Một số âm mưu và hành động xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc trong quá khứ
Với diện tích khoảng gần 3,5 triệu km2 và với 9 nước nằm xung quanh, biển Đông là một trong những biển lớn nhất thế giới. Trên biển Đông có nhiều tuyến giao thông hàng hải, hàng không quan trọng giữa châu Á và châu Âu, giữa nhiều khu vực quan trọng của châu Á. Biển Đông còn là địa bàn quân sự chiến lược quan trọng không những đối với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á mà còn là địa bàn chiến lược bản lề giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trên biển Đông có 3 quần đảo: Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và một bãi ngầm (bãi này chưa đủ tiêu chuẩn một quần đảo, tên gọi quốc tế là bãi Maccles Field).
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn là lãnh thổ của Việt Nam từ lâu đời. Nằm trên một vùng biển rộng lớn (vùng Hoàng Sa rộng khoảng 13.000 km2, vùng Trường Sa rộng khoảng 18.000 km2), ở vào một vị trí chiến lược trọng yếu trên biển Đông chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120-250 hải lý, lại được các nhà khoa học thế giới đánh giá sơ bộ là có nhiều dầu khí, nên hai quần đảo có vai trò rất quan trong đối với việc phòng thủ cũng như việc xây dựng, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Vì thế với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, biển Đông chính là một mục tiêu trước mắt trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh.
Bản đồ “Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc phân tỉnh tinh đồ” xuất bản năm 1950 đã vẽ trong một phụ đồ cả ba quần đảo trên biển Đông và bãi ngầm Maccles Field (mà Trung Quốc gọi là Trung Sa) và thể hiện đường biên giới của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ôm lấy cả biển Đông (các bản đồ xuất bản sau này ghi rõ đường biên giới đó là “quốc giới”. Đường biên giới này được vạch xuống đến tận vĩ tuyến 40 bắc cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 2000km và chỉ cách lãnh thổ Malaysia chưa đầy 40km, cách bờ biển Philipine và Việt Nam từ 70-80km. Theo đường biên giới này thì Trung Quốc làm chủ khoảng 80% biển Đông.
Cũng cần nhắc lại rằng đến đầu thế ký 20, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản năm 1905, tái bản năm 1910 đã thể hiện rất rõ ràng điểm cực nam của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam và “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thử” xuất bản năm 1906 ghi rõ điểm mút ở phía nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18013' bắc.
Ngày 15-08-1951, Chu Ân Lai tuyên bố rằng các quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa), Đông Sa, Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của Chính phủ cộng hòa nhân dân Trung Hoa nêu lên yêu sách đối với các quần đảo trên biển Đông.
Năm 1956, Trung Quốc cho quân ra chiếm nhóm quần đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn.
Năm 1958, “Tuyên bố về lãnh hãi của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa lại xác định các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc.
Năm 1959, Trung Quốc cho tàu thuyền đánh cá có vũ trang hoạt động khiêu khích và thăm dò ở phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Nhưng trước sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Sài Gòn, lại chưa biết rõ thái độ của Mỹ, nên Trung Quốc tạm thời chấm dứt khiêu khích để chuẩn bị thêm và chờ đợi thời cơ.
Tháng 1-1974, sau khi đón tiếp tổng thống Mỹ Ních-xơn (1972) và lợi dụng tình hình nhân dân Việt Nam đang phải tập trung vào nhiệm vụ chống Mỹ, Trung Quốc đã huy động các lực lượng hải, lục, không quân đánh chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa, hoàn thành việc xâm chiếm toàn bộ quần đảo này. Khi đó hạm đội 7 của Mỹ nhận được nghiêm lệnh không được có bất cứ hành động nào ở khu vực này.
Sự cấu kết Mỹ -Trung Quốc trong sự kiện Hoàng Sa hiển nhiên đến mức chính quyền Sài Gòn, tay sai của Mỹ, cũng dễ dàng nhận thấy ngay.
Ngày 2-2-1974, Đại sứ của chính quyền Sài Gòn ở Mỹ là Trần Kim Phượng đã báo cáo rằng:
“Qua cuộc trao đổi ý kiến với trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Ác-thu Hun-men và là thành viên Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông ta cho biết Ngoại trưởng Kít-xin-giơ chỉ coi cuộc tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa như là một vấn đề ngoài lề, thậm chí là điều bất lợi trong khung cảnh của sự phối hợp với Trung cộng để hạn chế bắc Việt Nam”.
Cùng ngày 2-2-1974, trong một tài liệu viết tay để cùng với mấy người thân cận trao đổi, Nguyễn Văn Thiệu có tính đến khả năng Trung cộng sẽ đánh quần đảo Trường Sa và “chiếm par force (tức là bằng vũ lực) giống như Paracels (tức quần đảo Hoàng Sa) có complicite (tức là sự đồng lõa) hoặc laisser faire (tức sự làm ngơ) của Mỹ...”
Từ đó về sau, Trung Quốc vẫn ráo riết thực hiện ý đồ xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng cách:
Ra sức củng cố thế chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa:
Làm sân bay, xây dựng căn cứ hải quân (tháng 6-1982. Tân Hoa xã đưa tin là các kỹ sư Trung Quốc đã xây dựng một khu cảng lớn trên quần đảo Hoàng Sa), lập đường hàng hải thường kỳ giữa Hải Nam và Hoàng Sa, xây dựng đài truyền hình chuyển tiếp trên quần đảo bắt đầu hoạt động từ tháng 1-1983, công bố 4 vùng nguy hiểm trong đó có vùng sát ngay quần đảo Hoàng Sa buộc các nước có máy bay bay qua vùng này phải tuân theo quy định của Trung Quốc để chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền ở vùng này.
Về mặt chính quyền, Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Đông đặt ở Hoàng Sa nhưng phụ trách cả ba quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (bãi Maccles Field).
Trung Quốc liên tiếp khẳng định chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và huy động mọi công cụ, lợi dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn quốc tế để “hợp pháp hóa” hành động xâm lược đối với quần đảo Hoàng Sa đồng thời chuẩn bị dư luận và xây dựng cơ sở pháp lý để xâm chiếm quần đảo Trường Sa. Điều này thể hiện qua:
Các tuyên bố chính thức và các hoạt động cấp nhà nước:
Sau đây là một số sự kiện chính:
Trong báo cáo về chính sách đối ngoại của Trung Quốc năm 1977, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoàng Hoa đã ngạo nghễ nói: khi có thời cơ sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (Trường Sa), không cần thương lượng gì hết.
Tháng 1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố một văn kiện dài “Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa là không thể tranh cãi”.
Đầu năm 1982, Dương Đắc Chí và Dương Dũng – Tổng tham mưu trưởng và phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc – mang đất từ Trung Nam Hải ra Hoàng Sa trồng dừa tượng trưng.
Tháng 11-1982, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “một lần nữa khẳng định rằng quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ thiêng liêng không thể chia cắt của Trung Quốc”.
Đầu năm 1983, nhân dịp tết Nguyên Đán, Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Đông ra thăm quần đảo Hoàng Sa.
Về mặt khảo cổ và lịch sử học:
Trung Quốc công bố, viện dẫn, bịa đặt, xuyên tạc nhiều tư liệu khảo cổ (đồng tiền cổ, di chỉ cư trú, mồ mả,..), tư liệu lịch sử mơ hồ để hòng chứng minh rằng ít nhất là từ thế kỷ thứ 3, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã là lãnh thổ Trung Quốc.
Về địa lý, địa chất:
Năm 1971, Trung Quốc công bố một bản đồ thể hiện thềm lục địa của Trung Quốc kéo dài từ Mông Cổ đến tận Booc-nê-ô và do đó tất nhiên là bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1975, Trung Quốc công bố kết quả điều tra của Viện hải dương học biển “Nam Hải” của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc về địa hình đáy biển Nam Trung Hoa; kết luận đó coi các đảo Tây Sa (Hoàng Sa) cũng như tất cả các đảo khác của biển Nam Trung Hoa chỉ là các cồn và bãi nổi của thềm lục địa Trung Quốc.
Tại đại hội các nhà địa chất ở Pa-ri năm 1980 và tại hội nghị địa chất và dầu khí vùng biển “Nam Trung Hoa” ở Hô-nô-lu-lu năm 1980, Trung Quốc đã phân phát tài liệu về quan điểm của họ.
Cũng trong năm 1980, Trung Quốc còn đưa ra một luận cứ trắng trợn đến cao độ nói rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà Việt Nam nói là của mình chỉ là các đảo ven bờ của Việt Nam, không phải là Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc. Việt Nam đã cố ý lầm lẫn để nhận vơ hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc.
Về luận cứ địa lý của Trung Quốc trong cuốn “Trung Quốc bành trướng trên hướng biển” xuất bản năm 1980, E.D. Xtê-pa-nốp, một tác giả Xô Viết, đã coi đây là những luận cứ khoa học giả hiệu. Còn luật gia Pháp Pe-ri-ơ thì viết: “Tính chất hết sức quá đáng của tham vọng làm cho luận cứ của Trung Quốc mất hết giá trị; họ đã mở rộng biên giới biển ra cách bờ biển Trung Quốc đến 1000 hải lý”.
Trong các tổ chức và hội nghị khoa học kỹ thuật quốc tế:
Trong tổ chức Hàng không quốc tế: trước ngày 30-4-1975, theo phân công của tổ chức Hàng không quốc tế thì việc hướng dẫn bay trong phạm vi vùng trời miền nam Việt Nam, Cam-pu-chia, một phần nước Lào và một khu vực quan trọng trên biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và phần lớn quần đảo Trường Sa do vùng thông báo bay Sài Gòn (gọi tắt là Fir Sài Gòn, nay là Fir Hồ Chí Minh) phụ trách. Sau khi miền nam Việt Nam được giải phóng, tổ chức Hàng không quốc tế tạm giao việc hướng dẫn bay ở vùng này cho 3 Fir đảm nhiệm (Fir Băng Cốc, Fir Xinh-ga-po và Fir Hồng Công). Khi Việt Nam đã chuẩn bị xong để tiếp nhận Fir Hồ Chí Minh thì việc giao lại việc hướng dẫn bay ở vùng này cho Việt Nam là một việc bình thường. Nhưng Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản việc này. Tháng 2-1983, tại hội nghị không vận Châu Á – Thái Bình Dương lần 2 họp ở Xinh-ga-po, Trung quốc đã đòi mở rộng giới hạn trên biển của Fir Quảng Châu xuống vào vùng quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ, lấn vào Fir Hà Nội và giành lấy một phần quan trọng trên biển thuộc Fir Hồ Chí Minh.
Trong tổ chức Bưu điện quốc tế: Lợi dụng năm 1978, Việt Nam không có mặt trong hội nghị hành chính thế giới về thông tin vô tuyến hàng không dân dụng, Bắc Kinh đã tranh thủ được một quyết định chính thức của hội nghị cho Bắc Kinh độc quyền sử dụng tất cả 101 tần số trong vùng biển Đông với thâm ý là để chứng tỏ rằng Trung Quốc có chủ quyền ở vùng này. Năm 1982, Tổng cục Bưu điện Việt Nam (nay là Bộ Bưu chính Viễn thông) đã phản đối và đòi sửa lại nhưng trên thực tế việc thay đổi quyết định nói trên không dễ dàng. Trên biên giới miền nam Trung Quốc giáp Việt Nam, Trung Quốc tranh thủ đăng ký một mạng dày đặc trong hệ thống thông tin vô tuyến quốc tế, theo quy tắc chung của bưu điện quốc tế, nếu ta dùng trùng vào tần số các đài đã đăng ký thì phải giảm công suất. Người phụ trách trung tâm tần số của Tổng cục bưu điện Việt Nam lúc đó đã nhận xét là Trung Quốc có ý đồ bao vây Việt Nam về mặt tần số cả trên đất liền, trên biển.
Trong tổ chức Khí tượng thế giới: Trung Quốc đã đăng ký được trạm khí tượng mà họ đã đặt trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và tìm cách chính thức xóa tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam đã có từ lâu trong hệ thống trạm khí tượng thế giới.
Đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc dùng thủ đoạn lộn sòng đăng ký được một trạm khí tượng trên đảo Ba Bình (Itu Aba) hiện này do Đài Loan chiếm đóng trái phép và là nơi đang có một trạm khí tượng của Đài Loan hoạt động. Mặt khác, Trung Quốc tìm cách ngăn trở việc Việt Nam đăng ký trạm khí tượng Trường Sa vào hệ thống trạm khí tượng thế giới mặc dù trạm của Việt Nam đang hoạt động thực sự.
Các thủ đoạn của Trung Quốc trong việc xây dựng luận cứ lịch sử, địa lý và pháp lý nhằm hợp pháp hóa hành động xâm lược quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị dư luận để thực hiện ý đồ xâm lược quần đảo Trường Sa thật là xảo quyệt. Nhưng chỗ yếu nhất, điểm không thể nào khắc phục nổi của Trung Quốc là không làm sao chứng minh được rằng nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu “Tây Sa”, “Nam Sa” từ bao giờ và đã thực hiện “chủ quyền” của mình đối với hai quần đảo đó như thế nào. Trong khi đó ai cũng biết rằng năm 1974 chính Trung Quốc đã dùng vũ lực trắng trợn xâm lược quần đảo Hoàng Sa lúc đó do chính quyền Sài Gòn thực sự quản lý.
Theo “Những vấn đề biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc” của Lê Minh Nghĩa đăng trong quyển “Một số đặc điểm của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc chống Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia” của Viện Mác – Lê nin do nhà xuất bản Thông Tin lý luận xuất bản năm 1984