Hậu trường vụ Clinton thăm Bắc Hàn
Kim Ghattas
BBC News, Washington
Cựu Tổng thống Bill Clinton và lãnh đạo Kim Chính Nhất
Đó là một chuyến đi giải cứu kịch tính, với sự kết hợp của các nhân vật ấn tượng cùng đầy đủ chi tiết cho một cuốn tiểu thuyết trinh thám.
Một vị cựu Tổng thống đầy sức cuốn hút bay qua Thái Bình Dương để giải cứu cho hai cô gái đang lâm nạn.
Một cuộc gặp gỡ với một lãnh đạo kỳ bí, ẩn dật tại một đất nước hầu như bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
Một nhân vật nổi tiếng của Mỹ tới nơi để giải quyết khủng hoảng, trong khi phu nhân của ông - hiện là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước - cũng có chuyến công cán nước ngoài.
Sứ mạng của ông Clinton tới Bắc Hàn nhằm giải thoát cho hai nữ phóng viên Mỹ bị cầm tù - Laura Ling và Euna Lee - còn cho thấy một cái nhìn đối với lối ngoại giao hậu trường, cách tiến đến một thỏa thuận và là lời nhắc nhở về vai trò của các cựu Tổng thống Hoa Kỳ.
Tại một thành phố, nơi mà việc rò rỉ thông tin cho báo chí là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ , mọi người tham gia vào sứ vụ này đều hết sức kín kẽ về chuyến đi - thậm chí cả sau khi ông Bill Clinton đã hạ cánh - từ các quan chức Tòa Bạch Ốc đến Bộ Ngoại giao giúp đỡ thương lượng và lên kế hoạch cho chuyến đi, tới đội ngũ các cựu quan chức và cộng sự đi cùng với ông Clinton.
‘Nghỉ hưu đi mua sắm’
Bà Hillary Clinton cũng không hé lộ về chuyện này . Trên thực tế, trong khi người ta còn đang hoàn tất các khâu chuẩn bị cho chuyến đi của chồng bà, tức khoảng hôm 25/7, bà còn tham gia vào cuộc khẩu chiến với Bắc Triều Tiên.
Sau khi chỉ trích giới lãnh đạo Bắc Hàn là “những đứa trẻ bất trị” chỉ muốn làm người khác chú ý, bà Clinton bị Bình Nhưỡng gọi là một “quí bà không thông minh”, và một “người nghỉ hưu” nên dành thời gian đi mua sắm.
Mặc dù Tòa Bạch Ốc khẳng định chuyến thăm của ông Clinton là một sứ mệnh nhân đạo riêng tư, chính quyền đã kiểm soát chặt việc thương thảo.
Tôi nghi là Tổng thống Clinton sẽ có những quan sát thú vị từ chuyến thăm này
Barack Obama
Truyền thông Mỹ cho biết các quan chức liên quan bao gồm cố vấn an ninh quốc gia, tướng James L Jones và chuyên gia hàng đầu của Hội đồng an ninh quốc gia về khu vực là Jeff Bader.
Một quan chức Mỹ còn nói Bắc Hàn đã đảm bảo trước khi ông Clinton đi Bình Nhưỡng rằng họ sẽ trả tự do cho hai phụ nữ này.
Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có quan hệ ngoại giao, nhưng thường liên lạc qua các kênh tại Liên Hiệp Quốc cũng như qua nhiều nguồn trung gian khác.
Hiện vẫn còn nhiều thông tin trái ngược về tiến trình sự kiện, nhưng có vẻ như việc chọn ông Bill Clinton làm đặc sứ là do chính Bắc Hàn đề nghị.
Bắc Hàn được biết đã nói với hai nữ phóng viên là điều này giúp cho họ được trả tự do.
Cô Ling và cô Lee nay đã được đoàn tụ với gia đình. Các gia đình, về phần mình, đã thông báo lại bộ Ngoại giao thông qua cựu phó Tổng thống Al Gore.
Một quan chức Mỹ nói Tổng thống Barack Obama đã đề nghị ông Clinton lãnh sứ mạng này.
Gần như xin lỗi
Sau khi hạ cánh xuống Burbank, California, cô Ling kể chuyện cô và đồng nghiệp Lee được gác ngục thông báo họ sẽ đi tới một buổi gặp gỡ, và khi họ vào một căn phòng thì thấy cựu Tổng thống Mỹ đang đứng trước mặt.
Hai phóng viên này tháng trước đã xin lỗi, thông qua một tuyên bố tới gia đình, vì đã vượt biên giới bất hợp pháp vào Bắc Hàn từ Trung Quốc.
Ngày hôm sau, bà Hillary Clinton nhắc lại thông điệp này trong một diễn văn trên truyền hình - nhưng không hẳn là một lời xin lỗi của Washington, chỉ gần gần như thế, đủ để đưa đến một quá trình dẫn tới việc cuối cùng trả tự do cho hai phóng viên này.
Chính quyền Obama bác bỏ các tin tức trên truyền thông Bắc Hàn nói rằng ông Clinton đã xin lỗi thay mặt cho hai nữ phóng viên này. Các quan chức cũng nói họ không đưa ra nhân nhượng gì cho phía Bắc Hàn.
Tuy nhiên, đối với chính quyền theo đường lối bí mật Bắc Hàn cùng vị lãnh đạo ốm yếu luôn muốn được Washington chú ý và công nhận, chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ - người lại là phu quân của Ngoại trưởng hiện nay - tự nó đã là một sự nhân nhượng.
Suy cho cùng, họ đã bác bỏ mọi đề nghị tiến cử những người khác làm đặc sứ, mà lại đề nghị muốn giải quyết vụ này với ông Clinton.
Bức hình Kim Chính Nhất mỉm cười khi ngồi cạnh ông Clinton nghiêm nghị cũng giúp cho lãnh đạo Bắc Hàn được dịp tự quảng bá hình ảnh của mình ở trong nước, vào lúc tin cho hay ông ta đang ốm yếu và chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người con thứ ba.
Tuy nhiên, có thể đã có đánh giá rằng đây là một sự nhượng bộ mà Washington có thể đưa ra, vì chính quyền ông Obama cũng chẳng mất quyền lợi chính trị gì mà vẫn giữ khoảng cách khi gửi đi một cựu lãnh đạo thay vì một quan chức đang nắm quyền.
Đây là quyết định, có lẽ đã được dự kiến trước, rằng sẽ bị giới bảo thủ chỉ trích.
Ông John Bolton, đại sứ của chính quyền Bush tại Liên Hiệp Quốc, nói chính quyền Obama đang tưởng thưởng cho Bắc Hàn vì hành vi xấu chơi.
Trong một bài xã luận, ông Bolton viết: “Cho dù đã có hàng thập niên cả hai đảng của Mỹ đều đưa ra tiếng nói là không thương lượng với khủng bố để đòi trả tự do cho con tin, có vẻ như chính quyền Obama không chỉ chọn cách thương lượng, mà còn gửi đi một vị cựu Tổng thống để làm chuyện này”.
Tuy nhiên, Bắc Hàn cũng giữ được thể diện khi trả tự do cho hai phóng viên mà không tỏ ra là phải chịu quá nhiều áp lực từ bên ngoài.
Tận dụng cựu Tổng thống
Trong khi không ai mong đợi sẽ có bước đột phá, các quan chức hi vọng rằng Bình Nhưỡng giờ đây sẽ đi ngược lại một vài tuyên bố gần đây, như rút khỏi các cuộc đàm phán sáu bên - là tiến trình mà cộng đồng quốc tế tìm cách thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình nguyên tử.
Phát biểu với hãng NBC, bà Clinton nói: “Có thể bây giờ họ sẽ sẵn lòng nói chuyện với chúng tôi - trong bối cảnh đàm phán sáu bên - về ước nguyện của quốc tế muốn thấy họ giải giáp”.
Tổng thống Obama cũng tái khẳng định rằng Bắc Hàn phải từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu họ muốn có quan hệ tốt hơn với thế giới bên ngoài.
Hiện vẫn chưa rõ ông Kim và ông Clinton đã thảo luận những gì.
Tuy nhiên, hai người đã nói chuyện ba tiếng đồng hồ, và có thể hồ sơ hạt nhân - điều mà ông Clinton vốn biết rõ - cũng được bàn thảo.
Điều này một phần giải thích tại sao ông Clinton lại quan tâm tới việc nhận lãnh trách nhiệm thách thức này.
Chính quyền của ông Clinton đã chứng kiến sự tan băng trong quan hệ với Bắc Hàn dưới chính sách Chiêu dương của Nam Hàn.
Năm 1994, dưới chính quyền Clinton, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã có một sứ mạng tới Bình Nhưỡng, dẫn đến bước đột phá về thương lượng hạt nhân và vào năm 2000, Ngoại trưởng Madeleine Albright cũng đã tới thăm Bình Nhưỡng.
Tổng thống Clinton hi vọng sẽ tới thăm Bắc Hàn trước khi rời nhiệm sở, nhưng sau không thực hiện được do quá bận mải với các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông.
Như vậy, dù kết quả là thế nào, ông Clinton - với tư cách quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp Kim Chính Nhất trong 9 năm - sẽ trở về với những đánh giá quý báu về tình trạng sức khỏe và tinh thần của ông Kim, và có thể còn về chuyện lãnh đạo Bắc Hàn sẵn lòng đến đâu trong việc ngồi xuống đối thoại.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng MSNBC, Tổng thống Obama nói: “Tôi nghi là Tổng thống Clinton sẽ có những quan sát thú vị từ chuyến thăm này”.
Tổng thống Mỹ cũng cám ơn ông Clinton vì nỗ lực nhân đạo ‘phi thường’.
Sứ mệnh này đã đặt ra một số câu hỏi về vai trò của cựu Tổng thống dưới chính quyền Obama.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Robert Wood, không muốn bị lôi kéo vào các đồn đoán thì chỉ ra rằng việc ông Clinton tham gia vào vụ này là kết quả của tình huống riêng biệt.
Tuy nhiên, Michael Duffy, chủ bút tạp chí Time, người đang viết cuốn ‘Câu lạc bộ Tổng thống’ về vai trò của các cựu Tổng thống, thì nói: “mối quan hệ giữa Tổng thống đương nhiệm với những người tiền nhiệm đã tồn tại từ trước và sẽ còn tiếp tục”.
Như chính ông Clinton ngày trước đã nhờ tới ông Jimmy Carter giúp đỡ, ông Duffy cho rằng Tổng thống Obama sẽ còn dùng tới ông Clinton trong tương lai nữa, ngay cả khi ông là chồng của đương kim Ngoại trưởng.
Ông Duffy nói thêm phu nhân của ông Clinton là một yếu tố vừa “làm phức tạp hóa vừa đơn giản hóa” mọi thứ cùng lúc.
Hai phóng viên bất ngờ khi gặp cựu tổng thống Mỹ