--------------------------------------------------------------------------------
Trích:
Các bạn xem TQ họ tuyên truyền cho người dân như thế nào về Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam còn ở Việt Nam ta thì từ xưa đến nay chưa bao giờ có báo nào đăng lại diễn biến của cuộc chiến năm 1974, họa chăng chỉ là nói sơ qua cho có lệ.
Có phải vì để giữ gìn mối quan hệ với một nước CNXH anh em mà chúng ta phải vứt bỏ cả lòng tự trọng, lòng yêu nước của dân tộc? Và khi Đảng vẫn ngoại giao "khéo léo" với TQ thì kết quả đạt được ngày hôm nay là gì? TQ ngày càng lấn lướt trên biển Đông; ngư dân chúng ta ngày càng bị giết chết, bị bắt nhiều hơn.
Và qua đó chúng ta phải đặt câu hỏi rằng mối quan hệ giữa hai Đảng Việt Trung hiện nay là phục vụ cho lợi ích của dân tộc hay chỉ phục vụ cho lợi ích của một tổ chức chính trị?
Trương Vĩ Văn (Trung Quốc), Dương Danh Dy (st và dịch)
Năm 1974, Mao Trạch Đông đã 81 tuổi, mặc dù sức khỏe lúc đó đã không tốt nhưng đầu óc ông vẫn tỉnh táo, cơ trí. Vào năm này, dưới quyết sách và chỉ đạo của Mao Trạch Đông, quân đội ta đã tiến hành một trận đánh trả tự vệ trên biển qui mô không lớn nhưng ý nghĩa khác thường. Trận đánh này không chỉ là lần đầu tiên bộ đội, tầu chiến hải quân Trung Quốc tác chiến với bên ngoài mà còn là trận đánh cuối cùng theo quyết sách của Mao Trạch Đông.
Mao Trạch Đông đưa ra quyết sách chiến tranh
Một ngày tháng 1 năm 1974. Đã 10 giờ sáng, nhưng Mao Trạch Đông vẫn chưa ngủ dậy. Lúc đó một báo cáo được đặt hết sức cẩn thận lên chiếc kệ đầu giường ông. Báo cáo này do Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc Vụ viện, Diệp Kiếm Anh, Phó chủ tịch Quân ủy TW đưa tới. Báo cáo nêu: trong thời gian gần đây sự kiện quân đội Nam Việt xâm phạm chủ quyền nước ta tại vùng biển quần đảo Vĩnh Lạc tại Tây Sa càng ngày càng dữ dội…, đồng thời nhằm thẳng vào hành vi xâm lược của quân đội Nam Việt, báo cáo đã đề xuất đối sách nên áp dụng, tức thông qua tăng cường tuần tra và các biện pháp quân sự tương ứng, bảo vệ quần đảo Tây Sa.
Sau khi ngủ dậy, Mao Trạch Đông đọc qua báo cáo rồi chìm sâu vào trong hồi ức và suy nghĩ sâu xa. Ông khá quen thuộc tình hình quần đảo Tây Sa, như nắm trong lòng bàn tay mọi động hướng tại Tây Sa của quân đội Nam Việt trong mấy năm gần đây,
Sau khi Trung Quốc mới thành lập, Chính phủ nước ta nhiều lần nghiêm chỉnh tuyên bố, luôn luôn biểu thị rõ, chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo Nam Hải là không thể tranh cãi; Tây Sa và ba đảo khác đều là một phần không thể chia cắt của lãnh thổ Trung Quốc.
Thế nhưng, nhà đương cục Nam Việt, đã không thấy những sự thực lịch sử đó. Từ “chiến tranh Việt Nam” bùng nổ không lâu, tức hậu kỳ của những năm 1950, dưới sự ủng hộ và dung túng của nước Mỹ, đã bắt đầu đề xuất yêu cầu lãnh thổ đối với ta, và trước sau đã cử quân đội xâm lược một số đảo trong quần đảo Tây Sa nước ta, và dựng cái gọi là “bia chủ quyền” trên đảo. Tuy vậy, trước nhiều lần tuyên bố nghiêm chỉnh, cảnh cáo nghiêm khắc của Chính phủ nước ta và dưới áp lực của dư luận công bằng thế giới, quân đội Nam Việt không thể không rút khỏi ba đảo Cam Tuyền, Thâm Hàng, Kim Ngân mà họ đã chiếm lĩnh phi pháp một dạo (chỉ để lại binh lực một trung đội trên đảo San hô). Đồng thời từ ngày 17 tháng 3 năm 1959, căn cứ vào chỉ thị của Chủ tịch Mao, bộ đội hải quân, chiến hạm nước ta đã đến vùng biển Tây Sa, bắt đầu chấp hành nhiệm vụ tuần tra quần đảo Tây Sa.
Năm 1973, “chiến tranh Việt Nam” bước vào giai đoạn cuối, nhưng nhà đương cục Nam Việt vẫn không ngừng nhiều lần gây sự tại vùng biển Nam hải nước ta. Ngày 11 tháng 1 năm 1974, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được lệnh ra tuyên bố, nghiêm khăc cảnh cáo hành vi xâm lược tàn bạo của Nam Việt, nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa và Đông Sa…
Nhưng nhà đương cục Nam Việt, bất chấp những tuyên bố nghiêm chỉnh của Chính phủ nước ta mà còn có hành vi nghiêm trọng hơn. Ý đồ của nhà đương cục Nam Việt vô cùng rõ ràng, tức mưu đồ tồn tại quân sự trên thực tế tại quần đảo Tây Sa, buộc chính phủ Trung Quốc phải có nhượng bộ, để thực hiện yêu cầu lãnh thổ phi pháp của mình.
Trước việc này, Chính phủ Trung Quốc đưa ra loại phản ứng như thế nào, đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc ngăn chặn các loại chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa bành trướng của nhà đương cục Nam Việt và các nước xung quanh nước ta, bảo vệ hòa bình và an ninh vùng châu Á, Thái Bình Dương và ổn định cục diện thế giới.
Nghĩ đến những điều đó, Mao Trạch Đông cầm lấy bút, trịnh trọng phê hai chữ :đồng ý, vào báo cáo do Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh trình, rồi, tự nói với mình: “xem ra không đánh một trận, không thể bảo vệ quyền lợi hải dương của Trung Quốc! Ý kiến của Ân Lai, Kiếm Anh rất đúng!”
Sau khi Mao Trạch Đông đưa ra quyết sách, Chu Ân Lai và lãnh đạo quân ủy lập tức chế định phương án tác chiến, điều động và bố trí binh lực, một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tôn nghiêm và thần thánh của Tổ quốc lặng lẽ kéo màn.
Chu Ân Lai và một số người khác chế định phương án tác chiến
Đứng trước hành động khiêu chiến leo thang từng bước của quân đội Nam Việt, sau khi được Mao Trạch Đông phê đồng ý, ngay trong ngày 17 tháng 1, bộ đội, Hạm đội Nam Hải của ta đang chấp hành nhiệm vụ tuần tra tại vùng biển Nam Hải Trung Quốc, tuân theo mệnh lệnh của Quân ủy trung ương đã hiệp đồng với dân quân vũ trang do quân khu Hải Nam cử ra, cùng tiến vào đóng tại ba đảo Tấn Liễu, Thâm Hàng và Quảng Kim của quần đảo Tây Sa.
Cùng với việc này, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng bắt đầu bận rộn căng thẳng: trước hết, thân tự gọi điện cho Cục Tác chiến, hỏi tường tận tình hình quần đảo Tây Sa và điều kiện khi không có công sự; tiếp đó lại tự cầm bút sửa chữa phương án do Cục Tác chiến thảo thay Quân ủy, phê và trả lời Quân khu Quảng Châu việc điều động, sử dụng binh lực.
20 giờ cùng ngày, được sự ủy nhiệm và ủng hộ của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai chủ trì Hội nghị về vấn đề quần đảo Tây Sa do Trung ương Đảng, Quốc Vụ viện, Quân ủy trung ương và người phụ trách các mặt có liên quan họp tại Bắc Kinh, đã có đánh giá đầy đủ việc có thể phát sinh vũ trang xung đột. Đêm khuya, Chu Ân Lai chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, và đề nghị Quân ủy trung ương thành lập tiểu tổ 5 người do Diệp Kiếm Anh đứng đầu và Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên tham gia, thảo luận và xử lý việc lớn của Quân ủy và công việc tác chiến khẩn cấp. Một lúc sau, ông cùng Vương Hồng Văn liên danh báo cáo lên Mao Trạch Đông, một lần nữa Mao Trạch Đông biểu thị đồng ý.
Lúc này căn cứ vào mệnh lệnh của Quân ủy trung ương, Quân khu Quảng Châu của ta cũng nhanh chóng đưa ra quyết định tương ứng, một mặt cử tàu số 396, 389 Đại đội 10 thuộc Hạm đội quét thủy lôi căn cứ Quảng Châu của Hạm đội Nam Hải và tàu số 271, 274 thuộc Đại đội 73 săn tàu ngầm căn cứ Du Lâm, tiến vào vùng biển gần quần đảo Vĩnh Lạc, Tây Sa chấp hành nhiệm vụ tuần tra, và cử 4 Trung đội dân quân lần lượt tiến vào đóng tại ba đảo Tấn Liễu, Thâm Hàng, Quảng Kim; một mặt “lại cử tàu số 281, 282 Đại đội 74 săn tàu ngầm tiến vào vùng gần đảo Vĩnh Hưng, Tây Sa chấp hành nhiệm vụ chi viện; đồng thời mệnh lệnh Trung đoàn 22 không quân Hạm đội Nam Hải cử hai chiếc máy bay bay tuần tra trinh sát trên vùng trời quần đảo Vĩnh Lạc đồng thời ra lệnh cho không quân Quân khu cử một bộ phận binh lực tăng viện”.
Để đánh tốt trận này, Chu Ân Lai đã kịp thời chuyển đạt quyết định của Hội nghị Bộ Chính trị đã được Mao Trạch Đông đồng ý. Sáng sớm ngày 19, Chu Ân Lai nói với Diệp Kiếm Anh triệu tập Tiểu tổ quân sự 5 người (sau tăng thêm Tô Chấn Hoa) nghiên cứu, thảo luận phương án tác chiến cụ thể quần đảo Tây Sa, bố trí công việc đánh trả tự vệ. Sau đó, ông lại gọi điện cho Bộ Tổng Tham mưu: “ Tình hình Tây Sa phát triển rất nhanh, sợ rằng ngày hôm nay có khả năng đánh trận, vì vậy sau khi được trung ương nghiên cứu, quyết định: do 6 người Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa tổ thành Tổ lãnh đạo, thay trung ương Đảng xử lý vấn đề tác chiến Tây Sa, do đồng chí Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình phụ trách chung
Ngay sáng hôm đó, Diệp, Đặng và các thành viên Tiểu tổ lãnh đạo đã tới Cục Tác chiến trực tiếp bố trí và chỉ huy hành động quân sự đả kích quân hạm xâm nhập Nam Việt.
Trận hải chiến đầu tiên tại Tây Sa thắng lợi
Sáng sớm ngày 19 tháng 1, hải quân Nam Việt giống như âm mưu sắp xếp từ trước đã lâu, bất chấp nhiều lần tuyên bố và cảnh cáo nghiêm khắc của Chính phủ Trung Quốc, đã cử ba tàu khu trục và một tàu hộ vệ, một lần nữa tiến vào vùng biển đảo Vĩnh Lạc, Tây Sa. Bọn chúng ngang ngược tiến hành đe dọa vũ trang ngư dân nước ta đang tác nghiệp bình thường tại vùng biển này.
Nhằm thẳng vào sự khiêu chiến mới của hải quân Nam Việt, hạm đội Nam Hải hải quân ta nhanh chóng ra lệnh cho tàu quét lôi số 396, 389 tiến vào vùng biển Tây Bắc đảo Quảng Kim, ngăn chặn tàu khu trục “Lý Thường Kiệt” và tàu hộ vệ “Sóng nổi giận”; lệnh cho bốn tàu săn tàu ngầm số 271, 274, 281 và 389 tiến vào vùng biển Đông Nam đảo Quảng Kim, giám sát hai tàu khu trục “Trần Khánh Dư” và “Trần Bình Trọng”.
Lúc này, tình hình toàn bộ mặt trận cho thấy rõ, địch mạnh ta yếu. Hơn nữa hải quân Nam Việt với “tàu lớn, súng to” đang ở vào thế trận tuyến ngoài có lợi, phía ta đang ở vào thế trận tuyến trong bị động. Vì vậy quân hạm Nam Việt không coi quân hạm ta ra gì, tầu “Lý Thường Kiệt” mở máy đầu tiên, nghênh ngang pháo lớn xông thẳng vào biên đội hải quân Trung Quốc…
Đối mặt với đối thủ có số tấn tải trọng lớn hơn mình 4 lần, hai tầu quét lôi số 396, 389 của Hạm đội Nam Hải ta không hề sợ hãi, mà dũng cảm tiến lên nghênh chiến, đồng thời một lần nữa phát ra cảnh cáo nghiêm khắc, lệnh cho tàu kia phải rời vùng biển Trung Quốc ngay lập tức… (tới đây bài viết miêu tả tinh thần chiến đấu anh dũng của hải quân Trung Quốc và tinh thần bạc nhược của hải quân Nam Việt và cho biết kết quả cuối cùng là tàu hộ vệ “Sóng nổi dậy” của Nam Việt bị bắn cháy, sau đó bị chìm, còn 3 khu trục hạm trên phải bỏ chạy, hải quân Trung Quốc toàn thắng, chúng tôi lược đi không dịch – DDD).
Thu hồi ba đảo San Hô, Cam Tuyền, Kim Ngân
Khi nghe tin chiến thắng từ mặt trận báo cáo về và tin tàu hộ vệ của hải quân Nam Việt bị bắn chìm, Diệp Kiếm Anh liên tục ngồi chỉ huy tại Cục Tác chiến, vô cùng phấn khởi, ông ra lệnh cho Cục Tác chiến nhanh chóng chỉnh lý tình hình thành báo cáo ngắn rồi do mình ký báo cáo lên Mao Trạch Đông.
Để dạy cho kẻ xâm lược Nam Việt một bài học mạnh mẽ, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ hoàn chỉnh của Trung Quốc, sau khi báo cáo và được Mao Trach Đông phê chuẩn, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và một số người nghiên cứu quyết định: tiếp tục mở rộng chiến quả, lập tức đổ bộ tác chiến, thu hồi ba đảo San Hô, Cam Tuyền, Kim Ngân từ trong tay Nam Việt.
Lần đổ bộ tác chiến này được bắt đầu ngay trong ngày 19. Đến 9,35 giờ ngày 20 tháng 1, bộ đội đổ bộ và dân quân của ta theo kế hoạch đã định, đã thu hồi xong ba đảo nói trên. Lúc này quân đội Nam Việt mất sự ủng hộ của hải quân trên thực tế, đã căn bản không còn sức chống cự. Chỉ qua 10 phút chiến đấu, kẻ địch trên đảo Cam Tuyền đã buông súng đầu hàng. Sau đó bộ đội và dân quân ta chia ba đường bao vây đảo San Hô, quân địch trên đảo chỉ chống cự đôi chút là cũng giơ tay xin hàng. Còn quân đội Nam Việt đóng tại đảo Kim Ngân vì sợ bị bắt bị giết đã theo chiến hạm bỏ chạy từ trước…
Nhà đương cục Nam Việt cảm thấy nếu đánh nữa chỉ càng thêm thua đau, nên ngày 21 tháng 1 đã đưa ra quyết định “nên tránh tác chiến với Trung Quốc bước tới”. Nhưng họ đã thông qua Nguyễn Hữu Chí, quan sát viên tại Liên hiệp quốc gửi một nghị án lên Liên hiệp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận vấn đề liên quan đến quần đảo Tây Sa. Vì vậy Đại sứ thường trú tại Liên hiệp quốc của nước ta, Hoàng Hoa đã đưa ra kháng nghị mạnh mẽ, một lần nữa tuyên bố: Tây Sa là lãnh thổ thần thánh không thể tranh cãi của Trung Quốc, thuộc về “nội chính Trung Quốc” không cần Liên hiệp quốc thảo luận. Cuối cùng yêu cầu vô lý của Nam Việt bị phủ quyết.
Ngày 27 tháng 2 năm 1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố, công khai tuyên bố với toàn thế giới: chính phủ Trung Quốc sẽ thả toàn bộ 48 sĩ quan binh lính Nam Việt gồm Phạm Văn Hồng v.v.. và một sĩ quan liên lạc Mỹ bị bắt trong cuộc đánh trả tự vệ tại quần đảo Tây Sa. Dư luận thế giới rộ lên. Các nước đánh giá cao và ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ hoàn chỉnh của nhân dân Trung Quốc. Nhà đương cục Quốc dân đảng Trung Quốc cũng khiển trách mạnh mẽ hành vi phi pháp xâm phạm các đảo Trung Quốc của nhà đương cục Nam Việt như vậy, tháng 5 năm 1974, Quân ủy trung ương quyết định: “điều gấp 3 hộ vệ hạm có mang tên lửa từ Hạm đội Đông hải xuống nam, chi viện Hạm đội Nam hải”, Mao Trạch Đông yêu cầu: nhân cơ hội này “trực tiếp thông qua eo biển Đài loan” (hai mươi năm trước đây, khi từ Đông hải xuống Nam hải, Hạm đội Trung Quốc phải vòng qua quần đảo Okinawa vào Thái Bình Dương qua eo biển Bashi), nay Tưởng Giới Thạch thân tự ra lệnh, phá lệ bật tín hiệu “mời đi qua” với Hạm đội Trung Quốc.
Trận chiến bảo vệ Tây Sa này, không chỉ được các nước trên thế giới khen ngợi, và cũng được sự ủng hộ của các dân tộc trong cả nước. Thắng lợi của cuộc chiến Tây Sa, đã làm cho quân đội Trung Quốc tiến một bước vững chắc xuống Nam hải, bảo vệ và thu hồi các đảo Nam hải thần thánh của Tổ quốc.
(Nguồn: Văn sử tinh hoa số 3 năm 2009, China.com.cn chuyển tải lại ngày 21/3/2009)