Con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người Việt Nam từ cổ xưa đến nay. Văn hóa vùng sông, biển với những tục lệ lâu đời đã thành phong tục đặc sắc là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian bản địa cổ truyền.
Thuyền rồng để vua dùng gọi là "thuyền ngự". Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các Ngài đã về "ngự" trên thuyền để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện. Dân đi biển Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn... thường tổ chức đua thuyền hình rồng khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam khoảng tháng 4, 5 dương lịch... tạo thành nét văn hóa biển độc đáo. Dịp lễ cúng thần nước hay hạ thủy con thuyền cũng là thời điểm đua thuyền của cư dân ven sông, biển.
Lễ hội đền Quả xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, Nghệ An có đua thuyền rồng. Vùng này có nơi toàn các tay đua nữ thi đấu với nhau như ở Xa Long, huyện Hương Sơn, còn thường thì nam thi với nam, nam thi với nữ cũng có nhưng ít hơn. Trước khi hạ thủy thuyền đua, có tục lệ trai đinh rước 12 thuyền rồng sau 4 ngựa gỗ, gồm hai ngựa hồng, hai ngựa bạch từ đền Quả đến hạ thủy ở sông Lam. Tương truyền, dân ở đây đua thuyền để tỏ lòng biết ơn công đức của Hoàng tử Uy Minh Vương, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ.
Lễ hội đua thuyền rồng ở Đồng Hới (Quảng Bình) lại mang nét đặc sắc khác. Theo tín ngưỡng dân gian ở địa phương, thuyền rồng là "dương" đua với thuyền phượng là "âm". Đua đường dài 20km từ đình làng Đồng Hải đến cửa sông Nhật Lệ, qua các địa hình, hướng gió khác nhau và theo với nước thủy triều lên, xuống. Cũng theo tín ngưỡng âm dương cổ, nhưng ở làng Đào Xá (huyện Tam Thanh, Phú Thọ) tạo dáng thuyền đua và quan niệm cũng có khác. Ở đây, "dương" lại là thuyền hình chim, "âm" có thuyền hình cá. Chỉ đua một chải đực (chim) với một chải cái (cá) về đêm, sau khi tế lễ xong và gọi là "tiệc bơi", bơi để lễ thần.
Lễ hội thuyền đua làng Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có từ thế kỷ XV, đầu và đuôi thuyền đều chạm hình rồng. Cuộc đua được tổ chức lúc chính Ngọ (12 giờ trưa) trên sông Nhuệ. Tương truyền hội đua thuyền vùng này để tưởng nhớ danh tướng Bạch Hạc Tam Giang thời vua Hùng thứ XVI. Có tới 172 làng thờ Bạch Hạc Tam Giang. Thuyền đua có hình đầu rồng, hình chim hạc và hình con ly (kỳ lân).
Vùng Trung Bộ do sông ngắn nên có tục lệ đua thuyền trên cạn, có hàng đoàn trai tráng "múa tay chèo" tượng trưng, có phần giống đua ghe ngo Nam Bộ. Vùng biển phía nam còn có tục lắc thuyền thúng đua ngày hội là một nét lạ, góp phần phong phú thêm lễ hội đua thuyền dân gian Việt Nam. Những lễ hội đua thuyền kể trên vừa mang tính thể thao, văn nghệ (ca múa nhạc) vừa là nét văn hóa vùng sông, biển, để cùng với các lễ hội đồng bằng tạo nên một phần của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Văn hóa vùng sông, biển với những tục lệ lâu đời đã thành phong tục đặc sắc là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian bản địa cổ truyền.