Bí mật các phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA tại VN
Thu Dec 17, 2009 10:23 am
có chút ít hiểu biết về sử học
Thành viên cấp 3
mariogiza
Họ & tên : Nguyễn Thái Bình
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên năng động
Huy chương Cống hiến :
Huy chương thành tích :
Ngày tham gia : 16/05/2009
Tổng số bài gửi : 149
Đến từ : phú yên
Sở trường/ Sở thích : có chút ít hiểu biết về sử học
Điểm thành tích : 457
Được cám ơn : 184
Tiêu đề: Bí mật các phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA tại VN
Một hãng hàng không không có tên chính thức trong bất cứ một chỉ dẫn nào của ngành hàng không thế giới: Air America. Đơn giản bởi vì đó là một hãng hàng không bí mật do CIA lập ra từ sau chiến tranh thế giới thứ hai chỉ để thực hiện những phi vụ đặc biệt.
Nhưng ít ai có thể ngờ được rằng một trong những phi vụ lớn nhất mà hãng hàng không này thực hiện lại chính là chiến dịch di tản trong những ngày cuối tháng 3 và tháng 4/1975, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, chấm dứt sự dính líu của Mỹ tại Việt Nam.
Vai trò của Air America ở Việt Nam lớn lên cùng chiến tranh, nó đáp ứng tôn chỉ của CIA: bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.
Vào đầu năm 1954, dưới tên gọi Civil Air Transport, hãng hàng không của CIA này đã dính dáng đến một số điệp vụ bí mật. Đại tá tình báo Edward Lansdale và các đồng sự đã chỉ đạo trực tiếp hai nhóm điệp viên ở miền Bắc Việt Nam, bí mật thoát ra theo ngả Hải Phòng vào Sài Gòn học lớp huấn luyện rồi lại được tung trở lại miền Bắc. Hãng Civil Air Transport cũng đã bí mật chuyên chở hơn 8 tấn vũ khí và trang bị kỹ thuật đã vào Hải Phòng cùng những con tàu chuyên chở dân di cư theo hồi 1954, để những nhóm gián điệp này hoạt động.
Nhưng đến cuối năm 1964, chỉ còn có một nhúm khoảng một chục phi công tiếp tục thực hiện những chuyến bay bí mật được tiến hành một cách thưa thớt. Khi đó CIA cũng không phải trả phụ cấp nguy hiểm cho họ nữa. Trước khi phát triển thành cả một đội quân lớn, nhiệm vụ của Air America chỉ giới hạn trong việc thực hiện các hợp đồng với Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID, chuyên chở các cố vấn và nhân viên CIA đi loanh quanh đây đó. Đó chỉ là những phi vụ chuyên chở thương mại, nhẹ nhàng như những chuyến du lịch và xuất phát từ phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Chỉ đến thời cao điểm của chiến tranh, quân số của hãng hàng không CIA này mới lên tới 240 người, chỉ tính riêng tại Sài Gòn. Các máy bay của Air America có mặt ở khắp mọi nơi và thực hiện các phi vụ bí mật suốt cả bảy ngày trong tuần.
Cuộc sống của những phi công Air America trong giai đoạn đầu chiến tranh khá thoải mái, nếu không nói là rất nhiều bổng lộc. Sài Gòn khi đó vẫn còn là một thành phố châu Á khá hiền lành, chưa bị thối ruỗng bởi những bước chân lính viễn chinh. Thuế má, giá cả sinh hoạt, nhà cửa đều rẻ và các chuyến bay cũng không nguy hiểm lắm. Nhưng đến khi quân đội Sài Gòn được xây dựng và một số lượng lớn các binh sĩ Mỹ đặt chân tới đây thì sự bình yên nhỏ nhoi đó đã biến mất vĩnh viễn.
"Dường như tất cả mọi người đều đổ xô tới Sài Gòn" - Les Strouse, người quản lý đơn vị Air America tại Sài Gòn giai đoạn đó nói - "Theo quan điểm của tôi, không có một người lính Mỹ nào thuộc về nơi đó cả. Họ tới đó để chiến đấu, chứ không phải để mòn mỏi trong những khách sạn ở trung tâm thành phố. Sài Gòn trở thành một nơi ưu tiên để các GI (lính Mỹ) tới uống say xỉn và hành xử một cách ghê tởm. Dần dà rồi những người Việt cũng thế cho dù trước đấy, họ chưa bao giờ như vậy. Mà lính Mỹ thì đã luôn là như thế".
Đến cuối năm 1964 thì Air America bắt đầu phát triển với quy mô ghê gớm. Chỉ trong vòng 10 tháng, nó đã tăng gấp đôi số giờ bay và rồi lại tiếp tục tăng gấp đôi nữa trong 8 tháng tiếp theo đó. Các chuyến bay hằng ngày tăng gấp đôi trong 6 tháng, rồi tăng lên gấp ba lần trong 3 tháng sau đó. Các chuyến vận tải hàng hóa tăng với cấp số nhân. Đến năm 1969, Air America đã sử dụng 9 loại máy bay khác nhau để thực hiện các phi vụ, trong đó có 8 loại máy bay cánh phẳng cố định và một loại khác là trực thăng Bell 204B. "Thành công của một chiến dịch kiểu này là tính linh hoạt của nó", CIA tuyên bố như vậy trên tờ tạp chí của cơ quan này. "Linh hoạt, đó là tựa đề câu chuyện của Air America".
Air America vận chuyển bất cứ thứ gì mà nó được giao. Các máy bay của hãng chở các vị khách VIP, các tù nhân và cả những con bò hiền lành; khách hàng của Air America còn có lính Mũ nồi xanh, một đơn vị tuyệt mật do CIA điều khiển và cả những cố vấn Mỹ trong chiến dịch Phượng Hoàng (cũng là một chiến dịch của CIA nhằm triệt phá những cơ sở của lực lượng giải phóng miền Nam, chỉ trong hai năm rưỡi đầu tiên của chiến dịch này, đã có 20.587 người bị nghi là cộng sản đã bị giết).
Hàng hóa lạ lùng nhất mà Air America đã từng chuyên chở là một số nhân vật bí hiểm. "Một vài người khá là kỳ cục - Art Kenyon, một phi công từng làm việc cho Air America, lái loại máy bay cánh cố định C-46, nói - Chúng tôi đã đôi lần chở những tài liệu tuyệt mật, có lẽ là người của CIA mang đi. Khi đó, chúng tôi không được phép chở bất kỳ một người nào khác nữa. Một anh chàng mang theo một cái xắc nhỏ chứa tài liệu mật và cũng như hầu hết các hành khách của chúng tôi, anh ta mang theo vũ khí. Họ có đủ các loại vũ khí, chỉ có súng bazoka là tôi chưa thấy mang theo mà thôi. Tôi đã từng chở những người mang theo súng máy, tiểu liên M16, lựu đạn cầm tay và đủ thứ tương tự".
Một trong những nhân vật quan trọng nhất mà máy bay của Air America đã từng chở chính là Richard Nixon, trước khi ông ta lên làm Tổng thống Mỹ. Ông ta tới đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1965 trên một chiếc Beechcraft do Bob Murray cầm lái.
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, các máy bay của Air America đã thực hiện rất nhiều phi vụ bí mật, tham gia tiếp ứng cho quân Mỹ trong chiến dịch Khe Sanh, các chiến dịch quân sự ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đưa tù binh ra Côn Đảo, chuyên chở các nhân viên trong Ủy ban liên hợp 4 bên về Hiệp định Paris...
Các phi công của Air America nghĩ rằng họ đã thực hiện hầu hết những công việc có thể làm, nhưng họ không thể ngờ được rằng, đến một ngày, sẽ phải tham gia vào một trong những chiến dịch tháo chạy có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Thu Dec 17, 2009 10:24 am
có chút ít hiểu biết về sử học
Thành viên cấp 3
mariogiza
Họ & tên : Nguyễn Thái Bình
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên năng động
Huy chương Cống hiến :
Huy chương thành tích :
Ngày tham gia : 16/05/2009
Tổng số bài gửi : 149
Đến từ : phú yên
Sở trường/ Sở thích : có chút ít hiểu biết về sử học
Điểm thành tích : 457
Được cám ơn : 184
Tiêu đề: Re: Bí mật các phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA tại VN
Những phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA tại VN (2)
Khi những thành phố nối tiếp nhau rơi vào tay quân giải phóng, thì các phi công Air America chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là thực hiện các chuyến bay di tản.
Đó là những điệp vụ vô cùng căng thẳng.Nỗi hoảng loạn và tình trạng vô chính phủ còn đi trước bước chân của đối phương (quân đội giải phóng) và những máy bay trực thăng của Air America trở thành phương tiện duy nhất đối với một số người Việt Nam muốn bỏ chạy. Tại nhiều thành phố, binh lính trong quân đội Nam Việt Nam chạy lung tung, xả súng vào thường dân và vào cả những chiếc máy bay của Air America.
Việc di tản được thực hiện theo phương châm: di tản những người "nhạy cảm", tức là những người đã từng cộng tác, làm việc với quân đội Mỹ, CIA và các cơ quan tình báo, Cơ quan viện trợ Mỹ USAID hoặc những cơ quan khác tương tự. Những người này được phát những tấm vé đặc biệt cho phép họ ra đi. Các máy bay của Air America chỉ việc bay vào và bốc người đi. Mọi việc thoạt tiên có vẻ suôn sẻ. Ngày đầu tiên của cuộc di tản diễn ra tương đối trật tự, nhưng sang đến ngày thứ hai thì đã thể hiện rõ sự vô tổ chức. Số người ở những điểm tập trung để di tản nhiều hơn gấp nhiều lần so với số lượng người có thể chở đi được; xô xát nổ ra và hệ thống phân phối vé đặc biệt bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng những người thuộc diện "nhạy cảm" thì không có vé, trong khi những người thuộc diện "nguy cơ thấp" lại có. Sang đến ngày thứ ba thì tình thế đã hoàn toàn trở nên hỗn loạn.
"Cuộc di tản diễn ra trong sự hoảng loạn" , Art Kenyon kể lại. "Đám đông hoàn toàn hoảng sợ và mất kiểm soát. Chúng tôi phải kéo thang dây lên, đóng cửa những chiếc C-46 lại. Mọi người bên dưới công kênh nhau leo lên cánh máy bay, đập cửa để đòi chúng tôi cho họ vào bên trong".
"Một lần, chúng tôi kéo cầu thang máy bay lên và cho ngừng hoạt động một động cơ, bởi vì chúng tôi không muốn phí thì giờ. Luôn có nguy cơ một ắc quy cạn kiệt và phải luôn có một động cơ khác sẵn sàng khởi động. Chúng tôi ngừng động cơ bên trái máy bay trong khi những hành khách đang lên.
Khi đó có khoảng 9 người đang treo lủng lẳng dưới cánh của máy bay và một nhóm khác tụm lại ở chỗ động cơ bên trái. Bạn có thể khởi động động cơ của một chiếc C-46 bằng cách xoay cánh quạt phía trước cánh một chút và tôi đã làm vậy. Tôi ló đầu ra khỏi cửa máy bay và quan sát. Tôi hơi đẩy cánh quạt dẫn hướng của máy bay khoảng một hai bộ để nếu nó có quệt vào ai đó thì cũng không khiến cho người ta bị thương. Họ có thể nhìn thấy nó chuyển động và cảm thấy sự nguy hiểm. Tôi tăng sức quay của cánh quạt lên 3 bộ (khoảng hơn 30 cm), rồi 6 bộ. Những người trên cánh máy bay dạt ra. Tôi bắt đầu khởi động động cơ. Rồi chúng tôi đẩy tất cả những người này xuống".
Các phi công thường chờ cho đến khi máy bay đầy ứ người, nặng đến hết mức rồi mới cất cánh. Theo lý thuyết, một chiếc C-46 có thể chở được 51 người, nhưng một phi công của Air America, trong những ngày ấy khi cất cánh khỏi Pleiku đã mang theo 142 quân nhân trang bị đầy đủ vũ khí và nó cần phải bay tới 90 dặm để có thể lên tới độ cao khoảng 1.000 bộ (khoảng hơn 300 m). Tải trọng tối đa cho một chiếc C-46 vào khoảng 46.000 pound (khoảng 22.000 kg), nhưng sau chuyến bay này, các phi công ước tính rằng họ đã chuyên chở một trọng lượng nặng tới 57.000 pound. Còn những chiếc C-47, thông thường chở khoảng 30 người thì trong những ngày ấy thường xuyên phải chở tới 80 người. Riêng loại máy bay vận tải hạng nặng DC-6 của Air America thì đã ghi nhận được là có chuyến chở tới 340 người.
"Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng trên con đường dẫn ra khỏi Pleiku", Fred Anderson, một phi công của Air America nhớ lại. "Cả một khối người đen đặc di chuyển trên đường, mang vác theo tất cả những gì mà họ có thể mang vác được".
Đấy là thời gian mà sự căng thẳng thần kinh luôn chế ngự tất cả. Những người di tản tụ tập tấn công các máy bay, bắn chỉ thiên, trong khi những binh sĩ quân đội Sài Gòn trong tình trạng thất vọng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù. "Tất cả những phát súng bắn vào chúng tôi trong những ngày Pleiku sụp đổ đều là do quân đội Việt Nam cộng hoà”, Wayne Lannin, một phi công khác của Air America kể lại. “Tràn ngập một không khí thất vọng và vỡ mộng. Tất cả mọi người đều ở trong tình trạng bị kích động; họ chỉ muốn thoát ra khỏi vùng chiến sự càng nhanh càng tốt và không muốn suy nghĩ bất cứ điều gì. Đó là một tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, khi con người bị hạ thấp xuống đến mức thấp nhất về nhân cách".
Bí mật các phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA tại VN