(VOV) - Thơ Phạm Công Liên thể hiện rõ tâm hồn của người chiến sĩ, một thương binh giàu nghị lực, biết vượt lên số phận nghiệp ngã, những khó khăn của cuộc sống đời thường
Tôi đã từng được đọc nhiều tác phẩm của người lính, trong đó có những thương binh nặng, và thấy rằng, những ai đã trải qua nhiều nỗi đau thì càng thấm thía được giá trị của hạnh phúc, càng muốn vươn tới hạnh phúc, và khi đạt được thì hạnh phúc ấy lại càng ngọt ngào. Tập thơ “Có một khoảng trời”của anh thương binh Phạm Công Liên (NXB Văn hoá thông tin) cũng đem đến cảm nhận như vậy.
Tác giả Phạm Công Liên sinh ngày 12/10/1949 ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Anh là Hội viên Hội văn học nghệ thuật Thái bình, từng nhận nhiều giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Thái Bình và Bắc Ninh. Nhập ngũ năm 1968, đi chiến trường B2 Tây Ninh, anh bị thương ở cột sống và năm 1976 được về điều trị ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành.
Thơ của anh thể hiện rõ tâm hồn của người chiến sĩ, một thương binh giàu nghị lực, biết vượt lên số phận nghiệp ngã, những khó khăn của cuộc sống đời thường. Trong thơ anh, người đọc cảm nhận nhiều cung bậc tình cảm với một bản sắc rất riêng: giàu tình cảm, ngời sáng tình người, tràn ngập một tình yêu trong trẻo và khát vọng sống mãnh liệt, lạc quan.
Không lẩn tránh sự thật - nỗi đau chiến tranh, bài thơ “Những người đàn ông”đã mô tả nỗi dày vò nội tâm của những người thương binh:
“Sau chiến tranh có một khu làng lạ lắm!
Mấy trăm người đàn ông ra tắm nắng mặt trời
Họ ngồi xe lăn- nửa thân mình dập nát…
Sau chiến tranh có một khu làng lạ lắm!
Mấy trăm người đàn ông thèm một tiếng ru hời
Ngồi dưới gốc bàng không nói một lời
Không tính tuổi mình, tính lá bàng rơi…”
Thế rồi những sẻ chia nỗi đau đã khiến hạnh phúc được nhân lên để rồi:
“Làng dần vui lên
Những người đàn ông ngồi dưới gốc bàng khẽ hát
Lớp trẻ lớn lên đi khắp miền đất nước
Những người cha ngồi xe lăn bồi hồi
Ngậm ngùi-cười
Ngậm ngùi – yêu
Ngậm ngùi…hạnh phúc!”
Chắc chắn những ai chưa từng kinh qua chiến tranh, không thể cảm nhận được tận cùng của sự khốc liệt như những người lính ấy. Bài thơ “Lạc rừng”đã mô tả không chỉ cái khốc liệt chiến trận mà còn mổ xẻ ngóc ngách tâm hồn của con người trong bối cảnh ấy:
“Chưa bao giờ có chiều buồn như thế
Cánh rừng hoang xác lính phủ đen sì
Một đợt gió lạc loài bay như thể
Qua trần gian chật lối. Rẽ bay đi!”
Ấy vậy mà giữa khốc liệt, thương đau, người lính vẫn cảm nhận rất tinh tế sự sống đang về:
"Lê giữa đại ngàn tôi đói khát
Không lương khô. Khát nước, vết thương đau
Khi nằm ngửa giữa tầm rơi đại bác
Chợt nhìn lên: nhành lan nở trên đầu.”
Chính sự dịu dàng của vẻ đẹp và hương thơm mà biểu tượng đưa ra là nhành lan rừng đã khiến người thương binh vượt lên tìm được sự sống. Người lính bộc bạch:
"Tôi cần uống, cần ăn, cần thương mến…
Hoa lan đau không? Em vẫn dịu mềm
Chẳng bận bịu gì bom rơi đạn nổ
Khói mịt mù hoa vẫn tự mình thơm".
Với 61 bài thơ, “Có một khoảng trời”của Phạm Công Liên mang đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc đẹp, như món quà của lòng mình và tin rằng: giữa cơn lốc của cuộc sống ào ạt hôm nay, những câu thơ viết từ trái tim anh vẫn tìm được sự đồng cảm, sẻ chia cùng đọc./.
Thanh Thủy