Sau khi Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông qua đời, cuộc đấu tranh giữa các nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng sản với "bè lũ 4 tên"do Giang Thanh cầm đầu bước vào giai đoạn quyết định. Dưới sự lãnh đạo của Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh..., Đảng và nhân dân Trung Quốc đã đập tan những âm mưu, kế hoạch của "bè lũ 4 tên". Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên... bị bắt giữ và đưa ra xét xử trước một tòa án đặc biệt.
Để phục vụ cho việc giam giữ và xét xử những kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên", đội cảnh sát vũ trang đầu tiên của Trung Quốc đã được thành lập ngày 22/3/1978 tại nhà tù Tần Thành (Bắc Kinh). Lực lượng đặc biệt này bao gồm hơn 300 thành viên, được tuyển chọn từ 13 tỉnh trong cả nước. Tất cả đều đã trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về nhân thân và tư cách đạo đức. Họ có nhiệm vụ quản lý những tội phạm đặc biệt: thành viên hai tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh và Lâm Bưu. Mỗi tù nhân ở Tần Thành bị giam tại một khu vực mang mật danh riêng.
Sau khi đội cảnh sát vũ trang được thành lập, phân đội gồm 22 nữ cảnh sát nhận nhiệm vụ quản lý tù nhân mang số hiệu "7604", bị giam ở khu vực số 203 trong trại giam Tần Thành. Nhiệm vụ của họ là giám sát mọi hành động của phạm nhân "7604", áp giải, ngăn ngừa mọi âm mưu trốn trại, tự sát... Chỉ sau khi gặp mặt, các nữ quản giáo mới biết rằng đối tượng bị họ quản lý chính là Giang Thanh - kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên".
"Hồng đô nữ hoàng" trong những ngày thất thế
17/4/1978 là ngày đầu tiên Giang Thanh bị đặt dưới sự quản lý, giám sát của những nữ cảnh sát vũ trang ở nhà tù Tần Thành. Lý Hồng và Vương Quảng Trân phụ trách ca trực đầu tiên. Nhật ký của Lý Hồng còn ghi lại những ấn tượng đầu tiên của nữ quản giáo về phạm nhân đặc biệt:
"... Giang Thanh là một phụ nữ rất mẫn cảm. Khi thấy người canh giữ mình chỉ là những cô gái khoảng 19, 20 tuổi, bà ta không giấu được vẻ kinh ngạc. Khi đó, Giang Thanh đã 64 tuổi nhưng trông vẫn còn rất trẻ. Bà ta mặc bộ váy dài màu đen, vẻ kiêu ngạo toát ra từ bước đi và ánh mắt...".
Trong khi bị giam giữ, Giang Thanh vẫn giữ thói quen đội mũ lưỡi trai và mang kính gọng đen. Những nữ cảnh sát vũ trang quản lý Giang Thanh dần dần quen với tính nết của bà ta: "Người tù số 04 (Giang Thanh) thích tán gẫu và gây chuyện ầm ĩ. Quản lý phạm nhân 04 rất khó khăn vì chỉ cần lơi lỏng một chút, bà ta sẽ đả kích lãnh đạo trung ương..." (trích nhật ký của Lý Hồng đề ngày 22/4/1978).
Trước mặt những người canh giữ mình, Giang Thanh luôn tìm cách thể hiện phong độ của một nhân vật từng làm mưa làm gió. Tuy nhiên, không ai lắng nghe những câu chuyện của bà ta. Vì vậy, sau đó, mỗi khi nói chuyện với các nữ quản giáo, Giang Thanh không còn hứng thú đề cập đến chính trị mà chuyển sang những đề tài thường được phụ nữ quan tâm như quần áo, trang điểm...
Trong số 22 thành viên của đội nữ cảnh sát vũ trang, Giang Thanh tỏ ra gần gũi nhất với Lý Hồng. Có lần bà ta khen viên quản giáo này có khuôn mặt rất ăn ảnh. Theo gợi ý của phạm nhân đặc biệt, cô đã đi chụp một bức ảnh rồi lén đưa cho Giang Thanh xem. Đó cũng là tấm hình Lý Hồng thích nhất. Cô luôn để bức ảnh đó bên dưới tấm kính trên bàn làm việc.
Cuộc sống của Giang Thanh trong nhà tù Tần Thành rất đơn giản và tĩnh lặng. Phòng giam của bà ta rộng khoảng 20 m2, với một khu vệ sinh. Giường nằm là một tấm phản gỗ kê ngay trên nền phòng giam và có chăn, nệm. Hầu như mọi sinh hoạt của Giang Thanh hàng ngày đều diễn ra bên trong phòng giam. Cứ khoảng từ 9 đến 10 giờ, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn... lại lần lượt được đi dạo trong sân nhỏ dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát vũ trang. Giang Thanh thường tản bộ hoặc múa Thái cực quyền.
Đồ ăn của nữ phạm nhân đặc biệt này được chuẩn bị riêng. Ngoài cơm và thức ăn, bà ta còn được dùng hoa quả, sữa... Có lúc Giang Thanh yêu cầu thay đổi thực đơn bằng ngô, khoai... Sinh hoạt trong tù đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của Giang Thanh vì nó hoàn toàn trái ngược với cuộc sống sung sướng trước đây của bà ta. Trong phòng giam có radio nhưng Giang Thanh thích đọc sách báo hơn. Do vậy, bà ta dành phần lớn thời gian cho công việc này. Giang Thanh thường đọc Nhân Dân nhật báo, tạp chí Hồng Kỳ... Cuốn sách mà bà ta hay đọc nhất là Tuyển tập Mao Trạch Đông. Mỗi khi gập cuốn sách lại, Giang Thanh thường dùng một băng giấy nhỏ để ngày hôm sau đọc tiếp.
Vốn xuất thân là một nghệ sĩ kinh kịch, ngay cả khi bị giam giữ ở nhà tù Tần Thành, Giang Thanh vẫn không quên kỹ năng biểu diễn giúp bà ta trở nên nổi tiếng. Phạm nhân thường hát và biểu diễn ngay trong phòng giam. Mặc dù những người bên ngoài không nghe thấy bà ta hát gì qua cánh cửa đóng kín, nhưng với lỗ quan sát, người ta có thể thấy rằng Giang Thanh thực sự có tài năng trong lĩnh vực biểu diễn môn nghệ thuật cổ truyền này.
Trong những năm tháng ở bên Mao Trạch Đông, tuy theo đuổi những tham vọng chính trị xấu xa, nhưng Giang Thanh vẫn luôn giữ thái độ kính trọng khi nhắc tới ông. Khi được hỏi về chiều cao của Chủ tịch Mao, bà ta cho biết ông cao 1,82 m (!). Dư luận thời đó đồn rằng Thủ tướng Chu Ân Lai từng gẫy tay do bị Giang Thanh đẩy ngã ngựa, nhưng bà ta khẳng định với Lý Hồng: "Tôi không gây ra chuyện đó. Thực sự, tôi cũng không có đủ can đảm để làm như thế".
Để xét xử Giang Thanh và những kẻ phản cách mạng khác, Trung Quốc đã thành lập một tòa án đặc biệt. Việc xét xử được tiến hành tại Bộ Công an ở số 1 đường Chính Nghĩa (Bắc Kinh), và dẫn giải Giang Thanh trong suốt quá trình tố tụng cũng chính là các nữ cảnh sát vũ trang quản lý bà ta tại nhà tù Tần Thành.
Ngày 25/1/1981, Tòa án đặc biệt đã kết án tử hình đối với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều - những kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên". Thời gian hoãn thi hành án là hai năm và tước bỏ quyền lợi chính trị vĩnh viễn. Giang Thanh phải trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời trong những bức tường lạnh lẽo - điều mà bà ta chưa bao giờ tính đến trong kế hoạch cướp chính quyền từ tay những người Cộng sản Trung Quốc.