Sau những mùa trăng
Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học
hướng tới giao thừa thế kỷ 1998 - 1999
của Tạp chí Văn nghệ quân đội
Ðỗ Bích Thủy
Không hẹn trước mà lần nào trở về cũng gặp trúng mùa trăng. Mùa trăng có ý nghĩa với người miền núi nhiều lắm. Thường thì người ở trên nương cứ khói bếp dưới bản bay lên là bảo nhau về, nhưng vào mùa trăng thì ai cũng cố nán lại. Thêm một gùi, hai gùi cũng cố, vì người già bảo hạt lúa, bắp ngô cuối ngày bao giờ cũng mẩy hơn, chắc hơn buổi sáng. Thế nên nhiều hôm về đến nhà thì trẻ con đã ngồi chờ cơm gà gật bên bếp.
Ðã mấy lần trăng lên rồi trăng tàn tôi không về. Mấy mùa trăng là mấy lần mẹ mang mẹt thuốc ra phơi, rồi lại mang vào cất đi. Ngày tiễn tôi đi, cha tôi bùi ngùi: "Mày đi thì tốt cho cái thân mày chứ ở đây mãi cũng như tao, như anh mày thôi, tóc bạc, mỏi chân, cũng chỉ có chín bậc cầu thang với cái ngưỡng cửa. Cố mà học lấy cái khôn vào đầu nhưng phải nhớ giữ cái lưng cho thẳng, giữ cái đầu không cúi xuống... Lìn à". Lúc ấy, nhìn vào mắt cha tôi định không đi nhưng cha đẩy tôi lên xe. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy cha. Vào đời, chưa kịp học lấy cái khôn vào đầu cho "mắt sáng ra, cho miệng rộng ra" để mang về khoe với cha thì cha đã ra đi, sau cái chết đột ngột của anh Lân tôi. Từ đó, mỗi khi nhớ về căn nhà rộng thênh thang của mình tôi không hình dung nổi nó ra sao khi thiếu vắng bàn tay sắp đặt kỹ lưỡng của cha.
Về đến con suối đầu bản tôi gần như vấp phải một người đang ngồi trên một phiến đá rộng như mặt bàn. Một chàng trai còn rất trẻ, hai bắp vai vồng lên dưới lớp áo tà pủ còn thơm mùi lá nhuộm. "Làm gì mà ngồi ở đây một mình thế?". "Ngồi chơi đợi trăng lên thôi.". "A, lại thổi khèn gọi con gái nhà ai phải không?". Chàng trai cúi đầu ngượng nghịu. Tôi ngồi xuống cạnh anh ta, để nguyên cả giày sục xuống suối. Nước suối ấm, chầm chậm uốn quanh bãi lanh mọc cao hơn đầu người. Vì thế về bản phải lội hai lần trên cùng một con suối. Ngày nhỏ anh em tôi với lũ bạn cứ nằm xoài ra, để nước cuốn trôi từ trên xuống dưới bãi lanh, đập nước mỏi chân vài lần là biết bơi.
Một tốp con gái đi nương về lột áo qua mặt tôi, phảng phất mùi của lá dẻ khô, mùi nương đồi, mùi cỏ cháy, buông lời chòng ghẹo. "Hôm nay lại có thêm một người nữa à. Anh gì ơi, đến Vần Chải tìm ai đấy?". "Chắc là tìm đứa con gái đẹp nhất rồi". "Thế thì không có đâu. Con gái Vần Chải ai cũng đẹp như nhau mà". Tiếng cười rộ lên, khuất sau bãi lanh rồi vẫn nghe tiếng cười, cả tiếng hát cất lên: "... Dêu hẩn lầu tẩu lốc, bản nuông bàu mi lóc. Lóc hẩn lầu tẩu lải, bản nuông bàu mi vai..." (Bản em không có nắng lấy trời râm làm cảnh đẹp. Bản em không mưa phùn, thì chàng ơi hãy về...). Tiếng hát bay lên, dội vào vách núi cao ngất, xao động cả đêm đang xuống. Tôi đi qua bãi lanh, cảm giác hơi ấm của đám con gái vừa đi qua vẫn còn phảng phất.
Ðến đoạn suối thứ hai, định lội ào qua rồi về nhà mình luôn thì tôi bắt gặp một người đang dầm mình dưới chỗ nước sâu. Trên bờ, một gùi củi cao ngất dựng cạnh bụi cây. Tôi ngồi thụp xuống sợ bất chợt người con gái quay lại nhìn thấy mình thì khó xử quá. Trăng đã bắt đầu lên phía sau ngọn Tạ Ðú làm cả đoạn suối sáng bừng lên. Người con gái có đôi bờ vai rất tròn, cái cổ cao mà trắng như đá núi vỡ. Tôi nghe rõ cả tiếng khỏa nước... Ðang định đứng dậy, quay lại chỗ ban nãy, chờ cho cô gái đi trước rồi mới về. Thì cô gái đã đứng lên. Tôi cứng đờ như thằng ăn trộm bị bắt quả tang. Cô gái ú ớ không thành tiếng một lúc rồi kêu lên: "Ôi chú Lìn. Chú Lìn phải không? Làm chị hết cả hồn. Chú về, sao không báo trước cho mẹ mừng?". Tôi líu ríu: "Chị dâu! Sao đi nương về muộn thế, lại còn đi một m�nh!". "Cố một tí cho xong để mai còn sang nương khác". "Ðưa gùi em mang cho". "Thôi, chú không gùi được đâu. Lâu lâu không gùi cái gì thì đau vai lắm". Chị cúi xuống xốc gùi củi lên vai. Gùi củi cồng kềnh lại nặng nên cả người chị phải lao về đằng trước. Ði sau tôi nhận ra hơi nóng từ cơ thể chị l�m cho v�y �o ướt như c� sương m� bay l�n. Ở miền núi, con gái phải tập gùi từ lúc tám, chín tuổi. Gùi mãi, đủ thứ trên lưng, già rồi vẫn gùi nên bao giờ lưng cũng còng sớm hơn lưng đàn ông. Chị dâu tôi còn phải gùi nhiều hơn người khác, gùi thay cả mẹ, thay cả tôi. Chẳng biết đến bao giờ mới thôi không phải gùi nữa. Từ sáng sớm đến tối mịt cái lưng chỉ thẳng ra mỗi lúc ngủ.
Hai chị em mải miết đi, phía sau tiếng khèn lá đã cất lên.
Nhà tôi có ba anh em, anh cả, tôi và em gái út. Tôi và anh giống nhau y hệt. Ngày nhỏ, nghe hàng xóm hay đùa bảo mẹ tôi phải lấy nhọ nồi bôi lên mặt một đứa để còn biết đâu là anh, đâu là em. Hai đứa đã cãi nhau mà cãi không xong là đánh nhau. Vì chẳng đứa nào chịu nhận mình là người phải đánh dấu. Lớn lên tí nữa thì tôi lại cao vượt lên. Mười tám tuổi anh Lân mới chỉ đứng đến tai tôi. Ngày anh cưới vợ, tôi đã biết cầm dao chọc tiết con lợn gần một tạ, anh em thôi không còn cãi cọ nữa. Nhưng tôi đi chưa đầy năm thì anh bị lợn rừng húc chết trong một đêm lên nương canh ngô. Cha tôi đau buồn suốt mấy tháng trời vì chưa kịp có cháu nội. Không riêng gì cha mà cả họ đều trông chờ vào anh Lân. Nhưng chị dâu lúc ấy còn đứng thấp hơn cái khung cửa vài gang tay, một tay tôi cũng đủ sức nhấc bổng chị lên. Không biết có phải vì thế mà chị chưa kịp có con hay không?
Tôi bước lên cây cầu thang quen thuộc, kịp nhận ra sự thiếu vắng bóng đàn ông ngay trong ngôi nhà của mình. Một bậc cầu thang bị vỡ ra một miếng từ bao giờ chưa có ai thay, cái cặp tre cời bếp cháy nham nhở gần đến tay cầm vẫn cố dùng, cần giã gạo long ra, để chỏng chơ... Ở nhà thì thế, còn khi trong họ, ngoài bản có việc gì lớn nhà mình không có đàn ông, đàn bà có đến cũng chỉ được ở dưới bếp, trưởng họ có nói gì không thuận tai cũng phải nghe theo. Lâu nay mẹ tôi đau yếu thế, chắc chị dâu cũng chẳng bao giờ mặc váy áo đẹp đi đâu.
Mẹ sờ nắn khắp người tôi, bắt tôi ngửa hai bàn tay xem vết chai còn hay mất, nhìn tôi chăm chăm suốt bữa ăn. Dường như mẹ vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì sự trở về đột ngột của tôi. Tôi đã xa ngôi nhà của mình quá lâu, lâu đến nỗi quên cả chỗ ngồi của mình trên tấm phản lớn nhất bên bếp.
Chị dâu mở tủ, lấy gói chè gói kỹ trong mấy lần giấy ra pha. Chị biết tôi nghiện chè, mà phải thứ chè tự nhà sao lấy. Thỉnh thoảng có người xuôi, tôi lại nhận được chè chị gửi. Chè ở đây mọc hoang. Dưới thấp người ta còn chặt đi để lấy chỗ trồng thứ khác chứ trên cao, tít trên đỉnh núi mặc kệ, muốn lớn đến đâu thì lớn. Mùa xuân nhà nào có người hay uống chè lại mang gùi lên lấy về mà sao. Ði hai lần là đủ chè uống cả năm, uống đến mùa xuân năm sau.
Mí quấn lấy tôi một lúc lại bỏ sang ôm cổ chị dâu đòi đi ngủ. Ngày chị về nhà tôi Mí mới được hơn hai tuổi vẫn chưa rời vú mẹ, nó quấn quít với chị cho đến giờ. Cả nhà chỉ muỗi mình Mí dứt khoát không gọi chị dâu mà gọi chị gái, mẹ nói thế nào cũng không nghe.
Tôi bảo với mẹ rằng lần này tôi về để đón mẹ xuống ở với tôi, lần sau thì đón cả chị dâu, cả em Mí, tôi muốn mọi người ở bên mình, muốn mọi người hết khổ. Mẹ nắm chặt đôi tay trên đầu gối: "Ðấy là những gì mày học được từ khi ra khỏi nhà phải không Lìn? Mắt mày sáng ra bằng nào tao chưa thấy, chỉ thấy mày quên hết lời cha mày dặn thôi, quên cả lời hứa.
Khi nào tinh như con cắt lúc rời tổ mày sẽ về, sẽ lấy vợ, có nhiều con trai. Mày nói ở quê khổ quá à? Khổ mà tao vẫn sống đến giờ, khổ mà trẻ con vẫn lớn được! Không có ai chết vì khổ được đâu, chỉ có ai chết vì trong bụng đựng toàn điều xấu thôi...".
Tôi muốn bảo mẹ rằng ý tôi không phải như mẹ nghĩ, nhưng không mở miệng được. Mẹ không cần tôi cho mẹ cuộc sống khác, mẹ cần một đứa con trai để ngày mưa gió có người dọi nhà, có người chèn cửa. Chị dâu khẽ khàng lên tiếng: "Chuyện ấy để mai hẵng nói, chú Lìn đi nghỉ kẻo mệt". Chị đã trải chiếu, mang chăn ra chỗ ngủ cho tôi từ lúc nào. Mệt, đau nhừ, mỏi rã rời mà không sao ngủ được.
Ðã gần giữa thu, trời bắt đầu lạnh, những cơn gió hun hút luồn qua v�ch nứa. Ánh trăng sáng trắng lọt qua ô cửa nhỏ, hắt cả một quầng sáng vào trong nhà. Cả bản tôi nằm gọn trong một thung lũng, bốn phía là rừng, qua rừng đến nương ngô nương lúa, qua nương lại đến rừng rồi đến bản khác. Bản ở dưới thung lũng nên ngập trong ánh trăng. Ban đêm, những nếp nhà sàn lô nhô lẫn vào rừng cây trông không rõ đâu là nhà, đâu là những tán cây rậm rì, cao vút. giữa mùa, trăng cứ rọi vào nhà cả đêm, trăng đi một vòng cửa trước ra cửa sau. Ðêm, trời càng gió, trăng càng sáng thì hôm sau càng nắng to.
Hồi còn ở nhà, mùa trăng nào tôi cũng bám áo anh Lân tìm đến nhà nào có con gái đẹp thổi sáo suốt đêm. Anh Lân thổi khèn lá tài lắm, phiên chợ nào cũng có con gái quấn theo mãi, tối không về được. Thế mà về bản, đứng ở đầu hồi nhà người ta có khi ba đêm liền cũng không thấy ai ra. Ba đêm không được thì bảy đêm, bảy đêm cũng không được là hỏng rồi, sang nhà khác thôi. Lần anh đến nhà chị dâu tôi bây giờ cũng hết đêm thứ bảy mà không được gì đã định bỏ. Cả ngày hôm sau anh bỏ cơm, gắt om xòm. Ðến đêm thứ tám lại mang mũ nồi giấu dưới gối, đi. Ðêm thứ chín, trăng lên muộn lắm, tôi đã thiu thiu ngủ lại thấy anh dậy mặc áo. Anh bảo: "Thôi đêm nay mày đừng theo tao nữa, muộn rồi. Tao đi, có khi ngủ luôn ngoài rừng không về". Gần sáng thì anh về, lật chăn ra, bắt tôi dậy để anh cho xem chiếc khăn tay m�u xanh thu� mấy b�ng hồng trắng lấm tấm. It lâu sau, anh cưới vợ...
Ðêm khuya, bản đã yên ắng lắm, nghe rõ cả tiếng nước đập vào ghềnh đá rào rào ngoài sông, tiếng trâu thở phì phì đuổi muỗi, tiếng chim lợn rít lên cuối rừng... và càng rõ hơn tiếng khèn lá từ ngoài suối vọng vào. Tiếng khèn lúc gần lúc xa, lúc như tiếng gió dài lê thê, lúc ào ào như nước lũ, lúc cao vun vút, rộn rã như cánh chim buổi sớm... Tiếng khèn như thế nói được nhiều điều lắm, đủ để cô gái nào đó hiểu rằng chàng trai sẵn sàng làm tất cả vì cô, đổi tất cả những gì mình có để lấy ánh mắt của cô, bán tất cả để mua nụ cười của cô. Chàng trai ấy sợ đôi chân cô dẫm phải đá sắc lúc lên nương, sợ gai cào tay cô, làm rách vành khăn của cô lúc vào rừng. Chàng trai ấy nhìn cô cười để vui, nhìn cô khóc để buồn... Không biết chàng trai có đôi tay nổi bắp cuồn cuộn ấy gọi ai.
Ðột nhiên có tiếng cọt kẹt của sàn nhà. Chị dâu từ trong buồng rón rén bước ra, vừa đi vừa vấn lại mái tóc dài đến eo lưng. Tự dưng tôi run bần bật, một cảm giác đau buốt nhói lên phía ngực. Tôi nhắm nghiền mắt. Hẫng hụt, như người rơi xuống đáy sông sâu hun hút...
Kéo chăn lên ngang mặt, chỉ hở hai con mắt tôi cố nén để không vùng dậy. Nhưng chị dâu chỉ đi ra bếp thổi lửa, mang lanh ra quấn ánh lửa bập bùng hắt lên gương mặt tròn của chị. Hình như đến giờ tôi mới thực sự hiểu ra vì sao ngày xưa anh Lân có thể thổi khèn lá tới đêm thứ chín. Ðôi gò má căng, đỏ rừng rực, ba khuy áo bên trên bật ra trễ nải, để lộ ba ngấn cổ cao trắng ngần, khuôn ngực phập phồng nhè nhẹ... Tiếng khèn mỗi lúc một réo rắt, đôi tay chị quấn lanh nhanh hơn, cuống quýt mà ánh mắt thẫn thờ. Ðược một lúc, chị đứng dậy với thúng ngô trên gác xuống tẽ... Tiếng gà rừng tít thăm thẳm xa đã eo óc gáy. Tôi thiếp đi răng vẫn cắn chặt môi tê dại, mãi đến lúc nghe tiếng cối xay ngô rền rĩ dưới gầm sàn mới tỉnh dậy. Chị dâu đã trở lại vẻ hoạt bát, thậm chí tôi không dám tin chắc vào tiếng khèn đêm qua, nếu như cuộn lanh không rối tung nằm đó... Chị mang ấm nước nóng ra pha cho tôi rửa mặt: "Ðêm qua ngủ có phải co chân không chú Lìn?". Tôi hấp tấp: "Ðặt mình xuống là ngủ luôn chị dâu à. Lâu quá mới ngủ được một giấc ngon như thế". Chị dâu cười. Tôi thấy đâu óc váng vất.
Trời còn chưa sáng rõ chị dâu đã xay ngô xong. Mẹ tôi bảo: "Năm nay nhà mình làm cốm được đấy con dâu?". "Vâng, có ch� L�n về nh�!". Ở quê tôi, mùa cốm là mùa hội. Sáng mười bốn âm lịch, mặt trời còn chưa lên đã mang đòn gánh lên nương lúa cao nhất "tan" lúa về. Buổi chiều đàn ông xuống gầm sàn tìm chỗ đắp bếp đất, đàn bà nhóm lửa nướng thóc non. Ðêm xuống, trăng lên thì con trai con gái trong bản kéo nhau tới giã cho từng nhà. Giã cốm thâu đêm, hết cốm thì cho rơm vào giã, giã để còn được ngắm nhau, được nói lời hay với nhau mà không sợ ai nghe mất. Thế nên sáng hôm sau về nhà có ai hỏi đêm qua giã được mấy mẻ cốm, cốm năm nay có ngon hơn năm trước không cũng chẳng biết. Mấy năm rồi, đến mùa cốm chị dâu chỉ mang một cum sang gửi hàng xóm lấy cốm cho cái Mí ăn chứ nhà không làm.
Chị dâu đi đến trưa mới về, bốn cum thóc nếp còn xanh mọng nặng trĩu hai đầu đ�n g�nh. Mẹ k�u l�n: "Ấy da, lấy về nhiều thế con dâu? Ðịnh cho thằng Lìn ăn cốm thay cơm thay thịt hay sao?". "Ðể chú Lìn khỏi quên mùi núi rừng thôi mẹ ạ".
Chập tối, hai chị em đắp bếp, nướng thóc, xếp sẵn một lượt vào cối dài thì đám thanh niên tới, chia ra mỗi bên hai, ba đứa con trai con gái xen nhau. Ðứa con gái có cái lúm đồng tiền cất tiếng hát, hát xong, bọn con trai nhấc chày lên, lúc con trai giã xuống, bên kia con gái nhấc lên. Vừa giã vừa chòng ghẹo nhau thỉnh thoảng lại rúc rích cười. Một đứa con gái nói to, át cả tiếng chày thùm thụp: "Chị Lân à, làm sao con gái có chồng rồi mà cứ đẹp mãi, ngày càng đẹp thế". "Em nói ai?" "Còn ai nữa. Bao nhiêu đứa muốn hỏi chị đun nước lá gì gội đầu mà tóc đen thế, nhiều thế, đun củi gì mà má hồng thế đấy!". "Chỉ nói lung tung thôi. Chị già rồi mà". "Không già tí nào đâu chị ơi. Cứ đẹp mãi thế lại khối người Vần Chải khổ thôi". "Bậy quá. Không được đùa thế đâu". Mặc kệ, tiếng cười vẫn cứ lanh lảnh. Chị dâu bối rối, sảy mẹt cốm vãi cả ra ngoài.
Bốn cum thóc, chỉ một loáng, trăng lên đến ngọn cây dẻ cao nhất cuối rừng thì đám thanh niên giã xong, lại lũ lượt kéo nhau sang nhà khác. Còn một mình chị dâu lúi húi dọn dẹp. Chị khe khẽ hát. Bất chợt tiếng khèn lá đêm trước lại dội lên, chị luống cuống bê thúng cốm đi như chạy lên cầu thang, suýt vấp ngã. Chị cài chặt then cửa, lao vào buồng, tôi còn nghe tiếng thở dồn dập rất lâu.
Mẹ tôi ra khỏi buồng, đến trước bàn thờ cha tôi. Tôi chỉ nghe được tiếng thở dài nén rất nặng trong lồng ngực mỏng manh của mẹ. Sau khi làm hai đám ma, trong nhà tôi hầu như không còn gì. Bò, dê, gà, lợn mổ để thầy mo cúng làm lễ hết, ngô lúa cũng hết. Cha tôi mất tháng trước thì tháng sau trời nắng to, nắng ghê gớm, nắng từ lúc mặt trời chưa lên hẳn đến lúc mặt trời sắp lặn. Nắng từ ngày này sang ngày khác, già bản tụ tập tất cả bô lão trong làng lập đàn cầu khấn mà trời vẫn không cho một giọt mưa. Trên nương, ngô vừa ra bắp bằng chuôi dao đã khô quắt lại, lúa ngả sang mầu trắng, bông phất phơ như lau. Rừng già lách tách tiếng vỡ nứt. Rồi cháy, cháy khủng khiếp, cháy ba ngày ba đêm, thiêu trụi mấy cánh rừng, đến sáng thứ tư thì thôi. Ðứng dưới bản nhìn lên chỉ còn thấy một mầu đen của cây cháy. Ðột ngột, kinh hoàng quá, không ai còn khóc được.
Nương sắn chưa đầy năm cũng nằm trong vùng cháy. Chị dâu mang dao, mang gùi đi từ sáng sớm đến trưa mới về, gùi một gùi sắn đã chín, củ nào cũng chỉ như ngón chân cái, Mí hớn hở ăn, rồi say, nôn ra máu. Nó ốm, tóc dụng trơ cả da đầu, nằm ẹp như một con mèo con, chỉ còn thấy hai hốc mắt. Mẹ cũng kiệt sức, ngồi bó gối bên giường Mí mấy đêm liền, đến lúc chị dâu đỡ mẹ nằm xuống, đôi chân vẫn co như đang ngồi. Ban đêm, lúc mọi người ngủ, chị dâu đốt đuốc ra suối lật từng viên đá lên tìm cua. Sáng sớm, lúc mọi người chưa dậy chị đã mang ống bương qua hai quả núi đi lấy nước... Những ngày tháng ấy nếu không có chị dâu không biết điều gì sẽ xảy ra. Còn tôi, khi về được bản, nương lúa mới trỉa đã bắt đầu lên xanh, phủ dần mầu đen của tro than. Như một sự trả nợ, vụ ấy trời cho được mùa, lúa ngô mang về không còn chỗ để.
Chú tôi đến chơi, bảo là "để xem bao giờ thằng Lìn mới chịu lấy vợ". Chú thím cố mãi cũng chỉ toàn con gái. Tưởng có mỗi chuyện ấy thôi nhưng đến lúc ăn cơm xong, đợi chị dâu mang bát đi rửa chú mới nói: "Chị à, con dâu ngày càng đẹp ra đấy, khéo mà giữ kẻo mang tiếng họ Bàn". "Chú nói gì? Nó đi đâu mà phải giữ. Ði từ nhà lên nương, từ nương về nhà, mặt chỉ biết cúi xuống nhìn lối đi...". "Chị không biết rồi...". "Biết cái gì?". "Người già mà ngủ say được thế, sao chị dâu? Ngủ say quá nên không nghe đêm trăng nào cũng có đứa đến gần nhà thổi khèn lá: Ðứa ấy gọi ai? Gọi cái Mí chín mười tuổi à? Con gái có chồng, cái bụng mà không nghĩ lung tung thì má không như hoa đào thế đâu".
Tiếng nước xối ào ào rồi lặng yên. Mẹ liếc nhìn chú, lại nhìn ra cửa. Chị dâu khệ nệ bưng chồng bát vào, nước bắn lên váy ướt lem nhem, dính vào đôi bắp chân tròn. Con gái miền núi có đôi bắp chân đẹp là nhờ quấn xà cạp lúc đi làm, lúc ra khỏi cửa, chỉ đêm mới tháo ra. Chú tôi vê điếu thuốc lào phả khói mù mịt, ngồi thêm lúc nữa rồi lẳng lặng ra về. Chị dâu rút nắm đuốc trên gác bếp châm lửa, đưa chú xuống cầu thang. Ngày trước, chú là người phản đối việc anh trai tôi đòi cưới chị. Chú chê chị bé, chê con gái mà ngực lép, lông mày rậm là không biết làm dâu, là có lúc cãi bố mẹ chồng. Sau này, khi anh tôi rồi cha tôi mất, chính chú lại là người thương chị dâu nhất, chuyện gì cũng nói như với con gái. Thế mà bây giờ...
Chú Phin về rồi, mẹ bảo tôi: "Mày mới về, nghe chú nói, biết thế, đừng nghĩ xấu cho nó". "Mẹ thì nghĩ thế nào?". "Tao làm dâu họ Bàn, nó cũng là dâu họ Bàn, chết đi làm ma họ Bàn. Muốn gì cũng không được đâu".
Chị dâu ngồi vào khung cửi. Chị bảo cố dệt để còn kịp đi phiên chợ tới. Tôi bảo để tôi thức cùng cho chị đỡ buồn, chị bảo đàn ông chỉ thức đêm ngoài sông, trên rừng, không ai thức cạnh khung cửi. Nghe tiếng lạch xạch, lúc gấp gáp, lúc trễ nải tôi không sao ngủ được.
Tiếng khèn lá vẫn réo rắt từng đêm, từng đêm. Ðêm nào chị dâu cũng ngồi bên khung cửi, đống lanh trắng chất đầy hai quẩy tấu không hết. Từng đêm, từng đêm ấy, tôi nằm cứng đơ như khúc gỗ, nghiến mỏi hàm răng nhìn chị hai lần, ba lần đứng lên mang dây lanh ra buộc cửa, buộc thêm, thêm mãi, thành một đống rối tung to xù. Không biết có phải tại ánh trăng hắt từ bên ngoài vào hay không mà tôi thấy mặt chị đã không còn hồng, mà tái xanh, cặp mắt như mắt người say rượu. Ðêm thứ tư, đêm thứ năm... đến đêm thứ bảy thì tôi vùng dậy, lao như một con thú ra cửa, giằng tay chị ra khỏi mớ dây lanh bùng nhùng. Chị giằng co với tôi, sợi lanh thô cứng cứa vào tay chị bật máu...
Tôi không nhớ mình đã nói gì để thằng con trai còn rất trẻ, tóc ướt sũng sương đêm ấy lủi thủi bỏ đi. Lúc trở về nhà, chị dâu đang đứng ở chân cầu thang, mắt nhìn chằm chằm vào bàn tay đang nắm chặt của tôi. Tôi đi qua chị không nói một lời nào, run lên vì hơi nóng rừng rực đang toát ra từ đôi cánh tay trần phơi dưới ánh trăng, từ đôi mắt thẳm của chị.
Chú Phin ốm, bảo tôi lên canh nương thay chú vài hôm. Tôi mang dao quắm, đèn pin đi. Nương ở xa nên chắc sẽ ở lại luôn đến hôm nào chú khỏi mới về. Buổi chiều, chị dâu lên, mang theo cá nướng với thịt dê. Chị cắm cúi dọn nồi niêu, chăn màn, không nói câu nào. Mãi đến lúc chị định về, tôi cũng mới mở miệng được: "Chị dâu à, em bảo thằng Sìn đem khèn lá đi nơi khác mà thổi. Nhìn vào mắt nó em không chịu được...". Chị dâu run run: "Chị không nghĩ đến thằng Sìn bao giờ đâu chú đừng lo". "Thế thì chị dâu nghĩ đến ai? Ai hở chị dâu? Người ấy có ở Vần Chải không?. "Chú đừng hỏi nữa, chị xin...". Chị dâu khóc. Tiếng khóc bật ra như thác lũ thượng nguồn không gì ngăn được. Khóc như để trôi đi những bức bối trong lòng. Nước mắt chảy ròng ròng trên gương mặt bợt bạt, rớt xuống ướt ngực áo...
Cuối mùa trăng, tôi lại đi. Mẹ vẫn không một lời ngăn cản, mẹ mặc tôi. Tiễn tôi đi chỉ có chị dâu với em Mí. Ðến chỗ con suối chảy qua chị dừng lại, cúi nhặt một viên sỏi đưa cho tôi: "Chú mang đi để khỏi quên đường về Vần Chải". Tôi cố nhìn chị, mắt chị rưng rưng, lấp lánh cuối rừng chưa kịp lặn. Chị quay đi. Gió sớm từ trong khe núi lùa ra thông thốc làm váy chị, váy em Mí xòe ra.
Tôi mím môi, bước đi. Bãi lanh còn đẫm sương đêm quệt vào mặt lạnh buốt. Ra đến đoạn suối bên ngoài lại nhìn thấy ngay trước mặt, trên phiến đá rộng, một người đang gục đầu lên hai cánh tay vòng trên đầu gối. Xung quanh, lá rừng bị xé tung tơi tả. Sìn! Ðúng là Sìn. Ngẩng đầu lên nhận ra tôi hình như nó định đứng dậy, định chạy đi, nghĩ sao lại ngồi yên. Ðầu tóc, quần áo Sìn ướt sũng, râu mọc tua tủa trên gương mặt tím tái...
Tôi đi qua Sìn. Hòn sỏi trong tay bỏng rát. Trăng cuối mùa vẫn chưa kịp lặn nhưng đã lẫn vào chân trời đang sáng dần lên...
31-12-1999.
Ð.B.T
(Văn nghệ quân đội xuân Canh Thìn)