CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Lý Công Uẩn (974 – 1028)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Lý Công Uẩn (974 – 1028) I_icon_minitimeFri Jun 27, 2008 8:26 am

avatar

Thành viên cấp 1

Phương Uyên

Thành viên cấp 1

Ngày tham gia Ngày tham gia : 18/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 23
Điểm thành tích Điểm thành tích : 10
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: Lý Công Uẩn (974 – 1028)

 
1. Chí lớn nuôi từ nhỏ



Vào thế kỷ X, ở làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh bây giờ, có một người đàn bà goá chồng, người họ Phạm, nhà nghèo phải đến làm thuê ở chùa Cổ Pháp. Nhà sư trụ trì chùa này là Lý Khánh Vân đã đi lại với bà. Khi bà thụ thai, sư sợ bị mang tiếng, thiên hạ chê cười, bèn kiếm cớ đuổi bà.



Sau ngày sinh nở, bà bọc đứa con mới đẻ vào trong áo, đem đến bỏ trước cửa chùa. Nhà sư họ Lý thấy đứa trẻ, bèn đem về, đặt tên là Lý Công Uẩn và nhận làm bố nuôi.



Bấy giờ người đời đã có câu ca chế giễu sư Khánh Vân như sau:



“Con ai đem đến chùa này
Nam mô di Phật còn thầy thầy nuôi”



Lý Công Uẩn mặt mũi rất khôi ngô, thông minh, hiểu biết trước tuổi và đã biểu lộ một tính cách khác người. Tương truyền rằng: Có một lần, nhà sư họ Lý sai Công Uẩn đem oản đặt lên bàn thờ cúng Phật. Cậu bé đã khoét oản ăn trước. Không hiểu sao nhà sư lại phát hiện được, bèn trách mắng Công Uẩn. Cậu tức lắm, cho là bức tượng Hộ pháp nhìn thấy đã mách sư, bèn đánh tượng 3 cái tát, rồi lấy son viết mấy chữ “Đồ tam thiên lí” (Đày ba ngàn dặm) vào sau lưng tượng.



Đêm đó sư Khánh Vân nằm mơ, thấy Hộ pháp cuồn rầu, đến ngỏ lời từ biệt: “Hoàng đế đã phạt đày tôi đi xa, xin chào ông ở lại”. Sáng sớm, sư Lý Khánh Vân lên chùa xem hư thực thế nào, thì quả thấy sau lưng bức tượng Hộ pháp có dòng chữ viết kết án như ông đã nằm mơ. Nhà sư bèn sai mấy chú tiểu múc nước rửa đi, nhưng chùi thế nào cũng không sạch. Khi cho gọi Lý Công Uẩn đến rửa, thì cậu chỉ lấy tay xoa xoa là dòng chữ biến mất!



Công Uẩn ngày một lớn, được sư Khánh Vân dạy cho học. Cậu học một biết mười. Được ít lâu sau, sư thấy mình hết chữ, liệu sức không dạy nổi, mới gửi Công Uẩn sang chùa Tiên Sơn (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh bây giờ) cho người em ruột là sư Vạn Hạnh dạy dỗ giúp, vì Vạn Hạnh là người nổi tiếng văn chương uyên bác thời bấy giờ.



Công Uẩn tuy đã lớn, học hành giỏi giang, nhưng vẫn không thay đổi cá tính. Hằng ngày, cậu thích chơi những trò mà người lớn cho là tinh nghịch. Một lần, Công Uẩn bị sư Vạn Hạnh phạt, trói suốt đêm nơi cửa chùa. Bị muỗi đốt không ngủ được, Công Uẩn tức cảnh đọc 4 câu thơ đầy khẩu khí, bằng tiếng Hán, dịch Nôm ra như sau:



“Màn có trời cao, chiếu đất liền
Cùng trăng thanh thả giấc thần tiên

Suốt đêm nào dám vung chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng!”



(Lê Văn Uông dịch)



Sư Vạn Hạnh nghe được, tự nhủ thầm: “Đứa trẻ này không phải người thường, sau lớn lên ắt có thể giải nguy, gỡ rối, làm bậc minh chúa trong thiên hạ đây!”, bèn hết sức chăm sóc dạy bảo.



Công Uẩn có tính không màng của cải vật chất, chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu chữ nghĩa của thánh hiền. Nhưng khi học cậu không câu nệ vào kinh sử và nhờ sáng dạ nên rất chóng hiểu, biết dùng những điều học được để suy ngẫm việc đời.



Khi Công Uẩn đến tuổi trưởng thành, được sư Vạn Hạnh tiến cử vào triều, làm quan nhà Tiền Lê, từ đời vua Lê Đại Hành (941 – 1005), đến đời Lê Ngoạ Triều (986 – 1009). Nhờ có học vấn và tài cán, Lý Công Uẩn được thăng tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, là một chức quan võ cao cấp, chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô.



Bấy giờ vua Lê Đại Hành đã mất, các vua nối ngôi chơi bời truỵ lạc, tranh giành chém giết lẫn nhau. Nhân dân trong nước đã tỏ ra chán ghét triều đại nhà Lê. Giữa lúc này lại xảy ra hiện tượng ở làng Cổ Pháp, nơi Lý Công Uẩn chào đời, có cây gạo bị sét đánh hiện lên những dòng chữ. Người ta bèn kháo nhau rằng trời đã viết lên thân cây lời sấm, bằng chữ Hán, gồm cả thảy 10 câu 4 chữ, trong đó có mấy câu sau:



“Thụ căn điều điêu

Mộc biểu thanh thanh

Hoà đao mộc lạc

Thập bát tử thành...”



Nghĩa là:



“Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Hoa vàng đã rụng

Mười tám hạt thành...”



Sư Vạn Hạnh đã giải thích: câu đầu là ám chỉ nhà vua đã suy yếu. Câu thứ hai muốn nói kẻ bề tôi đã hưng thịnh. Câu thứ ba thì 3 chữ “hoà, đạo, mộc” ghép lại thành ra chữ “Lê”. Còn câu thứ tư thì 3 chữ “thập, bát, tử” ghép lại thành ra chữ “Lý”... Tóm lại nội dung bài sấm nói rằng nhà Lê sẽ mất, họ Lý sẽ lên ngôi trị vì. Sư Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn nên chớp thời cơ nắm lấy ngôi vua.



Lý Công Uẩn vốn là người chín chắn, có thói quen suy nghĩ thận trọng trước khi hành động. Sợ câu nói của thầy học mình tiết lộ sớm thì rất nguy hiểm, nên ông đã đưa sư Vạn Hạnh đi nơi khác. Vua Lê Ngoạ Triều cũng nghe được lời sấm truyền, đã sai tay chân tìm giết những người họ Lý để đề phòng việc cướp ngôi. Vậy mà Lý Công Uẩn ở ngay trong triều vẫn được an toàn. Thế mới biết ông đã xử sự khôn khéo biết chừng nào!



Khi Ngoạ Triều mất, một viên quan trong triều là Đào Cam Mộc thấy thời cơ thuận lợi, bèn nói khích Lý Công Uẩn về việc giành ngôi. Công Uẩn vẫn cảnh giác, gạt đi mà rằng: Sao ông lại nói thế, tôi phải bắt ông nộp trước triều đình”. Nghe Công Uẩn doạ, Cam Mộc vẫn đường đường không hề sợ hãi, trả lời: “Tôi thấy thiên thời, nhân sự như thé, cho nên mới dám nói ra. Nay ông lại muốn tố giác tôi, thì tôi không phải là kẻ sợ chết!”. Biết Đào Cam Mộc quả thực lòng, Lý Công Uẩn mới nói ra ý nghĩ của mình: “Tôi đâu nỡ cáo giác ông. Chỉ sợ lời tiết lộ thì chết ráo, nên răn ông đó thôi!”.



Sau khi tính toán kĩ lưỡng, Lý Công Uẩn mới chấp nhận lời yêu cầu của sư Vạn Hạnh và các quan trong triều lên ngôi vua, lập ra triều đại nhà Lý, thay thế nhà Tiền lê.



2. Rồng bay lên, vận hội mới



Lên ngôi vua, sáng lập ra triều đại nhà Lý, Lý Công Uẩn đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của mình trong việc chọn cho nước ta một thủ đô mới. Ông đã nhận thấy vùng đất chật hẹp Hoa Lư, Ninh Bình mà các triều Đinh, Lê đóng đô không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước thời bấy giờ, nên đã quyết định chọn vùng đất khác là Đại La, một trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế, quân sự... làm thủ đô cả nước. Trong chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã lập luận một cách đáng như sau: “Đại La... ở chính giữa bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí chính phương Đông, Tây, Nam Bắc - tiện cho chiều hướng thuận nghịch của núi sông. Ở đó, địa thế vừa rộng, vừa phẳng, vùng đất vừa cao vừa sáng, dân cư không lo nạn lụt lội đắm đuối, muôn vật cũng rất phong phú tốt tươi.



Ngắm khắp nước Việt ta duy đó là thắng địa, thật là nơi then chốt của bốn phương hội lại và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời...” (Trích dịch theo Đại Việt sử kí toàn thư).



Vậy là với tầm nhìn về xa, bao quát và rất đúng đắn, Lý Công Uẩn đã xác lập cho nước Việt Nam chúng ta một thủ đô chính thức khá sớm, từ năm 1010. Tương truyền rằng, khi thuyền nhà vua từ Hoa Lư đến Đại La, có con rồng vàng bay lên, nên nhân đó nhà vua liền cho đổi tên gọi “Đại La” – do viên tướng Trung Quốc là Cao Biền đặt – thành tên gọi mới là Thăng Long, nghĩa là rồng bay lên.



Trải qua hàng ngàn năm, Thăng Long thời nhà Lý, được bao thế hệ cha ông ta xây dựng, bảo vệ và mở mang liên tục, để trở thành thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước Việt Nam đổi mới và phát triển bây giờ.



(Theo Thần đồng xưa của nước ta - NXB Giáo Dục - 1998)
Chữ ký của Phương Uyên





Lý Công Uẩn (974 – 1028) I_icon_minitimeMon Jul 27, 2009 8:39 pm

avatar
Học Lịch Su

Thành viên mới gia nhập

phanvantuyen

Thành viên mới gia nhập

Ngày tham gia Ngày tham gia : 29/05/2009
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 2
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Học Lịch Su
Điểm thành tích Điểm thành tích : 6
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: Re: Lý Công Uẩn (974 – 1028)

 
"Xưa nhà Thưng đến vua Bàn Canh năm lần dời đô. Nhà Chu đến đời vua Thành Vưng cũng ba lần dời đô. Phi đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời. Chỉ vì muốn đóng đô ở ni trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên, vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thưng, Chu cứ đóng đô thành ở ni ấy, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phi hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đô. Huống gì thành Đại La, ở vào ni trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện đường nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng phong phú tốt tưi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ ni này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phưng đất nước, cũng là ni bậc nhất của các bậc đế vưng muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở".
Chữ ký của phanvantuyen





Lý Công Uẩn (974 – 1028) I_icon_minitimeSun Sep 20, 2009 8:44 pm

avatar
đừng hỏi

Thành viên cấp 2

huyenz0ny

Thành viên cấp 2

Họ & tên Họ & tên : sohobobezony
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Lý Công Uẩn (974 – 1028) 6
Ngày tham gia Ngày tham gia : 20/05/2009
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 96
Đến từ Đến từ : Thái nguyên pro
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : đừng hỏi
Điểm thành tích Điểm thành tích : 193
Được cám ơn Được cám ơn : 24

Bài gửiTiêu đề: Re: Lý Công Uẩn (974 – 1028)

 
Lý Công Uẩn sinh ngày 12-2 năm Giáp Tuất (8-3-974) ở hương Cổ Pháp (Tiên Sơn, Bắc Ninh). Xung quanh nhân vật lịch sử này bao phủ nhiều huyền thoại, truyền thuyết, sấm ký... rất khó giải mã. Chính sử chép mẹ ông người họ Phạm mà theo truyền thuyết ở làng Dương Lôi (Tiên Sơn, Bắc Ninh) là Phạm Thị Ngà và theo chính sử "đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với người thần giao hợp rồi có chửa" (1). Ðó là sự mang thai thần kỳ mà người con sinh ra chỉ biết mẹ, không biết cha. Nhưng trên thực tế, sau khi lên ngôi vua cuối năm 1009 ông đã truy phong mẹ làm Minh Ðức Thái hậu, cha làm Hiển Khánh Vương cùng với anh làm Vũ Uy Vương, em làm Dực Thánh Vương, chú làm Vũ Ðạo Vương và năm 1018 truy phong bà nội (1). Năm 1026 nhà vua sai làm Ngọc điệp, tiếc rằng gia phả hoàng tộc nhà Lý không còn nữa.

Lên 3 tuổi Lý Công Uẩn được nhà sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp nhận làm con nuôi và sau đó được vị cao tăng Vạn Hạnh chùa Lục Tổ nuôi dạy. Sư Vạn Hạnh đã nhìn thấy ở Lý Công Uẩn từ lúc trẻ thơ "đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gở rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ" (2). Ðiều cần lưu ý ở đây là từ khi sinh ra, Lý Công Uẩn đã là người con tinh thần của giới Phật giáo, được nuôi dưỡng và đào tạo tại chùa Lục Tổ-Cổ Pháp, một trung tâm Phật giáo nằm giữa hai trung tâm lớn nhất là Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) và Kiến Sơ (Phù Ðổng, Gia Lâm, Hà Nội). Ông được coi là người "thông minh", "tuấn tú", "chỉ học kinh sử qua loa, khẳng khái, có chí lớn" (3). Thời bấy giờ, giáo dục và thi cử chưa được nhà nước tổ chức nên nhà chùa không chỉ là trung tâm văn hoá-tôn giáo địa phương mà còn là trung tâm giáo dục, nơi truyền bá kiến thức, học vấn và tăng lữ là tầng lớp trí thức, lực lượng sáng tác văn học của xã hội.

Lúc đó triều Tiền Lê (980-1009) đang trị vì nước Ðại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Nhà sư Vạn Hạnh được vua Lê Ðại Hành và nhà Tiền Lê rất trọng vọng, coi như cố vấn chính trị, mọi việc quốc gia đại sự như chống Tống, đánh Chiêm đều tham khảo ý kiến nhà sư. Có lẽ do sự tiến cử của Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn được cử làm Ðiện tiền quân đời Lê Trung Tông (1005), Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ rồi Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều (1005-1009). Sau khi Ngọa Triều Lê Long Ðịnh mất, triều thần suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra vương triều Lý (1009-1225).

Xung quanh việc lên ngôi của Lý Công Uẩn cũng phủ đầy những truyền thuyết, sấm ký... như chó trắng ở hương Cổ Pháp trên lưng có chữ "Thiên tử" lông đen ứng với điềm vua sinh năm Chó (Giáp Tuất-974), lên ngôi vua đặt niên hiệu cũng vào năm Chó (Canh Tuất-1010); cây gạo ở hương Diên Uẩn (tên cổ của Cổ Pháp) bị sét đánh để lại vết thành bài sấm báo hiệu nhà Lý thay nhà Lê; cây đa chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ "Quốc"; quanh mộ cha Lý Công Uẩn ban đ.êm có tiếng tụng kinh và ngâm thơ báo trước việc họ Lý làm vua (4)... Tất cả những điềm lạ và lời sấm đó đều được sư Vạn Hạnh giải thích là báo hiệu nhà Lý sẽ thay thế nhà Lê. Nhà sư Ða Bảo ở chùa Kiến Sơ cũng tham gia cuộc vận động này (5). Lại một lần nữa thấy vai trò của sư Vạn Hạnh và giới Phật giáo trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi vua, nhất là khi Lê Ngoạ Triều bạo ngược làm mất lòng dân nghiêm trọng và gây bất bình cao độ trong giới tăng ni Phật tử.

Lý Công Uẩn lên ngôi ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu tức ngày 21-11-1009 (6) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ông là người sáng lập vương triều Lý trong một cuộc vận động chính trị của giới Phật giáo được triều thần ủng hộ. Ðây là một cuộc thay đổi vương triều diễn ra êm thấm, không đổ máu.

Vua Lý Thái Tổ trị vì từ năm 1009 đến lúc từ trần năm 1028, ở ngôi 20 năm, thọ 55 tuổi. Với cương vị Hoàng đế sáng lập vương triều, nhà vua trước hết lo xây dựng vương triều, củng cố chính quyền trung ương. Bộ máy hành chính được xây dựng có qui cũ, cả nước chia làm 24 lộ, các thế lực cát cứ địa phương bị dẹp yên. Nhà vua đặc biệt chăm lo xây dựng cơ sở xã hội, chính trị, tư tưởng cho vương triều. Lý Công Uẩn thi hành chính sách "thân dân", năm 1013 định lại các lệ thuế, từ thuế ruộng đất, ao hồ đến thuế bãi dâu, các thuế sản vật... , và nhiều năm xá thuế cho dân như năm 1016 xá tô thuế 3 năm, năm sau, năm 1017 lại xá tô ruộng... Vua Lý Thái Tổ được chính sử đánh giá là "khoan thứ, nhân từ, tinh tế, hoà nhã, có lượng đế vương" (7). Nhà vua vốn xuất thân Phật giáo, nhờ thế lực giới Phật giáo mà lên ngôi vua nên rất tôn sùng Ðạo Phật và lấy tôn giáo này làm chỗ dựa tinh thần cho vương triều. Trong 20 năm cầm quyền, Lý Thái Tổ cho xây dựng và tu sửa nhiều chùa, đúc nhiều chuông ở kinh thành và các nơi, một lúc độ hàng nghìn người làm tăng đạo. Lý Thái Tổ đã đặt cơ sở và định hướng ban đầu nhưng rất căn bản cho sự tồn tại của vương triều và sự phát triển của đất nước.

Sau Lý Thái Tổ, triều Lý truyền được 8 đời cho đến Lý Chiêu Hoàng và kết thúc năm 1226 để nhường chỗ cho vương triều Trần (1226-1400). Nhà Lý tồn tại 218 năm (1009-1226), gồm 9 đời vua kể cả vua nữ Lý Chiêu Hoàng, trong đó thời thịnh đạt của vương triều bao gồm 6 đời vua đầu: Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028- 1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127), Lý Thần Tông (1127-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175). So với triều Ngô (939- 965) 27 năm, triều Ðinh (968- 980) 13 năm, Tiền Lê (980-1009) 30 năm, thì triều Lý là vương triều tồn tại lâu dài đầu tiên sau khi giành lại độc lập. Trong thời thịnh đạt của vương triều, nhà Lý có nhiều cống hiến lớn lao đối với đất nước, tạo nên vị thế quan trọng trong lịch sử dân tộc. Có thể tóm lược những cống hiến chủ yếu trên các mặt sau đây.

Xây dựng và củng cố quốc gia thống nhất. Năm 1054 nhà Lý đặt tên nước là Ðại Việt thay cho quốc hiệu Ðại Cồ Việt thời Ðinh, Tiền Lê. Chế độ nhà Lý là chế độ quân chủ tập quyền, quyền hành tập trung về triều đình trung ương đứng đầu là nhà vua. Nhưng đây chưa phải là chế độ quân chủ quan liêu chuyên chế theo mô hình Nho giáo, mà là chế độ quân chủ tập quyền mang tính dân tộc cao kết hợp với tinh thần Phật giáo, dựa trên sự cố kết xã hội lấy thôn xã làm cơ sở và chính sách thân dân của nhà vua. Các vua nhà Lý được đào tạo và chuẩn bị làm vua theo tinh thần đó. Vua Lý Thái Tổ năm 1012 cho xây cung Long Ðức ở ngoài thành cho Hoàng thái tử Khai Thiên Vương Phật Mã ở "ý cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân" (8). Năm 1040 vua Lý Thái Tông dạy cung nữ dệt gấm vóc, cho công chúa cùng cung nữ trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Năm 1052 nhà vua đúc chuông lớn đặt ở Long Trì để “dân ai có oan ức không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên vua" (9). Vua Lý Thánh Tông nổi tiếng là vị vua nhân từ thương dân. Nguyên phi ỷ Lan không những giỏi việc nước mà còn chăm lo đời sống của trăm họ.

Nước Ðại Việt là một quốc gia gồm nhiều tộc người. Miền núi, nhất là miền núi rừng phía bắc là địa bàn cư trú của nhiều tộc người thiểu số, giữ vị trí trọng yếu trong chiến lược phòng thủ đất nước. Chính sách của nhà Lý là ra sức ràng buộc các thổ tù. để qua họ quản lý miền núi và giữ gìn sự đoàn kết dân tộc. Miền núi chia thành các châu, châu mục là các thổ tù mang chức tước của triều đình và lấy danh nghĩa của triều đình để cai quản cư dân. Nhà Lý còn gả công chúa cho một số thổ tù, biến họ thành phò mã của nhà vua và mang tước hiệu của triều đình. Mọi hành động mưu đồ cát cứ hay chia rẻ dân tộc, chống lại triều đình trung ương đều bị thất bại và quốc gia thống nhất gồm nhiều tộc người được củng cố.

Bên cạnh quan hệ thân dân, nhà Lý cũng coi trọng pháp luật, kết hợp giữa đức trị và pháp trị. Năm 1042 vua Lý Thái Tông san định luật lệnh, ban hành bộ Hình thư. Ðó là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chứng tỏ một thành tựu lập pháp quan trọng và một bước tiến lớn trên con đường xây dựng nhà nước pháp luật. Bộ luật gồm ba quyển (10) tuy đã bị thất truyền, nhưng tinh thần cơ bản và một số nội dung của nó còn được ghi lại trong sử biên niên. Nhờ có bộ luật thành văn nên "đến đây phép xử án được ngay thẳng rõ ràng" (11), giảm bớt tình trạng "phiền nhiễu" của quan lại xử án và "oan uổng" của dân.

Nước Ðại Việt đời Lý là một quốc gia thống nhất với một hệ thống chính quyền mạnh và cơ sở cố kết xã hội vững.

Bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Dưới triều Lý tuy nền độc lập dân tộc đã được củng cố, nhưng vẫn đứng trước mối đe doạ của nhà Tống (960-1279). Cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống đã bị vua Lê Ðại Hành đánh bại năm 980-981. Nhưng từ giữa thế kỷ XI, nhà Tống lại chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai với tính toán vừa để dành một thắng lợi ở phương Nam vừa để củng cố địa vị trong nước và đối phó với mối đe dọa của hai nước Liêu, Hạ ở phương Bắc. Nhà Tống chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc chiến tranh xâm lược này và tìm cách mua chuộc một số thổ tù miền núi, lôi kéo Champa vào cuộc chiến. Vua Lý Nhân Tông và nhà quân sự kiệt xuất Lý Thường Kiệt đã tổ chức thành công cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai với tư thế rất chủ động, kiên quyết, tự tin. Trước hết, năm 1069 nhà Lý tấn công Champa nhằm trừ bỏ mối đe doạ phía nam và âm mưu liên kết giữa nhà Tống với vua Chàm. Cuộc kháng chiến chống Tống mở đầu bằng cuộc tập kích thành Ung Châu (1075-1076) nhằm phá huỷ các căn cứ xâm lược và hậu cần của đối phương. Sau khi rút quân về nước, nhà Lý dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) chặn đứng và đánh bại 30 vạn quân xâm lược Tống (1076-1077). Trong cuộc chiến đấu ác liệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, bài thơ thần đã xuất hiện và đi vào lịch sử như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa:

Sông núi nước Nam do Hoàng đế nước Nam ở,
Ðiều đó đã được phận định ở sách
Trời.Cớ sao lũ giặc lại dám sang xâm phạm,
Bọn chúng bây sẽ bị đánh bại tan tác

Tạm dịch gọn:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành phận định ở sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Bọn bây sẽ bị đánh tơi bời.

Với những chiến công phá Tống bình Chiêm, nhà Lý đã giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc và nâng cao địa vị của đất nước. Những thắng lợi oai hùng đó buộc nhà Tống cuối cùng phải thay đổi thái độ ứng xử đối với nước Ðại Việt, năm 1164 đổi Giao Chỉ quận làm An Nam quốc, phong vua nước Nam là An Nam quốc vương. Ðiều có ý nghĩa lịch sử ở đây là thừa nhận sự tồn tại của Ðại Việt như một "quốc", một nước, một quốc gia trên quan hệ bang giao.

Ðẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước. Trong hoàn cảnh độc lập và thanh bình, ổn định, nhà Lý đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước về mọi mặt.

Trong phát triển kinh tế, nhà Lý coi trọng nông nghiệp và đề ra nhiều giải pháp tích cực. Vua Lý cày ruộng tịch điền, ban chiếu khuyến nông để biểu thị thái độ “dĩ nông vi bản”. Ðê sông trong đó có đê Cơ Xá ở Thăng Long và nhiều công trình thuỷ lợi được xây dựng và bảo vệ. Nhiều công trình khai hoang của nhà nước và nhân dân được thực hiện thành công, mở rộng thêm thôn ấp và diện tích đồng ruộng. Cùng với nông nghiệp, các nghề thủ công phát triển. Quan hệ lưu thông hàng hoá-tiền tệ được mở rộng với sự ra đời của các chợ nông thôn, một số đô thị và thương cảng. Quan hệ buôn bán với nhà Tống thực hiện qua các chợ biên giới gọi là bác dịch trường (12), trong đó có những chợ đến nay vẫn tồn tại và qua đường biển. Thương cảng Vân Ðồn (Quảng Ninh) là nơi buôn bán với thuyền buôn nhiều nước Ðông á và Ðông Nam á như Trung Quốc,Tam Phật Tề (Palembang ở Tây Java), Qua Oa (Java), Lộ Hạc (Lopburi ở Thái Lan), Xiêm La (Thái Lan)...

Trong xây dựng đất nước, nhà Lý rất có ý thức lo củng cố quốc phòng và kết hợp kinh tế với quốc phòng. Vua Lý Nhân Tông, vị vua anh hùng của cuộc kháng chiến chống Tống, năm 1127 trước lúc từ trần để lại di chúc căn dặn “nên sửa sang giáo mác, đề phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận" (13). Nhà Lý áp dụng chế độ "ngụ binh ư nông" (gửi binh ở nông) chia quân lính thành các phiên để thay nhau về quê làm ruộng nhằm tự cấp và bảo đảm lực lượng lao động nông nghiệp. Nền quân sự đời Lý đạt đến trình độ cao. Sử nhà Tống có nói đến “An Nam hành quân pháp" mà Thái Diên Khánh đã nghiên cứu và dâng lên vua Tống Thần Tông (14).

Kinh tế phát triển, quốc phòng hùng hậu, đó là những thành tựu cơ bản bảo đảm cho sự cường thịnh của nước Ðại Việt đời Lý.

Mở đầu kỷ nguyên văn minh Ðại Việt. Nhà Lý rất quan tâm phát triển giáo dục, mở mang văn hoá. Năm 1070 dựng Văn Miếu, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên, năm 1076 lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam. Ðó là những sự kiện và niên đại đầy ý nghĩa, đặt cơ sở cho sự ra đời nền giáo dục, thi cử nói chung và nền giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam.

Cùng với giáo dục, một tầng lớp trí thức Nho học ra đời và ảnh hưởng Nho giáo cũng gia tăng dần, góp phần tích cực vào việc xây dựng thiết chế chính trị của Nhà nước tập quyền. Nhưng trong thời nhà Lý, Phật giáo vẫn giữ vai trò chi phối trong hệ tư tưởng và đời sống tinh thần của xã hội. Hai Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông tiếp tục phát triển, thêm Thiền phái mới là phái Thảo đường. Các thiền phái này đều chịu ảnh hưởng của Mật giáo. Các vua Lý và nhiều quý tộc, quan chức cao cấp đều tôn sùng đạo Phật, bỏ tiền của xây dựng chùa khắp nơi, cúng ruộng cho chùa. Nhà chùa trở thành một thế lực kinh tế, chính trị, văn hóa lớn trong xã hội, có chùa có đến hàng trăm, hàng ngàn tăng ni. Phật giáo đời Lý phát triển trong sự gắn bó với lợi ích và vận mạng dân tộc. Một số vua Lý tu Phật như Lý Thái Tông là thế hệ thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông, vua Lý Thánh Tông là thế hệ thứ nhất của phái Thảo Ðường và thuộc phái này còn có vua Lý Anh Tông thuộc thế hệ thứ ba, Lý Cao Tông thế hệ thứ năm. Trong triều đình, bên cạnh các quan chức văn võ, nhà Lý vẫn duy trì quan chức Phật giáo thời Ðinh, Tiền Lê, đứng đầu là Tăng thống, Tăng lục. Những nhà sư có tài năng và uy tín được nhà vua phong làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông (1080-1151), Quốc sư Thông Biện (?-1134).

Trên nền tảng của tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc vững vàng, ảnh hưởng của Tam giáo: Phật - Nho - Ðạo, tạo nên nét đặc sắc trong đời sống tư tưởng thời nhà Lý. Văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc đều phát triển trong tinh thần ấy và để lại những di sản vô giá trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Nền văn hoá đời Lý qua giao lưu, tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa Trung Quốc, ấn Ðộ và Ðông Nam á. Ðó là một nền văn hóa vừa mang đậm tính dân tộc, vừa biểu thị tính đa dạng, phóng khoáng, cởi mở, dung hợp.

Vương triều Lý mở ra một kỷ nguyên văn minh mới trong lịch sử dân tộc gọi là Kỷ nguyên văn minh Ðại Việt. Ðó là thời kỳ cả dân tộc vươn lên mạnh mẽ trong xây dựng lại đất nước sau hơn nghìn năm Bắc thuộc và sau giai đoạn chuẩn bị đời Ngô, Ðinh, Tiền Lê, thực hiện thành công một cuộc phục hưng dân tộc lớn lao. Nước Ðại Việt nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và văn minh, thịnh đạt ở Ðông Nam Á.

Dời đô và kiến lập kinh thành Thăng Long

Sau khi lên ngôi, năm 1010 vua Lý Thái Tổ đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng là dời đô từ kinh đô Hoa Lư về thành Ðại La (Hà Nội) và đổi tên là thành Thăng Long.

Trong thời đại dựng nước trước Bắc thuộc, Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ), An Dương Vương xây dựng đô thành ở Cổ Loa (Hà Nội). Sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, chính quyền tự chủ họ Khúc, họ Dương đặt trị sở tại thành Ðại La, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở thành Cổ Loa "tỏ ý tiếp nối quốc thống xưa của An Dương Vương". Ðinh Tiên Hoàng sau khi dẹp yên Mười hai sứ quân, xây dựng đô thành mới ở Hoa Lư (Ninh Bình). Trong bối cảnh thế kỷ X, đó là một quyết định đúng đắn và cần thiết của vua Ðinh khi chính quyền trung ương đang phải đối phó với sức tiềm ẩn của các thế lực cát cứ trong nước và mưu đồ xâm lược của nước ngoài. Trong 42 năm (968-1009), kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó, tạo điều kiện cho triều Ðinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009) củng cố chính quyền trung ương, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống (980-981) và giữ vững nền thống nhất quốc gia.

Trước yêu cầu xây dựng đất nước trên qui mô lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hoá, rõ ràng Hoa Lư với địa thế núi non hiểm trở không còn phù hợp. Mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ về thăm châu Cổ Pháp và mùa thu năm đó, quyết định đời đô. Trong Chiếu dời đô do nhà vua tự viết để hỏi ý kiến quần thần, đã nói rõ việc dời đô là việc lớn không thể "theo ý riêng tự tiện chuyển dời", mà phải "tính kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo chí dân". Nhà vua chọn thành Ðại La với đủ các tiêu chí thủ đô của một quốc gia thống nhất và thịnh đạt “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Ðông, Tây, tiện hình thế sông núi trước sau", là "thắng địa" "muôn vật rất phồn thịnh mà phong phú", "là chỗ hội tụ của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”.

Vùng Hà Nội đã bắt đầu cuộc sống con người từ hậu kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng 2 vạn năm, được khai phá trong thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng 4 nghìn năm và đã trở thành một trung tâm chính trị với đô thành Cổ Loa đời An Dương Vương vào thế kỷ III TCN. Trong thời Bắc thuộc, Lý Nam Ðế là người đầu tiên nhận ra vị thế của đất trung tâm Hà Nội khi đóng đô ở Vạn Xuân, dựng chùa Khai Quốc (sau dời về vị trí chùa Trấn Quốc hiện nay), đắp thành ở cửa sông Tô Lịch để đánh quân xâm lược Lương. Thời thuộc Tuỳ, năm 607 trị sở của chính quyền đô hộ dời về Tống Bình trên đất Hà Nội. Thành Tống Bình rồi thành Ðại La là thủ phủ của chính quyền đô hộ Tuỳ, Ðường trong khoảng 3 thế kỷ. Qua những lần xây đắp, tu sửa của những viên quan đô hộ từ Khâu Hòa đời Tùy đến Trương Bá Nghi, Triệu Xương, Bùi Thái, Trương Chu, Vũ Hồn, đặc biệt là Cao Biền đời Ðường, thành Ðại La có qui mô khá lớn như La Thành do Cao Biền đắp chu vi tính ra hơn 6 km, ngoài đắp đê dài hơn 7 km, dựng hơn 5,000 gian nhà (15). Phủ thành đó cũng là đối tượng tiến công của nhiều cuộc khởi nghĩa dân tộc và có lần đã trở thành thủ phủ của chính quyền độc lập trong thời gian ngắn của Phùng Hưng, Dương Thanh. Thành Ðại La là một thành lũy lớn, một đô thị tập trung cư dân khá đông, một trung tâm kinh tế phát triển.

Về mặt địa lý tự nhiên, thành Ðại La ở vào vị trí trung tâm của đất nước thời bấy giờ, một đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện. Thành nằm ở phía nam sông Nhị giữ vai trò như một con hào tự nhiên ngăn chặn sự tiến công từ phương bắc xuống và qua sông Nhị (sông Hồng), sông Ðuống có thể toả đi khắp hệ thống sông ngòi vùng châu thổ, lên miền núi rừng phía bắc, phía tây bắc, qua Tạc Khẩu và đường ven biển vào miền trung. Các sông Tô Lịch, Kim Ngưu nối với hồ Tây, sông Nhị và hệ thống ao hồ tạo thành một mảng lưới giao thông đường thuỷ đi lại khắp vùng. Thành Ðại La lại có núi Tản Viên, Tam Ðảo án ngự tạo thành thế đất đế vương theo quan điểm phong thuỷ.

Vị trí, điều kiện tự nhiên và tiến trình lịch sử đã tạo dựng những những tiền đề cho Ðại La-Thăng Long đóng vai trò kinh đô của đất nước thời kỳ phục hưng dân tộc. Nhưng vấn đề có ý nghĩa quyết định là nhận thức ra những tiền đề đó cũng như xác định được yêu cầu và khả năng tạo ra sức mạnh của đất nước để xây dựng và bảo vệ đô thành trên một địa bàn trọng yếu nhưng rất trống trải về địa hình như thế. Cống hiến lớn lao của vua Lý Thái Tổ là nhận thức được điều đó, tự tin ở sức mạnh của đất nước và đi đến một quyết đoán lịch sử. Những ý tưởng và suy tính của nhà vua được trình bày ngắn gọn trong văn kiện lịch sử Chiếu dời đô, phản ánh một tư duy chiến lược bao quát, một tầm nhìn xa trông rộng, trong đó chắc hẳn có sự đóng góp của thiền sư-cố vấn chính trị Vạn Hạnh. Vua Lý Thái Tổ là người sáng lập kinh thành Thăng Long. Nhưng điều có ý nghĩa cơ bản là Lý Thái Tổ và các vua Lý kế nhiệm đã dày công kiến lập để Thăng Long xứng đáng với vị trí và vai trò kinh đô của nước Ðại Việt trên con đường phục hưng dân tộc, và dĩ nhiên công việc xây dựng đô thành phải gắn liền với công việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngay trong mùa thu năm 1010, nhà Lý đã khẩn trương xây dựng một số cung điện làm nơi ở và làm việc của vua, triều đình và hoàng gia, mà trung tâm là điện Càn Nguyên, nơi thiết triều của nhà vua, hai bên có điện Tập Hiền và Giảng Võ, phía sau là điện Long An, Long Thuỵ làm nơi vua nghỉ. Ðến cuối năm 1010, 8 điện 3 cung đã hoàn thành. Những năm sau, một số cung điện và chùa tháp được xây dựng thêm. Một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp trong năm đầu, gọi là Long Thành hay Phượng Thành. Thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Ðại Hưng ở phía nam, Diệu Ðức ở phía bắc. Căn cứ vào sử liệu và di tích còn lại, có thể xác định cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Ðông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã. Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Diên Hữu (chùa Một Cột) và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà). Cửa Ðại Hưng ở khoảng gẩn Cửa Nam hiện nay. Cửa Diệu Ðức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Ðình Phùng hiện nay. Trong Long Thành có một khu vực được đặc biệt bảo vệ gọi là Cấm Thành là nơi ở và nghỉ ngơi của vua và hoàng gia.

Long Thành và Cấm Thành là trung tâm chính trị của kinh thành. Phía ngoài, cùng với một số cung điện và chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và thôn trại nông nghiệp. Một vòng thành bao bọc toàn bộ khu vực này bắt đầu được xây đắp từ năm 1014, gọi là thành Ðại La hay La Thành. Vòng thành này vừa làm chức năng thành luỹ bảo vệ, vừa là đê ngăn lũ lụt. Thành được đắp mới và có tận dụng, tu bổ một phần thành Ðại La cũ đời Ðường. Thành Ðai La phía đông chạy dọc theo hữu ngạn sông Nhị như một đoạn đê của sông này từ Bến Nứa đến ô Ðông Mác, phía bắc dựa theo hữu ngạn sông Tô Lịch phía nam Hồ Tây từ Bưởi đến Hàng Buồm ngày nay, phía tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Bưởi đến ô Cầu Giấy, phía nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, ô Chợ Dừa, ô Cầu Dền, đến ô Ðông Mác. Thành Ðại la đời Lý mở các cửa: Triều Ðông (dốc Hoè Nhai), Tây Dương (Cầu Giấy), Trường Quảng (ô Chợ Dừa), Cửa Nam (ô Cầu Dền), Vạn Xuân (ô Ðống Mác). Thành Ðại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên. Một đặc điểm nổi bật của cảnh quan thiên nhiên của thành Thăng Long là nhiều sông hồ. Có thể nói Thăng Long-Hà Nội là một thành phố sông-hồ và ngay từ khi kiến lập, nhà Lý đã biết tận dụng địa thế tự nhiên này trong qui hoạch xây dựng nhằm biến những sông, hồ đó thành những con hào tự nhiên, những giao thông đường thuỷ tiện lợi và một hệ thống thoát nước, điều tiết môi trường, bảo vệ sinh thái. Vì vậy mặt bằng các vòng thành Thăng Long không coi trọng tính kỷ hà, đối xứng, vuông vắn mà uốn mình theo địa hình, thích nghi và tận dụng điều kiện thiên nhiên.

Thành Thăng Long đã được xây dựng theo qui hoạch “trong thành ngoài thị", một kiểu cấu trúc phổ biến của nhiều thành thị phương Ðông thời cổ-trung đại. Long Thành là khu vực thành-chính trị hay thành-quân vương, giữ vai trò đầu não của nhà nước quân chủ tập quyền, trung tâm chính trị của cả nước. Bao bọc phía ngoài, giữa Long Thành và thành Ðại La là khu vực thị-dân cư hay thành thị dân sự gồm các chợ bến, phố phường, thôn trại của nông-công-thương xen kẻ một số cung điện, dinh thự của thái tử và quý tộc, quan lại.

Thành Thăng Long từ trung tâm chính trị của nhà nước quân chủ đã sớm phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hoá, một đô thị phát đạt nhất của nước Ðại Việt.

Về mặt kinh tế, chợ-bến giũ vai trò rất quan trọng hoạt động công thương nghiệp của Thăng Long. Trên sông Nhị, sông Tô Lịch có nhiều bến thuyền, quan trọng và sầm uất nhất là bến Giang Khẩu (khoảng Hàng Buồm) và bến Triều Ðông (hay Ðông Bộ Ðầu, khoảng dốc Hoè Nhai). Trên bến và tại các cửa Hoàng Thành và thành Ðại La có các chợ, đông vui nhất là chợ Cửa Ðông (Hàng Buồm-đền Bạch Mã), chợ Cửa Tây (hay Tây Nhai, chợ Ngọc Hà). Khu vực buôn bán tập trung nhất của kinh thành là phía đông Hoàng Thành cho đến bờ sông Nhị, nơi có nhiều chợ bến và phố xá với những hoạt động buôn bán nhộn nhịp.

Tư liệu lịch sử đã ghi chép một số phường ra đời trong thời Lý. Phía đông Hoàng Thành có phường Giang Khẩu (Hàng Buồm), Thái Cực (Hàng Ðào), Hạc Kiều (bên sông Tô Lịch), Kim Cổ (Hàng Gai-Hàng Bông), Khúc Phố (Hàng Hòm-Hàng Bông), Ðông Hà (Hàng Gai-Tô Tịch-Hàng Quạt), Báo Thiên (bên hồ Hoàn Kiếm), Tàng Kiếm (Hàng Trống)... Phía nam có phường Phục Cổ (Nguyễn Du), Tả Nhất (cuối Phố Huế), Phong Vân (hay Vân Hồ, Lê Ðại Hành-Ðoàn Trần Nghiệp), Khang Thọ (ô Cầu Dền), Ông Mạc (ô Ðống Mác), Bố Cái (Ðồng Nhân).. Phía tây có phường Tây Nhai (Ngọc Hà), Vĩnh Xương (Hàng Cháo-Hàng Bột), Thịnh Quang (ô Chợ Dừa), Xã Ðàn ( ngõ và hồ Xã Ðàn)... Phía bắc, dọc theo sông Nhị có phường Cơ Xá (ven sông Nhị), Hoè Nhai (phố Hoè Nhai), Giang Tân (Hàng Than), Yên Hoa (Yên Phụ)... Phường là khu vực cư trú của cư dân với những nghề thủ công, những cửa hàng buôn bán. Các phường hình thành một cách tự nhiên và không theo một qui hoạch ô vuông cân đối như nhiều đô thị khác thời trung đại. Cùng với các phường, trong thành Thăng Long vẫn còn những trại nông nghiệp như trại Thủ Lệ và các trại phía tây Hoàng Thành. Quang thành Thăng Long, bên cạnh các làng nông nghiệp, đã hình thành một số làng thủ công nghiệp như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), các làng thủ công, các trại trồng dâu nuôi tăm quanh Hồ Tây, khu ruộng quốc khố ở Cảo Xã (Nhật Tảo, Từ Liêm)...

Do nhu cầu phát triển của đô thị, nhiều thợ thủ công, nhà buôn các nơi tìm về Thăng Long làm ăn, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo nên những hoạt động công thương nghiệp nổi trỗi của đất kinh kỳ. Kết cấu kinh tế của Thăng Long vẫn là nông-công- thương, nhưng hoạt động công-thương giữ vai trò chi phối. Thăng Long trở thành một trung tâm kinh tế có quan hệ giao lưu với nhiều vùng trong nước và thuyền buôn nước ngoài.

Về phương diện văn hoá, Thăng Long trở thành trung tâm hội tụ và đào tạo nhân tài của cả nước. Ðây là đế đô của vương triều Lý với nhiều Hoàng đế tài ba như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông; nhiều tướng soái kiệt xuất mà tiêu biểu là thái uý Lý Thường Kiệt, nhiều gương mặt quý tộc, quan lại sáng giá như thái hậu Ỷ Lan, thái sư Lý Ðạo Thành, hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn... Ðây cũng là nơi có trường Quốc Tử Giám và nơi mở những khoa thi tuyển chọn nhân tài, đào tạo đội ngũ trí thức với những tên tuổi như Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích, Bùi Quốc Khái...Ðồng thời đây cũng là một trung tâm Phật giáo với tên tuổi nhiều cao tăng như Vạn Hạnh, Viên Thông, Minh Không, Thông Biện... Thăng Long không những tập trung những cung điện của triều đình, mà còn có nhiều chùa tháp nổi tiếng, tiêu biểu là chùa Diên Hữu (chùa Một Cột), chùa Sùng Khánh Báo Thiên (chùa Báo Thiên). Trong 4 công trình nghệ thuật được coi là "An Nam tứ đại khí" của thời Lý, Trần, thì 2 công trình mang niên đại Lý trên đất Thăng Long là chuông Qui Ðiền (năm 1080 tại chùa Diên Hữu) và tháp Báo Thiên (năm 1057 tại chùa Báo Thiên). Trong những thập kỷ gần đây, khảo cổ chọc tìm thấy trong lòng đất Hà Nội nhiều di tích và di vật đời Lý, trong đó có những gạch ngói, đồ gốm sứ đạt trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao.

Kinh thành là nơi qui tụ cư dân và tài năng của cả nước nên cũng là trung tâm hấp thụ và toả sáng di sản văn hoá của dân tộc. Tại đây có những lễ hội lớn như hội đền Ðồng Cổ, hội Dóng, hội đền Hai Bà, những lễ hội Phật giáo... Các hình thức nghệ thuật biểu diễn như múa rối nước, hát tuồng, hát chèo... và các hình thức vui chơi như đua thuyền, đá cầu, đánh vật... đã trở thành những sinh hoạt văn hoá của đất kinh kỳ. Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam) còn miêu tả cụ thể cảnh vua nhà Lý ngự ra điện Linh Quang trên bến Ðông Bộ Ðầu bên sông Nhị để xem đua thuyền và múa rối nước vào ngày 3 tháng 8 âm lịch.

Sau hai thế kỷ xây dựng, Thăng Long đời Lý đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước Ðại Việt, một đô thị phồn vinh. Trong thời gian thịnh đạt của vương triều, nhà Lý đã bảo vệ vững chắc kinh đô, cuộc xâm lăng của quân Tống bị chặn đứng và đánh bại trên phòng tuyên Như Nguyệt, tạo nên một thời kỳ ổn định và thanh bình cho công cuộc kiến lập kinh thành. Thăng Long là trung tâm qui tụ, kết tinh tài năng, trí tuệ dân tộc, tạo nên phong cách và truyền thống văn hoá Thăng Long để từ đây toả chiếu ảnh hưởng ra cả nước.

Ðịnh đô Thăng Long năm 1010 là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long-Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước.

Từ đó, Thăng Long dù tên gọi có thay đổi như Ðông Ðô thời cuối Trần và Hồ, Ðông Kinh thời Hậu Lê hay Kẻ Chợ theo cách gọi dân gian của thời Lê trung hưng, rồi Hà Nội thời kỳ nước Cộng hoà dân chủ và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gần như liên tục là kinh thành của nước Ðại Việt, Việt Nam. Trong 991 năm lịch sử thủ đô Thăng Long-Hà Nội, thời gian gián đoạn tính ra chỉ có 20 năm Minh thuộc (1407-1427), 14 năm (1788-1802) thời Tây Sơn và 143 năm (1802-1945) thời Nguyễn. Nhưng trong thời Minh thuộc (1407-1427) với tên thành Ðông Quan là thủ phủ của quận Giao Chỉ, thời Pháp thuộc (1884-1845) với tên Hà Nội là thủ phủ của Ðông Dương thuộc Pháp. Thăng Long-Hà Nội giữ vai trò kinh đô lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc và cũng thuộc loại những kinh đô có bề dày lịch sử nhất trên thế giới. Thật xứng đáng với sự lựa chọn và tiên liệu của vua Lý Thái Tổ, "thượng đô của Kinh sư muôn đời”.

Sau thời Lý, lịch sử tiếp tục tiến trình của nó, đất nước qua nhiều vận hội và thách thức, lịch sử có những lúc thăng trầm, nhưng tất cả tạo thành một dòng chảy liên tục mà những gì vua Lý Thái Tổ và vương triều Lý đã tạo lập nên giữ vai trò rất quan trọng, mãi mãi được sử sách ghi nhận, để lại dấu ấn rất đậm trong ký ức và tình cảm của nhân dân, khởi đầu lịch sử thủ đô Thăng Long-Hà Nội và góp phần tạo dựng truyền thống văn hiến và anh hùng của đất kinh kỳ.Lý Công Uẩn (974 – 1028) D:\My Pictures\ly cong uan
Chữ ký của huyenz0ny





Lý Công Uẩn (974 – 1028) I_icon_minitime



Sponsored content

Bài gửiTiêu đề: Re: Lý Công Uẩn (974 – 1028)

 
Chữ ký của Sponsored content




 

Lý Công Uẩn (974 – 1028)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: NHÂN VẬT LỊCH SỬ :: Nhân Vật Lịch sử Việt Nam-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất