--------------------------------------------------------------------------------
Trong quá trình viết tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã huy động rất nhiều nguồn tư liệu từ nhiều nhân chứng từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội Liên khu 1. Những ghi chép của ông còn lưu giữ được cho thấy ông từng gặp gỡ và ghi lại chuyện của nhiều người “trong cuộc”. Ví dụ như đồng chí Vũ Lăng, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103, đồng chí Lê Trung Toản, nguyên Chính ủy Trung đoàn Thủ Đô, nhà thơ Chính Hữu, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đều từng là chiến sĩ của trung đoàn... những người đã giúp nhà văn có được những hình ảnh sống động về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội, đồng thời còn được ông lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật của mình. Nhưng cũng có người tự cung cấp tài liệu cho nhà văn: những trang nhật ký của mình hoặc đồng đội về “Hà Nội sáu mươi ngày khói lửa”, những cuốn sổ tay, ghi chép của những người hữu danh, hoặc vô danh về sau được tìm thấy, hoặc cũng có khi là những hồi ức sống động được một cây bút nghiệp dư nào đó “hồi ký” lại gửi cho nhà văn. Trong phạm vi bài viết này, xin được giới thiệu một tài liệu đang được lưu giữ tại gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đó là một tập giấy mỏng, nhỏ cỡ bàn tay, của một người nguyên là “Đại đội phó Tự vệ”, “được điều về khu nhận việc ở Ban Đặc vụ”. Trong đó người kể hồi tưởng lại một số chuyện mình được tham dự hoặc chứng kiến, mà câu chuyện số 4 là về “Chiến sĩ Hoàng Hà”, một gương mặt khá đặc biệt trong Trung đoàn Thủ Đô. Khỏi cần phải nói, những gì đọc được về chị đã khiến người viết bài này hết sức bất ngờ xúc động, và sau đây xin được chia sẻ cùng bạn đọc.
Theo lời người kể, đó là một phụ nữ Nhật lai, vừa ở Đà Nẵng ra Hà Nội chừng một tuần thì kháng chiến bùng nổ. (Phải chăng chị là hậu duệ của một người Nhật nào từng sang Hội An làm ăn rồi định cư ở phố cổ này, rồi sinh con đẻ cái?). Mặc dù phận gái, lại là người lai, chị đã xung phong vào bộ đội Việt Minh. Chị được nhận vào đội tiễu phỉ và đã tham gia nhiều trận. Trận tiễu phỉ nào chị cũng xung phong đi đầu. Một lần, chị tham gia đi bắt một bọn thổ phỉ lợi hại ở xóm Tư Đường ngoài bờ sông. Đó là một nơi nguy hiểm, ngay sát nách địch. Đến nơi, không chờ gọi cửa, chị theo ống máng leo lên trước, đột nhập vào trong.
Cũng theo lời kể của tác giả vô danh, chị là người chất phác hồn nhiên, vẻ mặt bầu bĩnh mang nét đặc trưng của người Nhật. Tuy làm nhiệm vụ nguy hiểm, chị lúc nào cũng gọn gàng trong bộ võ phục: áo sơmi kaki, quần đi ngựa, ngang lưng giắt lựu đạn và dao găm… Về sau, khi có lệnh rút, chị rất khổ tâm vì không được chọn ở lại trong số những người quyết tử. Vừa may ban chỉ huy khu Đồng Xuân đang cần lấy thêm người bổ sung cho khu bộ. Thế là chị được ở lại.
Được giao nhiệm vụ giúp việc cho ban quân trang, chị tìm mọi cách xin đổi sang chiến đấu ở phố Hàng Đồng. Tại đây, chị một mình một gươm trấn giữ một giao thông hào, không để ai phải thay. Đêm ngủ, chị chặn kỹ cửa hào lại, trải chăn ngủ ngay lên trên. Đến bữa, chị bắc bếp tại đấy thổi nấu lấy, tự lo cái ăn cho mình. Và cứ lặng lẽ thế chị làm tròn nhiệm vụ của mình, đồng thời tham gia vào rất nhiều cuộc đột kích.
Một buổi chiều hanh, nắng ráo, nhân được một chút thảnh thơi chị bèn tới một vị trí của ta ở phố Hàng Đồng - Hàng Thiếc. Ngay đối diện là một vị trí của Pháp. Hai bên thường đặt súng bắn tỉa nhau. Thấy một toán Pháp và Việt gian đang nhởn nhơ đi lại phía nhà dép Con Hổ ở Cổng Đục, chị vừa toan mượn súng của anh em bắn thì có tiếng súng nổ. Một tay thiện xạ nào đã nhanh tay hơn chị, hạ được một tên địch. Vui sướng quá quên cả nguy hiểm, chị nhỏm dậy hò reo thì liền bị một phát đạn của địch trúng ngay phía dưới ngực bên trái.
Chị được đưa đi cấp cứu ở trạm cứu thương Hàng Buồm, nhưng đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Trước lúc chị ra đi, mọi người còn cố hỏi xem chị có ai thân thích hoặc muốn nói chuyện với ai không, chị chỉ lắc đầu thều thào: “Tôi là Hoàng Hà”. Chị ra đi thanh thản, nhưng đôi mắt lờ đờ còn cố mở to, như ẩn chứa nỗi niềm mong mỏi một bóng hình thân thiết tới thăm trước khi vĩnh biệt.
Đó là những gì được ghi trong mấy trang giấy ấy mà tôi xin được tóm lược lại. Theo như tôi biết, trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không có nhân vật nào được xây dựng từ cuộc đời chị, hay chí ít có hơi hướng của chị - một nữ chiến sĩ Nhật lai. Phải chăng nhà văn đã ra đi quá sớm, không kịp sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện tác phẩm khi trong tay ông đã có thêm các tài liệu có thể cho phép mở ra những nhân vật, sự kiện… hứa hẹn sẽ phong phú?
Giới thiệu tư liệu này, những mong nếu có ai biết gì về người nữ liệt sĩ ấy, xin vui lòng thông tin cho biết, để ký ức về chị - một chiến sĩ mang hai dòng máu Nhật - Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô cùng những người Hà Nội quyết tử - không chỉ dừng lại ở cái tên “Chiến sĩ Hoàng Hà”.
NGUYỄN HUY THẮNG
Theo quandoinhandanvn