CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Hi Lạp và Rô-ma,

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Hi Lạp và Rô-ma, I_icon_minitimeWed Sep 23, 2009 8:46 pm

avatar
đừng hỏi

Thành viên cấp 2

huyenz0ny

Thành viên cấp 2

Họ & tên Họ & tên : sohobobezony
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Hi Lạp và Rô-ma, 6
Ngày tham gia Ngày tham gia : 20/05/2009
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 96
Đến từ Đến từ : Thái nguyên pro
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : đừng hỏi
Điểm thành tích Điểm thành tích : 193
Được cám ơn Được cám ơn : 24

Bài gửiTiêu đề: Hi Lạp và Rô-ma,

 
Vùng Địa Trung Hải có cảnh sông, núi, biển đẹp đẽ, muôn màu; khí hậu ấm áp trong lành. Ban đầu, các bộ lạc đều sống trong các thung lũng. Ở đấy, những dẫy núi cao từ lục địa chạy ra biển đã ngăn cách thung lũng này với thung lũng khác, tạo thành những đồng bằng sinh sống thuận lợi. Tuy nhiên, không phải chỉ có toàn thuận lợi. Phần lớn lãnh thổ là núi và cao nguyên. Đất canh tác đã ít lại không màu mỡ lắm, chủ yếu là đất ven đồi, khô và rắn. Do đó, lưỡi cuốc, lưỡi cày bằng đồng không có tác dụng.

Vào khoảng đầu thiên niên kỉ I trước Công nguyên, cư dân vùng Địa Trung Hải bắt đầu biết chế tạo công cụ bằng sắt.

Nhờ công cụ sắt, diện tích canh tác tăng hơn, việc trồng trọt đã có kết quả. Thực ra, chỉ ở những vùng đất mềm và tốt mới có thể trồng lúa. Đất đai ở đây thuận tiện hơn cho việc trồng các loại cây lưu niên có giá trị cao như: nho, ô liu, cam, chanh… Con người phải gian khổ khai phá từng mảnh đất, phải lao động khó nhọc mới bảo đám được một phần lương thực. Vì thế, cư dân ở đây vẫn mua lúa mì, lúa mạch của người Ai Cập, Tây Á…

Nếu như nông nghiệp có phần hạn chế thì để bù lại, thủ công nghiệp rất phát đạt. Bấy giờ sản xuất thủ công nghiệp đã chia thành nhiều ngành nhiều nghề khác nhau: luyện kim, đồ mĩ nghệ, đồ gốm, đồ gỗ, đồ da, nấu rượu, dầu ô liu… Nhiều thợ giỏi, khéo tay đã xuất hiện. Họ làm ra những sản phẩm nổi tiếng như đồ gốm với đủ các loại bình, chum, bát… bằng gốm tráng men có trang trí hoa văn với màu sắc và hình vẽ đẹp.

Đã có nhiều xưởng thủ công chuyên sản xuất một mặt hàng có chất lượng cao. Nhiều xưởng thủ công có quy mô khá lớn: có xưởng từ 10 đến 15 người làm, lại có xưởng lớn sử dụng từ 10 đến 100 nhân công, đặc biệt mỏ bạc ở At-tích có tới 2000 lao động.

Sự phát triển của thủ công nghiệp làm cho sản xuất hàng hoá tăng nhanh, quan hệ thương mại được mở rộng. Người Hi Lạp và Rô-ma đem các sản phẩm của mình như rượu nho, dầu ô liu, đồ mĩ nghệ, đồ dùng kim loại, đồ gốm… đi bán ở mọi miền ven Địa Trung Hải. Sản phẩm mua về là lúa mì, súc vật, lông thú từ vùng Hắc Hải, Ai Cập…; tơ lụa, hương liệu, xa xỉ phẩm từ các nước phương Đông. Trong xã hội chiếm nô ở vùng này, nô lệ là thứ hàng hoá quan trọng bậc nhất. Nhiều nơi như

Đê-lốt, Pi-rê… đã trở thành những trung tâm buôn bán nô lệ lớn của thế giới cổ đại.

Hàng hoá được chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có buồm và nhiều mái chèo của các nhà buôn giàu có. Một chiếc tàu chở rượu nho của Rô-ma dài 40m, chứa được từ 7000 đến 8000 vò (tức trọng tải từ 350 đến 400 tấn) bị đắm từ thời ấy đã được các nhà khảo cổ tìm thấy vào năm 1967 ở vùng biển phía nam nước Pháp.
Hoạt động thương mại phát đạt đã thúc đẩy việc mở rộng lưu thông tiền tệ. Các thị quốc đều có tiền riêng của mình. Đồng tiền As ở Rô-ma bằng đồng có hình con bò, đồng tiền bạc có hình chim cú và đồng tiền vàng A-tê-na có hình nữ thần của A-ten là những đồng tiền thuộc loại cổ nhất trên thế giới.

Như thế, nền kinh tế của các nhà nước ở vùng Địa Trung Hải phát triển mau lẹ. Hi Lạp và Rô-ma sớm trở thành các quốc gia giàu mạnh. Lao động của nô lệ đã đóng vai trò chủ yếu trong tất cả các hoạt động sản xuất. Phương thức sản xuất chiếm nô thời bấy giờ đạt đến mức hoàn chỉnh và cao nhất của nó trong xã hội phương Tây cổ đại.


2. Chế độ chiếm nô

Nền kinh tế công thương nghiệp cổ đại phát triển đòi hỏi một số lượng lớn lao động làm trong những lò rèn, đúc sắt, mỏ bạc, xưởng làm gốm, xưởng thuộc da, xưởng chế rượu nho, dầu ô liu, các thuyền buôn lớn… Người lao động trong đó đều là nô lệ, do chủ mua về. Việc sản xuất và buôn bán càng mở rộng thì nhu cầu về nô lệ càng lớn. Các đạo quân đi xâm lược nước ngoài, bắt được tù binh mang ra chợ bán. Bọn cướp biển tấn công các thuyền đi lẻ, vừa cướp của, vừa cướp cả người đem bán. Chợ A-ten có ngày bán hàng vạn nô lệ.

Số nô lệ trở nên rất đông, nhiều gấp chục lần chủ nô và những người bình dân.

Ở Rô-ma, việc sử dụng nô lệ còn được mở rộng hơn nữa trong công việc trang trại. Chủ nô có tiền mua đất trồng nho và ô liu theo quy mô lớn, rồi đưa vào mỗi trang trại (gọi là đại trại) hàng trăm nô lệ làm việc dưới sự kiểm soát chặt chẽ.

Người Rô-ma còn dùng những nô lệ khoẻ mạnh, cho ăn và huấn luyện võ nghệ để chuyên làm các đấu sĩ, mua vui trong những ngày lễ hội.

Việc bắt và mua bán nô lệ một cách bừa bãi như thế nên nhiều khi có cả các nhà thơ, triết gia, vũ nữ, đầu bếp cũng bị đem bán làm nô lệ. Những người này phải phục vụ theo yêu cầu của người chủ đã mua họ về.

Trong lịch sử loài người, xuất hiện một tầng lớp đông đảo những người lao động giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất và phục vụ các yêu cầu khác nhau của đời sống, nhưng lại hoàn toàn lệ thuộc người chủ mua mình và không có chút quyền nào, kể cả quyền được coi là một con người, đó là nô lệ.

Ngoài nô lệ, dân mỗi nước phần đông là người bình dân, tức là những người dân tự do, có nghề nghiệp và chút ít tài sản để tự sinh sống bằng lao động của bản thân mình. Họ làm đủ các việc như sản xuất hàng mĩ nghệ, hàng tiêu dùng theo quy mô nhỏ, làm dịch vụ và buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, điều tai hại là số đông những người này thích rong chơi an nhàn, sống nhờ trợ cấp xã hội, kinh lao động vì họ coi lao động là công việc dành riêng cho nô lệ.

Một bộ phận nhỏ của cư dân này là chủ nô. Chủ nô chính là các chủ xưởng, chủ lò, chủ thuyền rất giàu có, có nhiều nô lệ để bắt lao động và hầu hạ. Họ rất có thế lực về kinh tế và cả về chính trị. Chính họ đã dùng tiền vào việc kinh doanh ruộng đất, do đó đã xoá bỏ ảnh hưởng và địa vị của tầng lớp quý tộc cũ sống gắn với ruộng đất, thủ tiêu hết tàn tích của xã hội nguyên thuỷ.

Một chế độ kinh tế - xã hội dựa chủ yếu trên lao động của nô lệ, bóc lột nô lệ, được gọi là chế độ chiếm nô, một hình thức phát triển cao của nền kinh tế thời cổ đại và cũng là hình thức bóc lột đầu tiên thô bạo nhất của xã hội có giai cấp.

Câu hỏi:
- Nô lệ ở vùng Địa Trung Hải có địa vị như thế nào trong đời sống xã hội?
- Chế độ chiếm nô là gì?

3. Thị quốc Địa Trung Hải

Ven bờ bắc Địa Trung Hải có nhiều đồi núi chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ, không có điều kiện tập trung đông dân cư. Mỗi vùng, mỗi mỏm bán đảo là giang sơn của một bộ lạc. Khi xã hội có giai cấp hình thành thì đây cũng là một nước. Mỗi thành viên là công dân của nước mình. Nước thì nhỏ, nghề buôn phát triển nên dân cư sống tập trung ở thành thị. Phần chủ yếu của nước là thành thị với một vùng đất đai trồng trọt ở xung quanh. Thành thị có phố xá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát và quan trọng hơn cả là có bến cảng. Cho nên, người ta còn gọi nước đó là thị quốc (thành thị là quốc gia, Trước đây gọi là thành bang)

Chẳng hạn, At-tích là một mũi đất nhỏ ở Đông Nam Hi Lạp ngày xưa, xưa kia là một thị quốc, có diện tích hơn 2000 km2, có số dân khoảng 400000 người, phần lớn sống ở thành thị A-ten (nay là thủ đô Hi Lạp), có ba hải cảng, trong số đó lớn nhất là cảng Pi-rê. Người ta gọi A-ten là thị quốc, đại diện cho cả khu vực At-tích.

Hơn 30000 người là công dân A-ten, có tư cách và có quyền công dân (1). Khoảng 15000 kiều dân (dân nơi khác đến ngụ cư) được tự do sinh sống, buôn bán, làm ăn, nhưng không có quyền công dân. Chừng hơn 300000 nô lệ lao động, phục dịch, nhưng không có quyền gì cả, mà là tài sản riêng của mỗi chủ nô.

Uy thế của quý tộc, xuất thân là bô lão của thị tộc, đã bị đánh bạt. Quyền lực xã hội chuyển vào tay các chủ nô, chủ xưởng và các nhà buôn. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt. Nhưng thắng lợi quyết định trong cuộc đấu tranh này là hình thành một thể chế dân chủ. Hơn 30000 công dân họp thành Đại hội công dân, bầu và cử ra các cơ quan nhà nước, quyết định mọi công việc của nhà nước.

(1): Ngoài ra, có khoảng hơn 10000 người nữa, gồm phụ nữ và trẻ em thuộc các gia đình của công dân.

Người ta không chấp nhận có vua. Có 50 phường, mỗi phường cử 10 người, làm thành một Hội đồng 500, có vai trò như “quốc hội”, thay mặt dân quyết định công việc trong nhiệm kì 1 năm. Ở đây, người ta bầu ra 10 viên chức điều hành công việc (như kiểu một chính phủ) và cũng có nhiệm kì 1 năm. Viên chức có thể tái cử nếu được bầu. Hằng năm, mọi công dân họp một lần ở quảng trường, nơi ai cũng được phát biểu và biểu quyết các việc lớn của cả nước.

Thể chế dân chủ như thế đã phát triển cao nhất ở A-ten. Nơi nào kém, cũng có hình thức đại hội nhân dân.



4. Từ thị quốc đến đế quốc cổ đại

Nói thị quốc cổ đại là nói tới đô thị buôn bán, làm nghề thủ công và sinh hoạt dân chủ. Mỗi thành thị là một nước riêng. Ở đó, người ta bàn và quyết định nên buôn bán với nước nào và loại hàng gì, dùng ngân quỹ vào việc gì, nên trợ cấp cho dân nghèo bao nhiêu; có biện pháp gì để duy trì thể chế dân chủ và đặc biệt là có chấp nhận tiến hành chiến tranh hay không.

So với thời ấy thì đất thị quốc không rộng nhưng dân lại đông, trồng trọt đã ít, lại càng ít trồng lúa. Do đó, các thị quốc luôn giữ quan hệ buôn bán với nhau và với các vùng xa.

Nhờ đó, các thị quốc trở nên rất giàu có. Nhiều chủ nô giàu đến mức không một quý tộc phương Đông nào có thể so sánh được. Đặc biệt là A-ten, sau cuộc chiến tranh với Ba Tư, trở thành minh chủ của các quốc gia Hi Lạp, lại nắm ưu thế trên biển, đã quản lý một ngân quỹ rất lớn, có thu nhập hằng năm rất cao. A-ten đã miễn thuế cho mọi công dân và trợ cấp cho các công dân nghèo đủ sống.

Giữa các thị quốc có quan hệ độc lập, tự do với nhau. Tuy nhiên, đến thế kỉ III trước Công nguyên, thành thị Rô-ma lớn mạnh vượt lên, đã xâm chiếm tất cả các nước và thành thị trên bán đảo Ý (I-ta-li-a). Tiếp đó, họ chinh phục cả các vùng của người Hi Lạp, các nước ven bờ Địa Trung Hải, trong đó có Ai Cập, các lãnh thổ miền Nam châu Âu và trở thành một đế quốc cổ đại – đế quốc Rô-ma. Dần dần thì thể chế dân chủ cũng bị bóp chết, thay vào đó là một nguyên thủ, một hoàng đế đầy quyền lực.

5. Cuộc đấu tranh của nô lệ

Khi các thị quốc vẫn còn riêng rẽ và thể chế dân chủ vẫn còn tồn tại, thì cũng chỉ có công dân mới được hưởng quyền dân chủ.

Ở A-ten chẳng hạn, cũng chỉ có hơn 30000 công dân, còn 15000 ngoại kiều không được tham dự các sinh hoạt chính trị. Những người này lo yên thân buôn bán, không đòi hỏi gì hơn, mà chỉ muốn có cơ hội làm giàu.

Nô lệ đã trở thành một lực lượng quan trọng của thị quốc. Họ chính là những người đảm bảo sự sống, sự tồn tại và phát triển của thị quốc nhưng lại bị khinh rẻ và loại trừ khỏi đời sống xã hội.

Chính vì thế, nô lệ không ngừng đấu tranh phản kháng chế độ chiếm nô. Có khi trong chiến tranh, họ bị sung vào lính nhưng đã bỏ trốn hàng loạt.
Rô-ma còn xâm chiếm nhiều lãnh thổ ở Tây Âu, Cận Đông và Bắc Phi, cai trị và bóc lột vô cùng khắc nghiệt các tỉnh (địa phương). Họ có nhiều đất trồng, xưởng thủ công, sử dụng nhiều nô lệ lao động và phục vụ.

Tình trạng sử dụng và đối xử với nô lệ ở Rô-ma lại còn tệ hại hơn nữa. Những đấu sĩ phải mua vui cho chủ bằng chính tính mạng của mình. Năm 73 trước Công nguyên, nô lệ đấu sĩ của một trường đấu gần Rô-ma đã khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Xpac-ta-cút, thu hút hàng vạn nô lệ và dân nghèo I-ta-li-a tham gia, đã chinh chiến rong ruổi từ Nam đến Bắc I-ta-li-a trong hơn hai năm, gây kinh hoàng khiếp sợ cho chủ nô.

Những cuộc khởi nghĩa và đấu tranh đó cuối cùng đều bị quân đội nhà nước đàn áp. Nhưng từ thế kỉ III, cuộc đấu tranh chuyển sang một hướng mới. Nô lệ chán ghét cuộc đời bị áp bức, bóc lột, không còn hứng thú đối với việc làm ra những sản phẩm cho bọn chủ nô. Họ tìm mọi cách để chây lười trốn việc, đập phá công cụ và phá hoại sản phẩm. Sản phẩm thủ công làm ra kém chất lượng, nô lệ chèo thuyền hay bỏ trốn, những nô lệ trồng nho, ô liu còn cố ý làm dập nát nhiều chùm quả trong mỗi vụ thu hoạch.

Bấy giờ, đạo Thiên Chúa (Kitô) xuất hiện và được truyền bá, bắt đầu từ tỉnh Giu-đê (ở Cận Đông) rồi nhanh chóng lan ra toàn đế quốc, chống lại chính quyền Rô-ma, thể hiện thái độ phản kháng của dân chúng thuộc địa và nô lệ đối với đế chế Rô-ma.

Sản xuất bị giảm sút, đình đốn. Xã hội chiếm nô bị khủng hoảng trầm trọng. Đế quốc Rô-ma oai hùng là thế, mà bị sụp đổ, không chống đỡ nổi làn sóng tấn công của các bộ lạc bên ngoài vào năm 476. Thời cổ đại và chế độ chiếm nô đến đây kết thúc.


6. Văn hoá cổ đại Hi Lạp và Rô-ma

Việc sử dụng đồ sắt và sự tiếp xúc với biển đã mở ra cho cư dân Địa Trung Hải một chân trời mới, nâng họ lên một trình độ cao hơn về sản xuất và buôn bán trên biển. Đó cũng chính là cơ sở để họ đạt tới một trình độ sáng tạo văn hoá cao hơn thời trước.

Lịch và chữ viết

Người Hi Lạp đã có hiểu biết chính xác hơn về Trái Đất và hệ Mặt Trời. Nhờ đi biển, họ đã thấy Trái Đất không phải như cái đĩa mà như hình quả cầu tròn, nhưng họ vẫn tưởng Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất. Tuy nhiên, họ đã biết nếu tính mỗi vòng như thế là 360 ngày thì không chính xác. Về sau, người Rô-ma đã tính được một năm có 365 và ¼ ngày, nên họ định một tháng lần lượt có 30 và 31 ngày, riêng tháng Hai có 28 ngày. Song, như thế so với thực tế vẫn bị chậm một ít. Dù sao phép tính lịch của người Rô-ma cổ đại đã rất gần với những hiểu biết của ngày nay.

Người Ai Cập, Lưỡng Hà và một số cư dân khác đã có chữ viết cổ. Nhưng chữ của họ có quá nhiều hình, nét, quá nhiều kí hiệu. Khả năng phổ biến rất bị hạn chế. Cuộc sống “bôn ba” trên biển, trình độ phát triển của nền kinh tế đã đặt ra cho cư dân Địa Trung Hải nhu cầu sáng tạo ra một thứ chữ viết gồm các kí hiệu đơn giản nhưng phải có khả năng ghép chữ rất linh hoạt thành từ để thể hiện ý nghĩ của con người.

Hệ thống chữ cái của người Hi Lạp và người Rô-ma ra đời từ đó. Hệ chữ cái Rô-ma, tức là hệ A, B, C, ban đầu gồm 20 chữ, sau thêm 6, làm thành hệ thống chữ cái hoàn chỉnh như ngày nay.

Họ cũng có hệ chữ số mà ngày nay ta thường dùng để đánh số các đề mục lớn, gọi là “số La Mã”.

Sự ra đời của hệ thống chữ cái là một phát minh và cống hiến lớn lao của cư dân Địa Trung Hải cho loài người.

Sự ra đời của khoa học

Những hiểu biết khoa học thực ra đã có từ hàng nghìn năm trước, từ thời cổ đại phương Đông. Nhưng phải đến thời cổ đại Hi Lạp và Rô-ma, những hiểu biết đó mới thực sự trở thành khoa học.

Với người Hi Lạp, toán học đã vượt lên trên việc ghi chép và giải các bài riêng biệt. Những nhà toán học mà tên tuổi vẫn còn lại với đời từ thời ấy đến nay, đã để lại những định lí, định đề có giá trị khái quát cao.

Định lí nổi tiếng về hình học của Ta-lét, những cống hiến của trường phái Pi-ta-go về tính chất của các số nguyên và định lí về các cạnh của hình tam giác vuông cùng với tiên đề về đường thẳng song song của Ơ-clít… nhiều thế kỉ về sau vẫn là những thành phần căn bản của toán học.

Đến cuối thời Hi Lạp, xuất hiện nhà toán học và vật lí học cổ đại nổi tiếng là Ác-si-met, với công thức tính diện tích và thể tích của hình trụ và hình cầu, nguyên lí về vật nổi và hàng loạt các phát minh cơ học của ông (đòn bẩy, ròng rọc, guồng nước, bánh xe có răng…).

Sử học cũng vượt qua giới hạn của sự ghi chép tản mạn, thuần tuý biên niên của thời trước. Các sử gia cổ đại Hi Lạp và Rô-ma đã biết tập hợp tài liệu, phân tích và trình bày có hệ thống lịch sử một nước hay một cuộc chiến tranh. Chẳng hạn, Hê-rô-đốt viết Lịch sử cuộc chiến tranh Hi Lạp – Ba Tư, Tu-xi-đít viết Lịch sử cuộc chiến tranh Pê-lô-pôn, Ta-xít viết Lịch sử Rô-ma, Phong tục người Giéc-man v.v…

Nhà địa lí học Xtra-bôn của Hi Lạp cổ đại đã đi và khảo sát rất nhiều vùng quanh Địa Trung Hải. Ông đã để lại nhiều tài liệu ghi chép và khảo cứu về địa lí rất có giá trị.

Văn học

Trước người Hi Lạp cổ đại, ở Ai Cập và Lưỡng Hà mới chỉ có văn học dân gian. Đó là những bài thơ, truyện huyền thoại được truyền miệng từ người này qua người khác rồi sau đó mới ghi lại.

Ở Hi Lạp, sau các anh hùng ca nổi tiếng của Hô-me là I-li-át và Ô-đi-xê, đã xuất hiện những nhà văn có tên tuổi mà các tác phẩm của họ để lại vẫn còn nguyên giá trị độc đáo của một thời thơ ấu của loài người. Các nhà văn đó chủ yếu là những nhà biên kịch và các tác phẩm của họ là những kịch bản, bởi vì thời ấy, thể loại kịch (có kèm theo hát) là hình thức nghệ thuật dễ phổ biến nhất và lại được ưa chuộng nhất.

Ê-sin viết vở Ô-re-xti, Xô-phốc-clơ viết Ơ-díp làm vua, Ơ-ri-pít viết Mê-đê và nhiều vở khác.

Giá trị của những tác phẩm này là ở chỗ đã đạt tới trình độ hoàn thiện của ngôn ngữ văn học cổ đại, có kết cấu kịch chặt chẽ, nhưng đặc biệt là đã mang tính nhân đạo sâu sắc khi đề cao cái thiện, cái đẹp vì lợi ích của con người. Nó cũng phản ánh cuộc đấu tranh giữa gia đình huyết thống cũ với trật tự xã hội mới với trách nhiệm và nghĩa vụ. Trong đó, cái cũ đang tan rã, phải nhường chỗ cho cái mới, cái tiến bộ thắng cái lạc hậu, bảo thủ.

Người Rô-ma tự nhận là học trò và người thừa kế của văn học – nghệ thuật Hi Lạp. Tuy nhiên, dựa trên một nền kinh tế phát triển cao, ở thời hưng thịnh của Rô-ma cũng đã xuất hiện những nhà văn hoá, nhà thơ nổi tiếng như Lu-cre-xơ, Viếc-gin v.v…

Nghệ thuật

Người Hi Lạp cổ đại đã để lại rất nhiều tượng và đền đài. Tuy nhiên, ngày nay người ta vẫn chưa biết hết các công trình này vì một số tượng bị thất lạc, bị chìm xuống biển bởi những lí do nào đó. Nhưng những gì còn lại cũng đã đủ làm cho người đời sau ngỡ ngàng và khâm phục.

Đó là những tượng nhỏ, tượng bán thân vốn được dựng ở các quảng trường. Lại có những tượng thần lớn dựng ở đền, như tượng nữ thần A-tê-na đội mũ chiến binh, hoặc những tượng nhiều người biết qua phiên bản như Lực sĩ ném đĩa, Thần Vệ nữ Mi-lô v.v… Tượng bằng đá cẩm thạch trắng, được tạo dáng đến mức hoàn hảo, với những đường nét mềm mại, tinh tế lạ lùng, với tư thế và vẻ mặt sống động, có thần. Phần lớn là tượng thần, nhưng ở đây lại được thể hiện là người và rất đẹp. Giá trị hiện thực và nhân đạo cũng là ở đó. Tượng Hi Lạp đã trở thành một kiểu mẫu nghệ thuật, một vật chiêm ngưỡng của đời sau.

Các công trình kiến trúc cũng đạt tới trình độ tuyệt mĩ. Hầu hết các công trình này là đền thờ thần. Đền là một nền nhà rộng để làm lễ, phía trong là bệ thờ, xung quanh có tường và có cửa vào. Thông thường có một hành lang rộng chạy xung quanh đền, được viền bằng một hàng cột có cạnh múi khế. Phía trên hàng cột, dưới mái, ở hai đầu hồi thường kết bằng những tấm phù điêu được trang trí rất sinh động. Tất cả bằng đá.

Dưới bầu trời trong xanh Địa Trung Hải, những ngôi đền nổi bật lên không phải bằng chiều cao đồ sộ, bằng màu sắc thâm trầm bí ẩn, mà bằng đá cẩm thạch trắng, bằng hàng cột duyên dáng hình múi khế, bằng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát, tươi tắn, gần gũi, có sức thu hút, làm say mê lòng người. Dường như đây không phải là nơi thâm nghiêm linh thiêng thờ cúng mà như được xây dựng làm nhà bảo tàng nghệ thuật.

Giá trị nghệ thuật cao và giá trị hiện thực sinh động của các kiến trúc cổ đại Hi Lạp chính là chỗ đó.

Ở A-ten có một khu thờ cúng xây trên một quả núi nhỏ ở ngoại vi thành phố. Ở đây người ta được thấy một số đền đẹp nhất của Hi Lạp, trong đó có ngôi đền Pác-tê-nông, mặc dù ngày nay đã bị vỡ lở khá nhiều, vẫn đứng đó như muốn khoe cùng Vũ Trụ một tài năng nghệ thuật kiến trúc của con người, một kiệt tác của muôn đời.

Rô-ma lại có nhiều công trình kiến trúc như đền đài, cầu máng dẫn nước, đấu trường… oai nghiêm, đồ sộ, hoành tráng và thiết thực, nhưng lại không tinh tế, tươi tắn, mềm mại, gần gũi như những công trình ở Hi Lạp.
Chữ ký của huyenz0ny




 

Hi Lạp và Rô-ma,

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: LỊCH SỬ THẾ GIỚI :: Lịch sử thế giới trung đại-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | Khoa học | Lịch sử | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất