CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 TÁC ĐỘNG CỦA TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
TÁC ĐỘNG CỦA TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY I_icon_minitimeTue Jan 12, 2010 1:03 pm

Bahasa

Thành viên mới gia nhập

Bahasa

Thành viên mới gia nhập

Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 08/01/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 4
Điểm thành tích Điểm thành tích : 13
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: TÁC ĐỘNG CỦA TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

 
TÁC ĐỘNG CỦA TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

1. Tác động tích cực
1.1. Tăng cường sức mạnh đoàn kết cộng đồng

Trong lịch sử Việt Nam luôn phải đối đầu với tình trạng chiến tranh và chống xâm lược. Hơn thế nữa, các thế lực gây chiến đều vượt trỗi hơn gấp nhiều lần. Một dân tộc nhỏ như Việt Nam chỉ dựa vào sức mạnh duy nhất để chống lại ngoại bang và chống các tư tưởng li khai, cát cứ là tinh thần đoàn kết toàn dân. Đây đồng thời là sức mạnh là thứ vũ khí lợi hại mà dân tộc đã sử dụng trong suốt lịch sử dân tộc dựng nước và giữ nước. Khối đoàn kết này chính là biểu hiện bên ngoài của tính cộng đồng.
Ngay từ khi nhà nước đầu tiên của Việt Nam ra đời, cũng đã cho thấy sự liên minh giữa các bộ lạc để hình thành nên một nhà nước hùng mạnh. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là vua Hùng. Thật chất, vua Hùng là tù trưởng của liên minh bộ lạc mạnh nhất, về sau chuyển hóa thành người đứng đầu bộ máy nhà nước [2:43].
Sự liện minh giữa hai khối cư dân Âu Lạc và Lạc Việt để hình thành nhà nước Âu Lạc là một bằng chứng rõ ràng về sự đoàn kết gắn bó giữa hai cộng đồng trong một chỉnh thể nhà nước thống nhất.
Tính cộng đồng có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, người Việt đã chịu nhiều khốn khổ nhưng nhờ ý thức được tính cộng đồng nên liên tục xuất hiện nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh để bảo vệ khối cộng đồng của cư dân Việt. Đó là cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng ( năm 42-43).
Tuy cuộc nhanh chống bị thất bại nhưng đã chứng minh cho ý chí độc lập tự chủ. Phong trào này có ý nghĩa hết sức giá trị, vì đã khởi động cho các cuộc nổi dậy chống Bắc thuộc về sau. Khởi nghĩa Lí Bí (năm 542-544), mở đầu bước phát triển cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt là cuộc nổi dậy của Khúc Thừa Dụ (năm 905) đã xây dựng nên một chính quyền tự chủ. Thắng lợi của họ Khúc đã chấm dứt thời kì đau thương của dân tộc Việt, phục hưng lại đất nước, mở màng cho thời kì phát triển độc lập tự chủ.
Sau khi thoát khỏi sự khỏi nô dịch của Trung Quốc, chính yếu tố tính cộng đồng đã tập hợp, hiệp lực toàn dân lại khắc phục những tổn thất trong suốt thời kì cai trị hà khắc của ngoại bang, bước đầu đặt cơ sở xây dựng nền văn hóa, kinh tế, kiến thiết lại đất nước trong thời kì độc lập tự chủ của Việt Nam. Bởi vì, đây là công việc không chỉ giai cấp thống trị mà cần đông đảo người dân cùng góp tay xây dựng. Do đó, ở những buổi đầu độc lập tự chủ dần dần xuất hiện nhiều hoạt động vui chơi giải trí, hội hề để tôn vinh người lao động, ca ngợi những con người anh hung bảo vệ quê hương đất nước. Đặc biệt, bộ máy thống trị nhà nước ngày càng hoàn thiện về tư tưởng mở mang giáo dục, tăng cường sự liên hệ chặt chẽ với làng xã. Đây là sự liên kết để cùng tồn tại và phát triển giữa nhà nước với cả cộng đồng làng xã.
Qua cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ở thời Trần (1258-1288), cho thấy quân lực gây chiến Nguyên Mông đang rất hung hăng tổ chức chiến tranh nhiều nơi, nhưng đành nhận thất bại tại chiến trường Việt Nam. Vậy do đâu mà Việt Nam đánh thắng được sự oai hùng của đoàn quân viễn chinh đó ? phải chăng đó chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng, nổi lên đánh lớn và khắp nơi đánh giặc từ miền xuôi đến miền ngược, từ kinh thành đến các làng mạc.
Thắng lợi đó đã đề bệp hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông giữ vững nền độc lập cho tổ quốc, đồng thời góp phần ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ xuống Đông Nam Á, và có tác dụng thúc đẩy phong trào đấu tranh của các dân tộc ở Châu Á [2:147].
Và cũng chính truyền thống đoàn kết chống giặc mà những người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) đã tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, huy động được các nguồn lực trí tuệ và sức chiến đấu chịu đựng phi thường để tiếp tục làm nên trang sử đẹp trong lịch sử.
Tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt càng khắc họa rõ nét, sâu sắc trong thời kì cận hiện đại qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Mặc dù, phải hy sinh cả tính mạng và tài sản, chịu đựng mọi điều kiện thiếu thốn, gian khổ nhưng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng vẫn bền vững. Do đó, có thể nói rằng chiến thắng chiến thắng của Việt Nam trước mọi kẻ thù tàn bạo là sự thắng lợi của sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam chống lại với các âm mưu thôn tính của ngoại bang.
1.2.Đề cao tinh thần tương trợ lẫn nhau

Việt Nam nằm trong khu vực chịu nhiều thiên tai, những thiệt hại, mất mát to lớn do lũ lụt, bão tố, hạn hán gây ra không có gì bù đắp được ngoài tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để khắc phục hậu quả trên tinh thần “ lá lành đùm lá rách” “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ “
Chính tính cộng đồng đã trở thành những nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng giúp đỡ san sẻ, những khó khăn với cộng đồng. Một thực tế cho thấy là, mỗi khi có gặp phải thiên tai thì đồng bào cả hướng về người dân nằm trong vùng bị lũ quyét, hăng hái đóng góp ủng hộ bằng cả tình thương.
Trong văn học dân gian cũng đề cập khá nhiều về tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng : “ Một miếng khi đói bằng một gói khi no
Thương người như thể thương thân”
Có thể nói rằng, giúp đỡ nhau trong khó khăn là một hành động mang nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam, người ta sẵn sàng đóp góp vật chất và tinh thần vì cộng đồng. Điều này, có thể thấy rõ qua các công trình công cộng điều thể hiện được nguyện vọng của cả cộng đồng.
Bên cạnh việc giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, cũng như trong lao động sản xuất diễn ra khá phổ biến. Khi vào vụ mùa thu hoạch công việc nhà nông vốn khá vất vả cần nhiều lao động để đảm bảo đúng tiến độ của thời vụ nên tinh thần cộng đồng luôn được phát huy biểu hiện qua việc đổi công lao động qua lại. Đây là tinh thần hiệp lực, một nét đẹp ở làng xã Việt Nam.
1.3. Góp phần ổn định cộng đồng quốc gia dân tộc để phát triển

Làng Việt Nam là một phức hợp của nhiều tổ chức xã hội trước hết là dòng họ. Các mối liên hệ trong làng có nghề nghiệp, tín ngưỡng tôn giáo, địa vực láng giềng, xóm, giáp, đơn vị hành chính làng xã và họ hàng vẫn là bền vững nhất. Có thể coi cộng đồng làng trước tiên là tập hợp của những dòng họ [6:87].
Chính quan hệ dòng họ là sợi dây vô hình cố kết thành một cộng đồng có tính chất ổn định và bền vững. Người Việt Nam sẵn sàng hy sinh những lợi ích, quyền lợi cá nhân để bảo vệ lợi ích cộng đồng và vì cộng đồng mà có nhiều hành động thiết thực thể hiện cử chỉ cao đẹp. Đó là sự dũng cảm hy sinh để bảo vệ quê hương đất nước. Lịch sử đã cho thấy rằng, nhiều anh hùng xuất chúng đều có nguồn gốc xuất thân từ làng quê, người anh hùng Thánh Gióng là một trường hợp điển hình.
Sự ổn định của cộng đồng làng xã có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước. Một khi “môi hở thì răng lạnh”. Quan hệ giữa cộng đồng làng xã với quốc gia diễn ra theo chiều tương tác qua lại làm cơ sở liên minh chặt chẽ đảm bảo sự tồn tại bền vững của cộng đồng làng xã Việt Nam trong lịch sử.
Quá trình hình thành và phát triển cuae một làng xã ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông cửu Long, từ khởi đầu cho đến ngày nay là sự chuyển đổi và phát triển từ liên kết hộ gia đình tiến lên là liên kết họ hàng và các dòng họ với nhau. Đó cũng là mối liên kết tự nhiên theo hôn nhân và theo sản xuất [6:88]. Dĩ nhiên việc càng thắt chặt các quan hệ họ hàng cũng diễn ra một cách tự nhiên. Đặc điểm này, diễn tiến khá thuận lợi nhờ sự thống nhất cao trong ngôn ngữ, ý thức sâu sắc về một cội nguồn dân tộc.
Người Việt Nam dù thân hay quen sơ cũng khá dễ dàng bắt chuyện một cách tự nhiên, thoải mái mà không quá e dề trước người lạ. Hơn thế nữa, còn rất cởi mở trong giao tiếp “ trước lạ sau quen” tinh thần mở rộng, đón nhận nhiều luồng văn hóa từ bên ngoài càng làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú và đa dạng trong một cộng đồng đa tộc người.
Bởi vì khu vực sinh sống trong một khoang gian khép kín nên điều kiện để đặc tính cộng đồng được lưu truyền và phát huy có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Người Việt Nam rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, dù theo nhiều tôn giáo khác nhau nhưng tập tục thờ cúng tổ tiên vẫn không hề phai trong văn hóa dân tộc. Về hình thức, đây là sự thể hiện long biết ơn, tưởng niệm đến tổ tiên, đã có công trong việc xây dựng nên làng xã. Nhưng xét ở góc độ khác, việc thờ phượng tổ tiên có vai trò hết sức quan trọng trong việc nhận biết và tăng cường sự gắn bó giữa các thành viên trong cùng một dòng họ.
Chính quyền phong kiến thời Nguyễn, cả thực dân Pháp trong những năm 20 của thế kỉ XX cũng đặc biệt lợi dụng dòng họ để thống trị nhân dân. Luật Gia Long quy định trong họ hàng phải chịu trách nhiệm quản lí dòng họ, bố mẹ phải chịu tội lỗi của cả con cháu, chế độ phong kiến Việt Nam đề cao gia tộc, gia trưởng pháp lí hóa các quan hệ họ hàng, tạo ra một dạng phong kiến mang đậm tông tộc chủ nghĩa [6:91].
Như vậy, tính cộng đồng có tầm quan trọng trong việc cố kết cộng đồng thêm bền vững, thông qua sự tương trợ trong lao động sản xuất, hỗ trợ trong hoạt động kinh tế hay giúp đỡ nhau trong công tác xã hội. Mối liên kết chặt chẽ của cộng đồng giúp duy trì tính ổn định về mặt kinh tế, xã hội, trước những bước đổi thử thách mới.
Nhìn một cách tổng thể thì sự liên kết cộng đồng không chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố quan hệ họ hàng thân thuộc mà diễn ra rất đa dạng, có thể theo địa bàn cư trú, dựa vào quan hệ cùng ngành nghề hay thậm chí sự liên minh lại với nhau chỉ vì cùng chung một niềm đam me, sở thích. Dĩ nhiên quá này diễn ra một cách tự nhiên.
1.4. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tôc

Chính không gian sống và sinh hoạt của người Việt Nam thường co cụm tập trung theo từng làng nhất định đã tạo nên một cộng đồng người có một bản sắc văn hóa riêng và độc đáo. Những giá trị văn hóa do cộng đồng sáng tạo nên và được lưu truyền trong chính lòng nó.
Ở thời Hùng vương con người vẫn còn bảo lưu những hình thức tàn dư của tín ngưỡng nguyên thủy như thờ vật tổ, đồng thời mở rộng việc thờ các thiên thần, nhiên thần và nhân thần. Tính chất tín ngưỡng nông nghiệp thể hiện khá sâu đậm cùng với việc thờ thần lúa và các hình thức cầu mong sự phồn thực, cầu mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, cũng trong xã hội Hùng vương đã xuất hiện những thầy mo, những thuật sĩ, đạo sĩ dùng ma thuật để chi phối tín ngưỡng của nhân dân. Các vua Hùng cũng đã dựa vào đó để củng cố địa vị của mình.
Đặc điểm ở thời Hùng vương còn có sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và ý thức về nòi giống dân tộc, đi theo tín ngưỡng là các lễ hội nhằm tạ ơn thần linh, đây là dịp để vui chơi giải trí cho cả cộng đồng lúc nông nhàn. Trong những dịp hội hè, người ta hòa tấu nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, múa hát tập thể, giao duyên nam nữ hóa trang và tổ chức thi tài, tổ chức trò chơi, diễn kể sử thi, sự tích, tổ chức đua thuyền, hội nước [2:47].
Những sinh hoạt văn hóa lành mạnh đó, liên tục được duy trì trong cộng đồng và ngày càng xuất hiện nhiều loại hình văn hóa mới sinh động và hấp dẫn hơn. Trong những thời kì mất nước, văn hóa Việt Nam vẫn được bảo tồn trong làng xã, thậm chí còn chịu sự thử thách với văn hóa phương Bắc du nhập ngày một mạnh mẽ. Chính vì vậy, mà Việt Nam thoát khỏi sự đồng hóa về văn hóa mà phong kiến Trung Quốc đã áp đặt.
Việc tiếp thu văn hóa phương Bắc một cách có chọn lọc để phù hợp với văn hóa bản địa càng làm cho văn hóa Việt Nam thêm đa dạng và phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và lưu truyền.
Nhờ đó, mà Việt Nam thời độc lập tực chủ, không ngừng được củng cố và phát triển. Các loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện như hát ả đào ngày càng trở nên phổ biến, nghệ thuật hát chèo và hát tuồng cũng nhanh chống định hình, nghệ thuật múa rối nước rất phát triển.
Vào những ngày hội lớn, Thăng Long trở thành nơi tổ chức các cuộc vui chơi đua thuyền, múa rối. Ở các làng xã vào những ngày đầu xuân và hội mùa, nhân dân nghỉ ngơi giải trí bằng những trò vui như trồng cây đu, tung còn, đấu vật, thi nấu cơm…ở một số làng xã còn có hội hè riêng có ý nghĩa đối với cả vùng như hội Gióng ở làng Phù Đổng ( Tiên Sơn – Bắc Ninh), hội Dâu ở làng Khương Tự ( Thuận Thành-Bắc Ninh) [2:138].
Các tín ngưỡng dân gian khác như thờ thần thổ công, thần mây, mưa, sấm, chốp, đá, cây, thần phồn thực vẫn được duy trì. Đó là loại thần tự nhiên “vạn vật hữu linh” mang màu sắc nguyên thủy [6:213].
Thời quân chủ, nhất là từ thế kỉ XV-XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam đã mô phỏng mô hình Trung Hoa, trên cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, lại thường xuyên phải giữ độc lập dân tộc, chống xâm lược từ phương Bắc. Ngoài mô hình chính trị, người Việt còn tiếp nhận nhiều thành tố văn hóa khác. Kết quả của sự giao lưu ấy, tạo ra ở Việt Nam một mô hình tổ chức xã hội vừa giống vừa khác mô hình tổ chức xã hội của giai cấp phong kiến Trung Quốc về sở hữu ruộng đất, chế độ bóc lột địa tô và về tư tưởng. Bản thân hệ tư tưởng Nho giáo của giai cấp phong kiến Trung Quốc cũng khác hệ tưởng Nho giáo ở Việt Nam, bởi Nho giáo ở Việt Nam đã có một khúc xạ rất lớn, do những đặc điểm lịch sử xã hội ở Việt Nam [8:57]
Trên cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam đã từng giao lưu với văn hóa Trung Hoa, văn hóa Ấn Độ và văn hóa phương Tây. Quá trình giao lưu tiếp biến với nhiều nền văn hóa lớn đã làm cho Việt Nam thêm đa dạng, nhưng vẫn giữ được nét bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Nơi bảo lưu tất cả giá trị văn hóa truyền thống là ở các làng xã, địa bàn cư trú tập trung của cộng đồng cư dân. Mà ở đó, mối quan hệ con người thể hiện tính cộng đồng khá sâu sắc.
Ngày nay, trong thời kì cả nước thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa với bên ngoài làm cho việc giao lưu văn hóa được rộng lớn hơn, chủ động và tích cực hơn trong tiếp nhận. Việc giao lưu văn hóa diễn ra phức tạp hơn trước, quá trình giao lưu đó, cũng đặt văn hóa Việt Nam trước những thử thách mới, đòi hỏi việc gìn giữ bản sắc văn hóa phải được chú trọng nhiều.
2. Tác động tiêu cực
2.1. Tính li khai, cát cứ

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam không phải lúc nào cũng thống nhất và ổn định phát triển, xu hướng li khai, cát cứ cũng là điểm nổi bật từng xảy ra trong quá khứ. Do những quyền lợi và mưu đồ riêng mà một số nhóm cộng đồng người Việt, có thể là một dòng họ có tiềm lực kinh tế mạnh tự nuôi quân nổi lên làm bá chủ khu vực riêng mỗi khi triều đình trung ương suy yếu.
Sau chiến công hiển hách với trận đánh thắng quân Nam Hán ( Trung Quốc) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi và xưng vương (năm 939), nạn ngoại xâm đã được đẩy lùi và nền độc lập được củng cố, chính quyền thuộc về một dòng họ, các thế lực thổ hào, phong kiến, cát cứ đã tìm cách trỗi dậy, ráo riết xây dựng uy quyền, chờ khi chính quyền trung ương bị suy yếu không đủ sức trấn áp sẽ nổi dậy.
Thế kỉ X, khi Ngô Quyền mất (năm 944), trong triều xảy ra nhiều biến loạn và xung đột, nhân tình hình đó, các thế lực phong kiến tranh giành nhau quyết liệt, xu hướng phân tán quyền lực trở nên thắng thế, tình trạng đó đã hình thành nên cục diện loạn 12 sứ quân [2:126].
Việc mỗi sứ quân chiếm cứ chiếm cứ một vùng, xưng hùng một phương, đã gây xáo trộn lớn trong đời sống người dân, trái hẳn với nguyện vọng chung là thống nhất toàn dân tộc cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước hùng cường.
Thế kỉ XVI, lịch sử Việt Nam ghi nhận sự xung đột Nam-Bắc triều diễn ra quyết liệt. Sau khi tiếm ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua (năm 1527). Một số quan lại trung thành với nhà Lê đã tìm lại nhà Lê và đóng đô ở Thanh Hoa gọi là Nam triều, tiến đánh nhà Mạc gọi là Bắc triều.
Cục diễn xung đột Nam-Bắc triều đã bùng nổ và kéo dài gần nửa thế kỉ, với 38 trận đánh lớn nhỏ “máu chảy đầy đồng, thay chất đầy núi” [2:182].
Nội chiến Nam-Bắc vừa kết thúc chẳng bao lâu, một cuộc mâu thuẫn mới giữa hai dòng họ Trịnh-Nguyễn lại xuất hiện. Chiến tranh giữa Trịnh-Nguyễn bùng nổ, kéo dài đến 45 (1627-1672), trải qua 7 trận huyết chiến đậm máu. Nhưng phần thắng chưa ngã hẳn bên nào nên hai dòng họ quyết định lấy sông Gianh làm giới tuyến chia đôi đất nước. Từ phía Bắc sông trở ra gọi là Đàng Ngoài thuộc quyền quản lí họ Trịnh, phía Nam sông trở vào gọi là Đàng Trong do họ Nguyễn làm chủ quyền kiểm soát [2:183].
Tình trạng đất nước chia cắt lâu dài, làm cho quá trình giao lưu, buôn bán giữa hai khu vực bị tắt nghẽn, các thế lực phong kiến ra sức vơ vét, huy động sức người sức của vào cuộc chiến làm tổn thất rất nhiều đến đời sống người dân và làm suy yếu dần tiềm lực của một quốc gia.
Thời hiện đại, vì sự khác biệt nhau về ý thức chính trị, đã đưa đến sự chia cắt đất nước làm hai miền, đánh nhau suốt hơn 20 năm (1954-1975), đã khiến cho đời sống người dân vô cùng thê lương, nghèo đói, chết choc, những thiệt hại đó khó mà đo lường hết được.
Nhiều công trình văn hóa lịch sử cũng bị tàn phá, đặc biệt là nổi đau đớn của của dân tộc khi người dân giữa hai miền có sự kì thị lẫn nhau khi hòa bình, thống nhất được tái lập, Việt Nam đã chịu nhiều thiệt thòi vì bị thụt lùi về phát triển và hòa nhập vào thế giới so với các nước trong khu vực. Tuy trình trạng phân li, cát cứ có diễn ra trong lịch sử nhưng xu thế thống nhất đất nước vẫn là dòng chảy chủ đạo và xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam.
2.2. Tư tưởng bề phái, địa phương

Một đặc điểm có tính chất đặc thù của Việt Nam là đất nước có nhiều cộng đồng tộc người, có nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau. Nên vì quyền lợi của cộng đồng mình mà nảy sinh ra tư tưởng bề phái, địa phương. Biểu hiện rõ ràng mà ai cũng dễ dàng nhận ra đặt tên làng theo dòng họ, mỗi làng tự đặt ra quy định để ứng xử với nhau, thậm chí những quy định có tính chất ước lệ đó vượt lên trên quy định của pháp luật nhà nước.
“ Từ đời xa xưa tổ chức cư trú của nhiều làng đã theo dòng họ. Những địa danh làng mang tên họ còn lưu lại đến ngày nay khá nhiều từ Nghệ-Tĩnh đến đồng bằng Bắc Bộ như Đỗ Động, Lưu Xá, quan hệ tông tộc này được duy trì, tồn tại phục vụ cho chế độ phong kiến. Có thể là nó ra đời do cơ chế phong kiến này. Cho đến những thế kỉ XVIII-XIX, sự cố kết họ hàng lại có phần chặt hơn. Hiện tượng làm tộc phả, tộc ước, diễn ca tộc phả rất phổ biến ở các làng vùng Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Có thể kể vài trường hợp tiêu biểu như tộc ước họ Nguyễn Văn ở làng Phù Lưu ( Tiên Sơn-Bắc Ninh) được bổ sung và chép lại có đến 22 điều quy định về cách đối xử với nhau, về cúng tế tổ tiên, về hôn nhân và gia đình và đặc biệt là về mối đoàn kết trong gia đình và họ hàng “sao cho thành một khối thuận hòa trên dưới” [6:89]. Mặc dù, Hương ước thể hiện tính chất tư tưởng địa phương, nhưng Hương ước cũng có nhiều vai trò quan trọng và cần thiết đối với việc ổn định cuộc sống.
Hương ước có vai trò quan trọng đối với việc ổn định nếp sống trong làng và có sức mạnh một phần là do các hình phạt và hình thức khen thưởng. Nó phản ánh tâm lí của dân làng, phản ánh một phương diện quan trọng của văn hóa làng. Đó là các quan niệm của dân làng về điều phải, điều trái. Luật pháp nhà nước khó phản ánh sinh động các quan niệm phải, trái, đúng, sai của dân từng làng như Hương ước. Nó vừa uốn người ta vào khuôn phép, vừa động viên con người hành động. Sức mạnh cưỡng chế của nó dựa vào lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng, vào ý thức hệ cộng đồng. Đó là một sức mạnh có tính chất tâm lí nằm sâu trong tiềm thức của mọi người trong làng [8:112].
Áp lực tinh thần của Hương ước là bất khả kháng vì đó là áp lực tinh thần của cộng đồng và là áp lực nội tại trong tinh thần của mỗi thành viên. Chống lại Hương ước thì chỉ có cách bỏ làng, bỏ mồ mả cha ông, để lại nỗi tủi hổ cho gia đình. Đó là điều dân làng khó làm được.
Trong thời đại ngày nay, khi mà đất nước đang tiến hành đổi mới toàn diện với nhiệm vụ công nghiệp hóa hiện đại đất nước mà vẫn duy trì những đặc tính bề phái, địa phương thì tạo ra sức cản rất lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Thứ nhất, tính bề phái sẽ sinh ra tính ích kỉ, gây mất đoàn kết trong nội bộ.
Thứ hai, tính bề phái sẽ cản trở việc phát huy sức mạnh từ nhiều nguồn lực khác nhau, đặc biệt là việc tập hợp, thu hút nhân tài cho đất nước.
Thứ ba, dễ bị các thế lực chống đối lôi kéo, phá hoại, gây chia rẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Thứ tư, do tư tưởng địa phương nên sinh ra hành động tự ý, thiếu nhất trí, sự đồng bộ, nên không phát huy hiệu quả trong công việc gây tốn kém và lãng phí cho xã hội.
Thứ năm, tư tưởng địa phương được đề cao quá mức sẽ dẫn đến việc coi nhẹ pháp luật, thậm chí đứng lên trên pháp luật làm ảnh hưởng không tốt trong thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Trước yêu cầu phát triển đất nước, nếu không nhận diện được mặc trái của tính cộng đồng, vô hình chung nuôi dưỡng những thói quen lạc hậu không còn làm động lực cho sự phát triển.
Ngày nay, với việc khuyến khích phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, theo đó cũng có một số phong tục cũ được hồi sinh, một số hiện tượng me tín dị đoan được phô diễn công khai đang gây hoang mang trong cộng đồng.
Ví dụ : Hiện tượng bói toán, xem quẻ, chữa bệnh theo cách kì lạ, hoạt động của các thầy lang, thầy mo… những phương pháp chữa bệnh không khoa học đã gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

2.3. Tư tưởng cào bằng, triệt tiêu sáng tạo cá nhân
Phong thái tâm lí dân tộc và những đặc điểm tâm lí dân tộc của con người, trước hết được biểu hiện trong tâm lí và hành vi của những con người sống và tập thể sống chứ không chỉ thể hiện trong những đặc điểm của văn hóa, phong thái tâm lí dân tộc biểu hiện rất rộng rãi và trên nhiều mặt. Tất cả mọi hình thái ý thức xã hội : lí tưởng, chính trị, đạo đức, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật, triết học, đều mang những dấu vết của di sản dân tộc [5 :87].
Như vậy, việc quá đề cao và coi trọng tính cộng đồng sẽ nảy sinh tính cào bằng, quá trình tâm lí này diễn ra một cách tự nhiên. Trong tâm tư, tình cảm của người Việt thường suy nghĩ “ sống như thế nào cho phải lòng người ta”, hay “Người ta thế nào thì mình như vậy”.
Trong thời kì đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, đặc biệt là xã hội thời bao cấp, tư tưởng cào được thể hiện rõ ràng và sâu sắc nhất. Tất cả mọi giới trong xã hội đều được phân chia sản phẩm xã hội như nhau, mặc dù giữa họ có sự khác nhau về đóng góp sức lao động – hoạt động cống hiến vì sự nghiệp chung của cách mạng cả nước. Sự bất công bằng này là một mặt trái của tính cộng đồng mang lại. Hệ quả của nó đã tác động rất lớn đến thái độ, tình cảm của người lao động, khiến cho không ít người lao động chán ngán với công việc, không tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến kĩ thuật lao động. Đây là một bước lùi của sự phát triển, nếu như thái độ của người lao động tiếp tục được duy trì lâu dài sẽ trở thành một lực cản lớn trên con đường xây dựng xã hội mới của Việt Nam.
Tính cách dân tộc là những mối quan hệ, những mối quan hệ liên quan đến tinh thần rất chặt trong những hành vi bên ngoài của dân tộc đó, trong phong thái sống của dân tộc đó, qua đó hình thành nét chung trong sinh hoạt, trong đời sống hàng ngày của con người. Tính cách dân tộc có những nét tình cảm, nghị lực và trí tuệ [5:93].
Ta thấy, một nét tâm lí của người Việt Nam là ưa thích vẻ ngoài hơn quan tâm đến cái ẩn chứa bên trong, đặc tính tâm lí này kết hợp với tính coi trọng tinh thần cộng đồng thì trong ứng xử, giao tiếp dễ dẫn đến phân phối cào bằng hơn là “có làm mới có ăn, hưởng theo năng lực lao động của mình”. Khi mà thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa diễn ra trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, để hội nhập cùng với thế giới và khu vực, nếu vẫn giữ những đặc tính tâm lí trên sẽ làm cho tiến trình hội nhập gặp nhiều khó khăn.
Trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nhận thức được những tồn tại của làng xã Việt Nam có giá trị hết sức quan trọng để có biện pháp cải tạo phù hợp với xu hướng phát triển chung và đảm bảo quyền lợi của mọi người trong xã hội.
Khoa học kĩ thuật phát triển cao thì những tư tưởng ban đầu về cái mới, cái lạ rất được coi trọng. Tuy nhiên, vì tâm lí cộng đồng những ý tưởng sáng tạo của cá nhân bị gạt đi khỏi xã hội, không có cơ hội để nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển đưa vào ứng dụng trong thực tế. Một lẽ tự nhiên trong văn hóa Việt Nam, người ta chạy theo số đông dễ dàng, tán thành, ủng hộ số đông hơn là chấp nhận ý kiến cá nhân ( thiểu số), và càng khó hơn khi đưa ý kiến cá nhân đứng trên ý kiến cộng đồng.
Như vậy, tính cộng đồng lúc này trở thành một màn sương che phủ những ngọn lửa tiến bộ mới, cái mới không có cơ hội để phát triển. Nói một cách khái quát, tính cộng đồng đã vô hình cản trở tư tưởng tiến bộ, hay làm giảm tốc độ và cường độ phát triển của nó. Vì rằng, cái chung là một bộ phận của cái riêng và không bao hàm hết cái riêng, cái riêng mới là cái toàn bộ.
Kết luận

Nền kinh tế sản xuất tiểu nông là một đặc điểm lớn trong hoạt động kinh tế của người Việt Nam, sức sản xuất nhỏ, hiệu quả không cao, do đó nhu cầu gắn các cá thể lại với nhau để cùng tồn tại luôn luôn được đặt ra theo dòng lịch sử đã trở thành truyền thống đoàn kết của cư dân nông nghiệp. Từ đó, hình thành nên tâm lí cộng đồng.
Mội trường tự nhiên đã quy định loại hình văn hóa và tác động mạnh đến việc hình thành và phát triển ý thức cộng đồng. Vì con người không thể sống và phát triển được nếu nằm ngoài tự nhiên. Việt Nam nằm trong khu vực hứng chịu nhiều thiên tai, sau mỗi lần bị tàn phá phải xây dựng lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng. Nên người Việt Nam rất ý thức được tầm quan trọng của việc đoàn kết, sống chan hòa, tương thân, tương ái, quý mến người hàng xóm như thể người ruột thịt, hình thành nên một cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ. Việc cư trú theo từng đơn vị làng và thường khép kín trong một không gian nhất định đã nuôi dưỡng tình cảm thân thiết giữa mỗi thành viên. Hơn nữa, thông qua những sinh hoạt lễ hội chung là cơ hội cho cả cộng đồng tìm hiểu và chia sẻ tình cảm với nhau.
Tính cộng đồng tác động tích cực trong việc đoàn kết chống ngoại xâm. Đây là một đặc điểm nổi bật và đẹp đẽ trong lịch sử Việt Nam. Một khi nền độc lập bị đe dọa thì cả cộng đồng đồng loạt đứng lên bảo vệ đất nước, bảo vệ sự bình yên, thanh bình của cuộc sống. Cộng đồng có phát triển mạnh hay không phụ thuộc vào mỗi thành viên sống trong cộng đồng đó. Cho nên tính cộng đồng, sự quan tâm lẫn nhau giữa cá thể trong cùng một làng xã càng phát huy thì càng góp phần vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển bền vững. Như vậy, tính cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ an ninh trật tự, góp phần ổn định nền chính trị đất nước.
Văn hóa Việt Nam chủ yếu được hình thành và bảo tồn ở làng xã. Nếu cộng đồng lãng xã Việt Nam càng phát triển thì sinh hoạt văn hóa lễ hội càng được chú trọng và không ngừng nâng cao. Mặc khác, nhiều loại hình văn hóa cổ xưa đã bị biến mất khỏi đời sống ngày nay có thể tìm kiếm và nhận diện được ở các làng xã. Do đó, cộng đồng làng xã vừa là điểm phát sinh của loại hình văn hóa đồng thời cũng là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, tuy làng xã Việt Nam chịu sự tác động nhiều từ bên ngoài. Đặc biệt là quá trình công nghiêp hóa, hiện đại hóa đang được xúc tiến mạnh mẽ, với xu hướng đô thị hóa nông thôn, nhiều mảnh ruộng làng xã chỉ trong thời gian ngắn bổng trở thành khu đô thị sầm uất. Trước thực tế đó thì vai trò bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trở nên ngày càng bức thiết.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, tính cộng đồng phát huy đúng mức sẽ góp phần đưa đất nước tiến cận với trình độ phát triển của khu vực và hòa nhập vào xu thế chung của thế giới nhanh chóng. Một việc làm thiết thực mà ai cũng có thể làm được là ủng hộ sự nghiệp đổi mới của đất nước, thực hiện tốt tinh thần cộng cồng với phương châm “Người Việt Nam mua hàng Việt Nam”. Một đặc điểm có tính chất thuận lợi là người Việt Nam sinh sống hầu như khắp nơi trên thế giới, dĩ nhiên những người Việt kiều ở nước sở tại sẽ nắm bắt được thông tin và xu thế vận động phát triển của chính quốc gia họ sinh sống nhanh và chính xác hơn. Nếu tạo được một mạng lưới người Việt Nam toàn cầu cùng hướng về quê hương để xây dựng đất nước thêm giàu mạnh và phát triển, thì chắc chắn sự nghiệp phát triển đất nước theo đường lối đổi mới nhanh chóng thành công.
Thật sự, công cuộc đổi mới đất nước là một sự nghiệp lớn, tiếp tục đường lối đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và đưa xã hội Việt Nam phát triển đi lên, do vậy, để thực hiện tốt và thành công thì luôn cần sự đóng góp của toàn dân Việt Nam.
Nếu trong thời chiến, người Việt Nam đã hy sinh cả cuộc đời, thậm chí tính mạng của mình vì sự nghiệp cách mạng, thì trong thời bình cần phát huy tinh thần tốt đẹp đó của cộng đồng để cùng nhau đoàn kết, đóng góp trí tuệ và năng lực vào xây dựng đất nước.
Tinh thần tương thân tương ái và truyền thống nhân văn của người Việt Nam càng có giá trị trong cuộc sống hiện đại với nhiều vấn đề gian nan của xã hội đặt ra cần sự chia sẻ và tương trợ để giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển.
Bên cạnh đó, tính cộng đồng để lại một số hạn chế nhất định gây cản trở bước tiến cho công cuộc đổi mới.
Thứ nhất, vì sự phát triển của cộng đồng mình, nhóm của mình mà quên đi lợi ích của cả cộng đồng quốc gia dân tộc. Một điều đáng suy nghĩa là từ sau đất nước thống nhất, nền kinh tế Việt Nam không ngừng gia tăng và phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Điều này đúng với người Việt sinh sống ở đồng bằng và thành phố, nhưng nhìn sang cộng đồng các tộc người ở Trường sơn Tây Nguyên dường như vấn đề sinh nhai hàng ngày của họ cũng khá vất vả. Bởi vì, nguồn sống của cộng đồng các tộc người ở Trường sơn Tây Nguyên là những nguồn lợi từ thiên nhiên. Nay rừng bị chặt phá nghiêm trọng đã đưa họ tình trạng đói kém và không có điều kiện để phát triển qua con đường giáo dục. Nguyên nhân của thực trạng này là các chính sách phát triển chưa phù hợp và đúng với cộng đồng các tộc người ở vùng xa vùng sâu.
Thứ hai, nếu như tính cộng đồng được phát huy theo chiều tiêu cực sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Đó là lòng ích kỉ, tư tưởng hẹp hòi. Chỉ biết có cộng đồng mình, địa phương mình mà không chan hòa, khép kín, tư cô lập mình với khu vực và thế giới. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại đã chứng minh cho luận điểm này. Sau khi giành độc lập, phá tan chế độ thuộc địa Pháp, Việt Nam phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nên Việt Nam chỉ đặt quan hệ với những quốc gia có chung ý thức hệ chính trị. Đây là một hạn chế lớn, Việt Nam tự đánh mất cơ hội hợp tác với thế giới để cùng phát triển.
Thứ ba, thái độ xem thường luật pháp quốc gia, coi trọng ước lệ của làng xã vượt lên cả pháp luật. Một điều dễ thấy một khi phát hiện những vụ vi phạm pháp luật, nó điều liên quan đến cả một tập thể chứ không chỉ do cá nhân cho nên xảy ra tình trạng xử không đúng người đúng tội. Mặc dù, chỉ số phát triển của Việt Nam luôn gia tăng năm sau cao hơn năm trước nhưng số vụ vi phạm pháp luật cũng gia tăng theo và ý thức chấp hành luật pháp tự giác không cao.
Thứ tư, trong thời đại hội nhập, rất coi trọng những ý tưởng sáng tạo, những phát hiện mới và đặc biệt là coi trọng cá nhân. Nếu không chú trọng vài trò sáng tạo của cá nhân trong phát triển sẽ vô tình đánh mất cơ hội cho cái mới xuất hiện, không tạo điều kiện cho cái mới phát triển đi vào thực tiễn.
Hơn thế nữa, quá coi trọng tính cộng đồng sẽ tất yếu đưa đến việc phân chia sản phẩm xã hội thiếu công bằng, làm mất đi tính tích cực của cá nhân trong việc đóng góp trí tuệ và năng lực cho đất nước, tác động tiêu cực đến thái độ của người lao động.
Tóm lại, tính cộng đồng là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Đặc tính tâm lí này được hình thành và phát triển trong suốt lịch sử dân tộc, đã trải qua nhiều thử thách lớn. Ngày nay, trước công cuộc xây dựng đất nước trong thời kì hội nhập và pháp triển, tính cộng đồng đã thể hiện rõ giá trị và ý nghĩa trong việc đóng góp sức mạnh huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước ngày càng tươi đẹp và giàu mạnh, sớm đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến thành công, nhanh chống hòa nhập vào xu hướng chung của khu vực và thế giới.


Tài liệu tham khảo

1.DamBo, Miền đất huyền ảo, Nxb Hội nhà văn, năm 2002.
2. Huỳnh Công Bá, Lịch sử Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, năm 2004.
3. Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Giáo dục, năm 2004.
4. Nguyễn Khắc Thuần, Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, năm 2007.
5. Nguyễn Hồng Phong, Một số vấn đề về hình thái kinh tế-xã hội văn hóa và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, năm 2000.
6. Phan Đại Doãn, Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2008.
7. Pierre Gourou, Người nông dân châu thổ Bắc kì, Nxb Trẻ, năm 2003.
8. Trần Quốc Vượng (Chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, năm 2008.
9. Trần Quốc Vượng, Dặm dài đất nước, Nxb Thuận Hóa, năm 2006.
10. Trần Thị Thu Lương, Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam bộ nửa đầu thế kỉ XIX, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, năm 1994.
Chữ ký của Bahasa




 

TÁC ĐỘNG CỦA TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: BÌNH LUẬN TÌNH HÌNH XÃ HỘI :: Việt Nam ngày nay-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất