua, theo đúng sách vở của thánh hiền. "Long giả, quân dã", cái gọi là rồng, ấy là vua vậy. Ngữ đoạn "Phi long tại thiên" (Rồng bay trên trời) trong quẻ "Càn" của Kinh Dịch được giảng là "do thánh nhân chi tại vương vị" (như thánh nhân tại ngôi vua). Chúng tôi cho rằng người có hiểu biết ít nhiều về Kinh Dịch và có nhận thức nhạy bén, khi nghe đến hai tiếng Thăng Long thì đều có thể nghĩ ngay đến lời giảng "Phi long tại thiên, do thánh nhân chi tại vương vị". Vậy, truyền thuyết này chẳng qua chỉ là do "tuyên giáo" của hoàng gia đưa ra để đề cao thêm uy danh của nhà vua mà thôi. Mà ở thời đại phong kiến thì vua là Thiên Tử, là Số Một nên việc vua nhìn thấy rồng quả là một sự trùng phùng Trời định.
Thăng Long rõ ràng là một mỹ danh gắn liền với vương quyền và lòng tin ở tiền đồ của đất kinh kỳ. Nhưng rất đáng tiếc là, trong khi đại đa số tác giả dịch đúng “thăng long” là "rồng bay lên" thì có một số người lại dịch sai hẳn nghĩa của hai tiếng này. Họ nói một cách đơn giản rằng thăng long là "rồng bay", cứ y như rằng "bay" và "bay lên" hoàn toàn giống nhau. Ta có thể kể ra làm bằng chứng một số nguồn như: ý kiến của GS VNK trên tạp chí Thăng Long Hà Nội ngàn năm, số 5/2002; ý kiến của HNM trên Hà Nội mới online ngày 2/10/2005; bài "Hình tượng Rồng qua các triều đại đất Kinh kỳ" trên báo Hà Nội mới ngày 29/6/2009; "Bản đồ và Đất nước" của Trung tâm Tin học Trắc địa Bản đồ; ý kiến của Thu Hương trên Diễn đàn Phật pháp; ý kiến của TS Nguyễn Xuân trên Thế giới & Việt Nam ngày 11/8/2008; và gần đây là TS Nguyễn Xuân Lạc trong bài "Chất thơ làng nghề đất Rồng Bay", đăng trên Kiến thức Ngày nay số 724 (20/9/2010).
Phố Tràng Tiền ngày xưa.
Nhưng chữ thăng không hề có nghĩa là "bay", mà là "di chuyển hoặc làm cho di chuyển từ thấp lên cao", rồi nghĩa phái sinh là "phát triển", "tăng tiến". Mathews' Chinese-English Dictionary đối dịch là "to ascend" còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur đối dịch là "s'élever comme le soleil" (lên cao như mặt trời); "monter" (lên); "croître" (mọc, sinh trưởng, tăng lên); "prospérer" (phát đạt, thịnh vượng). Thí dụ: nhật thăng là mặt trời mọc; thăng kỳ là kéo cờ (lên); thăng thiên là lên trời; giáo nao (nhu) thăng mộc là dạy khỉ leo (lên) cây; v.v... Tuyệt nhiên không có gì liên quan đến động tác "bay".
Không một quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc và có uy tín nào lại giảng thăng là bay cả. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức giảng một cách ngắn gọn “thăng” là “lên”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, tuy chưa hợp lý trong việc sắp xếp mục từ, nhưng đã hoàn toàn chính xác trong khi giảng: “THĂNG. Lên, tiến tới: Thành Thăng Long". Chính là từ cái nghĩa "lên" này mà từ thăng còn có một cái nghĩa biệt dụng được Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên nêu như sau: "Thôi không còn lên đồng nữa, thần linh xuất ra khỏi người ngồi đồng và trở về trời, theo tín ngưỡng dân gian".
Thực ra thì "trở về trời" mới là cái nét nghĩa chính ở đây và đây mới chính là cái nghĩa cần được áp dụng cho chữ “thăng” trong Thăng Long, nếu ta liên hệ đến truyền thuyết: khi thuyền của Lý Thái Tổ vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy một con rồng vàng xuất hiện; rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong mây. Với nghĩa này, thăng là một hình vị độc lập, nghĩa là một từ của tiếng Việt nên đương nhiên hoàn toàn có thể dùng để dịch hình vị ràng buộc thăng trong cấu trúc Thăng Long của Hán văn (Việt Nam).
Vậy Thăng Long là Rồng Thăng chứ không phải "Rồng Bay". Và Rồng Thăng là một cấu trúc cú pháp hoàn toàn tự nhiên của tiếng Việt. Đây là một cấu trúc chủ - vị, giống hệt các cấu trúc ngựa phi, phượng múa, rùa bò, v.v... Điểm khác nhau căn bản giữa nó với các cấu trúc này là ở chỗ, với truyền thuyết thiêng liêng gắn liền vào nó, Thăng Long đã được dùng để đặt tên cho kinh đô nước Đại Việt cách nay đã đúng 1.000 năm mà người đặt là Lý Thái Tổ, người sáng lập triều Lý, một triều đại đã kéo dài 215 năm (1010 - 1225) trong lịch sử nước ta.
Thật là quá đỗi hời hợt khi chỉ vì muốn lái từ ngữ đi theo cách hiểu chủ quan của mình mà dịch sai hẳn Thăng Long thành "rồng bay". Xin nhắc lại rằng nghĩa gốc của từ “thăng” chủ yếu liên quan đến hướng chuyển động theo chiều thẳng đứng từ dưới lên trên.
Cứ như trên thì long hiển nhiên có nghĩa là rồng; còn thăng là lên cao, lên trời. Chỉ đến đời Gia Long thì ông vua này mới đổi chữ long là rồng trong Thăng Long thành chữ long - là hưng thịnh. Bấy giờ nhà Nguyễn đã thiết lập kinh đô mới ở Phú Xuân nên muốn tên của thành Thăng Long không còn gợi cho người ta liên tưởng gì đến vương quyền nữa. Vương quyền là ở Phú Xuân kia! Gia Long quên rằng, tính từ 1802, vương triều của mình chỉ mới là một đứa trẻ còn thành Thăng Long thì đã thọ gần 800 năm. Đây là một cách hành xử bất kính đối với sự nghiệp của tiền nhân. Rất tiếc là trong Hán Việt từ điển của mình, Đào Duy Anh lại ghi chữ “long” trong Thăng Long thành† theo cách của Gia Long!
Còn nghĩa của địa danh Hà Nội thì sao? Có vẻ như cách giải thích "Hà Nội là thành phố trong sông" bắt đầu trở nên phổ biến, nhất là sau khi có ý kiến của hai vị giáo sư: ông Lê Văn Lan và ông Phan Huy Lê. Trong cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia (?)" tối 15/4/1999, ban tổ chức có nêu câu hỏi: "Địa danh Hà Nội ra đời năm nào?". Được người dẫn chương trình mời lên giải đáp, ông Lê Văn Lan có giải thích rằng trong địa danh Hà Nội thì “hà” là sông còn “nội” là trong, rằng sở dĩ có tên như thế là vì Hà Nội nằm trong những con sông và đó là sông Hồng và sông Nhuệ. Còn ông Phan Huy Lê thì, theo tường thuật của Hải Phong trên Lao Động ngày 20-7-2010, đã giải thích như sau:
"Hà Nội cổ của chúng ta đúng như tên gọi là "thành phố bên trong sông". Theo bản đồ thời Hồng Đức (1490) mà ta có được, phía bắc và đông Hà Nội là sông Hồng (sông Cái), Hà Nội nằm lọt vào góc bên trong của nó. Phía bắc của Hà Nội là sông Tô Lịch, gần hồ Tây. Phía tây cũng là sông Tô Lịch (ngày xưa dòng Tô Lịch còn nối liền với dòng sông rất lớn là sông Thiên Phù, giờ đã bị lấp mất). Hồ Tây được hình thành từ một đoạn của sông Hồng sau khi nó đổi dòng. Hồ Hoàn Kiếm cho đến thế kỷ XV còn nối liền với sông Hồng, sau này mới tách ra, dần thành hồ như hiện nay. Sông Tô Lịch ở phía tây nam thành phố nối với sông Nhuệ, sau đó đổ ra sông Hồng".
Rất tiếc là hai vị giáo sư của chúng ta đều sai cả về thời điểm lẫn địa điểm. Địa danh Hà Nội đâu có phải được đặt ra để chỉ cái thực thể địa lý mà hai ông đã khoanh vùng. Ý kiến của hai ông may ra chỉ đúng với Hà Nội dưới thời thực dân Pháp khi chúng đổi tên kinh thành Thăng Long của ta thành Hà Nội và lấy Hà Nội làm thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Chứ Hà Nội vốn là tên của một tỉnh, trên đó có Thăng Long, nghĩa là có cả Hà Nội của hai vị. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính của Vua Minh Mạng, toàn quốc được chia thành 29 tỉnh; Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội. Hà Nội khi đó gồm 4 phủ, 15 huyện, nằm giữa sông Hồng và sông Đáy: phủ Hoài Đức với 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm; phủ Thường Tín với 3 huyện Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên; phủ Ứng Hòa với 4 huyện Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Thanh Oai; phủ Lý Nhân với 5 huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Nam Xang, Bình Lục. Thăng Long được lấy làm Hà Nội tỉnh thành, nghĩa là thành của tỉnh Hà Nội.
Vậy trước khi nước Đại Nam bị thực dân Pháp xâm lược và cai trị thì Hà Nội chưa bao giờ là tên của một kinh thành hay một thành phố cả. Và Hà Nội của hai vị giáo sư thì nằm lọt thỏm vào Hà Nội của Vua Minh Mạng. Cái tên Hà Nội là do Vua Minh Mạng đặt ra vào năm 1831; GS Phan Huy Lê giảng Hà Nội là "thành phố bên trong sông" rồi lấy dữ liệu trong bản đồ thời Hồng Đức năm 1490 để chứng minh thì rõ ràng là "nghịch thời gian". Huống chi Hà Nội của Vua Minh Mạng còn chồm ra đến tận sông Đáy chứ đâu chỉ ngấp nghé bên bờ sông Nhuệ của hai vị giáo sư.
Thế là cái thuyết "thành phố bên trong sông" phải được xét lại. Nếu cứ lấy cái tiêu chí là "nằm giữa hai con sông" mà đặt tên thì ta sẽ có rất nhiều tỉnh Hà Nội, huyện Hà Nội, thậm chí xã Hà Nội nữa. Thực ra, ta phải xét xem “nội” có nhất thiết phải là "trong" như "2 trong 1", "3 trong 1" trên các loại bao bì hay không. Xin chú ý rằng Trung Quốc cũng có địa danh Hà Nội và địa danh này được từ điển Từ hải giảng như sau: "Kim Hà Nam tỉnh Hoàng Hà dĩ Bắc địa, cựu thời thông xưng viết Hà Nội; nhi xưng Hoàng Hà dĩ Nam viết Hà Ngoại", nghĩa là "Đất tỉnh Hà Nam hiện nay từ Hoàng Hà trở về Bắc, xưa thường gọi là Hà Nội; còn từ Hoàng Hà trở xuống Nam thì gọi là Hà Ngoại". Đây là một cách đặt tên theo lập trường. Từ Hoàng Hà trở về Bắc nói chung thì thời xưa là địa bàn của tộc Hán, mà cái nôi là Trung Nguyên. Vậy từ Hoàng Hà về Bắc là ta (dĩ nhiên là ta của Tàu), là nhà, là bên trong, là Hà Nội. Còn bên kia Hoàng Hà là Nam Man, là chúng nó, là bên ngoài, là Hà Ngoại (dĩ nhiên đây chỉ là chuyện đời xưa). Còn Vua Minh Mạng nhà ta thì không biết đã xài chữ nội theo nghĩa gì?
Xin mạo muội gợi ý như trên để các nhà chuyên môn suy ngẫm. Chứ cái kiểu lập luận như của GS Lê Văn Lan và GS Phan Huy Lê thì nghe ra không lấy gì làm ổn đáng. Đó là còn chưa nói đến chuyện trong tiếng Việt thì "thành phố bên trong sông" không phải là một cách diễn đạt trong sáng. Người sành tiếng Việt thì thích cách nói "sông trong thành phố" hơn nhưng rất tiếc rằng đây lại là một nội dung hoàn toàn khác
An Chi - Chuyên đề An ninh thế giới số 996[right]