[sửa] Trừ anh em họ Viên
Sau một thời gian ngơi nghỉ, Tào Tháo mang quân truy kích Viên Thiệu. Tháng 4 năm 201, hai bên gặp nhau ở Thương Đình (ven sông Hoàng Hà). Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận lớn nữa. Viên Thiệu thu quân về, tinh thần suy sụp, mắc bệnh nằm một chỗ.
Trong lúc họ Viên suy yếu, Tào Tháo kịp mang quân về Hứa Xương (tháng 6 năm 201) rồi điều quân tấn công Lưu Bị đang liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô ở Nhữ Nam. Ban đầu ông sai Sái Dương đi đánh nhưng Dương bị Lưu Bị giết chết. Tào Tháo bèn tự cầm đại quân đi đánh. Quân Tào giết chết Cung Đô, Lưu Bị không chống nổi, phải bỏ chạy về Kinh châu theo Lưu Biểu.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể việc Sái Dương do Quan Vũ giết trong quá trình "qua 5 ải chém 6 tướng" sau khi chia tay Tào Tháo trước trận Quan Độ nhưng thực ra không có việc qua ải chém tướng của Quan Vũ và Sái Dương bị giết ở trận Nhữ Nam[43].
Tạm yên mặt nam, Tào Tháo quay trở lại đánh Hà Bắc. Tháng 5 năm 202, Viên Thiệu ốm không khỏi, qua đời. Khi quân Tào sáp đánh, các con Viên Thiệu là Viên Đàm (con cả) và Viên Thượng (con thứ 3) chia nhau chống giữ. Tào Tháo đánh Viên Đàm ở Lê Dương từ tháng 2 đến tháng 9 năm 203 không hạ được.
Nắm được nội tình anh em họ Viên đang tranh giành quyền thừa kế, Tào Tháo bèn rút đại binh để Đàm và Thượng đánh nhau, tự suy yếu lực lượng. Quả nhiên hai anh em mang quân đánh nhau, Viên Đàm bị thua chạy lên Bình Nguyên. Tào Tháo bèn mang đại quân trở lại, để chia rẽ họ Viên, ông lấy danh nghĩa cứu Viên Đàm. Viên Thượng hoảng sợ bỏ đánh Bình Nguyên rút về Nghiệp Thành, hai tướng của Thượng là Lã Khoáng, Lã Tường đầu hàng ông. Sau khi hứa kết thông gia với Viên Đàm, ông lại rút về nam cho anh em họ Viên đánh nhau. Nội tộc họ Viên lại tái chiến.
Đầu năm 204, Tào Tháo mang quân đánh Nghiệp Thành. Lúc đó Thượng lên Bình Nguyên đánh Đàm chưa về, thành do Thẩm Phối giữ. Quân Tào tấn công không nổi. Tháng 5 năm đó, Tào Tháo sai đào một hào lớn, dẫn nước sông Chương Hà vào thành. Nghiệp Thành bị nước bao vây cô lập, đến tháng 8 thì dân trong thành chết đói quá nửa[44].
Viên Thượng nghe tin vội về cứu, Tào Tháo điều quân chặn đánh. Quân của Thượng tan vỡ, các tướng dưới quyền chạy sang hàng Tào. Thượng bỏ chạy về Trung Sơn[45]. Thẩm Phối vẫn kiên cường phòng thủ, sai người mang nỏ cứng ra ngoài thành, phục ở chỗ Tào Tháo hay đi tuần qua, có lần ông suýt bị nỏ bắn trúng[46]. Nhưng sau đó cháu Phối là Thẩm Vinh phản họ Viên, mở cửa thành cho quân Tào. Tào Tháo hạ được thành, dụ hàng Thẩm Phối không được bèn sai mang chém để bảo toàn danh tiết cho Thẩm Phối.
Trong khi đó họ Viên vẫn đánh lẫn nhau. Viên Đàm đến Trung Sơn đánh Thượng, chiếm luôn Ký châu. Thượng bỏ chạy tới U châu theo anh hai là Viên Hy.
Tào Tháo gửi thư tuyên bố cắt đứt thông gia với Viên Đàm, trả lại con gái Đàm và tiến đánh Bình Nguyên. Đàm bỏ chạy về Nam An. Tháng 1 năm 205, Tào Tháo tiến đánh Nam An. Đàm bị thủ hạ giết chết để hàng Tào.
Anh em Viên Hy, Viên Thượng ở U châu không lâu thì thủ hạ của Hy là Tiêu Xúc, Trương Nam làm phản, hai anh em phải bỏ chạy sang Liêu Tây, nương nhờ thủ lĩnh Ô Hoàn là Đạp Đốn. Tháng 10 năm 205, Tào Tháo mang đại quân tấn công Liêu Tây, đánh đuổi bộ lạc Ô Hoàn ở 3 bộ Liêu Tây, Liêu Đông và Hữu Bắc Bình ra khỏi Trường Thành. Anh em Hy và Thượng cùng Đạp Đốn chạy sang Liêu Đông với Công Tôn Khang.
Cháu Viên Thiệu là Cao Cán[47] trấn thủ Tinh châu, trước nghe tin họ Viên bại trận bèn đầu hàng Tào Tháo. Thấy ông đi đánh Ô Hoàn, Cán lại làm phản. Tháng 1 năm 206, ông dẫn quân trở về đánh Cán. Cán thua chạy đi cầu cứu Hung Nô không được, trở về đến Thượng Lạc[48] thì bị giết.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng Cao Cán là con rể của Viên Thiệu.
Đầu năm 207, anh em họ Viên đến Liêu Đông. Tào Tháo đi chiêu hàng đến Liễu Thành (Liêu Tây), không mang quân truy đuổi anh em họ Viên đến Liêu Đông. Ông đoán biết nếu tiến đánh, Công Tôn Khang sẽ liên hợp với họ Viên, vì vậy ông chủ ý lui quân về phía nam, tỏ ý không truy bức, Khang sẽ thanh trừng họ Viên.
Tào Tháo không chờ động tĩnh từ phía Khang mà chủ động rút lui khỏi Liễu Thành về nam trong hoàn cảnh rất gian khổ. Khi đó ở phía bắc rất lạnh, quân đội của ông bị rét cóng; toàn quân đi 200 dặm không có nước; sau đó phải đào giếng sâu tới 39 trượng mới có nước. Lương thực hết, quân Tào phải giết ngựa chiến để ăn. Quân Tào ăn hết vài ngàn con ngựa mới về tới khu vực có lúa của người Hán. Các nhà sử học Trung Quốc nêu giả thiết, nếu anh em họ Viên biết được tình cảnh thê thảm đó của quân Tào mà dẫn tàn quân truy kích thì chưa biết tình hình sẽ ra sao[49].
Đúng như dự liệu của Tào Tháo, Công Tôn Khang lập tức bắt chém anh em Hy, Thượng và Đạp Đốn ngay lúc đến ra mắt, sai người mang 3 thủ cấp nộp Tào Tháo - khi đó ông đã về đến Nghiệp Thành. Ông phong chức Tương Bình hầu cho Khang để thưởng công.
[sửa] Nam tiến
Sau khi diệt họ Viên, Tào Tháo hoàn toàn làm chủ trung nguyên, trở thành lực lượng mạnh nhất Trung Quốc khi đó. Ông tiến hành cải cách triều đình Đông Hán, khôi phục lại chức Thừa tướng và tự mình đảm nhiệm, đưa hàng loạt người thân tín nắm những chức vụ quan trọng trong triều đình cũng như những nơi hiểm yếu.
Các lực lượng chư hầu có địa phận liền kề với ông khi ông mới về Hứa Xương đều đã bị dẹp. Khi đó trong toàn quốc còn lại Lưu Biểu và Lưu Bị ở Kinh châu, Tôn Quyền ở Giang Đông, Trương Lỗ ở Đông Xuyên, Lưu Chương ở Tây Xuyên, Hàn Toại và Mã Đằng ở Tây Lương. Tào Tháo quyết định nam tiến diệt Lưu Biểu và Tôn Quyền là những lực lượng đáng kể nhất trong số các chư hầu còn lại.
[sửa] Lấy Kinh châu
Lưu Bị từ khi thua Tào Tháo ở Nhữ Nam chạy về Kinh châu theo Lưu Biểu, được sai trấn giữ ở Tân Dã.
Tháng 7 năm 208, Tào Tháo khởi binh nam tiến, đánh Kinh châu. Tháng 8 năm đó, khi quân Tào chưa đến nơi thì Lưu Biểu đã ốm chết. Tháng 9, Tào Tháo tiến đến Tân Dã. Lưu Bị từ khi nghe tin đại quân Tào Tháo kéo đến đã bỏ Tân Dã về Phàn Thành.
Quân Tào áp sát, con nhỏ của Lưu Biểu là Lưu Tông - người được quyền thừa kế - sợ hãi đầu hàng Tào Tháo. Lưu Bị nghe tin Lưu Tông đầu hàng bèn mang hơn 10 vạn dân chạy đến Giang Lăng - nơi chứa lương thảo và vũ khí của Kinh châu - để thế thủ. Tào Tháo chọn 5000 quân kỵ khoẻ ngày đêm đuổi theo, một ngày đi 300 dặm. Khi quân Tào tới Đương Dương - Tràng Bản thì bị mãnh tướng Trương Phi đánh chặn, tạm thời phải dừng lại.
Vừa lúc đó sứ giả của Tôn Quyền là Lỗ Túc đến Tràng Bản, gặp được Lưu Bị. Theo lời khuyên của Lỗ Túc, Lưu Bị quyết định liên minh với Tôn Quyền để chống Tào, sai Gia Cát Lượng sang Đông Ngô; bản thân Lưu Bị hợp binh với Quan Vũ về cố thủ ở Giang Hạ với con lớn của Lưu Biểu là Lưu Kỳ.
Tào Tháo thúc quân đuổi tiếp đến Giang Lăng nhưng không thấy Lưu Bị, bèn chiếm lấy kho lương và vũ khí ở đó. Sau đó ông tập hợp đại quân chuẩn bị tiến đánh Tôn Quyền.
[sửa] Thua trận Xích Bích
Xem bài chính: Trận Xích Bích
Tào Tháo cùng các tướng Tào Nhân, Nhạc Tiến, Tào Thuần, Lý Thông, Mãn Sủng và tướng cũ của Lưu Biểu là Văn Sính dẫn khoảng 22 vạn quân[50] áp sát Giang Đông. Với lực lượng hùng hậu, ông tỏ ra coi thường lực lượng nhỏ yếu của Tôn Quyền, rất tin tưởng vào thắng lợi ở trận này nên không mang theo các danh tướng khác[51]. Ông gửi thư cho Tôn Quyền nói:
"Ta vâng mệnh hoàng đế, điếu dân phạt tội, tiến quân xuống nam, Lưu Tông con Lưu Biểu đã trói tay xin hàng; hiện đã chỉnh đốn 80 vạn quân thủy, chuẩn bị đánh nhau với ngươi ở Ngô quận"[52].
Tôn Quyền liên kết với Lưu Bị, sai Chu Du mang 3 vạn quân ra phối hợp với Lưu Bị chống lại.
Thủy quân Tôn-Lưu ngược dòng Trường Giang từ Hán Khẩu-Phàn Khẩu tới Xích Bích, giao tranh với tiền quân của Tào Tháo. Quân Tào đi đường xa, không hợp thủy thổ, bị bệnh dịch hành hạ nên không thể giành được lợi thế trong những trận giao tranh nhỏ ban đầu và buộc phải lui về đóng quân ở Ô Lâm (phía Bắc Trường Giang).
Để giảm sự tròng trành của thuyền chiến (quân Tào không quen thủy chiến hay bị say sóng), Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối nhiều thuyền lại với nhau. Quan sát động thái này của Tào Tháo, tướng Hoàng Cái bên Đông Ngô kiến nghị Chu Du dùng kế trá hàng và được Chu Du tán đồng. Hoàng Cái sai người gửi thư trá hàng và Tào Tháo tin theo.
Theo thời gian đã hẹn, đội "hàng binh" của Hoàng Cái đến giữa sông thì các hỏa thuyền bắt đầu được châm lửa và chúng theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội của quân Tào. Các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh mã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông. Trong lúc quân Tào đang hoảng hốt vì đám cháy thì liên quân Chu Du đã chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng của Tào Tháo, buộc ông phải ra lệnh rút lui sau khi phá hủy một phần số thuyền chiến còn lại.
Tào Tháo cùng bại binh rút lui về phía đường cái Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía Bắc hồ Động Đình. Chu Du và Lưu Bị không ngừng đuổi theo ông cho tới tận Nam Quận. Cuối cùng, thiệt hại nặng nề khiến Tào Tháo phải bỏ miền Nam rút về Nghiệp Quận, để lại Từ Hoảng và Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương và Mãn Sủng giữ Đương Dương.