(Lanhdao.net) - Trong lịch sử Việt Nam có một cuộc kháng chiến chống quân xâm lược rất đặc biệt. Nó bắt đầu trước cả khi quân giặc chạm bàn chân vào lãnh thổ nước ta. Cuộc kháng chiến này được bắt đầu bằng câu nói: "Ngồi im đợi giặc chi bằng đem quân đi trước để chặn thế mạnh của giặc".
"Sông núi nước Nam vua Nam ở ..."
Gần 900 năm sau khởi nghĩa Mê Linh của Hai Bà Trưng (40-43), Việt Nam mới thực sự trở thành một quốc gia độc lập. Từ đây, song song với dựng nước, giữ nước trở thành một nhiệm vụ có tính quyết định đối với vận mệnh dân tộc.
Tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển tổ quốc của các triều đại Ngô (938- 965), Đinh (968-979), tiền Lê (980-1009), năm 1010 nhà Lý được thành lập, khởi đầu một thời kỳ thịnh vượng của dân tộc.
Là võ tướng của 3 đời vua Lý (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông), Lý Thường Kiệt là người có chí học hành, hiểu biết sâu sắc, am tường võ học và quân sự. Bởi thế, không chỉ là một trong những trụ cột trong triều, ông chính là tổng chỉ huy trưởng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1076-1077) của quân dân nhà Lý.
Tấn công chớp nhoáng rồi chủ động quay về lập phòng tuyến nghênh địch, mỗi bước táo bạo và chắc chắn của ông trong cuộc kháng chiến, sau này, đều trở thành bài học lịch sử sống động về nghệ thuật chỉ huy quân sự nói chung, nghệ thuật phòng thủ nói riêng.
Phòng thủ bằng tấn công
Trước khi dấy binh xâm lược Đại Việt - tên nước Việt Nam thời ấy - vào năm 1076-1077, năm 981, nhà Tống đã từng đem quân hòng tiến chiếm mảnh đất này. Nhưng âm mưu đó đã bị dừng lại giữa chừng sau khi Lê Hoàn - Lê Đại Hành khuất phục quân Tống trên sông Bạch Đằng.
Năm 1075, lợi dụng việc vua Lê Thánh Tông mới băng hà chưa bao lâu, hoàng thái tử Càn Đức - vua Lý Nhân Tông - còn bé, Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch quyết định chuẩn bị để hoàn tất cuộc xâm lược chưa thành năm 981.
Binh pháp vẫn có câu, cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Nhìn thấy kế hoạch xâm lược của quân Tống, Lý Thường Kiệt, đã nghĩ ngay đến biện pháp phòng thủ ấy. Ông tâu với vua Lý Nhân Tông: "Ngồi im đợi giặc chi bằng đem quân đi trước để chặn thế mạnh của giặc".
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao Lý Thường Kiệt có thể nghĩ đến một giải pháp phiêu lưu như vậy? Vì, so với Tống, rõ ràng, nước ta là nước nhỏ.
Thế nên, cần phải nói rõ nguyên do góp phần củng cố sự lựa chọn của Lý Thường Kiệt. Nội tình nước Tống khi ấy không ổn định. Cương giới bị một số nước lân bang uy hiếp, triều đình thì chia rẽ sau những cải cách mạnh tay của vị tể tướng trẻ Vương An Thạch.
Chính điều đó là một trong những lý do thuyết phục Lý Thường Kiệt rằng sự chỉ đạo của triều đình Tống dành cho kế hoạch chuẩn bị này thiếu sự tập trung và quyết đoán. Đó là cơ sở, để quân ta có thể tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng dằn mặt quân địch.
Sau khi phân tích, Lý Thường Kiệt cho rằng quân Tống có thể đi vào nước ta theo hai đường, trong đó, nhánh đường bộ có thể lấy châu Ung (Nam Ninh - Quảng Tây), còn nhánh đường thuỷ có thể lấy châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông) làm cứ điểm tập kết binh, lương. Vì vậy, mục tiêu tấn công mà vị tướng này chuẩn bị nhắm tới là ba thành trên với nhiệm: đốt phá kho lương và tiêu diệt sinh lực địch.
Cuộc tiến công "tiên phát chế nhân" của Lý Thường Kiệt diễn ra vào tháng 10-1075. Ông và các tù trưởng Tông Đản, Thân Cảnh Phúc chỉ huy 10 vạn quân, chia làm 2 đạo thuỷ bộ bí mật tiến vào đất Tống.
Bí mật và bất ngờ, đội quân thuỷ do Lý Thường Kiệt đốc lãnh đã nhanh chóng hạ được hai thành châu Khâm và châu Liêm. Từ châu Liêm, ông đưa quân sang châu Ung, hợp với cánh quân bộ tiêu diệt thành châu Ung - mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của cuộc hành quân. Thành châu Ung bị hạ sau 42 ngày vây hãm. Lý Thường Kiệt cho quân huỷ hết các kho tàng và lương thực của giặc rồi nhanh chóng thu quân về nước.
Từ một kẻ chủ động tiến hành xâm lược, quân Tống bỗng nhiên bị đẩy vào tình thế thất trận ngay từ khi chuẩn bị kéo quân.
Chiến thắng áp đảo trong cuộc hành quân chế địch của Lý Thường Kiệt đã tạo ra nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ đến cục diện cuộc kháng chiến của nhân dân Đại Việt, hay nói cách khác, cuộc xâm lược của quân Tống. Chiến thắng làm người dân Việt nức lòng, khơi dậy sự tự tin mạnh mẽ của họ vào chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến, buộc địch phải kéo dài thời gian chuẩn bị và đặc biệt đẩy quyền chủ động sang tay quân dân nhà Lý.
Không những bảo toàn được binh lực, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy địch vào tình thế bị động, cuộc tấn công phủ đầu của Lý Thường Kiệt còn nâng cao sĩ khí. Nói như vậy cũng có nghĩa là cuộc tấn công đã đạt được nhiều mục đích hơn cả một cuộc phòng thủ thông thường.
Thế mới biết cũng có cách tự vệ đầy sáng tạo và chủ động như vậy.
Cho quân lui về nước, nắm thế chủ động trong tay, Lý Thường Kiệt bắt tay vào triển khai một thế trận mới. Ông cho chuẩn bị binh lực, phòng bị và thiết lập phòng tuyến sẵn sàng nghênh địch.
Tấn công bằng phòng thủ
Sau sự thất thủ chóng vánh của các thành Ung châu, Khâm châu và Liêm châu, vua quan nhà Tống vạch lại kế hoạch và chuẩn bị thật kỹ càng cho một trận phục thù. Với mục đích “sau khi bình được Giao Châu (tên Tống gọi Đại Việt), sẽ đặt châu huyện như ở nội địa”, nhà Tống cử Quách Quỳ và Triệu Tiết - hai tướng nhiều kinh nghiệm trận mạc - chỉ huy cuộc tấn công.
Có thể nói lần đương đầu thứ hai và cũng là lần đương đầu quyết định này của quân dân Đại Việt với quân Tống sẽ cho thấy rõ một Lý Thường Kiệt bản lĩnh, biết địch biết ta và biết cách khiến cho quân địch trở nên vô dụng.
Để toàn tâm tập trung cho cuộc đối đầu với quân Tống ở mặt bắc, triệt tiêu mưu đồ xúi giục Chiêm Thành và Chân Lạp quấy rối nước ta của triều đình nhà Tống, Lý Thường Kiệt đưa quân vào tuần tra, trấn áp khu vực biên giới phía nam Đại Việt.
Đoán biết mục tiêu thứ nhất của quân Tống là chiếm phá kinh thành Thăng Long, phá lâu đài, cung điện. Đối với các vua chúa đời xưa, đó là hành động phá nước. Sau đó, địch sẽ nhắm đến lăng tẩm của các vua nhà Lý đặt tại Thiên Phúc, làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Lý Thường Kiệt cho xây dựng một phòng tuyến kiên cố bên bờ nam sông Như Nguyệt – sông Cầu ngày nay. Không chỉ là một hào nước lớn tự nhiên bảo vệ kinh thành Thăng Long và lăng miếu nhà Lý, con sông này án ngữ tất cả các tuyền đường đi từ Quảng Tây tới Thăng Long.
Phòng tuyến cản quân địch qua sông của Lý Thường Kiệt được đắp bằng đất cao, vững chắc, có nhiều lớp giậu tre dày đặc, dài khoảng 100 km dọc theo khúc sông từ Đa Phúc đến Phả Lại. Thành đất, luỹ tre nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế bờ nam và cả con sông Nam Định (sông Như Nguyệt) thành một bức tường thành và hào che chở cho cả nước Việt. Ngoài ra, trước thành đất và cọc tre dày đặc đó, Lý Thường Kiệt lại cắt đặt thêm thuỷ quân, sắn sàng tiếp chiến với quân địch nếu chúng vượt sông.
Vì thế cho nên, chỉ nguyên vượt qua sông cũng là cả một thử thách nhọc nhằn đối với quân địch. Ngoài ra, để chặn bước tiến của thuỷ quân địch Lý Thường Kiệt giao cho Lý Kế Nguyên chỉ huy một đội thuỷ quân đợi sẵn ở Đông Kênh (dải nước ven biển giữa đất liền và các hải đảo vùng biển Đông Bắc nước ta) - đường tiến vào cửa Bạch Đằng.
Dễ dàng nhận thấy phòng tuyến sông Như Nguyệt là xương sống trong trân tuyến nghênh địch của Lý Thường Kiệt. Dễ dàng nhận thấy, thuỷ binh sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai thế trận ấy. Ngoài sự đắc địa của khúc sông Như Nguyệt, chắc chắn thế trận thuỷ binh của vị tướng 58 tuổi này xuất phát từ một thực tế mà ông biết rõ ràng rằng, không giỏi thuỷ chiến là một nhược điểm trầm trọng của quân Tống.
Vậy là, với thế trận vững chắc ấy, quân dân nhà Lý chỉ còn chờ giặc đến.
Buộc giặc ứng chiến bằng sở đoản
Cuối năm 1076, 10 vạn bộ binh tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến cùng 20 vạn dân phu do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy ồ ạt tiến vào nước ta. Dụ dỗ được một số đội quân của các tộc trưởng khiến quân Tống dễ dàng vượt qua khu vực biên giới tiến sâu nội địa Đại Việt. Tuy nhiên, sự suôn sẻ của quân Tống kết thúc khi chúng đến bờ bắc sông Như Nguyệt.
Để tiến thêm và đánh những đòn chí tử vào đại quân nhà Lý rồi chiếm kinh thành Thăng Long, quân của tướng Quách Quỳ phải vượt qua khúc sông và phòng tuyến Như Nguyệt vô cùng kiên cố. Quân Tống lúng túng. Bản thân chúng không quen với thuỷ trận.
Bình thường, quân Tống không có sẵn thuỷ binh hay các chiến thuyền. Lúc cần đến, nhà Tống mới cho chế tạo thuyền mành và chiêu nạp hoặc cưỡng bách dân chài tòng quân. Và điều quan trọng lúc này, đội thuỷ quân thiếu chuyên nghiệp của quân Tống đang “mắc cạn” tại Đông Kênh vì bị quân của Lý Kế Nguyên chặn đánh thua đến hơn 10 trận và không thể tiến sâu thêm.
Sự bất lực của thuỷ quân Tống vô hình chung đã khiến cuộc tiến công của Quách Quỳ lao đao.
Hạ trại trên bờ bắc sông Như Nguyệt mà mãi thuỷ quân chưa đến, Quách Quỳ quyết định cho quân vượt sông. Nhưng cả hai lần vượt sông không những đều thất bại mà còn bị tổn thất nặng nề về người vì gặp phải sự chống trả ác liệt của quân Lý.
Sau nhiều lần cố sức vượt sông nhưng thất bại ấy, Quách Quỳ thất vọng ra lệnh: “Ai bàn đánh sẽ chém” và từ thế tiến công chuyển sang thế phòng ngự. Quân sĩ Tống vì thế mà ngày càng nhụt nhuệ khí, lại cộng thêm với khí hậu phương nam vốn không hợp với người phương bắc nên chết dần chết mòn.
Nắm thời cơ đó, cuối mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công lớn vào trận tuyến của địch. Đang đêm quân Lý lặng lẽ vượt sông Như Nguyệt, bất ngờ đánh thẳng vào các doanh trại giặc. Quân Tống thua to, “mười phần chết năm sáu”. Chúng lâm vào tình thế hết sức khó khăn tuyệt vọng.
Chủ động giữ hoà bình, bảo vệ quyền dân tộc
Cũng giống như việc lui binh sau khi đánh phủ đầu quân Tống, đứng trên thế của người chiến thắng, Lý Thường Kiệt chủ động đề xuất giảng hoà, kết thúc chiến tranh. Quân Tống chấp nhận, rút về nước và không còn có ý định tiến chiếm Đại Việt thêm lần nào nữa..
Hiện thực hoá sống động và tài tình một loại nghệ thuật phòng thủ đầy tính sáng tạo và chủ động, tận dụng và khoét sâu nhược điểm của địch, đẩy địch vào tình thế buộc phải lựa chọn giải pháp của phía mình, đó chính là bãn lĩnh và phong cách chỉ huy của Lý Thường Kiệt. Một bãn lĩnh mà những lời thơ hào sảng trong "Nam quốc sơn hà" mãi còn ghi:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.