cám ơn vì tư liệu của bạn! Tuy nhiên bạn không post ảnh lên nhiều người không coi được, chính vì thế mình tra xong rùi post luôn thể
10 bảo vật quốc gia Giadinh.net
- Quảng Trị là mảnh đất hội tụ nhiều dấu ấn của nhiều nền văn hóa, điều
này được thể hiện qua việc hàng chục nghìn hiện vật được phát hiện và
lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Trị. Trong đó, có 10 cổ vật từng được đề cử
là bảo vật quốc gia. GĐ&XH Cuối tuần xin giới thiệu cùng bạn đọc
những tinh hoa nghệ thuật của xứ này.
|
Bức phù điêu lá nhĩ trà liên 1 (Ảnh: TG). |
1. Pho tượng Uma Dương Lệ, được người dân địa
phương tìm thấy trên nền phế tích của khu thánh địa Chămpa tại làng
Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Sau khi phát hiện,
người dân đã lập một miếu thờ trên nền tháp đổ với tên gọi Miếu Bà
Giàng vào năm 1985. Tượng cao 0,65m được tạc từ sa thạch, hạt mịn, màu
nâu sẫm, tượng tròn được tạc ở tư thế nữ thần loã thể toạ trên bệ đài.
Gương mặt nữ thần toát lên vẻ thanh tú, nhẹ nhàng, trán rộng, đầu ngẩng
cao với đôi mắt đăm chiêu. Bầu ngực căng tròn nhô ra phía trước, bắp
đùi thon thả biểu lộ một sức sống tràn trề, gây cho người chiêm bái một
ấn tượng mạnh mẽ về nghệ thuật. Đây là biểu tượng của thần Uma hay
chính là hoá thân nữ của thần Siva còn có tên là Bhagavati - một vị
thần được sùng kính ở Chămpa dưới tên Po Nagar hay Po Yan Inư Nagar
(Thần mẹ xứ sở).
2. Cũng tại huyện Triệu Phong, năm 1980 người dân
tìm thấy bức phù điêu lá nhĩ (Tympan) Trà Liên I tại di tích tháp Chăm
Trà Liên (xã Triệu Giang). Bức phù điêu có hình bán nguyệt, bằng đá sa
thạch, cao 1,21m, dày 0,2m, đường kính đáy 1,54m. Phù điêu chạm hình
thần mặt trời Surya và hai trợ thủ, trên một bệ cao có nhiều đường gờ
giật cấp. Thần Surya đứng giữa, đầu đội Kirita – mukuta hai tầng, mặc
áo dài kẻ sọc dày, khuôn mặt nghiêm nghị, lông mày rậm, mũi cao, miệng
rộng, tai đeo đồ trang sức to, nặng, hai tay cầm búp sen giơ cao. Hai
trợ thủ ngồi hai bên, mỗi vị cầm một cái trượng, khuôn mặt tươi tắn,
miệng rộng, môi dày. Bên dưới chiếc bệ có hình 7 đầu ngựa tượng trưng
cho 7 ngày, ứng với mỗi đầu ngựa là một đôi chân trước, tạo ra 14 đôi
chân.
|
Bức phù điêu lá nhĩ trà liên 2 (Ảnh: TG). |
3. Cũng tại di tích tháp Chăm Trà Liên 12 năm sau,
thêm một bảo vật nữa đã được tìm thấy: Phù điêu lá nhĩ Trà Liên II, có
hình bán nguyệt, bằng đá sa thạch, cao 1,2m, rộng 2,1m, dày 0,17m. Hình
tượng của Siva và Uma được chạm nổi trong hai khung hình bán nguyệt
khoét lõm so với bề mặt; một mảng phụ khác thể hiện hình tượng cây vũ
trụ với kỹ thuật chạm hình nằm trên đầu. Thần Siva ngồi trên một chiếc
bệ, mặc sampot ngắn có thắt lưng, vạt trước dài chảy tràn, mình và đùi
để trần, miệng hé cười, cổ ba ngấn đeo những vòng trang sức thõng xuống
ngực. Kế bên, tượng Thần Uma ngồi trên một bệ cao trong tư thế rất
thoải mái, hai chân gập về phía sau; nửa thân dưới được phủ một sarong
dài trong khi nửa thân trên để ngực trần. Hai cánh tay của Uma dài thon
thả, tay trái chống lên, tay phải tựa khuỷu lên đùi, cánh tay vắt chéo
qua trái ôm lấy eo bụng. Trên tất cả, là gương mặt đôn hậu.
4. Năm 1986, người dân thôn Kim Đâu, xã Cam An,
huyện Cam Lộ phát hiện ra Bò thần Nandin Kim Đâu tại di tích tháp Chăm
Kim Đâu. Sử xưa chép rằng, bò Nandin là vật cưỡi của Thần Siva và Nữ
thần Paravati. Tượng Bò được tạo liền một khối với bệ bằng sa thạch dài
0,46m, rộng 0,29m, nằm ở tư thế hai chân trước gập về sau, hai chân sau
gập về trước. U bò cao gần ngang đầu, bụng thon, các bắp đùi nổi rõ;
đuôi dài kéo từ phía sau luồn qua đùi trái rồi vắt chéo lên chân, cuối
đuôi có một túm lông lớn vắt từ cẳng chân kéo dài xuống dưới tạo thành
một đường lượn trên hình hài bộ phận sinh dục khá rõ nét.
|
Trống đồng Trà Lộc (Ảnh: TG). |
5. Tại thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu
Phong trong khi đào đất ở Cồn Dưới người dân đã tìm thấy thêm một tượng
bò thần tên là Bò thần Nandin Quảng Điền. Được làm bằng đá sa thạch,
tượng Bò Thần dài 52cm, cao 34cm, nằm trong tư thế phủ phục, đầu hơi
cúi xuống, mắt nhắm nghiền, trán khắc nổi hoa văn hình thoi, bụng thon,
mông tròn, u nổi cao. Hơi khác với Bò thần Nandin Kim Đâu, Bò thần
Nandin Quảng Điền có bộ phận sinh dục rất to và rõ nét, cùng với chiếc
đuôi dài nổi trên mông, luồn qua khuỷu đùi, vắt chéo trên chân rất mềm
mại.
6. Cụm vò bán sứ thời Đường Dương Lệ được người
dân địa phương phát hiện tại cánh đồng thuộc làng Phúc Lộc, xã Triệu
Thuận, huyện Triệu Phong, cách thành Thuận Châu chừng 1 km. Cụm vò gồm
7 chiếc, chiếc lớn nhất là một vò bán sứ có hình dạng thân phình, cổ
ngắn, đáy bằng, trên thân có 6 núm; vò cao 57cm, đường kính miệng 21cm,
đường kính đáy 23cm. Các vò còn lại nhỏ hơn, được chôn xung quanh vò
lớn. Đây là những chiếc vò bán sứ men trấu rạn, được sản xuất tại Quảng
Đông, Trung Quốc dưới thời Đường (thế kỷ VII – VIII).
Theo các nhà nghiên cứu, đây là ngôi mộ vò của một
gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội người Chăm cổ. Những
chiếc vò bán sứ Đường này là do người Chăm mua lại của người Trung Quốc
thông qua con đường giao lưu, trao đổi từ các cảng biển Mai Xá, Cửa
Việt thời bấy giờ.
|
Trống đồng An Khê (Ảnh: TG). |
7. Tháng 4/1997, khi rà bom mìn tìm phế liệu trên
một quả đồi thuộc làng An Khê, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, anh Phan Tấn
Hoàng đã phát hiện một chiếc trống đồng có tên gọi Trống đồng An Khê.
Trống có tang phình, thân eo, đế thẳng, xung quanh có bốn quai; mặt
trống có hình ngôi sao 8 cánh và có 6 vành hoa văn với các hoạ tiết
trang trí là các vòng tròn đồng tâm, chim mỏ dài, đuôi dài đang bay
ngược chiều kim đồng hồ, hoa văn răng cưa hình thoi, xương cá. Tang
trống có hai vành hoa văn, trang trí hình răng cưa hướng lên tâm và về
chân trống. Quai trống có hai đôi quai kép hình bán khuyên, trang trí
hoa văn thừng tết. Các nhà nghiên cứu kết luận, đây là trống đồng thuộc
niên đại loại I He’ger, cách đây 2.500 năm.
8. Tại rú Cát, thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện
Hải Lăng, trong khi rà tìm phế liệu, ông Hoàng Công đã phát hiện thấy
Trống đồng Trà Lộc. Đây cũng là chiếc trống đồng có niên đại loại I
He’ger cách đây hơn 2.500 năm. Trống có hình dạng thân thon, đế choãi,
tang phình, có bốn quai; mặt trống trang trí hình sao 10 cánh mập, xen
giữa cánh sao là chữ V lồng, đầu chữ V quay ra ngoài gồm 7 vành hoa văn
với các hoạ tiết như vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, chim mỏ dài có
mào, đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ... Vòng chủ đạo của mặt trống
có 4 hình thuyền. Chân trống choãi có 5 vành hoa văn được trang trí
hình bò u nổi cao, hình chấm dải. Quai trống có hai đôi quai kép hình
bán khuyên được trang trí hoa văn thừng tết.
|
Bộ vò gốm thường Đường Dương Lệ (Ảnh: TG). |
9. Tượng Nguyễn Ư Dĩ tạc hình cậu ruột của chúa
Nguyễn Hoàng, cao 0,62m, phần vai rộng 0,30m. Tượng được đúc bằng đồng
ở tư thế ngồi trên ghế thấp, hai chân gấp khuỷ hơi dang ra; khuôn mặt
chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái
tai rộng; đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi. Toàn
thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai
tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón
tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to, tròn; trên ngực có một
dải đai vòng. Tượng Nguyễn Ư Dĩ được thờ tại miếu thuộc đình làng Trà
Liên, xã Triệu Giang, Triệu Phong.
10. Bản khoán ước làng Phú Kinh, được khắc trên
một tấm gỗ lim, hình chữ nhật có kích thước 230 cm x 36,5 cm x 8 cm.
Mặt trước khắc gần 5.000 chữ Hán, viết theo lối chữ Chân, mặt sau để
trơn. Nội dung bản khoán ước là những quy định như phân chia ruộng đất,
giáo dục, khuyến học, giữ gìn phong thuỷ, cưới xin, tang ma...Theo sử
sách ghi lại, Bản khoán ước này do dân làng Phú Kinh, thuộc xã Hải Hoà,
huyện Hải Lăng thực hiện vào tháng 6/1774. Đến nay, ngoài một vài vết
thủng nhỏ do bom đạn, phần lớn bảo vật này vẫn còn nguyên dạng.