CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay I_icon_minitimeMon Jun 20, 2016 10:01 pm

Vuhoangsonhn
Để mãi không quên

ĐIỀU HÀNH VIÊN

Vuhoangsonhn

ĐIỀU HÀNH VIÊN

http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_vi%C3%AAn:Vuhoangsonhn
Họ & tên Họ & tên : Thanh Xuân Quận Tiết độ sứ
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : CHỦ NHIỆM CLB SỬ HỌC TRẺ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Use for [L]onely_Star only
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay Laodong1 Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay DHVgioi Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 36Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 40
Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/01/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 235
Đến từ Đến từ : Thanh Xuân quận
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Để mãi không quên
Điểm thành tích Điểm thành tích : 450
Được cám ơn Được cám ơn : 131

Bài gửiTiêu đề: Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay

 
Sơ lược lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay


Vũ Hoàng Sơn, 2014. (SV Khoa LS, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)

I – Quan hệ Việt – Lào thời kỳ phong kiến (TK XIV – giữa TK XX)
1 – Quan hệ giữa Lan Xang với các triều đại phong kiến Lý-Trần

Thời kỳ nguyên thủy, trên lãnh thổ đất nước Lào ngày nay, trên bờ sông Mê Công, đã xuất hiện loài người sinh sống, mà chủ nhân là người Lào Thơng. Đến thế kỷ XIII, các các dân tộc sử dụng hệ ngôn ngữ Thái đã di cư xuống phía nam. Một số nhóm đã di cư đến đây sinh sống và được gọi là người Lào Lùm. Tổ chức xã hội cơ bản của người Lào là các mường (muang).

Phải tới năm 1353, một tù trưởng tên là Phà Ngừm đã có công thống nhất các mường của Lào, lên ngôi vua và đặt tên nước là Lan Xang (Triệu Voi), trở thành vị vua đầu tiên của Lào.

Trước khi Lan Xang thành lập, các mường Lào – chủ yếu là những mường nằm ở khu vực biên giới ngày nay – đã thiết lập những mối quan hệ với các nhà nước phong kiến Việt Nam.

Năm 546, trước cuộc xâm lược lần thứ 2 của nhà Lương, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đã lui về phía tây để củng cố lực lượng và nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ nhân dân Lào, Việt ở động Dã Năng. Nhân dân trong vùng đã tôn Lý Thiên Bảo lên làm thủ lĩnh động Dã Năng (vùng biên giới Việt-Lào ngày nay).

Sau khi Việt Nam giành được độc lập và bắt đầu xây dựng chế độ phong kiến tập quyền thì Lào vẫn chưa thành một quốc gia thống nhất. Quan hệ Việt – Lào chỉ dừng lại ở mối quan hệ với các mường “tự trị” của Lào như Mương Phuôn, Mường Xi Khốt, Ta Boong, Mường Xoa… Ngoài mối quan hệ triều cống, quan hệ Việt – Lào xuất hiện những cuộc xung đột diễn ra lẻ tẻ trong thời Lý-Trần, trong đó lớn nhất là 2 chiến dịch vào năm 1334 và 1335, diễn ra trong thời gian tại Việt Nam, chế độ phong kiến Đại Việt dưới sự lãnh đạo của tập đoàn quý tộc nhà Trần bắt đầu suy thoái.

Năm 1334, quân mường Lào sang biên giới Đại Việt đánh phá. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh điều quân. Điều Nguyễn Trung Ngạn từ Thanh Hóa ra sung làm Phát vận sứ lo việc tải lương. Quân Trần đi đến Kiềm Châu (Tương Dương, Nghệ An) thì quân mường lại rút về. Phạm Ngũ Lão còn sống cũng từng được cử đi đánh dẹp các mường Lào ba lần.

Năm 1335, quân mường lại tấn công Nam Nhung (Tương Dương, Nghệ An), Đoàn Nhữ Hài được sung làm Đốc tướng đi đánh, nhưng do chủ quan nên bị quân mường phục kích, quân tướng đều bị chết đuối ở sông Tiết La (?).

2 – Quan hệ Lan Xang – Đại Việt thời nhà Hậu Lê

Năm 1400, nhà Hồ được thành lập tại Việt Nam với quốc hiệu Đại Ngu. Năm 1407, Chu Lệ - vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử nhà Minh xâm lược và đô hộ Đại Ngu. Các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa của người Việt đều bị đàn áp. Đến năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Tuy nhiên do ban đầu lực lượng còn yếu nên nghĩa quân nhiều lần bị quân Minh vây bức.Trong thời gian 1418-1419, đã nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn nhận được sự trợ giúp của người dân Lào cùng quốc vương Lan Kham Deng. Lê Lợi từng sai Trương Lôi sang làm sứ giả, và nghĩa quân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là thời kỳ đóng quân tại Mường Thôi.

Đến năm 1421, do có sự gièm pha (?), Lan Xang cắt đứt giao hảo với nghĩa quân Lam Sơn, phối hợp với quân Minh, cho tù trưởng Mãn Sát đem 30.000 quân với 100 thớt voi sang đánh úp nghĩa quân, giết chết tướng Lê Thạch. Lê Lợi về sau đánh bại quân Minh, lập nên nhà Lê sơ. Vì lý do trên nên mối quan hệ Đại Việt – Lan Xang trở nên không mấy tốt đẹp vào thời kỳ sau.

Trong thời kỳ đầu, sau khi nhà Lê sơ thành lập, nhiều mường của Lan Xang bị sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Các khu vực Mường Muối, Mường Việt… thuộc lãnh thổ Đại Việt trở thành các đồn tiền tiêu ngăn chặn những cuộc quấy phá từ Lan Xang. Trong số các mường bị sáp nhập hoặc xin “nội thuộc” có Mường Bồn, hay Bồn Man (Hủa Phăn-Xiêng Khoảng ngày nay) là một trong những mường có tầm quan trọng chiến lược đến Lan Xang.

Năm 1467, quân Lan Xang xâm nhập vùng Cự Lộng, Khâu Lạo… vua Lê Thánh Tông sai các tướng Khuất Đả, Nguyễn Động, Lê Miễn… đi đánh. Trong vòng một tháng, quân Lan Xang tan rã, các tướng lĩnh đầu hàng. Khuất Đả cho gia cố biên giới. Lan Xang buộc phải thần phục và triều cống Đại Việt.

Tuy nhiên, đến năm 1478, Lan Xang xúi giục tù trưởng Cầm Công của Bồn Man ly khai khỏi Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông bèn đốc suất hơn 20 vạn quân chia làm 5 đạo do Trịnh Công Lộ, Lê Lộng, Lê Nhân Hiếu… chỉ huy, bình định hoàn toàn xứ Bồn Man. Quân đội nhà Lê đã đánh bại quân Lan Xang tại Na Khaochao, tiến vào Luang Phabang rồi tiếp tục hạ thành Nan và tiến sang cả vương quốc Ava (Myanma ngày nay). Lan Xang hoàn toàn thất bại, phải thần phục Đại Việt.

Năm 1527, nhà Mạc lật đổ triều Lê sơ, nhiều cựu thần nhà Lê trong đó có An Thành hầu Nguyễn Kim lánh sang Lan Xang. Vua Lan Xang là Phothixarat cho lực lượng Nguyễn Kim “mượn” đất Sầm Châu làm căn cứ. Từ đây, Nguyễn Kim đã tổ chức nhiều cuộc tiến công vào Thanh Hóa. Năm 1533, Nguyễn Kim lập Lê Trang Tông lên làm vua ở Sầm Châu, rồi mở đường chiếm lĩnh Thanh Hóa, dần dần thiết lập chế độ Nam triều, dẫn đến cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều kéo dài đến năm 1592.

Năm 1592, nhà Mạc rút lên Cao Bằng, nhà Lê giành thắng lợi quyết định ở Thăng Long. Quan hệ giữa Đại Việt và Lan Xang trở nên khá thân thiết với nền tảng cơ bản là quan hệ giữa nhà Lê và triều đại Phothixarat. Do quan hệ trên, nên vua Lan Xang đã có một số lần đưa người xuống phía nam quấy phá chúa Nguyễn, khiến chúa Nguyễn Phúc Nguyên phải thành lập 5 đồn Ai Lao làm nhiệm vụ “biên phòng” cho vùng này.

Đến thế kỷ XVIII, Lan Xang ngày càng suy yếu. Năm 1694, Lan Xang sụp đổ, nước Lào bị chia làm nhiều vương quốc như Luang Phabang, Champasak, Vientiane… rồi lần lượt bị Xiêm xâm lược hoặc thần phục. Tương tự, chế độ cát cứ của vua Lê-chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở Đại Việt bước vào giai đoạn suy thoái. Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra, lần lượt chế độ chúa Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê bị dẹp bỏ. Tuy nhiên vương quốc Vientiane vẫn tìm cách giúp đỡ tàn dư nhà Lê, đồng thời thần phục Xiêm – kẻ thù của Việt Nam trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút. Do đó vương quốc này phải chịu sự trừng phát của vua Quang Trung, khi đội quân của Đốc trấn Nghệ An Trần Quang Diệu cùng Đô đốc Bùi Thị Xuân đem ba vạn quân vượt qua biên giới năm 1791, phá tan tàn quân Lê Duy Chi và quân đội Vientiane, vua của Vientiane là Chao Nan phải bỏ trốn. Quân Tây Sơn truy kích đến sát sông Mê Nam Khoóng sát biên giới với Xiêm.

Như vậy, suốt các triều đại từ Trần đến Tây Sơn, Đại Việt thường xảy ra những xung đột với các mường “tự trị” của Lào. Tuy nhiên triều đình Đại Việt không chủ trương chiếm đất mà thường rút về biên giới nước mình. Điều này thể hiện sự coi trọng hòa hiếu của các vua Đại Việt và tỏ rõ việc điều quân của Đại Việt là do sự bắt buộc trong việc bảo đảm ổn định tình hình vùng biên thùy nên mới có các cuộc điều binh.

Quan hệ ngoại giao với các Mường và Lan Xang giai đoạn này thể hiện rõ tinh thần nhân ái của triều đình Việt. Tinh thần đó đã khiến nhiều mường Lào, khiến các mường này thần phục triều đình Đại Việt. Đặc biệt là đầu thế kỷ XIX.

3 – Quan hệ giữa các vương quốc Lào với nhà Nguyễn

Cuối thế kỷ XVIII, đế chế Xiêm dần trở nên hùng mạnh. Nhân cơ hội Lan Xang suy yếu, Xiêm liền tìm cách chia rẽ đi kèm với xâm lược. Trước mưu đồ của Xiêm, lân lượt Luang Phabang và Champasak ly khai khỏi chính quyền trung ương. Chính quyền vua Lan Xang giờ định chỉ còn cai trị những vùng đất nhỏ hẹp và được các sử gia gọi bằng tên gọi vương quốc Vientiane (Viêng Chăn).

Vương quốc Champasak và Viêng Chăn lần lượt bị quân Xiêm xâm lược. Viêng Chăn bị phụ thuộc rồi bị tiêu diệt vào năm 1828. Nhiều vùng khác chị chiếm. Nhiều mường Lào vì thế xin sáp nhập vào triều đình Việt.

Năm 1802, quân Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Phú Xuân, liền theo hướng Lào tiến ra ngoài Bắc. Khi đó vua Lào đang kết giao với nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh bèn ra lệnh chiếm lũy Trấn Ninh (Muang Phan), giao chiến với quân Tây Sơn do Nguyễn Quang Thùy và Đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy. Quân Tây Sơn bại trận, phải lui về Thăng Long. Quân Nguyễn Ánh sau đó tấn công Vientiane, buộc quốc vương Itharavong thần phục. Tuy nhiên, khu vực Trấn Ninh về cơ bản vẫn là vùng đất bán tự trị.

Tháng 5 năm 1802, Gia Long xưng niên hiệu làm vua, lập ra nhà Nguyễn. Đến thời vua Minh Mạng, bên Lào xảy ra xung đột.
Năm 1827, Xiêm xâm lược vương quốc Vientiane, vua Vientiane là Anouvong (A Nỗ) quyết định tổ chức kháng chiến nhưng không thành công. Viêng Chăn bị cướp phá, Anouvong phải rút về Lakhon và Koongkeo tổ chức lại lực lượng. Vua Minh Mạng quyết định giúp đỡ Anouvong. Tháng 9, nhà Nguyễn cho tướng Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến sang cứu, vua Anouvong phải theo quân Việt Nam về Nghệ An, thu thập quân sĩ để phục quốc.

Năm 1828, Anouvong từ Nghệ An được quân Việt Nam do Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân hộ tống tiến về Trấn Ninh. Từ Trấn Ninh, Anouvong kéo quân về giải phóng Vientiane, tuy nhiên thất bại và bị bắt. Vương quốc Vientiane sụp đổ hoàn toàn. Nhân cơ hội đó, vua Luang Phabang liên kết với Xiêm mưu chiếm Trấn Ninh. Tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội xin sáp nhập hoàn toàn 7 huyện vào lãnh thổ Việt Nam.

Sau Trấn Ninh, lần lượt Tam Động, Lạc Phàn (nay là tỉnh Khamuane) cùng các huyện, châu, mường… như Xa Hổ, Sầm Tộ, Mường Soạn, Mang Lan, Trình Cố, Sầm Nưa, Mường Duy, Cam Cát, Cam Môn, Cam Linh, Mang Vang, Ná Bi, Thượng Kế, Tả Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mang Bổng, Lang Thời… Các vùng đó nay thuộc các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Savanakhet ngày nay.

Các khu vực trên được thống nhất thành các huyện thuộc các phủ Trấn Biên, Trấn Định, Trấn Man, Trấn Tĩnh, Lạc Biên thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi nghĩa tại Gia Định. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa bị nhà Nguyễn đàn áp khốc liệt, nghĩa quân phải cầu cứu vua Xiêm. Xiêm nhân cơ hội đó tìm cách xâm lược Việt Nam, trong 5 đạo quân thì có 3 đạo tiến công vào các vùng lãnh thổ Lào khi đó thuộc về Việt Nam. Các tướng Nguyễn Văn Xuân, Phạm Văn Điển, Lê Văn Thụy lần lượt đánh bại quân Xiêm, ngăn chặn quân Xiêm xâm lấn vào miền Bắc, tạo điều kiện để cho tại phía Nam, Trương Minh Giảng đánh bại hoàn toàn quân Xiêm, đuổi chúng về nước.

II – Quan hệ Việt – Lào thời kỳ thực dân Pháp xâm lược
1 – Việt – Lào chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất và các phong trào giải phóng dân tộc trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc xâm lược Việt Nam. Lần lượt các tỉnh Nam Kỳ và Bắc Kỳ bị thực dân Pháp xâm lược. Đến năm 1883, thực dân Pháp tấn công Thuận An, triều đình Huế đầu hàng và đến năm 1884 thì thực dân Pháp đã hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam.

Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam và Campuchia, thực dân Pháp bắt đầu nhòm ngó đến các vương quốc Lào và cả Xiêm. Năm 1886, thực dân Pháp cho Auguste Pavie sang làm Phó Công sứ tại vương quốc Luang Phabang nhằm tìm cách gạt bỏ mọi tác động từ phía thực dân Anh (sau khi hoàn tất xâm lược Miến Điện). Bằng những thủ đoạn chính trị cùng những nỗ lực cá nhân, Auguste Pavie dần trở thành Tổng Công sứ Pháp tại Luang Phabang, là ân nhân của quốc vương Oun Kham.

Nhiệm vụ của Auguste Pavie hoàn thành vào năm 1895 khi Luang Pabang sáp nhập vào Liên bang Đông Dương. Lợi dụng Hiệp ước Patenôtre, Pháp đã cắt nhiều phần lãnh thổ đã sáp nhập vào Việt Nam từ thời Lê đến thời Nguyễn cho Luang Phabang. Quốc vương Luang Phabang xưng là quốc vương của vương quốc Lào. Tuy nhiên, những quyền hạn (trên danh nghĩa) của Lào thậm chí không được coi trọng. Hội đồng Chính phủ Đông Dương, cơ quan quyền lực tối cao của Đông Dương, các vị trí bù nhìn cho người bản xứ cũng chỉ áp dụng cho người Việt Nam và Campuchia.

Trong khi thực dân Pháp áp đặt chế đọ thuộc địa lên Lào thì nhân dân Lào đã nổi dậy, đồng thời liên kết với các phong trào tại Việt Nam. Năm 1901, Pha Ca Đuốc nổi dậy. Cùng năm, Ong Kẹo phát động khởi nghĩa ở cao nguyên Bolaven. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Lào đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân Việt Nam.

Ngày 28/9/1915, các tù nhân ngục Lao Bảo, nơi giam giữ các tù chính trị của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, đã nổi dậy phá ngục, giết lính canh, cướp súng. Nghĩa quân theo hướng Làng Cơn – Lao Bảo tiên lên tây bắc Sepon, rồi cố thủ tại bản Ta Cha thuộc tỉnh Savanakhet. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài hơn 2 tháng.

Cuối năm 1914, các dân tộc Tây Bắc Việt Nam đã tổ chức khởi nghĩa chống Pháp. Dưới sự chỉ huy của Lường Bảo Định, Bạch Cầm Chân, Lương Văn No, Cầm Văn Tư, nghĩa quân đã làm chủ một vùng rộng lớn gồm Lai Châu và Phongsaly, bao vây thị xã Sơn La rồi tiến quân xuống Lào giải phóng Boun Neua và Mộc Pha. Đến tháng 12, thực dân Pháp tiến công Mộc Pha, tiến công trên nhiều mặt. Cuộc khởi nghĩa chấm dứt hẳn vào năm 1916.

Tháng 10 năm 1918, Giàng Tả Chay ở phát động cuộc khởi nghĩa của người Mông tại Điện Biên Phủ, đánh bại các cuộc tiến công của thực dân Pháp. Năm 1919, Giàng Tả Chay cho quân giải phóng Trấn Ninh và Sầm Nưa, chiếm nhiều huyện thuộc tỉnh Luang Phabang và Xiêng Khoảng. Ngày 6 tháng 1 năm 1920, quân Pháp tổ chức phản công tại Trấn Ninh, nối lại đường Xiêng Khoảng – Cửa Rào, rồi tiến lên vùng Son Sang, Mường Sơn. Đến năm 1922, Giàng Tả Chay bị sát hại thì phong trào mới chấm dứt.

Ngoài các phong trào trên, trong thời kỳ 1925-1930, trước sự ảnh hưởng của cộng đồng người Việt đến định cư tại Lào, một số chi bộ của Việt Nam Quốc dân Đảng, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lấy địa bàn Lào để hoạt động. Bản thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Việt Nam đã tổ chức khảo sát thực địa tại Lào năm 1928, thành lập chi bộ Thanh niên ở Viêng Chăn, đồng thời xây dựng nhiều cơ sở Hội ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước với mục đích phục vụ công việc truyền bá tư tưởng cách mạng

Nhìn chung, trong giải đoạn này, nhân dân Lào – Việt đã sát cánh cùng nhau chống lại thực dân Pháp với mục tiêu chung là giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, cũng như ở Việt Nam, các phong trào giải phóng dân tộc tại Lào cũng thể hiện rõ sự bế tắc trong tư tưởng đường lối. Do đó khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đồng thời cũng là bước ngoặt trong lịch sử Việt – Lào.

2 – Quan hệ Việt – Lào giai đoạn vận động giải phóng dân tộc 1930-1945

Tháng 2 năm 1930, trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đến tháng 10 năm 1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương là chỉ đạo phong trào cách mạng ở ba nước Đông Dương và khi nào cơ sở của Đảng ở Lào và Campuchia vững chắc sẽ tách ra thành các Đảng Cộng sản riêng biệt. Trên tinh thần đó, đồng chí Thẩu Xỉ đại diện Đảng bộ Lào được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Nhằm ủng hộ, giúp đỡ phong trào cách mạng 1930-1931 ở Việt Nam, Xứ ủy Lâm thời Lào đã tổ chức nhiều phong trào đấu tranh của công nhân bến tàu Viêng Chăn, công nhân mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu (Khăm Muộn), tiểu thương chợ Viêng Chăn...; các cuộc đình công, đòi tăng lương và ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (Việt Nam) của công nhân Lào làm đường Lạc Sao, các cuộc rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm do các tổ chức cách mạng ở Viêng chăn, ở các đô thị gần trục giao thông quốc lộ 13 ven sông Mê Kông…

Tuy nhiên, phong trào cách mạng 1930-1931 ở Việt Nam với đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, Đảng bị thiệt hại nặng, phong trào tạm lắng. Trong thời gian từ 1931-1934, các Đảng viên đã cố gắng bám đất bám dân, một số Đảng viên sang Lào gây dựng cơ sở.

Năm 1934, Chi bộ Đảng Man Phết được thành lập gồm các đảng viên là công nhân trên các tàu thuộc cảng Malpuech chạy từ Viêng Chăn đến Nakhon do đồng chí Lê Giờ làm Bí thư. Sau đó nhiều chi bộ khác lần lượt được thành lập. Ngày 6 tháng 9 năm 1934, tại hội nghị các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào họp tại cù lao Xiêng Nụ, Xứ ủy Ai Lao chính thức được thành lập với sự giúp đỡ của các đồng chí Lê Mạnh Trinh, Nguyễn Chính Cầu. Xứ ủy ban đầu có 32 Đảng viên và 187 thành viên các tổ chức đoàn thể.

Trong phong trào dân chủ 1936-1939, Xứ ủy Lào đã phát động nhiều phong trào ủng hộ báo “Đời nay” của Xứ ủy Bắc Kỳ, phát động nhiều cuộc bãi công ở đường 9 và 13 cùng nhiều cuộc bãi công, bãi khóa, bãi thị đòi yêu sách dân chủ, tăng lương…

Trong thời gian này, Hoàng thân Lào Souphanouvong đã có sự gặp gỡ với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ. Năm 1940, Nhật tiến vào Đông Dương khiến nhân dân Đông Dương sống trong tình cảnh “một cổ hai tròng”. Tiếp đó, Nhật Bản xúi giúc Xiêm gây chiến với Pháp để chiếm đóng Hạ Lào và đông Campuchia. Để phục vụ cho cuộc chiến trên, thực dân Pháp đã tiến hành bắt lính, đẩy người Việt Nam làm bia đỡ đạn cho Pháp. Trước tình hình đó, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ của Đảng cùng cuộc binh biến Đô Lương đã nổ ra những thất bại.

Tại Lào, phong trào cách mạng cũng gặp khó khăn, nhiều đảng viên rút sang Thái Lan (Xiêm đổi tên) để hoạt động.

Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 hoàn tất bước chỉ đạo chiến lược của cách mạng. Theo đó, Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương được tách ra thành Việt Nam Độc lập Đồng minh, Ai Lao Độc lập Đồng minh, Cao Miên Độc lập Đồng minh rồi thống nhất thành Mặt trận Đông Dương Độc lập Đồng minh.

Trên tinh thần đó, Đảng đã chỉ thị cho Xứ ủy Lào tiến hành vận động Mặt trận Dân tộc thống nhất riêng, đồng thời cử các cán bộ sang giúp đỡ.

Từ năm 1943, Ban vận động Việt kiều Lào - Thái được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào.

Đến năm 1944, Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc thành lập Đội Tiên phong để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào. Đội Tiên phong làm nhiệm vụ và tạm thời thay thế vai trò của Xứ uỷ lâm thời Ai Lao. Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ Đảng ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹt, Savanakhet được củng cố. Phong trào yêu nước trong học sinh, viên chức Lào được nhen nhóm, phong trào yêu nước của Việt kiều ở hai bên bờ sông Mê Kông phát triển mạnh.

Đầu năm 1945, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào - một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập của xứ sở.

Tuy nhiên, thời gian sau khi Nhật đảo chính Pháp,, một số trí thức, nhân sĩ… Lào đã thành lập ra các tổ chức Phong trào đổi mới quốc gia, Lào tự do (Lào Issara), Lopolo (Nước Lào của người Lào)… Đảng quyết định đình chỉ việc thành lập Mặt trận Ai Lao Độc lập Đồng minh mà trực tiếp thành lập các tổ chức quần chúng trực thuộc Mặt trận Việt Minh.

Tháng 8 năm 1945, nhân cơ hội Nhật Bản đầu hàng, mặt trận Việt Minh phát động cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập. Ngay sau đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện thiện chí của nhân dân Việt Nam nhân dân Lào.

Trong khi đó, tại Lào, tình hình chính trị vẫn diễn biến phức tạp. Thực dân Pháp đang tìm cách trở lại Đông Dương và tìm cách mua chuộc Hoàng thân Petxarat. Trước tình hình đó, Xử ủy Lào lập Ban khởi nghĩa Viêng Chăn. Ban khởi nghĩa nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Lopolo và Thị trưởng Viêng Chăn. Ngày 23 tháng 8, Ban khởi nghĩa giành được chính quyền không đổ máu.

Tiếp đó, từ tháng 8 đến tháng 10, nhân dân Lào với sự hỗ trợ của các Việt kiều đã giành chính quyền trong toàn quốc. Ngày 3 tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Souphanouvong từ Việt Nam về nước tham gia chính phủ. Ủy ban khởi sự, có trách nhiệm như một chính phủ lâm thời được thành lập trên cơ sở Lopolo và Lào Issara. Ngày 12 tháng 10 năm 1945, trong cuộc mít tinh tại thủ đô Viêng Chăn, chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Cách mạng Tula ở Lào đã giành được thắng lợi, thắng lợi đó còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết hữu nghị Việt – Lào.

III – Quan hệ Việt – Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai
1 – Giai đoạn trước 1950

Sau khi giành được độc lập, cả Việt Nam và Lào đều phải chịu nguy cơ xâm lược trở lại của thực dân Pháp, núp sau bóng Đồng Minh. Tình hình đó cùng sự cô lập với bên ngoài buộc hai Chính phủ Việt – Lào cảm thấy phải tương trợ lẫn nhau. Ngày 16 tháng 10, Hiệp ước tương trợ Lào – Việt được ký kết. Tiếp đó là Hiệp ước về tổ chức liên quân Lò – Việt ký ngày 30 tháng 10.

Bất chấp tinh thần thiện chí và mong muốn hòa bình của hai dân tộc Việt – Lào, thực dân Pháp mở cuộc tiến công vào Nam Bộ vào mùa thu năm 1945 và tháng 3 năm 1946 thì tấn công Lào từ phía Nam. Trước nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia, ngày 25/11/1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương.

Chỉ thị chủ trương: Thống nhất mặt trận Việt- Miên- Lào chống Pháp xâm lược và nêu rõ nhiệm vụ: Tăng cường công tác vũ trang tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở thôn quê, làm cho mặt trận kháng Pháp của Lào – Việt lan rộng và chiến tranh du kích nảy nở ở thôn quê, đặng bao vây lại quân Pháp ở nơi sào huyệt của chúng và quét sạch chúng khỏi đất Lào.

Theo tinh thần đó, quân và dân các địa phương vùng giáp ranh biên giới Việt Nam – Lào phối hợp đánh quân Pháp ở nhiều nơi. Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Bộ chỉ huy Chiến khu 4 (Việt Nam) thành lập Ban chỉ huy các mặt trận đường 8, đường 9 và cử một số đơn vị phối hợp với bộ đội Lào, vừa đánh địch ở Na Pê, Xê Pôn, huyện lỵ Căm Cớt... ,vừa làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gây dựng cơ sở, lực lượng kháng chiến. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố của Lào động viên, kêu gọi thanh niên tích cực gia nhập lực lượng Liên quân Lào- Việt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Liên quân Lào- Việt được thành lập ở nhiều nơi, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, hăng hái chiến đấu chống quân xâm lược.

Tiêu biểu cho tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của Liên quân Lào- Việt trong năm đầu của cuộc kháng chiến là trận chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc ngày 21 tháng 3 năm 1946. Đây là trận đánh lớn nhất của Liên quân Lào – Việt kể từ ngày thành lập, đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, một biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam – Lào.

Trước sức tiến công ồ ạt của quân Pháp, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất chủ trương vừa chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản bước tiến của chúng, vừa chủ động tổ chức cho nhân dân Lào và Việt kiều di tản ra khỏi thành phố. Để bảo toàn lực lượng, đầu tháng 4/1946, một bộ phận các cơ quan của Chính phủ độc lập lâm thời Lào Issara được chuyển lên Luang Phabang, đồng thời các lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Việt kiều chuyển hướng về vùng nông thôn, rừng núi hoạt động, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Từ giữa năm 1946, sau khi quân Pháp chiếm lại một số tỉnh ở bắc vĩ tuyến 16 của Lào, các lực lượng kháng chiến Lào chuyển sang phía Đông tiến hành chiến tranh du kích. Được Ủy ban Kháng chiến hành chính Chiến khu 4 (Việt Nam) giúp đỡ, Hội nghị cán bộ các tỉnh Savanakhet, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn họp tại Vinh, tỉnh Nghệ An (10/1946) để thống nhất lực lượng và hành động. Hội nghị đã quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng Đông Lào để chỉ đạo cuộc đấu tranh tại vùng Đông Lào và đề ra phương hướng đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, phát triển chiến tranh du kích chống thực dân Pháp và tay sai.

Đầu năm 1947, Khu uỷ và Uỷ ban Kháng chiến hành chính Chiến khu 4 thành lập Phòng Biên chính làm nhiệm vụ giúp Uỷ ban giải phóng Đông Lào củng cố, phát triển các lực lượng cách mạng và yêu nước Lào. Nhiều tỉnh thuộc Chiến khu 4 cũng tổ chức Ban Biên chính để liên hệ, phối hợp và giúp đỡ các địa phương Lào kề cận đẩy mạnh đấu tranh. Đồng thời, lực lượng vũ trang các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào tăng cường hoạt động gây cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc ít người ở biên giới, tạo chỗ đứng chân để tuyên truyền, vận động nhân dân các bộ tộc Lào ủng hộ và tham gia kháng chiến.

Năm 1948, lãnh đạo hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất quyết tâm và tiến tới thành lập Mặt trận Tây Bắc Lào nhằm xúc tiến việc xây dựng căn cứ địa Tây Bắc Lào, nối liền với khu Tây Bắc của Việt Nam; thành lập Ban xung phong Lào Bắc, để xây dựng căn cứ địa Lào Bắc vững chắc, làm chỗ dựa cho việc xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân; thành lập Đoàn võ trang công tác miền Tây, làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào ở khu vực phía nam tỉnh Hủa Phăn và phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng và thành lập Khu Đặc biệt ở Quảng Nam (Việt Nam) để làm chỗ dựa xây dựng căn cứ ở Hạ Lào.

Thực hiện chủ trương năm 1949 của Trung ương Đảng về Mặt trận Lào – Miên, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ hỗ trợ hai nước bạn Lào và Campuchia giải phóng khỏi ách thực dân Pháp theo phương châm: vận động nhân dân và để cán bộ Lào,Campuchia tự đảm trách công việc; cán bộ Việt Nam chỉ làm cố vấn; thành lập quân giải phóng Lào. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã cử nhiều cán bộ phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở lớp huấn luyện quân sự và học tập chính trị. Ngày 20-1-1949, Đội Látxavông được thành lập tại vùng căn cứ Xiềng Khọ (Hủa Phăn), do đồng chí Kayxỏn Phômvihản làm Tổng Chỉ huy.

Ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội Quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến) họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/1950, tại Tuyên Quang quyết định thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, lập Mặt trận dân tộc thống nhất Lào, tức Neo Lào Issara, do Hoàng thân Souvanouvong làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ. Đại hội đã đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết quốc tế, trước hết là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

2 – Giai đoạn 1950-1954

Tiếp sau thành công của Đại hội Quốc dân Lào, Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày 11 đến 19/2/1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Trưởng đoàn đại biểu Lào tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội.

Bàn về quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng ba nước Đông Dương, Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội nhấn mạnh: Việt Nam kháng chiến, Lào, Campuchia cũng kháng chiến; thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù chung của cả ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Do đó, Việt Nam phải ra sức giúp đỡ Lào, Campuchia kháng chiến và đi đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết về đường lối, nhiệm vụ chung và đề ra chủ trương xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng cách mạng, có cương lĩnh riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ phối hợp và giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào, Campuchia xây dựng chính đảng mácxít để lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai nước giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Với việc xác định rõ thêm vị trí, vai trò của cách mạng mỗi nước và đề ra phương hướng, biện pháp tăng cường liên minh chiến đấu, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở ra chặng đường phát triển mới của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ngày 11/3/1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương khai mạc tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Các đại biểu đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào, của Mặt trận Khơme đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Hội nghị đề ra chương trình hành động chung và cử Ủy ban liên minh gồm đại diện của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đầu năm 1953, sau thất bại ở mặt trận Tây Bắc (Việt Nam), thực dân Pháp tăng cường lực lượng ở Sầm Nưa để bảo vệ khu vực Thượng Lào. Do đó, có đập tan được căn cứ Sầm Nưa, giải phóng Thượng Lào, Việt Nam mới có điều kiện phối hợp với Lào mở rộng khu căn cứ, xây dựng hậu phương kháng chiến và phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương.

Tháng 4 năm 1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam (gồm 10 trung đoàn chủ lực và các đoàn quân tình nguyện đang hoạt động ở Thượng Lào) phối hợp với quân đội Lào Ítxalạ (gồm 5 đại đội và hàng nghìn dân quân du kích) phối hợp tiến công theo hướng chủ yếu là Sầm Nưa, hướng phối hợp ở đường số 7, lưu vực sông Nậm U và giành thắng lợi (tháng 5-1953), giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ.

Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam và Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên một bước mới.

Từ sau chiến thắng Thượng Lào, Ban Cán sự Đảng Lao động Việt Nam ở Lào đã phối hợp và giúp bạn thành lập “Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào”. Công tác xây dựng đảng ở Lào tiến thêm một bước mới, đạt được kết quả căn bản về chính trị, tổ chức, tạo điều kiện cho việc thành lập chính đảng cách mạng của Lào. Trên thực tế, Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào đã cùng Mặt trận Lào Ítxalạ lãnh đạo quân và dân Lào đẩy mạnh kháng chiến, phối hợp chặt chẽ với nhân dân Việt Nam, Campuchia chiến đấu, đánh bại các thủ đoạn chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Bước vào Đông Xuân 1953- 1954, quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tiếp tục đẩy mạnh tiến công trên khắp các chiến trường, buộc thực dân Pháp phải thực thi kế hoạch Nava (tháng 7-1953), hy vọng sau 18 tháng sẽ giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Trước tình hình trên, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 nhằm đẩy mạnh kháng chiến ở Việt Nam và tăng cường phối hợp với quân dân Lào giải phóng Phôngxalỳ, đánh địch ở Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Tháng 12/1953 một bộ phận quân chủ lực Việt Nam gồm ba trung đoàn phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ Lào. Chiến thắng của Liên quân Việt – Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Trên chiến trường chính, từ đầu tháng 12-1953, trước sức tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam, quân Pháp phải bỏ Lai Châu, rút về cố thủ ở Điện Biên Phủ và tăng cường lực lượng, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào. Do địch ngày càng tăng cường lực lượng phòng thủ Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Từ cuối tháng 1/1954, quân đội Việt Nam gồm một đại đoàn, một trung đoàn và quân tình nguyện ở Thượng Lào phối hợp với đại đội Champasak, đại đội địa phương tỉnh Luang Phabang và bốn trung đội bộ đội địa phương huyện của Lào tiến công phòng tuyến sông Nậm U, cắt đứt “con đường liên lạc chiến lược” của địch với Điên Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch đã đẩy tập đoàn cứ điểm của địch vào thế hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến thắng Thượng Lào và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được của địch ở Bạn Naphào, Trung Lào. Đóng góp vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Ngày 8/5/1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Hội nghị có chín bên tham dự, gồm Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp,Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Các đại diện lực lượng kháng chiến Lào và Khơme có mặt tại Giơnevơ nhưng không được mời tham gia hội nghị, vì đại biểu Pháp, Mỹ phản đối. Do đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đại diện cho lập trường, tiếng nói của Chính phủ Kháng chiến Lào và Campuchia.

Hội nghị Giơ ne vơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Lào; Pathết Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phongsaly; các nhà chức trách hai phái (Pathet Lào và Chính phủ Vương quốc Lào) sẽ cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thành lập chính quyền liên hiệp, hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử tự do…

IV – Quan hệ Việt – Lào đoàn kết chống đế quốc Mỹ

Sau Hiệp định Hiệp định Genèva, chính phủ kháng chiến Lào giải tán và các thành phần của Neo Lào Issara đã thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1955) và Neo Lào Hak Xat (Mặt trận Lào yêu nước-1956). Trong khi đó, được sự hẫu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam và chính quyền phái hữu Lào ra sức đàn áp, chống phá cách mạng, từ chối hiệp thương thống nhất.

Trước tình hình đó, phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam dâng cao, tiêu biểu là cuộc Đồng khởi bùng nổ vào những năm 1959-1960. Trước sự phát triển của cách mạng, đòi hỏi sự chi viện lớn của hậu phương miền Bắc. Năm 1959, Đoàn 559 với nhiệm vụ mở tuyến đường chi viện chiến lược ở đường Trường Sơn thành lập, các tuyến vận tải sau đó phát triển sang Tây Trường Sơn, tức Hạ Lào.

Từ năm 1964, Mỹ bắt đầu tiến hành Chiến tranh đặc biệt tại Lào, và đến năm 1969 thì nâng lên thành Chiến tranh đặc biệt tăng cường. Quân đội Việt-Lào nhanh chóng tìm ra phương pháp đối phó. Trong cùng năm, liên quân Quân đội Nhân dân Việt Nam-Quân Giải phóng Nhân dân Lào giành thắng lợi liên tiếp trong hai chiến dịch 128 (đầu năm) và 74A (tháng 4).

Tháng 1 năm 1968, sư đoàn 316 quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tá Vũ Lập chỉ huy hỗ trợ một tiểu đoàn quân Pathet Lào tiến công nắm giữ Nambak (Nậm Bạc) với 10.000 dân.

Tháng 6 năm 1969, quân khu Tây Bắc của Việt Nam mở chiến dịch Mường Sủi, tiến công khu vực Xiêng Khoảng-Mường Sủi nhằm mở rộng vùng kiểm soát cho Pathet Lào, nối liền với Sầm Nưa-Xiêng Khoảng, củng cố cánh đồng Chum. Quân đội Vương quốc Lào-Thái Lan bị thiệt hại với 600 quân cùng nhiều sĩ quan, cố vấn bị tiêu diệt.

Tháng 10 năm 1969, quân đội Việt Nam sử dụng sư đoàn 316, 312, trung đoàn 677 và nhiều đơn vị binh chủng phối hợp với mười tiểu đoàn Pathet Lào mở chiến dịch 139 phản công tại cánh đồng Chum. Lực lượng đặc biệt của phỉ Vàng Pao bị thiệt hại nặng với 6.500 quân bị loại khỏi vòng chiến. Lực lượng Pathet Lào kiểm soát thêm khu vực Bản Na-Nậm Ngàn với 20.000 dân.

Ngày 24 tháng 4 năm 1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương đã khai mạc tại vùng biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Tham dự Hội nghị có: Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đoàn Campuchia và Đoàn đại biểu Neo Lào Hắc Xạt. Hội nghị ra tuyên bố chung, khẳng định nhân dân ba nước Đông Dương có kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đồng thời kêu gọi nhân dân ba nước Đông Dương hãy tăng cường đoàn kết và chiến đấu quyết đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, quyết tâm bảo vệ, phát triển tình hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt giữa ba nước...

Cuối tháng 1 năm 1971, quân đội Sài Gòn do Hoàng Xuân Lãm chỉ huy, yểm trợ bởi không quân và lục quân Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào đường 9-Nam Lào nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại Sepone. Quân đội Nhân dân Việt Nam do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy mở chiến dịch phản công Mặt trận 702, buộc quân Việt Nam Cộng hòa phải tháo chạy khỏi đường 9-Nam Lào. Đây là thắng lợi quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu Lào-Việt, bảo vệ được tuyến đường vận tải chiến lược, huyết mạch của cuộc kháng chiến chống Mỹ của ba nước Đông Dương.

Ngày 9 tháng 2 năm 1971, nổ ra phong trào của các sinh viên, học sinh, thị dân, nghiệp đoàn... ở miền Nam Việt Nam phản đối quân đội Sài Gòn tiến vào Lào. Ngày 10 tháng 2, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng phản đối việc quân đội Mỹ leo thang chiến tranh.

Cuối năm 1971, liên quân Việt-Lào mở chiến dịch cánh đồng Chum-Mường Sủi mùa khô 1971-1972 tiêu diệt hơn 7.000 quân phỉ Vàng Pao và Thái Lan, một phần quân đội Hoàng gia Lào. Pathet Lào nắm giữ thêm ba huyện, đánh phá Na Xa, nối liên Sầm Nưa và Xiêng Khoảng.

Tháng 12 năm 1971, sư đoàn 968 Việt Nam đánh bại cuộc hành quân của 18 tiểu đoàn Lào-Thái-Vàng Pao, chiếm cao nguyên Bolaven, đảm bảo an toàn cho tuyến đường vận tải chiến lược.

Tháng 5 năm 1972, quân Hoàng gia Lào, lực lượng đặc biệt Vàng Pao, quân Thái Lan, không quân Mỹ mở cuộc tiến công quy mô lớn vào cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng vào mùa mưa 1972. Quân đội Nhân dân Việt Nam-Giải phóng quân Nhân dân Lào tổ chức chiến dịch phòng ngự, đánh bật lực lượng đối phương với 5.759 quân loại khỏi vòng chiến, giữ vững cánh đồng Chum.

Tháng 2 năm 1973, sau Hiệp định Paris về Việt Nam, Hiệp định Viêng Chăn được ký kết, lập lại hòa bình ở Lào. Đến mùa xuân 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ở Việt Nam đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho nân dân Lào đứng lên giành chính quyền. Ngày 2 tháng 12 năm 1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thành lập. Nước Lào bước sang kỷ nguyên mới – độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

V – Việt – Lào trên con đường mới
1 – Sự giúp đỡ Việt Nam – Lào trong công cuộc khôi phục kinh tế, giải quyết hậu quả chiến tranh.

2 – Quan hệ Việt – Lào trong thời đại ngày nay

(bài chưa hoàn thiện)
Chữ ký của Vuhoangsonhn





Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay I_icon_minitimeMon Aug 22, 2016 5:32 pm

fudo85

Thành viên thân thiện

fudo85

Thành viên thân thiện

Họ & tên Họ & tên : Ngô Văn Dương
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 36 Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 40 Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 43 Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 102
Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 15/07/2009
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 394
Đến từ Đến từ : Hà Nội
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1101
Được cám ơn Được cám ơn : 244

Bài gửiTiêu đề: Re: Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay

 
Hay lắm
Chữ ký của fudo85




 

Tóm lược Lịch sử quan hệ Việt – Lào từ thế kỷ XIV đến nay

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: LỊCH SỬ THẾ GIỚI-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất