Cao Bá Quát (Kỉ Tị 1809 – Giáp Dần 1854)
Danh sĩ thời Tự Đức, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).
Ông là em sinh đôi với Cao Bá Đạt, nổi tiếng văn chương đương thời, tổ xa đời là Cao Bá Hiên làm đến Thượng thư bộ Binh đời hậu Lê, cha là Cao Cửu Chiếu, cũng là bậc tài danh đương thời.
Năm Tân Mão 1831, ông 22 tuổi, đậu Á nguyên trường thi Hà Nội. Nhưng thi Hội 2 phen đều bị đánh hỏng, ông buồn không thi cử nữa, ngao du non nước. Năm Tân Sửu 1841, quan đầu tỉnh Bắc Ninh để cử ông với triều đình, ông được triệu vào kinh sung chức Hành tẩu bộ Lễ. Ít lâu, được cử chấm thi ở trường Hương Thừa Thiên, ông và bạn đồng sự là Phan Nhạ dùng khói đèn chữa một ít quyển văn hay mà phạm húy, toan cứu vớt người tài. Việc bị phát giác. Giám sát trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, ông bị kết vào tội chết. Nhưng vua Thiệu Trị giảm tội cho ông, chỉ cách chức và phát phối vào Đà Nẵng.
Gặp khi có sứ bộ Đào Trí Phú sang Tân Gia Ba công cán, ông được tha cho rời khỏi phối sở, theo sứ bộ đi lập công chuộc tội. Xong việc trở về, ông được phục chức cũ, rồi thăng làm chủ sự.
Năm giáp dần 1854, ông phải đổi lên Sơn Tây, làm Giáo thọ ở phủ Quốc Oai. Ông buồn chán, phẩn chí bỏ quan theo làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình. Việc khởi nghĩa ở Mĩ Lương thất bại, ông bị bắt rồi bị hành quyết cùng với hai con là Cao Bá Phùng và Cao Bá Phong năm ông 45 tuổi. Anh ông là Bá Đạt cũng bị liên lụy.
Ông còn để lại cho đời bộ sách Chu Thần thi tập. Thơ văn ông dù bằng chữ Hán hoặc quốc âm đều hay và có giá trị nghệ thuật. Những bài ca trù của ông rất xuất sắc. Đặc biệt bài phú Tài tử đa cùng, chỉ riêng một bài này thôi cũng đủ nêu cao tên tuổi ông đối với văn học nước nhà.
Khi ông mất mới 45 tuổi, bạn ông là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu có bài thơ truy điệu ông rất thâm trầm:
Duy biên thư sử, bích thiên cầm,
Nhất mộng du du, nhất hảo âm.
Sơn hải di tang hà sứ ẩn
Hương quan li hận thử hồi thâm!
Văn chương hữu mạng tương chung thủy
Thanh khí đồng bi tự cổ câm (kim)
Ngô đạo vị kham phân hiển hối,
Âu y kì nãi sĩ lưu tâm
Bản dịch:
Đàn còn bên vách, sách bên màn
Một giấc nghìn thu bặt tiếng vang.
Điên đảo non sông nhòa lối cũ, /
âm thầm đất nước ngấm bi thương.
Duyên văn đã kết đây cùng đó,
Nghĩa cũ dù ai nhớ chẳng buồn! /
Đạo học tỏ mờ chưa dễ biết
Cửa người khép nép mãi sao đương.
Tác phẩm của ông sau này được sưu tầm và khắc in là Cao Chu Thần thi văn tập. Có giá trị văn chương, học thuật cao của lịch sử văn học cận đại Việt Nam.