--------------------------------------------------------------------------------
Cập nhật lúc 22:42, Thứ Hai, 28/09/2009 (GMT+7)
,
- Thảo luận về vai trò phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa của MTTQ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Sợ nhất không phải là dân không dám nói, mà là không muốn nói nữa.
Nằm trong chương trình của Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam, buổi thảo luận xung quanh chủ đề "MTTQ Việt Nam với vai trò phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tham gia giám sát và phản biện xã hội" diễn ra khá "nóng" chiều 28/9.
Nhà sử học Dương Trung Quốc :Tiếng nói của Mặt trận còn yếu ớt...
Chủ trì buổi thảo luận, GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của UBTƯ MTTQ VN nêu thực trạng mặc dù vai trò phản biện xã hội của MTTQ đã được Đảng đề ra tại Nghị quyết Đại hội X nhưng chưa có cơ chế cụ thể, đầy đủ để thực hiện nên việc triển khai có nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, hoạt động phản biện của MTTQ chủ yếu là kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong quá trình dự thảo các chủ trương, chính sách pháp luật có liên quan.
Nhấn mạnh vai trò của tổ chức Mặt trận, theo linh mục Thiện Cẩm, "điều quan trọng để phản biện xã hội phát huy tác dụng là phải có đối thoại, đối thoại chân thành, thẳng thắn".
Viện trưởng Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội Trần Thị Lành cho rằng, ý kiến phản biện của các tổ chức trong Mặt trận từ trước đến nay "thường rất ít khi nhận được phản hồi thích đáng".
"Chủ trương đều có đầy đủ nhưng chúng ta đang quá chậm trong việc triển khai, cụ thể hóa các chủ trương đúng đắn đó bằng các công cụ luật pháp", bà Lành nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến đồng tình về việc để có đại đoàn kết thì trước tiên phải có sự đồng thuận, tuy nhiên nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Chúng ta nói "của dân, do dân, vì dân" nhưng bản thân chữ "Dân" khi phân tích ra thì có bao nhiêu lợi ích khác nhau".
Theo ông Quốc, MTTQ là tổ chức tập hợp những tiếng nói của người dân, biến nó thành ý chí của nhân dân và dùng ý chí, nguyện vọng ấy để phản biện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành.
Thảo luận càng sôi nổi hơn khi GS Tương Lai bắt đầu phát biểu của mình bằng việc đặt câu hỏi cho chủ tọa - GS Lưu Văn Đạt - dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa khác nhau như thế nào? GS Tương Lai cũng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1949: "Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều nơi dân".
Cùng trăn trở với GS Tương Lai, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dân chủ xã hội chủ nghĩa thực ra chỉ có một nội hàm vô cùng quan trọng là thêm yếu tố Đảng lãnh đạo. Việc tìm cho ra mô hình dân chủ xã hội chủ nghĩa cả về lý luận và thực tiễn là rất cần thiết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng chưa bao giờ chúng ta có được một hệ thống chính trị rộng lớn như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, tiếng nói của Mặt trận hiện rất yếu ớt trong hệ thống, ở các địa phương tiếng nói càng nhỏ bé và gần như không có hiệu quả.
"Quan trọng nhất trong xã hội hiện đại, đó là tiếng nói người dân được thể hiện qua báo chí. Sợ nhất không phải là dân không dám nói, mà là dân không muốn nói nữa", ông Quốc nhấn mạnh.
Cao Nhật