Người phóng viên cuối cùng tại Việt Nam của tạp chí Time điện về cho tòa soạn tại New York vào ngày 29-4-1975: “Đây là Phạm Xuân Ẩn. Tất cả phóng viên người Mỹ khác đều đã ra đi vì tình hình khẩn cấp. Văn phòng của Time bây giờ do Phạm Xuân Ẩn điều khiển.” Ẩn gửi đi từ Sài Gòn thêm ba bài báo nữa, lúc quân giải phóng tiến vào thành phố. Rồi đường dây bị cắt đứt.
Được xem là một nhà phân tích chính trị xuất sắc, ông bắt đầu sự nghiệp trong thập niên 1960 cho hãng tin Reuters, rồi đến Herald Tribune của New York và The Christian Science Monitor. Cuối cùng làm phóng viên cho Time suốt 11 năm, Phạm Xuân Ẩn có vẻ tác nghiệp tốt nhất khi “đấu láo” với các đồng nghiệp tại quán cà phê Givral trên đường Catinat cũ, nay là đường Đồng Khởi. Nơi đây, mỗi buổi chiều ông là nguồn tin tốt nhất trong làng báo tại Sài Gòn. Người ta đặt cho Ẩn các biệt danh “khoa trưởng phân khoa báo chí Việt Nam; đài phát tanh Catinat”. Để giễu cợt mình, ông thường tự xưng là tiến sĩ tình dục học; giáo sư đảo chính; chỉ huy trưởng đội quân khuyển; tiến sĩ nổi lọan hoặc… ông tướng Givral!
Bây giờ chúng ta mới biết được đó chỉ là phân nửa công việc của Ẩn với tư cách một phóng viên. Và chưa phải là phân nửa đáng nói. Ẩn còn gửi đều đều những tài liệu quân sự mật và thông tin viết bằng mực vô hình cho Bắc Việt, bây giờ được khóa kín trong văn khố của tình báo Việt Nam. Dùng chiếc máy đánh chữ hiệu Hermes mà cơ quan tình báo Bắc Việt mua cho, Ấn đánh tài liệu, có lúc dài đến hàng trăm trang vào lúc nửa đêm. Sau đó ông chụp phim, cuộn tròn, gửi đến Củ Chi, nơi đặt tổng hành dinh trong lòng đất của Việt Cộng. Từ năm 1952, cứ cách vài tuần Ẩn lại rời văn phòng Sài Gòn, lái xe khỏang 20 dặm đi về hướng bắc để đến Hố Bò.
Khi Sài Gòn sụp đổ, cơ quan tình báo quân sự Việt Nam dự kiến cho ông ta tiếp tục công việc tại Mỹ. Có ai tốt hơn Phạm Xuân Ẩn để thông tin về những ý đồ của Mỹ? Nhưng cuối cùng ông được giữ lại Việt Nam.
Ẩn được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thưởng bốn huy chương quân công và lên cấp Thiếu tướng.
David Halberstam, bạn của Ẩn khi còn là phóng viên của Time tại Việt Nam nói: “Câu chuyện của Ẩn làm nghĩ đến trường hợp của Graham Greene. Nó đặt ra những vấn đề rất cơ bản như: Thế nào là trung thành? Yêu nước là gì? Sự thật là gì? Bạn là ai khi nói lên sự thật? Có những mâu thuẫn trong con người Ẩn mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Nhìn lại, tôi thấy anh ta giống như một con người bị chẻ làm đôi”.
Trong một quyển sách viết về Việt Nam xuất bản năm 1965 tự đề “Sự hình thành một vũng lầy”, Halberstam mô tả Ẩn như một cây đinh chốt “nhỏ nhưng rất quan trong trong một mạng lưới tình báo của các nhà văn và nhà báo. Anh ta có những đầu mối tiếp cận giới quân sự tốt nhất trong xứ này”. Bây giờ khi Halberstam biết rõ câu chuyện của Ẩn, anh ta có tức giận không? Không! Anh phản ánh đúng quan điểm của của hầu hết mọi đồng nghiệp của Ẩn: “Đây là một câu chuyện phức tạp. Nhưng tôi vẫn yêu Ẩn. Tôi không cảm thấy bị phản bội. Anh ta phải cư xử như một người Việt Nam trong giai đọan bi thương của lịch sử đất nước mình. Không thể nào làm khác hơn được.”
Chính Mai Chí Thọ và Mười Hương, chỉ huy trực tiếp của Ẩn, đã quyết định gửi anh sang Hoa Kỳ để học làm báo. Nghề báo là một vỏ bọc hoàn hảo cho nghề gián điệp, có thể tiếp cận những nơi khó khăn nhất và những thành phần quan trọng. Kế họach phải mất vài năm để chuẩn bị. Đảng Cộng Sản Việt Nam rât khó khăn mới kiếm đủ tiền. Cuối cùng, Mai Chí Thọ gom được 1.000 USD đủ cho Ẩn mua vé máy bay và vài bộ đồ mớoi. Một tháng sau, anh đến Costa Mesa, thuộc bang California để ghi danh vào một trường cao đẳng cộng đồng.
Chàng điệp viên cộng sản 31 tuổi, cựu nhân viên quan thuế của Pháp, chuyên viên chiến tranh tâm lý quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu vào học Trường Cao Đẳng Orange Coast, do một cố vấn Mỹ tại Việt Nam giới thiệu! Anh có thể là người Việt Nam đầu tiên sống tại hạt Orange, mà nay là 150.000 người. Được bạn bè cùng lớp gọi là “Đức Khổng Tử”, Ẩn học về chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, tiếng Tây Ban Nha và nghề làm báo. Anh tham gia viết tờ báo The Barnacle của nhà trường.
Thời gian Ẩn sống tại California là lúc đen tối nhất của cách mạng Việt Nam. Cho đến năm 1959, khoảng 85% cán bộ cốt lõi, tức khoảng 60.000 người bị bắt hay giết chết. Qua một mật thư Ẩn biết được Mười Hương đã bị bắt và tra tấn. Anh cũng biết mình sẽ được triệu hồi về bởi vì chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam sắp bắt đầu.
Ẩn nhớ lại lúc mình đứng bên cầu Golden Gate vào tháng 10-1959 tự hỏi nên phải làm gì tiếp theo. Trong túi áo là chiếc vé bay về Sài Gòn. Bên dưới là ngọn tháp cô độc và bức tường xám ngắt của nhà tù trên đảo Alcatrax nổi tiếng. Anh sợ đó là dấu hiệu chờ đón mình khi trở lại Việt Nam.
Về đến Sài Gòn, Ấn làm cho hãng Reuters, rồi Time. Là một nhà báo cần cù, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, Ẩn cung cấp thông tin để có được thông tin. Anh nói: “Thức ăn của họ là thông tin, tư liệu. Giống như chim, phải cho chúng ăn thì chúng mới chịu hót. Từ quân đội đến tình báo, cảnh sát, tôi có đủ lọai thông tin. Chỉ huy các binh chủng, sĩ quan lực lượng đặc biệt, hải, lục, không quân… họ đều giúp tôi.” Những hộp đựng phim của anh gửi vào chiến khu được ngụy trang giống như những chiếc nem Ninh Hòa hay giấu trong bụng cá. Tất cả đựơc gửi đến tổng hành dinh quân đội ở miền bắc. Trong 45 người đưa thư ra khỏi Sài Gòn cho Ẩn đã có đến 27 người bị bắt và giết chết. Theo Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, tác giả quyển “Khoảng cách vừa phải”, nguồn thông tin số một của Ẩn là Robert Shaplen, phóng viên tờ New Yorker. Họ “bù khú” với nhau hàng nhiều giờ liền trong phòng của Shaplen trên lầu 3 nhà hàng khách sạn Continental. Có khi họ ra đứng ngòai ban công để tránh bị nghe lén. “Shaplen là một trong các nhà báo xuất sắc của chúng tôi. Chúng tôi được lệnh cấp trên cho phép anh ta lục lạo thông tin tại tòa đại sứ và các quan chức cao cấp không giới hạn”. Nói về gián điệp cộng sản chui vào trong hàng ngũ chính phủ Việt Nam cộng hòa, Frank Snepp cho biết: “Chúng tôi ước đóan có khoảng 14.000 điệp viên đang hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Cộng sản chui thẳng vào gan ruột kẻ thù. Đó là một chính phủ giống như chính phủ Thụy Sĩ. Cộng sản biết rõ điều sắp xảy ra trước cả tòa đại sứ Hoa Kỳ. Chúng tôi không cần biết mức độ tham nhũng trong chính phủ Nam Việt Nam. Chúng tôi không muốn nhìn vào tham nhũng hay đạo đức. Chúng tôi cũng không muốn biết mình đang cưỡi một con ngựa rất tồi. Điều này cũng đúng tại Iran, Iraq hay bất kỳ nơi nào khác mà chúng tôi ủng hộ các chính phủ tham nhũng. Dĩ nhiên, Ẩn lại muốn biết những điều này. Anh ta cần biết trong điều kiện nào kế họach “Việt Nam hóa chiến tranh” không thực hiện được.”
Năm 1970, một phóng viên Time, bạn của Ẩn, tên Rober Sam Anson bị quân Bắc Việt và Khơ-me đỏ bắt sống tại Campuchia, trong lúc 25 phóng viên khác chết hay mất tích. Sau khi vợ Anson nài nỉ xin giúp đỡ, Ẩn bí mật sắp xếp để anh ta được thả ra. Mãi 17 năm sau, Anson mới biết là do Ẩn cứu mình. Khi gặp lại nhau vào năm 1986, Anson đã hỏi Ẩn: “Vì sao anh cứu tôi? Anh chẳng phải là kẻ thù của đất nước tôi sao?”
Khi bạn bè cũ biết câu chuyện của Ẩn, họ bắt đầu nhớ lại những chi tiết đáng ngờ lúc đó đã bị bỏ qua. Nick Turner, chủ cũ của Ẩn tại thông tấn xã Reuters, xác nhận mối nghi ngờ của mình về một lần vắng mặt không báo trước tại văn phòng của ông. H.D.S. Greenway, mà bạn bè vẫn gọi là David, chợt hiểu vì sao Ẩn biết rõ hơn mình về chiến dịch Lam Sơn 719, một thất bại nặng nề của quân lực Việt Nam cộng hòa khi tấn công vào hạ Lào trong năm 1971.
Nayan Chanda, cũng làm việc cho Reuters và cộng tác với Far Eastern Economic Review, nhớ đã nhìn thấy Ẩn đứng trước dinh tổng thống vào ngày sau cùng của cuộc chiến, khi chiếc xe tăng mang số 843 phá sập cổng sắt: “Tôi nhìn thấy một nụ cười kỳ quặc trên khuôn mặt anh ta. Anh ta có vẻ rất hài lòng và bình thản. Tôi thấy… quái quá! Vợ con anh ta vừa được máy bay bốc đi thế mà anh ta lại vui vẻ.” Sau này Chanda mới hiểu: Ẩn vui vì công việc suốt 30 năm qua của mình vừa hòan tất.
Frank McCulloch, người cầm đầu văn phòng tạp chí Time tại Châu Á lúc đó, kẻ thuê Ẩn làm việc với giá 75USD/tuần, khi được hỏi “Ông có tức giận lúc biết chuyện về Phạm Xuân Ẩn khổng?” đã trả lời: “Tuyệt đối không! Tôi nghĩ đó là lãnh địa của ông ta. Ở vào vị trí của tôi, tôi cũng phải làm như thế. Ẩn là một đồng nghiệp và là phóng viên xuất sắc.”
Nhưng Murray Gart, người cầm đầu các phóng viên của Time trong thời chiến, nghe nói, sau khi biết tin về Ẩn, đã giận giữ hét lớn: “ Hắn là đồ chó đẻ! Tôi muốn giết hắn!”. Còn một phóng viên khác trách Ẩn, nhưng vì lý do khác. Đó là Peter Arnett. Ẩn thuê một căn nhà của người bà con gốc Việt của Arnett và hai gã này thường gặp nhau để “đấu láo” tại nhà hàng Givral: “Tôi vẫn còn cay cú hắn. Dù biết hắn là một kẻ yêu nước, tôi vẫn cảm thấy bị phản bội trong nghề làm báo. Từ khắp thế giới, người ta nói báo chí đã bị cộng sản xâm nhập. Điều hắn làm giống như chọc thẳng vào mắt chúng ta. Khỏang sau đó một năm, tôi xem đó chỉ là việc cá nhân của Ẩn”.
Mai Chí Thọ, sếp của Ẩn, sau chiến tranh, trở thành một người quyền lực đệ nhất miền Nam và là Bộ trưởng nội vụ. Tại villa ở giữa thành phố Sài Gòn, vốn là tòa đại sứ Thụy Sĩ cũ, tôi được dẫn vào một phòng tiếp khách sang trọng ở tầng dưới, với bộ bàn ghế bằng gỗ dái ngựa và những bức tranh khắc trên đá thu thập từ các vùng kháng chiến cũ mang về. Cuối phòng là một bàn thờ chưng đầy hoa trái với bốn bức ảnh gồm cha mẹ và hai người anh nổi tiếng của ông: Đinh Đức Thiện và Lê Đức Thọ. Mai Chí Thọ đang đứng trước bàn thờ thắp hương khấn vái. Hôm nay là ngày giỗ bố ông, lẽ ra ông không tiếp khách nước ngòai. Nhưng ông biết thời gian cư trú của tôi ngắn ngủi nên phá lệ. Ông cắm nén hương trên bàn thờ rồi đến bắt tay tôi. Mặc chiếc quần xám và áo thun màu tía, tướng ông cao lớn, mái tóc bạc và ánh mắt sáng rực.
Tướng Mai Chí Thọ thuộc phe cứng rắn trong chiến tranh, bây giờ lại mời trà người Mỹ. Ông nói về việc gom góp tiền bạc cho Ẩn đi Mỹ năm 1957: “Đó là một việc rất khó khăn nhưng tôi phải làm. Đảng có rất ít tiền. Nhưng chúng tôi nghĩ chi cho Ẩn là xứng đáng. Anh ta là người đầu tiên được gửi đi Mỹ để học văn hóa của một dân tộc sẽ thay chân Pháp trở thành kẻ thù của chúng tôi. Ẩn là người hòan hảo để làm chuyện này. Đó là một canh bạc lớn của chúng tôi.”
Tôi hỏi Thọ về cơ hội gửi Ẩn sang Hoa Kỳ vào năm 1975, “Ẩn sẽ vẫn xuất sắc nếu chúng tôi gửi anh ta sang Hoa Kỳ tiếp tục. Nhưng Ẩn đã quá gian khổ khi phải sống trong lòng địch nên cần được nghỉ ngơi.” Tôi biết câu hỏi kế tiếp của mình sẽ không được trả lời: “Chính xác là Ẩn có thể làm được cái gì cho ông?”
Bộ trưởng Thọ mỉm cười và rót một cốc trà khác cho tôi: “Ẩn có những thông tin tốt nhất và tiếp cận được nguồn thông tin mật, thính nhạy hơn bất kỳ người nào khác. Nếu anh muốn biết chuyện gì đang xảy ra, Ẩn là người để hỏi. Sau chiến tranh, anh ta được phong tướng và Anh hùng quân đội nhân dân. Không cần nói thêm chi tiết, chỉ riêng việc đó có thể cho ông thấy tầm quan trọng của những gì Phạm Xuân Ẩn đã làm cho tổ quốc mình.”
Thomas Bass (đăng trên tờ The New Yorker, số ra ngày 23-05-2005)