Nhân chuyện học sinh bây giờ hỏi về ca sỹ, cầu thủ bóng đá thì trả lời vanh vách, nhưng hỏi một nhân vật lịch sử thì gãi đầu. Bây giờ rất ít học sinh đọc tiểu thuyết, thơ ca thì càng hiếm...
Tôi thường theo dõi trên các cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia, Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Rung chuông vàng…thì thấy đến câu hỏi về lịch sử là người chơi đa số là bó tay.com. Trong một lần thi Đường lên đỉnh Olimpia, một thí sinh khi được hỏi: “Mẹ Suốt quê ở đâu ?” đã lắc đầu quầy quậy và nói: “Bỏ qua !”, dù học sinh đó đồng hương với bà mẹ anh hùng vừa được hỏi trên …
Có câu chuyện thế này cuối tuần kể mọi người nghe:
Thầy giáo hỏi:
- Em có biết Nguyễn Huệ không?
- Dạ không!
- Em có biết Lê Lợi không?
- Dạ không!
- Em có biết Ngô Quyền không?
- Dạ không!
Thầy giáo quát:
- Sao ai em cũng không biết hết vậy?
Học trò hỏi lại:
- Thưa thầy, thầy có biết Dũng rỗ không?
- Không!
- Thưa thầy, thầy có biết Khánh sò không?
- Không!
- Thưa thầy, thầy có biết Long trọc không?
- Không!
Học trò nói:
- Đó! Thầy có băng nhóm của thầy, thì em có băng nhóm của em chớ!
Hết nói!
Việc nhìn nhận dạy - học môn Lịch sử trong các nhà trường, tôi không dám bàn, chỉ muốn nói là nếu lớp học sinh ngồi trên ghế nhà trường hôm nay không thuộc lịch sử, sau này khi ra trường bị cuốn hút vào công việc hằng ngày làm sao còn có điều kiện học lịch sử nữa.
Bác Hồ đã dạy: "Dân ta phải biết sử ta". Giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng có ý nghĩa lớn lao trong việc xây dựng con người mới. Nhớ về cội nguồn với những hy sinh cao đẹp của cha ông cho đất nước có tác dụng nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn thế hệ sau để họ sống và làm việc xứng đáng với các thế hệ đi trước. Việc này không thể coi thường và đây là việc của toàn xã hội chứ không riêng gì các nhà trường.