Chiếc ca của một thời hoa lửa
Cô y tá Nguyễn Thị Kim Cương và đồng đội
Chị mời chúng tôi vào nhà rồi vội đi pha nước. Trên khay chén, chúng tôi phát hiện có một chiếc ca làm bằng mảnh xác máy bay.
Thấy chúng tôi chú ý vào chiếc ca, chị giới thiệu:
“Kỷ vật này, tôiđã giữ gần 40 năm, nó gắn với tôi những kỷ niệm vui buồn ở Trường Sơn, với những thương bệnh binh, với mối tình đầu đẹp đẽ của tôi trong những năm tháng cả nước ra trận để giải phóng miền Nam”.
Thấu hiểu hy sinh của người lính
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ sử dụng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, vùng quê chị là trọng điểm đánh phá của địch.
Cả nước có chiến tranh, thanh niên nam nữ nô nức lên đường tòng quân giết giặc. Nhiều học sinh của Trường cấp ba Kỳ Anh gia nhập quân đội.
Năm 1971, tốt nghiệp lớp 10, từ xã Kỳ Tiến, nơi sơ tán, chị Cương trở về nhà thăm cha mẹ. Những ngày đó, xã của chị rộn rã như ngày hội. Nhà nào cũng có con, có cháu đi bộ đội, thanh niên xung phong.
Chị về nhà được vài ngày, xã có đợt tuyển quân. Chị làm đơn lên xã, đi khám sức khỏe để được nhập ngũ. Ít ngày sau, chị có giấy báo trúng tuyển.
Chị kể: “Tôi háo hức mang giấy báo về khoe, cha mẹ nhìn tôi đầy lo lắng. Tôi hiểu nỗi lo của cha mẹ vì gia đình tôi vừa nhận giấy báo tử của anh trai cả hy sinh ở Quảng Trị. Bằng mọi cách thuyết phục, cuối cùng cha mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi nhập ngũ”.
Chị Cương vào bộ đội, được cử đi học lớp y tá 2 tháng. Cuối năm 1971, chị được điều vào vào Đội điều trị 204 - Tổng cục Hậu cần, làm y tá, phục vụ Mặt trận B5.
Trước ngày vào chiến trường, chị nhận được món quà và bức thư của người bạn. Anh ấy là Võ Minh, học cùng lớp 8, đi bộ đội từ năm 1968. Anh là bộ đội pháo cao xạ Đại đội 7, Trung đoàn 210, Sư đoàn phòng không 367. Món quà anh Võ Minh tặng ngày ấy chính là chiếc ca này. Anh Minh làm bằng mảnh máy bay Mỹ bị đơn vị anh bắn rơi ở Bố Trạch, Quảng Bình.
Những năm tháng ở chiến trường, chị cùng Đội điều trị đã đến làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn, Động Toàn… nơi bộ đội đã đánh những trận thật lớn. Chị và đồng đội tiếp nhận thương binh từ các đơn vị bộ đội Trường Sơn, các đơn vị chủ lực Sư đoàn 304, 320, 312, 308, 325 và của Quân khu Trị Thiên.
Năm 1972, ta mở chiến dịch Trị Thiên, thương binh về nhiều, cả đội thay nhau liên tục trực.
Chiếc ca kỷ niệm
Chị nhớ lại: “Chiếc ca này dùng đựng nước phục vụ hàng trăm thương binh uống thuốc, uống nước.
Có thương binh bị cụt cả hai chân, hai tay, ngồi không được, nằm cũng không được, các anh đau đớn vật vã không ngủ.
Hồi đó, tôimới 18 tuổi, chưa từng yêu, chưa được con trai nắm tay bao giờ, tính lại hay xấu hổ, vậy mà tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ cho anh thương binh ấy tựa vào vai.
Hình như hơi ấm của người con gái cùng với lời ru của tôi làm anh ngủ được chút ít. Tôi thấu hiểu những hy sinh lớn lao của những người lính như thế!”.
Chị kể tiếp: “Tôi sợ nhất và nhớ nhất là mùa mưa ở chiến trường. Những ngày mưa dầm dề, ẩm ướt, quần áo của chúng tôi hôi rình nhưng không dám thay, để đến khi không còn quần áo thay mới mang ra suối giặt, mà quần áo của chúng tôi có hai bộ.
Mỗi lần đi ra suối tắm giặt, đơn vị phải cử anh em đi canh gác, bảo vệ vì sợ thám báo, thú rừng. Tôi đã tắm ở các con suối của Trị Thiên nhưng nhớ nhất là suối La La. Bờ suối có loại cây leo có gai, lá giống như lá phượng, tôi không biết cây gì.
Loại lá này dùng gội đầu không thơm nhưng rất trơn tóc. Hồi đó, quần áo thiếu. Mỗi lần xuống suối, tôi phải dặn đi dặn lại người đi theo: “Anh phải quay mặt đi nhé. Anh mà nhìn trộm em về mách trạm trưởng”.
Hồi đó, các anh canh gác mà bị chị em mách trạm trưởng là bị kỷ luật.
Hành trình của chiếc ca kỷ niệm
Đang kể, có tiếng kêu “Nước, nước” từ trong buồng vọng ra, chị vội lấy ca rót nước mang vào.
Quay trở ra, chị nói: “Con gái thứ hai của tôi đấy, tên cháu là Võ Minh Thanh, cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam. Năm 1976, tôi xuất ngũ ra quân với quân hàm trung sỹ. Tôi đi học trung cấp hóa. Người tặng tôi chiếc ca sau này trở thành chồng tôi.
Anh đi chiến đấu ở chiến trường Lào rồi về chiến đấu ở Lộc Ninh. Xuất ngũ, anh trở về quê, chúng tôi gặp nhau và làm đám cưới. Chiếc ca kỷ vật ngày trước dùng phục vụ thương binh còn bây giờ dùng phục vụ con gái mình…”.
Khi chúng tôi ngỏ lời xin chiếc ca cho bảo tàng, chị Cương tần ngần, ôm chặt chiếc ca, đôi mắt dài, thâm quầng của chị nhìn xa xăm, nơi ấy có những ngọn núi trập trùng, con sông Đắc Krông chảy xiết, con suối La La êm đềm…, nơi đó có tiếng sáo của những anh thương binh, ngọn đèn đỏ trong lán thương binh đêm đông…
Bỗng chị chạy vào buồng lấy tấm ảnh, chiếc ca và những bức thư tình thời chiến trao cho chúng tôi.
Chị nói: “Tôi đã được nghe Hội Cựu chiến binh phát động hiến tặng hiện vật cho Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến, tôi tặng bảo tàng những kỷ vật này.
Tấm ảnh này do một nhà báo chụp 5 anh em trong tổ hậu phẫu tiền phương ở Quảng Trị, năm 1974. Anh Đại - y sỹ gây mê, người Hải Phòng; anh Bình - y tá hữu trùng, người Nghệ An; anh Tân - Bác sỹ, người Nghệ An; anh Mông - y tá hữu trùng, người Thanh Hóa.
Còn tôi - Nguyễn Thị Kim Cương - y tá vô trùng, người Hà Tĩnh. Anh em thương binh vẫn gọi tôi bằng cái tên “Kim Cương - nước”. Trao bức ảnh này cho Bảo tàng, tôi hy vọng có thể tìm lại những người trong ảnh, những người đã cùng tôi cứu chữa thương binh ở Mặt trận B5”.