Hàng chục ngàn tù binh trên khắp các chiến trường, nhất là sau Tết Mậu Thân, đã bị đưa ra trại tù binh Phú Quốc. Dù đã trải qua hàng loạt nhà tù, hàng loạt sự tra tấn đớn đau, trên một chiến hạm hay phi cơ quân sự đưa ra đảo Phú Quốc, họ bị quăng vào tận cùng của sự tàn bạo giữa biển khơi.
Ông Nguyễn Hữu Minh nhập ngũ tại Nghệ An từ tháng 4-1959, sau đó vào Nam chiến đấu ở đơn vị đặc công rừng Sác. Ông kể: “Tôi đã bị bắt làm tù binh một lần vào năm 1967. Khi đó tôi là lính của đoàn 10 - đặc công rừng Sác, nhân lúc lính gác sơ hở tôi lao xuống sông trốn thoát và trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đầu năm 1969, khi tôi đang làm đại đội phó đại đội trinh sát của đoàn 10, trong một lần đi lấy nước cho đơn vị, tôi bị địch bắt đưa về Nhà Bè, tra tấn rất dã man, tưởng chết. Hết Nhà Bè rồi Chí Hòa, Hố Nai, chết đi sống lại tôi vẫn không khai, thế là tôi bị đưa ra đảo Phú Quốc vào tháng 7-1969. Tưởng đã trải qua những khủng khiếp nhất của “địa ngục trần gian”, nhưng khi ra Phú Quốc mới thấy các nhà tù khác chưa là gì cả, đó mới chính là tầng sâu thẳm nhất của địa ngục”.
Bố phòng khắp đảo
Trại giam tù binh Phú Quốc thuộc xã Dương Tơ (nay là An Thới), được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng đầu năm 1967. Toàn bộ khu trại rộng khoảng 400ha, tên thường gọi là nhà lao Cây Dừa.
Từ thời nhà Nguyễn, Phú Quốc rất thưa thớt cư dân, đó là nơi trú ngụ của hải tặc trên vịnh Thái Lan. Đảo có chiều dài 50km, chiều rộng 28km, cách đất liền (Rạch Giá) 120km. Trước năm 1945, dân số Phú Quốc chỉ khoảng 6.000 dân, vậy mà từ khi nhà tù được lập ra, lúc cao điểm lượng tù binh lên đến hơn 40.000 người.
Trại giam Phú Quốc được bố phòng rất nghiêm ngặt. Nhiều tù binh ví rằng “đến con ruồi muốn bay ra khỏi đảo cũng là chuyện không thể” vì ngoài bốn tiểu đoàn quân cảnh trực tiếp canh giữ tù binh và lực lượng của bộ tư lệnh vùng 4 hải quân đặt ngay ở An Thới, nhiều đại đội cảnh sát, bảo an bố phòng khắp đảo và trên biển còn có lực lượng đặc nhiệm 41 và các duyên đoàn tuần tra ngày đêm từ An Thới, Nam Du, Hòn Tre, Bắc Đảo cho đến ven biển Rạch Giá, Hà Tiên...
ới các tù binh, nguy hiểm nhất là lực lượng quân cảnh giám thị các phân khu trại giam. Cai tù thường lấy chuyện đánh người làm trò vui. Tất cả tù binh vừa được đưa lên đảo đều bị đánh phủ đầu bằng trận mưa ma trắc và roi cá đuối, chiếc đuôi cá trông mảnh mai như thế mà quất vào người sẽ kéo da thịt lòi ra ngoài và vết thương hằng tháng mới kéo miệng.
Quân cảnh thường dùng cây thước bằng gỗ bắt tù binh nhe răng ra và quất mạnh làm bay cả những cái răng cửa, nếu đòn quá mạnh có thể làm rụng cả hàm, miệng tù binh chỉ còn là một hố đen đầy máu tươi. Hay đau đớn như đòn “lấy mắt cá chân” do thượng sĩ nhất quân cảnh Trần Văn Nhu nghĩ ra: dùng thước gỗ lim đen bóng đi kiểm tra từng hàng và bất thần vung thước xuống đánh bay mắt cá chân tù binh.
“Chuồng cọp”
Đòn tra tấn thường được áp dụng tại đây là cho tù binh vào bao bố cột chặt miệng rồi nhúng vào chảo nước sôi. Đã có hàng chục tù binh bị nhúng nước sôi cho đến chết. Cai ngục còn nghĩ ra “trò chơi lộn vỉ sắt”: bắt tù binh nằm trần truồng trên tấm vỉ sắt quân dụng, trên đó có những móc sắt nhọn chĩa lên và bắt tù binh lăn tròn, thân thể tù binh bị móc sắt rứt từng lóng thịt thấu tới xương. Ông Nguyễn Hữu Minh kể: “Tôi bị đưa lên một chiếc bàn và cho cây gỗ lăn qua lăn lại nát cả thịt da, phơi xương trắng cả ống chân. Xong rồi tôi bị mang bỏ trong “chuồng cọp”.
Chuồng cọp” của trại giam Phú Quốc là chiếc lồng bằng kẽm gai tứ phía, chiều cao không đủ để ngồi, chiều dài nằm không duỗi chân được, mỗi chuồng nhốt một người, nằm tênh hênh ngoài trời. Bị nhốt vào đây là một cực hình vì người tù không thể nằm, ngồi hoặc cử động, mỗi cử động nhỏ là kẽm gai đâm thấu xương.
Cai tù nói ít ai chịu nổi cách giam cầm này trong 24 giờ, nhưng nhiều chiến sĩ đã chịu đựng được hàng tuần, hàng tháng trời mà vẫn không khai báo. Lại có hình thức đóng đinh vào đầu, đóng đinh xuyên gan bàn chân, đóng đinh vào đầu gối... mà những người gan lì nhất nghe qua cũng rùng mình.
Theo thống kê của cựu tù Trần Văn Kiêm, có cả thảy 19 hình thức tra tấn tại trại giam Phú Quốc. Trong đó có những kiểu đối xử như với súc vật: luộc tù binh, nướng tù binh, đốt miệng và hạ bộ, đục lấy xương bánh chè, nướng dùi sắt đâm xuyên qua bắp chuối, đổ nước xà bông sôi vào miệng.
Và đến khoảng tháng 9-1970, tù binh Phú Quốc còn chứng kiến một cảnh rợn người: chôn sống hàng chục tù binh tại nghĩa địa đồi 100, trước sự chứng kiến của 25 tù binh từ nhiều phân khu được quân cảnh dẫn đến để “dằn mặt”.
Sự tàn bạo của những hạ sĩ quan quân cảnh trên đảo Phú Quốc luôn là nỗi kinh hoàng ngay chính trong lực lượng quân đội Sài Gòn, những ai đã từng làm quân cảnh giám thị ở Phú Quốc trở về đất liền luôn bị các sắc lính khác xa lánh vì đã đối xử tàn bạo với tù binh.
Trại giam tù binh Phú Quốc có hai nghĩa địa chôn cất tù binh: đồi 100 và đồi 37. Hai nghĩa địa này được phân lô, đánh dấu vị trí an nghỉ của từng người, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được bản đồ tổng thể cũng như chi tiết về nơi chôn cất từng người. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương truy tìm hài cốt tù binh mang về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Quốc (Dương Đông). Tại đồi 100 đã qui tập được 800 hài cốt, còn tại đồi 37 khoảng 20 hài cốt, tổng cộng đã qui tập được 845 hài cốt. Và cho tới nay vẫn chưa có số liệu nào chính xác về tù binh đã ngã xuống tại trại tù Phú Quốc.