Vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand là một trong những vụ ám sát gây chấn động nhất thế giới thế kỷ 20, là nguyên nhân trực tiếp của Thế chiến thứ nhất. Vụ ám sát diễn ra vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 tại Sarajevo, Bosna do Tổ chức Bàn tay đen tổ chức. Người trực tiếp bắn chết thái tử là Gavrilo Princip, một sinh viên người Serbia và thuộc tổ chức Bàn tay đen. Sau vụ ám sát này, giới quân phiệt Đức, Áo-Hung chớp lấy cơ hội gây chiến tranh bằng cách đổ tội cho chính phủ Serbia đứng đằng sau vụ ám sát và cuối cùng ngày 28 tháng 7 1914 Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Nhưng thực ra đó chỉ là "giọt nước tràn ly". Chiến tranh là "phải nổ ra" do mâu thuẫn giữa các quốc gia của các bên đã chín muồi và các bên tham chiến từ lâu đã chuẩn bị chiến tranh để giải quyết các mâu thuẫn đối kháng với nhau và phân chia lại thế giới.
Nguyên nhân và bản chất của chiến tranh này là rất phức tạp, đa diện và được nhiều phía tổng kết theo cách nhìn của mình.
Vladimir Ilyich Lenin và những người Bolshevik, cùng một phần lớn những người xã hội chủ nghĩa của châu Âu phân tích có cơ sở và cho rằng chiến tranh là mâu thuẫn của sự phát triển của các chủ nghĩa đế quốc cầm đầu ở châu Âu và chiến tranh có tính chất chiến tranh đế quốc: là sự phân chia lại thế giới của các đế quốc, là cuộc chiến tranh phi nghĩa đối với tất cả các phe tham chiến. Nguyên nhân theo phân tích của Lenin: sự lớn mạnh của Đế quốc Đức sau Chiến tranh Pháp-Phổ: những tham vọng thuộc địa và chia lại thị trường thế giới của nước này gặp phải sức phản kháng của các "đế quốc già" là Anh, Pháp và Nga. Đế chế Áo – Hung và Đế chế Ottoman đã suy yếu không còn đủ "tư cách" và vai trò để có ảnh hưởng trong khu vực Trung Âu, Balkans và Kavkaz. Các cường quốc khác can thiệp vào khu vực đó để tranh giành ảnh hưởng... Sự mâu thuẫn mang tính chất đế quốc chủ nghĩa đòi hỏi một cuộc "chém giết lớn" để phân ngôi thứ và lập lại trật tự thế giới có lợi cho kẻ thắng trên cơ sở những mất phần của kẻ thua.