1. Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, 1558-1613) Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa, là con của Trừng quốc công Nguyễn Hoàng Dụ đã từng giúp vua Lê Tương Dực khởi binh ở Thanh Hóa lật đổ Lê Uy Mục, nhân đó được phong là Thái phó Trừng quốc công.
Mạc Đǎng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim lánh sang Ai Lao, thu nạp hào kiệt, phò giúp nhà Lê trung hưng, được vua Lê Trang Tông phong là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công. Nǎm Canh Tý - l540 Nguyễn Kim đem quân về chiếm Nghệ An, nǎm l542 chiếm được Tây Đô - Thanh Hóa. Nǎm ất Tị - 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, thọ 75 tuổi, quyền hành rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm.
Khi Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao thì Nguyễn Hoàng mới 2 tuổi, được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột nuôi dạy nên người.
Trịnh Kiểm là anh rể, muốn thâu tóm quyền hành nên đã ngấm ngầm ám hại các em vợ. Nguyễn Uông, con trưởng của Nguyễn Kim đã bị hãm hại. Nguyễn Hoàng rất lo sợ, sai người đến yết kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin mách cho kế an toàn, Trạng Trình đã ứng khẩu câu thơ: ''Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân!'' (một dãy núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời).
Nguyễn Hoàng nghĩ ra, đến nói với chị gái là Ngọc Bảo xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hoá là nơi hoang vu nhiều giặc dã. Trịnh Kiểm đồng ý cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá với ý đồ mượn tay giặc giết em vợ.
Nǎm Mậu Ngọ - 1558, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá.
Được lệnh vào Nam, bất chấp mùa đông giá rét, Nguyễn Hoàng giong buồm đi ngay, những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng quân lính ở đất Thanh - Nghệ nhiều người đem cả vợ con đi theo có đến nghìn người. Các danh thần cùng đi có Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống...
Vào Nam, đoàn người của Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cảng Cửa Việt, dựng dinh thự ở ái Tử thuộc huyện Đǎng Xương, Quảng Trị.
Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu, lưu tâm đến dân tình, hết lòng thu dung hào kiệt. ông giảm sưu, hạ thuế khiến lòng người ai cũng mến phục. Nhân dân xưng tụng ông là chúa Tiên.
Để tránh sự nghi kỵ của chúa Trịnh, nǎm 1569, ông ra chầu vua Lê ở An Trường, được vua Lê, chúa Trịnh khen ngợi. Nǎm 1570, Nguyễn Hoàng được giao trấn thủ luôn đất Quảng Nam với ấn Tổng trấn. ông dời đô vào làng Trà Bát (tức Cát Dinh) cũng thuộc huyện Đǎng Xương.
Nǎm 1572, tướng Lập Bạo của nhà Mạc theo đường biển đem quân vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị) định phá sự nghiệp ở Thuận - Quảng của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng đã dùng kế mỹ nhân phá được âm mưu của Lập Bạo và đánh tan được quân nhà Mạc.
Nǎm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Vì lập được nhiều chiến công, ông được vua Lê tấn phong làm Trung quân Đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quốc công. Để tránh Trịnh Tùng hãm hại, nǎm Canh Tý - 1600 Nguyễn Hoàng lấy cớ đem quân đi dẹp cuộc nổi loạn ở Nam Định, sau đó cùng các tướng tâm phúc ra biển giong thẳng vào đất Thuận - Quảng để con trai thứ 5 là Hải và cháu là Hắc ở lại làm con tin. Vua Lê sai sứ giả vào phủ dụ và vẫn để Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận - Quảng. Tháng 10 nǎm Canh Tý - 1600, Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả Trịnh Tùng).
Có thể nói từ nǎm 1600, Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng giang sơn riêng cho họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Thuận - Quảng vốn là đất cũ của người Chǎm chịu ảnh hưởng vǎn hóa Chǎmpa, chúa Tiên dã dùng Phật giáo để thuần hoá nhân dân. ông sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa.
Đặc biệt, nǎm 1601 ông cho xây dựng chùa Thiên Mụ là công việc to lớn có giá trị nhất. Ngôi chùa lịch sử này đã có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hoá và triều Nguyễn ở Việt Nam.
Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, mất ngày 21/5/1613 thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận - Quảng 55 nǎm (1558-1613). ông sinh 10 con trai và 2 con gái. Sau này, triều Nguyễn truy tôn ông là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế.
2. Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, 1613-1635) Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn dò: Đất Thuận - Quảng này phía bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập binh sĩ mới gây dựng cơ nghiệp muôn đời.
Nguyễn Phúc Nguyên khóc và bái tạ lãnh mạng. Vua Lê sai sứ giả vào viếng và truy tặng Nguyễn Hoàng là Cẩn nghi công, vẫn cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ Thuận - Quảng với hàm Thái bảo, tước Thuỵ quận công. Nguyễn Phúc Nguyên xưng là Sãi vương và cho rời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, ngày đêm lo việc chính sự, thu dụng nhân tài. Quan khám lý Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn, chúa mừng lắm phong cho Đào Duy Từ tước Lộc kê hầu, chức Nha uý nội tán. Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn đắp luỹ Trường Dục luỹ Thầy để phòng ngự, chống nhau với quân Trịnh, Đào Duy Từ còn bày kế sách cho chúa Nguyễn trả lại sắc phong của vua Lê, không chịu nộp thuế cống cho chúa Trịnh.
Chuyện kể rằng nǎm Đinh Mão - 1627, Trịnh Tráng sai sứ mang sắc vua Lê dụ chúa Sãi cho con vào chầu và nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa cống nhà Minh. Nhận được sắc vua, chúa Sãi họp triều thần hỏi mưu kế. Đào Duy Từ dâng kế, cho người làm một cái mâm hai đáy, trên sắp đầy sản vật, giữa để sắc thư, rồi cử Lại Vǎn Khuông làm chánh sứ đem phẩm vật ra tạ ơn chúa Trịnh. Nhờ đã được chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Vǎn Khuông ứng đối khá trôi chảy. Chúa hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn đi thǎm kinh thành để chờ chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Sau khi đọc cẩm nang, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn đột ngột trốn về, chúa Trịnh nghi hoặc, bèn cho người đập vỡ mâm mới thấy tờ sắc trước, và một bài thơ, mỗi câu bốn chữ như sau.
Mâu nhi địch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
Cả triều thần không ai hiểu ý nghĩa. Trịnh Tráng phải mời Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan giải mã... Đọc xong Phùng Khắc Khoan giải thích: Đấy là lối chơi chữ của Đào Duy Từ, chữ mâu không có dấu phẩy là chữ dư, chữ mịch không thấy chữ kiến thì còn chữ bất, chữ ái rơi chữ tâm thành chữ thụ, chữ lực cùng đối địch với chữ lai thành chữ sắc. Vậy ý nghĩa của bài thơ 4 câu trên là Dư bất thụ sắc tức là Ta không nhận sắc.
Nghe xong, Trịnh Tráng vội cho người tìm bắt Lại Vǎn Khuông, nhưng Khuông đã cao chạy xa bay rồi. Tráng muốn phát binh vào đánh chúa Nguyễn, nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc, đành phải hoãn lại chưa đi hỏi tội chúa Nguyễn.
Đào Duy Từ còn tiến cử cho chúa Nguyễn một viên tướng tài ba, mưu lược là Nguyễn Hữu Tiến, quân lực của chúa Nguyễn từ đó ngày thêm mạnh. Đào Duy Từ chỉ giúp chúa Nguyễn 8 nǎm mà cơ nghiệp chúa Nguyễn thay đổi hẳn về chất, đất Đàng Trong trở nên có vǎn hiến và quy củ hơn trước nhiều.
Đối với lân bang, chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành và Chân Lạp. Nǎm 1620, chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chetta II (1618?1686) để tạo thuận lợi cho dân chúng vào khai khẩn đất hoang ở Thuỷ Chân Lạp. Nǎm 1631, chúa Sãi lại gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê để củng cố nền hoà hiếu một thời gian khá dài giữa hai nước Chiêm Việt.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sinh 16/8/1563, mất ngày 19/12/1635 thọ 73 tuổi, ở ngôi chúa 22 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn Hy tông Hiếu vǎn Hoàng đế. Chúa Sãi có 15 người con (11 con trai và 4 con gái).
3. Chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng, 1635-1648) Nguyễn Phúc Nguyên có 11 con trai. Nguyễn Phúc Lan là con trai thứ hai được truyền ngôi chúa.
Năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi mất, Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa gọi là chúa Thượng.
Nghe tin Phúc Lan nối nghiệp, hoàng tử thứ 3 là Nguyễn Phúc Anh đang trấn giữ Quảng Nam âm mưu phản nghịch, liên kết với chúa Trịnh đem quân vào đánh miền Nam. Phúc Anh sai đắp luỹ Câu Ðê làm kế cố thủ. Phúc Lan đánh bắt được, không nỡ giết người ruột thịt, nhưng tướng sĩ và ông chú là Trường quận công Nguyễn Phúc Khê đều xin giết để trừ hậu hoạ.
Chúa dù đau xót cũng phải nghe theo.
Năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị (vợ goá của Phúc Anh) dâng cho chúa chuỗi hoa vòng ngọc liên châu rất đẹp. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát xúc động lòng yêu. Tống Thị lại vào sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, nhan sắc lại cực kỳ diễm lệ. Chúa Thượng nổi tình riêng, sau đó mời nàng vào nội thất chung chăn gối.
Từ đó chúa rất mực sủng ái Tống Thị. Nàng trình bẩm việc gì chúa cũng nghe theo. Tống Thị lựa lời khéo léo để chúa vui lòng, nghĩ cách chiếm đoạt của cải của dân để làm giàu riêng. Các quan đại thần căm ghét Tống Thị, tìm cách can gián nhưng chúa không nghe. Cho hay, nhan sắc, gái đẹp có mãnh lực vô biên, làm lung lạc cả đấng quân vương.
Làm chúa được 9 năm, vị chúa đa tình này lập được chiến công vang dội. Lần đầu tiên trong lịch sử, thuỷ quân Việt Nam đã đánh thắng thủy quân Âu Châu.
Ðó là năm 1643, Hà Lan theo yêu cầu của chúa Trịnh đã cho 3 chiếc tàu đồng kiểu tròn, trang bị nhiều trọng pháo tiến vào cửa Eo (Thuận An) mưu đồ xâm lược nước ta.
Chúa Thượng họp quần thần bàn định có nên đưa chiến thuyền của mình ra đánh tàu Hà Lan hay không. Các quần thần không dám hứa là chắc thắng. Chúa hỏi một người Hà Lan đang giúp việc cho chúa. Người ấy tự phụ trả lời: Tầu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi. Nghe vậy, chúa cảm thấy bị xúc phạm. Ông thân hành đến Eo, ra lệnh cho thuỷ quân chèo thuyền ra đánh thẳng vào 3 chiếc tàu của Hà Lan.
Hàng trăm chiếc thuyền Việt Nam xông thẳng vào các chiếc tàu Hà Lan, mặc đại bác bắn ra như mưa. Bốn mặt tàu Hà Lan đều bị tấn công. Nhờ thuyền nhỏ cơ động, nhanh nhẹn nên mặc dù bị một số đạn, thuyền Việt Nam vẫn bao vây tấn công vào tàu Hà Lan quyết liệt. Chúng vô cùng kinh hoàng, không ngờ thủy quân chúa Nguyễn lại gan dạ đến thế. Chiếc nhỏ nhất vội luồn lách chạy thoát thân. Chiếc thứ hai thảng thốt đâm vào đá, cả đoàn thuỷ thủ và tàu chìm nghỉm xuống biển. Chiếc thứ 3 lớn nhất chống cự lại, các thuỷ quân chúa Nguyễn bám sát tàu bẻ bánh lái. Một số nhảy lên tàu, chặt gẫy cột buồm. Bị dồn vào thế tuyệt vọng, thuyền trưởng Hà Lan cho nổ kho thuốc súng. Thế là tất cả thủy thủ bị hoả thiêu chết la liệt trên biển. Có 7 tên trên tàu nhảy xuống biển, cố bơi thoát nhưng đều bị tóm cổ.
Thắng trận trở về, chúa Thượng dẫn 7 tên tù binh đến trước mặt người Hà Lan nói:
- Cần chi mãnh lực và quân đội của trời mới phá được. Chiến thuyền của ta cũng khá đấy chứ.
Năm 1648, Trịnh Tráng cho các đạo quân thuỷ bộ đánh vào miền Nam. Bộ binh đóng ở đất Nam Bố Chính, còn thuỷ quân thì đánh vào cửa Nhật Lệ. Nguyễn Phúc Lan phải tự cầm quân đánh lại. Sau Phúc Lan thấy trong người không được khoẻ, mới trao binh quyền cho con trai là Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy còn mình thì rút về. Ðến phá Tam Giang thì chúa mất, thọ đến 48 tuổi, ở ngôi chúa 13 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Thần tôn Hiến chiêu Hoàng đế. Chúa Thượng có 4 người con (3 con trai, 1 con gái).