--------------------------------------------------------------------------------
Côn Lôn hay còn gọi là Côn Luân. Vào thời vua Minh Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc (1403 – 1425 T.L.), nhà vua xuất công khố trùng tu ngôi cổ tự Bích Vân, trên dãy núi Côn Luân Sơn, thuộc đất Lương Châu, huyện Tiêu Dương, tỉnh Thanh Hải, để cấp cho Chu Đức Võ Thượng Nhân trụ trì tu luyện, và sáng lập võ phái Côn Luân.
Gần ngày tạ thế, Chu Đức Võ Thượng Nhân đã kế truyền chức Chưởng Môn phái Côn Luân cho Chu Đức Kiệt, một người cháu ruột, cũng là một cao đồ đắc ý nhất của ngài. Ngài còn lưu truyền lại bí kíp "Thái Dương Trường Kiếm Pháp", cùng với thanh bảo kiếm Thái Dương, do ngài dày công nghiên cứu chế tạo, cũng như, môn thuốc giang hồ "Tiêu Nhục Phấn" (còn gọi là Mãng Xà Diệp), cách chế tạo thuốc phấn này do sư phụ của ngài truyền lại.
Trước kia, Chu Đức Võ Thượng Nhân được thụ giáo với sư phụ Huyền Vân Trưởng Lão, tại Bạch Vân Miếu, trên dãy núi Cửu Huyền Sơn, miền bắc quan ngoại, biên giới Mông Cổ.
Bìa 1 đĩa VCD dạy võ Côn Lôn
Nguyên sư phụ Huyền Vân Trưởng Lão, vào thuở thiếu thời, đã tình cờ khám phá ra lá cây "Tiêu Nhục Diệp" (hay Mãng Xà Diệp) qua sự chỉ điểm của người tiều phu Mông Cổ, cư ngụ bên chân núi Cửu Huyền Sơn. Loại lá "Tiêu Nhục Diệp" chỉ mọc trong rừng rậm, nơi có nhiều mãng xà lui tới, vì giống mãng xà có sẵn chất giải độc trong máu, nên khi ăn loại lá cây này, mãng xà không bị nguy hiểm, mà còn tiêu hóa được con thịt vừa mới nuốt vào trong bụng. Ngoài ra, bất cứ động vật nào nhiễm phải chất độc của lá "Tiêu Nhục Diệp", đều bị nguy hiểm đến tánh mạng, vì nhục thể sẽ bị tiêu hủy, từ từ tan ra thành nước.
Lá của cây Mãng Xà Diệp
Trên đường giang hồ hành hiệp, mỗi khi muốn làm sạch, tiêu mất thi thể đối phương, người hiệp sĩ chỉ cần cho một lượng vừa phải của "Tiêu Nhục Phấn" vào vết thương trên tử thi. Sau vài phút đồng hồ, tử thi dần dần bị tan biến thành nước mà tiêu mất.