Nhà sử học Dương Trung Quốc:
“Không thể quên biểu tượng nạn đói năm 1945”
Ảnh: Võ An Ninh
TT - Xây dựng một biểu tượng tưởng niệm những người dân chết đói năm 1945 là một việc làm hết sức đúng đắn sau 60 năm diễn ra sự kiện này.
Thật ra cách đây vài năm, TP Hà Nội đã tiến hành sửa sang lại khuôn viên nghĩa trang Hợp Thiện (quận Hai Bà Trưng), nơi qui tập hài cốt của những người chết đói năm 1945.
Đến nay, khu tưởng niệm này còn rất nhỏ, không thể hiện được qui mô của nạn đói khủng khiếp đó. Hiện Hội Khoa học lịch sử VN đang cố gắng khởi xướng việc xây dựng biểu tượng tưởng niệm nạn đói năm 1945. Thế kỷ 20 đã qua nhưng chúng ta phải tìm những biểu tượng có giá trị lâu dài cho lịch sử dân tộc, và bên cạnh biểu tượng độc lập, biểu tượng thống nhất, chúng ta không thể quên biểu tượng nạn đói năm 1945.
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến những người từng chứng kiến nạn đói, từng tham gia hoạt động cứu đói. Các cụ gợi ý Hà Nội có một vài điểm khá tiêu biểu để xây dựng khu tưởng niệm như khu chợ Hàng Da. Đây từng là nơi tập kết người bị đói để tổ chức cứu trợ và tại đây đã diễn ra thảm cảnh khi những người dân này chết vì bom ném xuống. Có người nói nên xây dựng khu tưởng niệm tại khu Giáp Bát, cửa ngõ phía nam của TP Hà Nội. Xưa kia khu vực này là những cánh đồng hoang nên Hà Nội qui tập xác những người chết đói về đấy.
Đương nhiên Hà Nội là trung tâm của cả nước và thời điểm xảy ra nạn đói có nhiều người dân đổ về Hà Nội. Tuy nhiên, không chỉ Hà Nội mà cả Hải Phòng cũng có nhiều người dân đổ tới. Vì thế, một khu tưởng niệm ở Hà Nội cũng có ý nghĩa nhưng nạn đói chỉ diễn ra ở một số tỉnh miền Bắc, không phải trên phạm vi toàn quốc. Vả lại, không nên cái gì cũng dồn hết cho Hà Nội, nhất là khi Hà Nội đã có khu tưởng niệm tại nghĩa trang Hợp Thiện.
Có ý kiến cho rằng tại sao không xây khu tưởng niệm tại Thái Bình - là điểm tương đối tiêu biểu cho nạn đói năm 1945. Thái Bình còn là nơi gợi nhiều cảm xúc nhất về nạn đói khi nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh thực hiện bộ ảnh về nạn đói tại Thái Bình, trong đó có bức ảnh gây xúc động rất nhiều chụp tại kilômet số 3, cách trung tâm thị xã Thái Bình 3km (ảnh).
Điều đó gợi cho người ta một cảm xúc phải chăng nên xây dựng tại ngay kilômet số 3 ấy một khu tưởng niệm, chủ yếu dựng lại hình ảnh đau thương của đồng bào, đồng thời cũng là cách chúng ta nói đến Thái Bình cũng như nói đến một đất nước VN đã thay đổi rất nhiều kể từ sau nạn đói. Việc tưởng niệm những người chết đói không chỉ để chúng ta nghĩ về quá khứ mà còn để chúng ta nói về tương lai.
Về việc chọn một ngày tưởng niệm những đồng bào chết trong nạn đói, có người đề xuất lấy ngày xá tội vong nhân (rằm tháng bảy), ngày đánh thức mọi người nghĩ tới những số phận đau khổ, những người chết không có nơi nương tựa. Ý tưởng đó có cái hay nhưng không phản ánh hết lòng mong muốn của chúng ta. Chúng ta thương xót đồng bào nhưng cũng thể hiện thái độ trân trọng đối với những người đã chết trong một hoàn cảnh lịch sử. Vì thế tôi nghĩ nhiều đến ngày 11-10.
Ngày 11-10 cách đây 60 năm, Bác Hồ đã phát động phong trào chống đói khởi đầu bằng ngày tiễu trừ giặc đói. Hiện nay chúng tôi có trong tay khá nhiều tư liệu liên quan đến sự kiện này. Ngày 11-10-1945, tại địa điểm Nhà hát lớn Hà Nội hiện nay đã diễn ra lễ ra quân rất sôi nổi. Tham dự ngày hôm đó, bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có cố vấn Vĩnh Thụy, ông Nguyễn Văn Tố - bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, và cả đại diện quân đồng minh. Nếu lấy ngày 11-10 là ngày tưởng niệm sẽ có nhiều ý nghĩa.
Vấn đề là chúng ta tổ chức ngày tưởng niệm đó như thế nào? Chắc chắn sẽ có rất nhiều đồng bào coi đó là ngày giỗ chung của thân nhân họ. Nhưng quan trọng hơn, ngày đó để chúng ta hướng tới công cuộc xóa đói giảm nghèo, tích cực tăng gia sản xuất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần đưa ra thảo luận để có nhiều ý tưởng hay hơn. Tôi rất muốn việc này được xã hội hóa, cố gắng đáp ứng được nguyện vọng của người dân nhưng đừng làm quá hình thức, qui mô cũng vừa phải, tránh khuynh hướng làm cái gì cũng hoành tráng như hiện nay.