--------------------------------------------------------------------------------
Đầu tháng 9 vừa qua, nhà nghiên cứu Phan Thuận An lại phát hiện thêm bộ châu bản gồm 2 văn bản có giá trị chứng thực về mặt pháp lý việc thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ hai, nhà nghiên cứu này phát hiện và công bố.
Ảnh: VTV
Bộ châu bản mới nằm trong tập Ngự tiền văn phòng châu bản của nhà nghiên cứu Phan Thuận An gồm 1 văn bản đề nghị của tòa Khâm sứ Trung kỳ gửi Ngự tiền văn phòng triều Nguyễn vào ngày 2/2/1939 về việc truy tặng Long tinh của Triều đình cho chánh cai đội lính khố xanh người Pháp Louis Fontan vừa mới qua đời do nhiễm sốt rét trong thời gian đồn trú tại đảo Hoàng Sa. Văn bản phúc đáp ngày 3/2/1939 của Tổng lý Ngự tiền văn phòng về việc vua Bảo Đại chuẩn y đề nghị của Khâm sứ Graffeuil truy tặng Tứ hạng Long tinh cho ông Louis Fontan. Về mặt pháp lý, những văn bản được đích thân nhà vua phê tấu mới trở thành châu bản và có giá trị cấp quốc gia.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng: “Với những ngày tháng cụ thể, nhân vật cụ thể cho chúng ta thấy rằng, trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra, thì chủ quyền của Việt Nam vẫn được khẳng định một cách rõ ràng trên vùng biển Đông nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng. Và tất nhiên, sau khi chiến tranh chấm dứt, sau khi người Nhật đại bại trên thế giới và khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì họ trả lại cho chính quyền Đông Dương”.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trái).
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, cô ruột vua Bảo Đại, nơi ở hiện tại của nhà nghiên cứu Phan Thuận An là địa chỉ được nhiều người trong giới nghiên cứu và những người yêu Huế biết đến. Huế là vùng đất văn vật và là nơi lưu giữ khá nhiều châu bản và văn bản cổ kim chứng thực chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đơn cử như các châu bản của nhà nghiên cứu Phan Thuận An và một trong số đó đã được hiến tặng cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, văn bản cổ từ triều Lê tại đình làng Mỹ Lợi, hay chuyên đề về biển đảo Việt Nam của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Với những người Việt chân chính, đây là biểu hiện sinh động của tinh thần yêu Tổ quốc.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An: “Khi tôi công bố những những văn bản này, chúng tôi muốn góp phần rất nhỏ chứng cứ khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là điều không thể thay đổi, bàn luận, bởi vì lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng, chân xác”.
Lịch sử có giá trị bất biến, vì vậy châu bản vừa được phát hiện một lần nữa khẳng định giá trị trên. Với con người ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa như Thừa Thiên-Huế, thì tinh thần yêu nước gần như đã ăn sâu vào tâm thức và đó là giá trị văn hóa quý giá.