Khang Hy: vị Hoàng đế háo sắc nhất của vương triều Mãn Thanh?
Cho đến những năm cuối đời Khang Hy vẫn không ngừng triệu các cô gái xinh đẹp của vùng Giang Nam vào cung làm thiếp mà hoàn toàn không phải để sinh con cho ông ta. Từ đó có thể thấy là nhu cầu tính dục của Khang Hy không hề giảm?
Khang Hy sinh vào năm Thuận Trị thứ 11 (năm 1654), chết vào năm Khang Hy thứ 61 (1722), sống 69 tuổi. Tám tuổi đã kế vị, bốn năm sau thì lập Hoàng hậu. Năm đó, thực tế Khang Hy chỉ mới 11 tuổi 6 tháng. Từ đó về sau đã nạp thêm rất nhiều phi tần. Năm Khang Hy thứ 6, một bà phi họ Mã Gia đã sinh cho Khang Hy đứa con trai đầu tiên, năm thứ hai một vị thiếp khác mang họ Trương đã sinh ra một vị trưởng công chúa. Cho tới năm Khang Hy thứ 57, một người thiếp họ Trần còn sinh ra một hoàng tử. Dó đó có thể thấy cuộc sống hôn nhân của Khang Hy trước sau 57 năm (từ cuộc hôn nhân đầu tiên đến khi chết), mà ông ta đến tuổi 65 vẫn còn khả năng sinh con.
Ngoài ra theo sự phân tích của học giả Dương Trân thì năm Khang Hy thứ 39 trở về trước, có 23 vị hậu phi sinh hạ được 44 đứa con cả trai lẫn gái, trong số đó những người mang dòng máu Mãn Châu là 18 người, sinh ra được 37 người con. Số hậu phi là người Hán chỉ có 5 người, sinh được 7 người con. Nếu tính phần trăm thì số người Mãn chiếm tới 78,3% còn số người Hán chỉ chiếm 12,7%. Từ năm Khang Hy thứ 40 trở về sau, cũng chỉ có 9 người được nạp làm phi tần và sinh được 11 người con, trong đó những phi tần là người Mãn có 3 người, chiếm 33%, sinh được 3 người con, chiếm 27%. Phi tần là người Hán có 6 người, chiếm 66%, sinh được 8 người con, chiếm 72,9%. Theo đó có thể thấy những năm cuối đời mình Khang Hy có xu thế “sủng hạnh” đối với những phi tần tộc Hán.
Nếu lại xem xét chuyện nạp phi sinh con của Khang Hy từ năm Khang Hy thứ 50 về sau sẽ thấy rằng chỉ có 5 vị phi tần sinh hạ được 5 người con cho Hoàng đế, mà trong đó những phi tần là người Hán có tới 4 người, số con họ sinh ra cũng là 4 người, nếu chia phần trăm thì đều là trên 80%. Giáo sư Dương Trân còn nhấn mạnh rằng: “Có thể thấy, trong số những phi tần có quan hệ với Khang Hy trong giai đoạn này, người Hán đã chiếm ưu thế. Họ hoàn toàn không phải là người của Bát kỳ quân Hán mà đều là những cô gái đẹp đến từ vùng Giang Nam”. Cho đến những năm cuối đời Khang Hy vẫn không ngừng triệu các cô gái xinh đẹp của vùng Giang Nam vào cung làm thiếp mà hoàn toàn không phải để sinh con cho ông ta. Từ đó có thể thấy là nhu cầu tính dục của Khang Hy không hề giảm?
Nói tới những mỹ nữ Giang Nam nhập cung, ở trên tôi đã nói tới việc giáo sĩ người Pháp ca tụng chuyện Hoàng đế Khang Hy từ chối không nhận mỹ nữ do quan chức địa phương cống nạp, thậm chí còn hình dung đây là một vị “thánh nhân thiên tử”, như đoạn “không nhìn đến lần thứ hai” (đối với các mỹ nữ). Trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Bởi vì chúng tôi đã phát hiện từ những hồ sơ mật được cất giấu trong cung nhưng tư liệu rất đáng tin cậy, đủ để chứng minh rằng lời nói Joachim Bouvet là không đúng.
Tháng 7 năm Khang Hy thứ 48, Lý Húc một thân tín của Hoàng đế khi đó đang nhậm chức chức tạo ở Tô Châu đột nhiên dâng một bản mật sớ. Trong bản sớ đã báo rằng “Hoàng thị, mẹ của vương phi nương nương, ngày 2 tháng 7 đột nhiên mắc bệnh kiết lỵ, chữa trị không được. Đến 7/7 thì qua đời, sống 70 tuổi”. Khang Hy xem xong bản mật sớ, chỉ phê rằng: “Biết rồi, sẽ lưu lại, tiện sẽ nói cho biết”. Ý nghĩa của lời phê này là: “Ta đã biết việc mật báo của Lý Húc nhà ngươi. Thư nhà của vương gia tạm thời lưu lại, đợi đến sau này sẽ cho Vương phi biết”. Mẹ của Vương nương nương họ Hoàng, sống ở vùng biên giới Giang Tô, sự việc này cũng có liên quan đến tin tức bí mật của cung đình, chỉ có thân tín như Lý Húc mới dám báo cáo với Hoàng đế.
Ngoài ra từ những tư liệu về hậu phi trong hậu cung dưới thời Khang Hy có thể thấy vị nương nương họ Vương này đã từng sinh con cho Khang Hy, tức Dận Lộc,… Người con trưởng được sinh vào năm Khang Hy thứ 32, khi đó vị nương nương họ Vương chỉ khoảng 20 tuổi. Từ năm 1684 – 1689, tức khoảng năm Khang Hy thứ 23 – 28, Khang Hy tuần thú phía nam qua Giang Tô và Chiết Giang, cũng là lần thứ 6 ông ta du ngoạn Giang Nam. Mỗi lần tuần thú phương Nam Khang Hy đều ghé quá các thành nổi tiếng như Tô Châu,… Từ ngày tháng sinh của vị con trưởng này có thể thấy vị nương nương họ Vương có thể là được mang vào cung trong lần tuần thú thứ hai xuống phía Nam.
Giáo sư Dương Trân nói rằng những năm cuối đời Khang Hy sủng hạnh rất nhiều phi tần người Hán, đồng thời “là những cô gái tuyệt sắc vùng Giang Nam”. Cách nhìn này hoàn toàn không phải là những suy đoán chủ quan. Vì răng từ những cuốn sách của hoàng tộc như Ngọc điệp, Ái Tân Giác La tông phổ, Thanh sử cảo-Hậu phi truyện, Thanh hoàng thất tứ phổ,… chúng ta có thể thấy không ít những sự thực lịch sử liên quan như:
Cao thị, người Hán, vào tháng 9 năm Khang Hy 41 đã sinh hoàng tử Dận, năm thứ hai sinh một nữ, năm thứ 45 lại sinh hoàng tử Dận Y. Trong bốn năm mà sinh ba người con, đủ thấy người phụ nữ này rất được Khang Hy sủng ái. Trần thị, người Hán, vào năm Khang Hy thứ 50, sinh hoàng tử là Dận Hi. Thạch thị, người Hán, vào năm Khang Hy thứ 52 sinh hoàng tử là Dận Kỳ. Trần thị, người Hán, vào năm Khang Hy thứ 55, sinh hoàng tử là Dận Bí. Trần thị, người Hán vào năm Khang Hy thứ 57, sinh được hoàng tử là Dận (?).
Ngoài ra còn nói Bạch Thị, người Hán cũng sinh con cho Khang Hy vẫn còn một chút nghi ngờ, chưa được chứng minh cụ thể. Từ năm Khang Hy thứ 50 trở về sau, cũng có một số lượng như vậy những phụ nữ người Hán sinh con cho Khang Hy, rõ ràng họ đều được Khang Hy rất sủng ái. Những ghi chép liên quan đến các phi tần người Hán trong Ngọc điệp chỉ ghi chép theo họ cha chứ chưa ghi chép quan chức, điều đó chứng tỏ họ không phải xuất thân từ Bát kỳ mà xuất thân trong gia đình thường dân. Từ đó cũng có thể thấy, trong những chuyến tuần thú phương Nam, Khang Hy đã không ít lần mang những cô gái người Hán vào cung làm thê thiếp. Lời nói của Joachim Bouvet do vậy không có căn cứ cụ thể.
Tuổi gần thất thập vẫn còn phóng đãng
Mặc dù Joachim Bouvet và Lý Quang có những ghi chép thuật lại việc Khang Hy không hề háo sắc nhưng chúng ta cũng phải nhìn tới những lời bàn của người nước ngoài đương thời về sự thưởng thức nữ sắc của vị hoàng đế này. Vào mùa xuân năm Khang Hy thứ 42, Hoàng đế thực hiện chuyến tuần du thứ năm xuống vùng Giang Nam. Khi trở về ông ta lệnh cho Cao Sĩ Kỳ người từng phục vụ trong thư phòng nhiều năm vốn đã nghỉ hưu từ Hàng Châu cùng ông ta trở về kinh thành. Tại Bắc Kinh, Cao Sĩ Kỳ được đối xử đặc biệt. Đặc biệt vinh hạnh là cuộc yến ẩm hoan lạc của ông ta với Hoàng đế tại hành cung Kinh Giao. Rồi có một ngày Cao Sĩ Kỳ “được triệu vào cung, để cùng thưởng thức tranh vẽ theo cách Tây phương”. Khang Hy đưa ra hai bức tranh, nói với Cao Sĩ Kỳ rằng: “Có ảnh của hai vị quý phi, vẽ rất giống, ngươi đã già, nhiều năm cung phụng, nhìn cũng không sao”. Hoàng đế Khang Hy đương nhiên là muốn khoe bức hình của vị cung phi tuyệt mỹ với người nô bộc trung thành. Cao Sĩ Kỳ khi đó đã già, cũng đã nhiều năm phục vụ Hoàng đế, cho ông ta nhìn một chút cũng không sao. Nhưng chính ở đây có thể nhìn thấy một hình ảnh của vị ngụy Hoàng đế háo sắc Khang Hy.
Ngoài ra còn có một vị giáo sĩ người Ý là Matteo Ripa đến Trung Quốc truyền đạo, ông này vẽ rất giỏi, được Khang Hy biết tới vì thế mà lệnh cho ông ta phục vụ trong nội cung. Sau đó gọi ông ta đi thực địa ở sơn trang nghỉ mát Nhiệt Hà của vua để vẽ 36 bức tranh phong cảnh. Matteo vào năm đầu Ung Chính trở về Châu Âu đã viết một cuốn Hồi ức về 13 năm trong cung điện nhà Thanh. Trong cuốn sách này có ghi chép một đoạn về những cuộc vui chơi của vua Khang Hy và các phi tần ở sơn trang Nhiệt Hà, rất chân thực. Tôi xin trích một đoạn dưới đây:
“Tại sơn trang Nhiệt Hà, tôi (tác giả) ở trong một căn phòng có vườn hoa đối diện với hồ nước. Ở bờ bên kia của hồ là một tòa biệt thự. Bệ hạ thường đi cùng các phi tần, đọc sách và học tập ở đó… Thông qua lỗ thông trên cửa giấy, tôi nhìn thấy bệ hạ đọc thư viết chữ… Có lúc, bệ hạ ngồi trên một chiếc ghế ngọc đặt ở trên cao xem trò chơi mà ông ưa thích. Mấy thái giám đứng đợi hầu hạ. Phía trước của ngai vàng là một tấm thảm, tập hợp toàn bộ phi tần. Đột nhiên bệ hạ thả một con rắn, một con cóc, những con vật khiến người ta sợ vào giữa các phi tần. Họ phải dùng chân nhảy lên để tránh né, bệ hạ rất vui vẻ…
Còn có lúc bệ hạ lại giả bộ muốn một quả chín ở trên cây vì thế buộc các cung nữ phải đến các quả núi bên cạnh để tìm hái về. Dưới sự thúc giục của vua, những kẻ thọt chân đáng thương tranh giành trước sau, họ leo lên núi rồi chạy xuống khiến cho có người bị ngã, làm cho hoàng thượng cười rất vui vẻ. Bệ hạ không ngừng nghĩ ra những trò chơi như vậy. Trong buổi tối mát mẻ của mùa hè, càng dễ thấy những trò chơi như thế. Bất kể là sống tại sơn trang hay kinh thành, bạn bè với Hoàng đế chỉ có phi tần và thái giám. Theo quan điểm của thế tục thì cuộc sống như vậy là hạnh phúc nhất nhưng theo cách nhìn của tôi đó là một cuộc sống dâm ô”
Matteo là môn đồ của Thiên Chúa giáo, ông ta cho cuộc sống của Khang Hy “dâm ô” là điều dễ hiểu. Nhưng hành động này của Khang Hy đã nói rõ ràng ông ta rời kinh thành ra ngoài, rời bỏ cả văn võ bá quan, trong một hành cung nơi biên giới xa xôi sống cuộc sống phóng túng với những thê thiếp của mình. Một ông lão tuổi đã thất thập nếu không háo sắc sao lại có hứng thú với những trò chơi đó như vậy? Ngoài ra theo sự phân tích của giáo sư Dương Trân thì những người “chân thọt” mà Matteo ghi trong cuốn sách của mình rất có thể là những cô gái người Hán nên mới theo tục bó chân. Cách lý giải này có phần hợp lý và nó chứng minh rằng vào những năm cuối đời Khang Hy sủng ái một số lượng lớn những mỹ nữ gốc Hán và có thể là những mỹ nữ vùng Giang Nam.
Sống buông thả làm cho sức khỏe trở nên trầm trọng
Sự háo sắc của Khang Hy còn có thể tìm thấy những bằng chứng ở tình trạng sức khỏe của ông ta. Trong Thanh sử miêu tả rằng Khang Hy khi trẻ “gân cốt mạnh mẽ, có thể giương 15 cây cung, bắn 13 mũi tên cùng lúc”, “trời sinh đã tráng kiện, từ trước tới nay chưa hề bị bệnh”. Những ghi chép này đương nhiên có sự khoa trương nhưng vào thời gian Khang Hy đã qua độ tuổi 55 thì tình hình đã khác. Vào tháng 11 năm Khang Hy thứ 47, Khang Hy đã phê trong giấy mời dự tiệc của quan Tổng đốc Xuyên Hiệp là Tề Thế Vũ rằng: “Từ sau khi khanh đi, trẫm yếu đi rất nhiều, trong lòng cũng mang bệnh nặng… Vẫn nghĩ là không có gì đáng lo chỉ là sự hư nhược của cơ thể”. Vào tháng 12 năm đó, trong tấu sớ của tổng đốc Trực Lệ là Triệu Hoằng Nhiếp cũng tiết lộ tin tức tương tự như vậy, nói rằng Khang Hy “khí huyết không thể bình phục hoàn toàn, rất suy nhược”, “khí huyết hãy còn suy nhược”.
Sang năm thứ 2 thì bệnh trạng dường như bình phục một chút nhưng “vẫn còn gầy ốm”. Đây cũng là năm Khang Hy vi phạm nguyên tắc dưỡng sinh của mình, uống rất nhiều rượu nho của phương Tây. Nguyên là Khang Hy nghe theo lời khuyên của giáo sĩ phương Tây, nên “mỗi ngày đều uống mấy lần rượu nho”, tin rằng rượu Tây là vật đại bổ. Có thể thấy rằng Khang Hy vì trị bệnh nên mới uống rượu. Nghe nói sau khi uống rượu nho, Hoàng đế “cảm thấy có ích, mỗi ngày đều uống nhiều hơn”. Nhưng tới cuối năm Khang Hy thứ 50, khi triều đình nhà Thanh theo lệ tổ chức lễ tế Thiên đàn hàng năm thì sức khỏe Khang Hy vẫn có vấn đề. Các vị đại thần ba lần bốn lượt dâng sớ mong muốn Hoàng thượng chủ trì đại lễ. Hoàng đế cũng cho đó là một nghi lễ trọng đại của triều đình “phải tự thân chủ lễ mới tỏ rõ thành tâm”, nên khăng khăng “đòi tự thân mình hành lễ”. Nhưng cũng nói, “khi hành lễ thì hai bên có người đỡ cũng được”.
Vào năm này Khang Hy khoảng 67 tuổi, sự suy nhược của cơ thể đã thấy rất rõ. Vào năm Khang Hy thứ 56, cơ thể Hoàng đế đã thấy suy nhược nên vào tháng 5, Khang Hy nói: “Đến nay cơ thể trẫm vẫn chưa thấy khỏe, đi lại vẫn phải có người đỡ, đã suy nhược lắm rồi”. Đến tháng 10 thì Khang Hy đã rất thành thật nói với đại thần: “Tinh thần trẫm gần đây không được tinh anh như trước, dễ quên mọi việc, còn mắc bệnh loạn nhịp tim, mỗi lần cử động luôn thấy choáng váng”.