Tấm bia cổ ở Hội An chưa được giải mã
|
Tấm bia cổ giữa gốc cây đa ở đầu đường Phan Châu Trinh, Hội An. |
Ngày mùng chín tháng giêng năm Nhâm Thân -1992, bốn thanh niên đã khám phá một bia cổ tại Hội An. Từ đó đến nay, chưa thấy có thêm thông tin nào, cũngnhư chưa có một nhà khoa học nào giải mã những dòng chữ, những hình vẽ tượng trưng cho thất tinh, những hình bùa ngoằn ngoèo trên tấm bia cổ... Có một vài nghiên cứu không chính thức, nghi vấn rằng: tấm bia cổ hiện còn đang nằm ở giữa gốc cây đa đầu đường Phan Châu Trinh (Hội An) đã có từ hàng nghìn năm nay và đó là tấm bia ếm long mạch không cho phương Nam xuất đế vương?...
Tất cả những bàn luận, tin đồn quanh tấm bia cổ này cũng chỉ xôn xao trong cư dân địa phương một thời gian, rồi cũng chìm khuất vào dĩ vãng. Và dấu tích còn lại chỉ là tấm bia đá với những bí mật bao trùm, u ẩn theo những làn khói nhang mà nhân dân quanh khu vực này, sau đó đã dựng lên một bệ thờ ngay trước tấm bia.
|
Cây đa lâu năm ở đầu đường Phan Châu Trinh, Hội An. |
Những lần về thăm Hội An, tôi thường đến viếng nơi này và lo ngại tấm bia cổ sẽ bị những tay sưu tầm đồ cổ đánh cắp. Theo tôi biết, không phải tình cờ mà bốn người thanh niên kia đã phát hiện và làm cái việc “khai mở” này. Trước đó, vài anh em ở Đà Nẵng đã được khai thị và chỉ điểm, và các anh ấy phải chờ đợi một người từ miền Tây về mới đủ tay, đủ lực để vào Hội An làm cái việc “khai mở” này. Tại sao gọi là “khai mở”? Cho đến giờ này những người thanh niên kể trên vẫn chưa thể giải đáp được. Mà họ chỉ có nhiệm vụ đúng ngày tháng, thời điểm kể trên đến địa điểm đầu đường Phan Châu Trinh, đặt la bàn, nhắm tọa độ để được hướng dẫn tìm tấm bia cổ. Suốt mấy tiếng đồng hồ đo nhắm, anh em mới quyết định đục gốc cây đa. Công việc tiến hành từ sáng đến 5 giờ chiều, tấm bia
mới lộ diện. Khi nhìn thấy tấm bia còn nguyên vẹn, bốn anh em vừa mừng vừa hồi hộp, vì họ tin là nhiệm vụ họ đã hoàn tất tốt đẹp. Họ đã làm một việc quan trọng cho đất nước mà không có ai biết được. Hiện nay, những anh em ấy đang ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi chứ không phải như tin đồn ở Hội An là có một nhóm người Nhật đến khai phá tấm bia cổ này, quay phim, chụp hình rồi bỏ đi...
Tấm bia có bề cao gần 1 mét, bề ngang khoảng 6 tấc, bề dày chừng 2 tấc nằm trong lòng gốc đa cổ thụ. Như vậy có thể suy luận tấm bia đã có từ trước, sau đó cây đa mọc cạnh tấm bia, rồi trải qua năm tháng bia bị gốc đa bao phủ. Như vậy, theo luận thuyết của một vài nhà cổ học, nếu như ngày xa xưa, người Tàu dùng bùa chú, ma thuật để ém long mạch không cho phương Nam xuất đế vương để dễ bề cai trị, thì tấm bia này có phải là một trong những trụ ếm của thời đó...? Tất cả chỉ là giả thuyết và huyền thoại. Nhưng trên thực tế thì tấm bia cổ còn đứng sừng sững ở giữa gốc cây đa đầu đường Phan Châu Trinh với những dòng chữ, những hình sao như mật ngữ. Mong các nhà khoa học giải mã, để, ít ra thấu cảm một góc "bí ẩn" của vẻ đẹp Hội An.
QUẾ TIÊN