CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 QUAN HỆ GIỮA CHAMPA VỚI ĐẠI VIỆT THỜI KỲ VIJAYA (THẾ KỶ X – XV)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
QUAN HỆ GIỮA CHAMPA VỚI  ĐẠI VIỆT THỜI KỲ VIJAYA  (THẾ KỶ X – XV) I_icon_minitimeFri Jun 03, 2011 8:36 pm

doducdung.hnue
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN

ĐIỀU HÀNH VIÊN

doducdung.hnue

ĐIỀU HÀNH VIÊN

Họ & tên Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : QUAN HỆ GIỮA CHAMPA VỚI  ĐẠI VIỆT THỜI KỲ VIJAYA  (THẾ KỶ X – XV) 42
Ngày tham gia Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 111
Đến từ Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích Điểm thành tích : 176
Được cám ơn Được cám ơn : 36

Bài gửiTiêu đề: QUAN HỆ GIỮA CHAMPA VỚI ĐẠI VIỆT THỜI KỲ VIJAYA (THẾ KỶ X – XV)

 
QUAN HỆ GIỮA CHAMPA VỚI ĐẠI VIỆT THỜI KỲ VIJAYA
(THẾ KỶ X – XV) (Đỗ Đức Dũng-K58CLC)
MỞ ĐẦU
Vương quốc Champa hình thành và phát triển trên dải ven biển và miền Trung Việt Nam và một phần cao nguyên Trường Sơn. Lãnh thổ Vương quốc Champa lúc lớn mạnh nhất trải dài từ Hoành Sơn, sông Gianh ở phía bắc đến sông Dinh – Hàm Tân, ở phía nam đến lưu vực Krong Pô Cô và sông Đà Rằng trên Tây Nguyên. Về phía đông, họ thực sự làm chủ cả vùng ven Biển Đông cùng với dãy đảo gần bờ.
Trong tiến trình dựng nước, đến thời kỳ Vijaya (thế kỷ X - XV), vương quốc Champa đã thống nhất được quốc gia, cố gắng duy trì sự thống nhất đó, phát triển nhà nước tự chủ của mình và bước đầu xây dựng được một quốc gia có xu thế đi đến sự thịnh đạt. Hơn nữa Champa có một kinh thành – Vijaya được xây dựng với một tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ đầu nó xứng đáng là kinh đô của một quốc gia phát triển. Nhưng ta dễ nhận thấy sự thống nhất của Champa còn bấp bênh và chưa thực sự vững chắc. Nguyên nhân trực tiếp của nó bắt nguồn từ đâu? Phải chăng từ chính chính sách ngoại giao không ổn định của vương triều Vijaya khi đứng giữa hai vương quốc mạnh Campuchia và Đại Việt.
Có thể nói mối quan hệ của Champa với các quốc gia trong khu vực là một mảng lớn chi phối sự phát triển của vương quốc cổ này. Thời kỳ Vijaya (từ thế kỷ thứ X – XV), mối quan hệ này càng trở nên phức tạp và sôi động. Trong đó, quan hệ giữa Champa với Đại Việt thời kỳ này cũng chứng kiến những biến động lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh cả hai quốc gia.

NỘI DUNG
I. Quan hệ giữa Champa với Đại Việt giai đoạn thế kỷ XI - XIII
1. Hoàn cảnh lịch sử
Đây là thời kỳ Champa vừa khôi phục được sự thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Quyền lực của vương triều Vijaya được tăng cường hơn trước. Vương triều đã tính đến tình hình mới của thế kỷ XI – XII, cho nên nếu như ở các thời kỳ trước, kinh đô chỉ mới có thành đất sơ sài thì đến đây, ta được biết có cả thành xây và thành gỗ kiên cố cũng với địa điểm phòng thủ tự nhiên khá chắc chắn của vùng Vijaya.
Trên cơ sở đó, sự thống nhất của Vương quốc Champa cũng được thực hiện cao hơn các giai đoạn trước. Biểu hiện của sự thống nhất này trước tiên là việc kinh đô Vijaya được lập ở vị trí trung độ, tiếp đó là sự kết hợp giữa hai dòng họ Nam và Bắc, Cau và Dừa dưới triều vua Harivarman I. Bên cạnh đó, thời kỳ này nền kinh tế và đời sống xã hội của Vương quốc cổ Champa tiếp tục phát triển.
Cùng với Champa, hai nước láng giềng là Đại Việt và Campuchia cũng đang trong giai đoạn phát triển của mình. Thế kỷ X, Đại Việt vừa khôi phục được nền độc lập của mình sau hơn một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Trong thời kỳ này, chính quyền phong kiến và nhân dân Đại Việt tập chung xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục,… đồng thời ra sức bảo vệ nền độc lập mới giành được trước sự tấn công xâm lược của phong kiến phương bắc.
Trong giai đoạn này, Campuchia đang trong thời kỳ phát triển thịnh đạt dưới vương triều Ăngkor huy hoàng. Đây là giai đoạn mà nền kinh tế Campuchia phát triển mạnh mẽ, tình hình chính trị ổn định đất nước phát triển về mọi mặt.
Trong bối cảnh này, Champa lại vừa chủ động, vừa bị động gây chiến với cả Campuchia và Đại Việt, nghiêng ngả, trao đảo trong chính sách đối ngoại với hai nước láng giềng.
2. Quan hệ bang giao giữa Champa với Đại Việt thế kỷ X – XIII
Bảng 1: Thống kê những sự kiện quan hệ giữa Champa với Đại Việt thế kỷ X – XIII
STT Năm Nội dung
Quan hệ hòa hảo Quan hệ xung đột
1 979 Champa cử hơn 1000 chiến thuyền chia làm hai mũi vượt biển định đánh kinh đô Hoa Lư, bị bão lớn, tất cả chiến thuyền bị lật chìm, quân lính bị chết hết.
2 980 Lê Hoàn đã cử Từ Mục và Ngô Tử Canh sang đặt quan hệ hòa hiếu, nhằm yên mạn nam để chống giặc Tống.
3 982 Lê Hoàn thân chinh tiến đánh Champa, chiếm kinh đô Đồng Dương, bắt nhiều tù binh. Champa đã xin thần phục và hàng năm triều cống cho Đại Việt.
4 995 Quân Chăm quấy nhiễu biên giới phía nam Đại Việt, bị quân đội nhà Lê đánh dẹp.
5 997 Champa quấy nhiễu biên giới phía nam Đại Việt, bị quân đội nhà Lê đánh dẹp.
6 1011 Triều Lý mới thành lập, Champa có sai sứ sang cống.
7 1020 Vua Lý đã sai Khai Thiên vương đem quân đi đánh Champa ở Bố Chính (Quảng Bình) giành thắng lợi.
8 1034 Con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt cùng bọn Lạc Thuẫn, Sạ Đẩu, La Kế, A Thái Lạt sang quy phục nước ta.
9 1043 Champa đem quân cướp bóc dân ven biển Đại Việt.
10 1044 Lý Thái Tông đem quân đi đánh Champa, giết được vua Chăm giành thắng lợi.
11 1068 Champa cho quân quấy nhiễu vùng biên giới.
12 1069 Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Champa. Vua Champa là Chế Củ bị bắt cùng 5 vạn dân chúng. Chế Củ nhận thần phục, buộc phải cắt một phần lãnh thổ phía bắc của Champa cho Đại Việt.
13 1073 Champa cử sứ thần sang triều cống cho triều đình Đại Việt.
14 1074 Champa cho quân tiến công cướp phá phía nam Đại Việt nhưng không thu được kết quả đáng kể.

Trong nửa cuối thế kỷ X, thái độ của vua Champa với Đại Việt là thù địch và theo đuổi chính sách xâm lược nên quan hệ bang giao giữa hai nước khá căng thẳng. Năm 979, nhân vua Đinh và con trai cả là Đinh Liễn bị giết, vua Champa đã cử hơn 1000 chiến thuyền chia làm hai mũi vượt biển định đánh kinh đô Hoa Lư, nhưng bị bão lớn, tất cả chiến thuyền bị lật chìm, quân lính bị chết hết [5; 117]. Năm 980, sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã cử Từ Mục và Ngô Tử Canh sang đặt quan hệ hòa hiếu, nhằm yên mạn nam để chống giặc Tống. Vua Champa cậy thế hùng mạnh, bắt giữ các sứ thần.
Sau kháng chiến chống quân Tống thắng lợi vào năm 981, vua Lê Hoàn sai sứ sang Champa đặt quan hệ hòa hiếu. Nhưng vua Champa vẫn tiếp tục thi hành chính sách chống đối Đại Cồ Việt, nên vào năm 982, vua Lê thân chinh tiến đánh Champa. Quân đội của nhà Lê đánh chiếm kinh đô Đồng Dương, bắt nhiều tù binh đưa về cho khai hoang. Sau sự kiện trên, Champa đã xin thần phục và hàng năm triều cống cho Đại Việt. Quan hệ Việt – Chăm tạm yên. Nhưng mỗi khi Đại Việt triều đình lục đục, suy yếu thì vua Champa lại phái quân sang xâm lấn. Có khi dựa vào uy thế của nhà Tống để gây chiến với Đại Việt. Vào các năm 995 và 997, quân Chăm quấy nhiễu biên giới phía nam Đại Việt nhưng đều bị quân đội nhà Lê đánh dẹp.
Khi triều Lý mới thành lập, Champa có sai sứ sang cống (1011). Nhưng sau đó, Champa thường đem quân quấy rối ở biên giới. Vì vậy, tháng 12 – 1020, vua Lý đã sai Khai Thiên vương đem quân đi đánh Champa ở Bố Chính (Quảng Bình). Tại trận đánh ở núi Long Tỵ (huyện Bình Chính – Quảng Bình), tướng Champa là Bố Linh bị chém, quân Champa bị chết quá nửa. Quan hệ giữa Champa và Đại Việt sau đó tạm yên ổn, Champa lại quy phục Đại Việt. Theo sử cũ thì “tháng 4 năm kỷ Mão (1034), con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt cùng bọn Lạc Thuẫn, Sạ Đẩu, La Kế, A Thái Lạt 5 người sang quy phục nước ta” [6; 57].
Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, năm 1041, vua Champa mất, con là Sạ Đẩu nối ngôi. Đối với Đại Việt, Sạ Đẩu không thuần phục và thường xuyên mang quân quấy rối ở vùng biên giới. Tháng 4 – 1043, Champa đem quân cướp bóc dân ven biển. Vua Lý sai Đào Xử Trung đem quân đi đánh dẹp được. Trước thái độ của vua Chiêm, tháng giêng năm Giáp thân (1044), Lý Thái Tông đích thân đem quân đi đánh Champa. Trong lần này 3 vạn quân Champa bị giết, vua Sạ Đầu bị giết.
Mùa thu, tháng 7 năm 1044, nhà Lý lại đem quân vào thành Phật Thệ, giành thắng lợi. Sau lần thất bại này, vua Champa phải thần phục nhà Lý. Tuy nhiên, từ đầu những năm 60 của thế kỷ XI, Rudravarman III lên trị vì thì quan hệ giữa Champa với Đại Việt lại có phần căng thẳng. Một mặt vua Champa lo củng cố lực lượng quân đội trong nước, mặt khác cho sứ thần đem cống phẩm sang nhà Tống, muốn dựa vào nhà Tống để xâm lược Đại Việt. Từ năm 1068, Champa đã cho quân quấy nhiễu vùng biên giới. Trước tình hình đó nhà Lý đã chủ động đối phó. Tháng 2 – 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Champa. Trong trận này, vua Champa là Chế Củ (Rudravarman IV) bị bắt cùng 5 vạn dân chúng. Chế Củ nhận thần phục được trả tự do và lại lên ngôi. Để đổi lại hành động này, Chế Củ buộc phải cắt một phần lãnh thổ phía bắc của Champa cho Đại Việt. Đó là 3 châu: Bố chính, Địa Lý, Ma Linh (nay là đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị) [5; 136]. Rudravarman IV trở về tiếp tục ở ngôi cho đến năm 1074 thì trong triều nổ ra một vụ chính biến khiến cho ông vua này phải chạy sang xin phục Việt, đem theo hơn 3000 lính và vợ con. Sau sự kiện này, lịch sử Champa diễn ra tuy vẫn sôi động, nhưng với thắng thế của dòng vua mới, tiêu biểu cho xu thế thống nhất và tự chủ. Cuộc chính biến đã đưa một hoàng thân, tên là Thâng lên ngôi, lấy hiệu là Harivarman IV (1074 - 1081). Trong bia Mỹ Sơn (XII) ông đã kể lại rằng cha ông thuộc tộc Dừa (Bắc) và mẹ thuộc tộc Cau (Nam), cai trị cả vương quốc, nhưng lại rất tự hào vì đã “sinh ra trong tộc Cau dòng giống ưu việt của cả nước Champa” [2; 97]. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, ta thấy văn bia khẳng định sự thống nhất của vương quốc Champa, đạt được không phải bằng vũ lực mà bằng sự hòa hợp hai dòng họ. Tuy rằng ta thấy Champa rất hiếm có dịp đạt được sự thống nhất hoàn toàn vững chắc trong suốt quá trình lịch sử của mình, nhưng mỗi lần như thế đều đánh dấu một bước phát triển hưng thịnh của nó. Có lẽ, Harivarman IV đã có ý thức về sự hưng khởi đó, về sức mạnh của vương quốc mình, nên mới đi gây chiến với các quốc gia ngay bên cạnh mình. Ở đây cũng không thể không nghi ngờ là đã có sự lôi kéo, xúi bẩy của nhà Tống vì những mục đích chung của họ.
Cho nên, mùa thu năm 1073 Champa vừa cử sứ thần sang triều đình Đại Việt thì ngay mùa xuân năm 1074 đã cho quân tiến công cướp phá. Dường như Champa không thu được kết quả gì đáng kể trong lần tấn công này, nhưng lại tạo được cái cớ để làm tăng thêm tham vọng xâm lược Đại Việt vốn có của triều đình Trung Quốc. Tuy nhiên, sau thất bại của nhà Tống trong việc xâm lược Đại Việt, Champa tăng cường quan hệ thân thiện với Đại Việt, thường xuyên cử xứ thần sang cống. Đồng thời cũng bắt đầu chuyển sang lo đối phó với vương quốc Campuchia, bấy giờ đang không ngừng mở rộng phạm vi quyền lực của mình.
Đến triều vua Chế MaNa (1086) quan hệ hòa hảo giữa Champa và Đại Việt không được duy trì. Năm 1092, Chế MaNa không gửi sứ thần sang làm nghĩa vụ thần phục đối với nhà Lý mà lại sai sứ thần mang thư sang vua Tống và hẹn với vua Tống sẵn sàng phối hợp để đánh Đại Việt.
Từ những năm đầu thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII, quan hệ giữa Champa và Đại Việt có phần phức tạp hơn vì lúc này có mối đe dọa với Champa bắt đầu xuất hiện ở phía nam, đó là nước Chân Lạp. Có những năm Chân Lạp lôi kéo người Chăm sang đánh Đại Việt đến tận Nghệ An để cướp phá, nhưng đều bị quân tướng nhà Lý đánh bại.
Quan hệ giữa Champa với Đại Việt thế kỷ X – XIII khá phức tạp, xung đột xảy ra thường xuyên. Trong đó, Champa thường là nước gây chiến và là nước chuốc lấy thất bại. Đại Việt trong giai đoạn này đang tập chung xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập mới giành được. Trước sự quấy nhiễu biên giới phía nam của Champa, để ổn định tình hình, Đại Việt đã nhiều lần đem quân đánh trả, giành thắng lợi, buộc Champa phải thần phục.
3. Tiểu kết
Vương quốc cổ Champa đã trải qua giai đoạn đầu phát triển, đã thống nhất được quốc gia, phát triển nhà nước tự chủ. Bước đầu xây dựng được một quốc gia đi đến thịnh đạt. Nhưng sự thịnh đạt của Champa là sự thịnh đạt của một nước nhỏ, ít dân, so với các quốc gia phong kiến khác trong khu vực cũng bước vào thời kỳ hưng khởi. Phát triển trong sự thấp thỏm, dồn nén. Cộng vào đó tiềm năng của đất nước hạn chế. Điều này đã chi phối không nhỏ đến chính sách đối ngoại của vương quốc Champa trong giai đoạn này. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến Champa thực hiện chính sách ngoại giao thiếu mền dẻo, vừa tự hùng, vừa mặc cảm với các nước láng giềng, đặc biệt là với Đại Việt. Những cuộc xung đột lớn nhỏ, xảy ra thường xuyên với Đại Việt ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Trong các cuộc xung đột đó, Champa thường là nước gây chiến và là nước chịu thất bại.
Nhìn chung, quan hệ giữa Champa với Đại Việt trong giai đoạn từ thế kỷ XI đến XIII là mối quan hệ bang giao, trong đó Champa là nước chịu thần phục với Đại Việt.
II. Quan hệ giữa Champa với Đại Việt giai đoạn 1220 – 1353
1. Hoàn cảnh lịch sử
Thời kỳ từ 1220 – 1353 là thời kỳ phát triển thịnh đạt của Champa, không chỉ trong tiến trình phát triển năm thế kỷ của vương triều Vijaya mà trong toàn bộ lịch sử của vương quốc cổ Champa. Sự phát triển này của Champa, mở đầu là những hành động tỏ ra thức thời của các vương triều nhằm tìm kiếm và củng cố sự bình ổn cho vương quốc.
Giai đoạn này bắt đầu bằng một chuỗi các sự kiện liên quan với nhau. Năm 1220, Campuchia chủ động rút quân và rút chính quyền bảo hộ khỏi Champa. Tấm bia chợ Dinh có câu: “Năm saka 1142 người Khơme đi về đất nước thần thánh, còn người Champa đi đến Vijaya, đức vua trị vì…” [2; 108]. Dựa vào nội dung tấm bia, kết hợp với các sự kiện lịch sử cùng thời còn lại trong các thư tịch cổ, chúng ta có thể đoán định được vào năm 1220 công lịch chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn lao trong mối quan hệ giữa Champa và Campuchia. Sự thay đổi này sẽ đưa đến những chính sách đối ngoại mới của Champa với các nước trong khu vực và gần gũi hơn cả là Đại Việt.
Người lên ngôi vua ở Champa sau sự kiện năm 1220 là Jaya Pramessvaravarman II. Những tấm bia về ông còn lại đủ để ngày nay ta có thể đoán định một cách chính sác thái độ thiết thực của vị vua này đối với Campuchia và chính sách đối ngoại với Đại Việt. Trong suốt thời gian trị vì và cho đến hết đời ông vẫn giữ thái độ thân, lệ thuộc vào Campuchia và kỳ thị đối với Đại Việt.
Trong một bối cảnh mà nước Đại Việt ở đầu thời Trần đang hưng thịnh, còn Campuchia thì bắt đầu suy yếu và không khả năng tác động gì đáng kể về mặt quan hệ quốc tế, đối với Champa cũng như đối với những nước khác. Thái độ kỳ thị không thức thời đó dẫn Jaya Pramessvaravarman II đến chỗ “từ khi nhà Lý suy nhược, thường đem thuyền nhẹ đến cướp, bắt cóc dân ven biển… lại đòi đất cũ mà có ý dòm ngó nước ta” (Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, tr.25). Đời vua tiếp theo là Jaya Indravarman VI, về căn bản vẫn giữ đường lối đối ngoại như cũ, tuy vẫn cử người sang cống nạp.
Vào nửa đầu thế kỷ XIII, trước tình trạng suy yếu của Angkor đã rõ, thế mạnh của nước Đại Việt thời Trần và ý thức tự chủ muốn tách khỏi ảnh hưởng của Campuchia đã khiến một người trong hoàng tộc Champa giành lấy ngôi vua vào năm 1265, đặt vương hiệu là Indravarman IV. Indravarman IV là người sáng lập ra triều vua phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử vương quốc Champa. Nét nổi bật nhất của vương triều này là sự chuyển hướng căn bản trong đường lối đối ngoại của nó.
2. Quan hệ hòa hảo giữa Champa với Đại Việt giai đoạn 1220 – 1353
Indravarman IV hoàn toàn không lo ngại vương quốc Campuchia đang suy yếu, đã dồn sự quan tâm thiết lập và phát triển mối quan hệ hòa hiếu với Đại Việt. Hầu như hàng năm Champa đều cử sứ thần sang Đại Việt mang theo đồ cống tặng và củng cố quan hệ thân thiện giữa hai nước. Mối quan hệ này đã được tăng cường và thể hiện một cách hết sức tốt đẹp trong những năm kháng chiến chống sự xâm lược Champa của nhà Nguyên (1283 - 1284). Qua diễn biến cuộc kháng chiến chống nhà Nguyên đã thể hiện rõ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Mối quan hệ tốt đẹp đó có được chẳng những là một nhu cầu tự nhiên mang tính khách quan vốn có của những quốc gia trong cùng một khu vực mà đồng thời nó còn đòi hỏi sự cố gắng thiện chí, hiểu và giúp đỡ lẫn nhau của hai nước Đại Việt và Champa lúc đó.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Đại Việt hiểu rõ mục tiêu hàng đầu của nhà Nguyên là tấn công Đại Việt, một đối thủ đã thử sức và đã được chứng tỏ là hoàn toàn không dễ đánh. Nhưng nếu nhà Nguyên dụ hàng hoặc thôn tính được Champa bằng vũ lực thì Đại Việt sẽ rơi vào thế bị kẹt giữa và khó có thể chống đỡ được khi bị tấn công từ hai phía. Champa có lẽ cũng nhận thức được một cách rất sau sắc là chủ quyền của mình gắn liền với sự thắng bại của Đại Việt, chứ không phải sự dụ dỗ của nhà Nguyên. Do đó, cả hai bên Đại Việt và Champa đều tỏ ra rất ăn ý với nhau, cùng có thái độ bền bỉ, kiến quyết và dũng cảm trước mọi sự uy hiếp, tấn công của nhà Nguyên.
Sau khi dụ hàng Champa đến 8 lần không được, tháng 12 – 1282, quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy tấn công Champa. Trong cuộc chiến này, Đại Việt đã chi viện cho Champa một đạo quân đáng kể gần 2 vạn người và 500 chiến thuyền trong lúc chính Đại Việt đang đứng trước nguy cơ xâm lược [3; 35]. Hành động thiết thực đó đã nói lên sự gắn bó thân thiết của Đại Việt với Champa lúc bấy giờ.
Mối tị hiềm vốn có giữa Đại Việt – Champa đã không bị lợi dụng trong cuộc kháng chiến này. Nhà Nguyên đã thất bại khi muốn mượn Đại Việt để tạo những cơ hội đánh Champa, cũng như thất bại khi muốn thôn tính Champa để tấn công Đại Việt. Nhờ quan hệ hòa hiếu đã được thiết lập từ trước và trong chiến tranh, hai quốc gia có thể đoàn kết và giúp đỡ lần nhau. Champa đã giành thắng lợi trước một kẻ thù đầy sức mạnh và hung hãn tung hoành khắp thế giới lúc này. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình Champa giành chiến thắng trước một kẻ thù xâm lược hùng mạnh.
Chiến thắng đã tăng cường quan hệ hòa hiếu tốt đẹp giữa Đại Việt và Champa. Năm 1284, một phái bộ của Đại Việt được cử đến Champa đem trả 30 tên quan Chăm vì đi theo quân Nguyên mà bị bắt [2; 117].
Năm 1285, hoàng tử Harijit – Việt sử gọi là Chế Mân lên ngôi, hiệu là Jaya Sinhavarman IV. Dưới thời Jaya Sinhavarman IV, mối quan hệ tốt đẹp giữa Champa và Đại Việt tiếp tục phát triển. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên thân thiết đến mức có việc dường như đã vượt quá cả những hủ tục ngoại giao thông thường, như việc năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhân có sứ bộ Chiêm Thành về nước đã theo sang chơi từ tháng 3 đến tháng 11 mới trở về. Thời gian lưu lại rất lâu, tới 8 tháng, nhân dịp này, thượng hoàng nhà Trần hứa gả con gái của mình cho vua Chế Mân. Năm 1306 công chúa Huyền Trân trở thành vợ thứ 3 của Chế Mân và được coi là hàng hậu cao quý nhất. Trong lễ cưới này, vua Champa đã đem nhiều đồ sính lễ, vàng bạc và cả đất đai là hai châu Ô và Lý (bắc Quảng Trị và Thừa Thiên). Đến đây, toàn bộ vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay đã được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt [ 2; 120].
Chế Mân qua đời năm 1307 như dự báo trước sự ra đi của một thời thịnh trị và bình yên. Khoảng năm đời vua tiếp theo của dòng họ này, quan hệ Champa – Đại Việt vẫn giữ được như cũ, tuy có nhạt đi ít nhiều và dần dần trở nên phức tạp hơn do những điều kiện mới của quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ tốt đẹp giữa Champa và Đại Việt tiếp tục được củng cố và tăng cường trong những năm cùng chống ngoại xâm và những năm tiếp theo, dưới hai triều vua Jaya Sinhavarman III và IV. Sau đó đã dần trở nên phức tạp hơn do những điều kiện mới của quan hệ giữa hai nước.
Nhìn chung, trong suốt nửa đầu thế kỷ XIV, về hình thức, Champa vẫn giữ quan hệ cũ – cống nạp, cầu phong, nhưng không còn được như trước, nên mới có chuyện năm 1346 vua Đại Việt sai sứ sang Chiêm Thành “trách hỏi về việc thiếu lễ triều cống hàng năm” và “mùa đông tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang cống, lễ vật rất ít” [3; 37].
Năm 1353, một cuộc chính biến sảy ra trong triều đình Champa, nhà Trần đem quân sang giúp một bên, can thiệp sâu vào nội tình của họ nhưng thất bại. Sự việc này đánh đáu nhà Trần bắt đầu suy yểu và quan hệ tốt đẹp gần một thế kỷ giữa Champa và Đại Việt dần mất đi.
3. Tiểu kết
Hơn một thế kỷ, nhất là dưới thời trị vì của Indravarman IV và Sinhavarman III và Sinhavarman IV là những trang sử rất đẹp của Champa, là sự chiến thắng và tình thân. Champa đã chuyển hướng kết thân với Đại Việt vào lúc Đại Việt ở vào thời kỳ thịnh trị của nhà Trần, cả Champa cũng đang bước vào giai đoạn phát triển thịnh đạt nhất trong lịch sử phát triển của vương quốc mình. Cả hai đều mạnh, nhưng không vì mạnh mà họ xâm chiếm nhau, mở rộng phạm vi quyền lực của mình như các triều vua phong kiến phương Đông thường làm. Champa và Đại Việt đều tập chung để xây dựng và bảo vệ đất nước của mình.
Trong giai đoạn này, trên cơ sở mối quan hệ bang giao, Champa và Đại Việt đã thiếp lập mối quan hệ thân tình, hòa hảo. Nhìn chung, Champa vẫn là nước chịu thần phục nhưng mối quan hệ hòa hảo, thân tình là nét nổi bật trong quan hệ giữa Champa với Đại Việt. Trên cơ sở đó, cả Champa và Đại Việt đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
III. Quan hệ giữa Champa với Đại Việt giai đoạn 1353 – 1471
1. Hoàn cảnh lịch sử
Trong giai đoạn này, những diến biến lịch sử trong khu vực có những đổi thay, có những tác động làm thay đổi chính sách ngoại giao. Champa không phải lo đối phó và làm vừa lòng nhiều nước lớn trong vùng cùng một lúc như giai đoạn trước.
Campuchia tiếp tục suy yếu và không còn khả năng gây ảnh hưởng đối với Champa. Campuchia đang khốn đốn vì nước Ayuthaya của người Thái Lavô mới lập (1350). Năm 1352, Ayuthaya tiến đánh Campuchia lần đầu tiên với quy mô lớn, mở đầu giai đoạn của cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia (1352 - 1432). Sau ba lần bị Ayuthaya tấn công, Campuchia đã phải rởi bỏ kinh đô Angkor (1432). Campuchia do phải lo chống đỡ trước sự tấn công của Ayuthaya nên đứng ngoài các sự kiện Champa [3; 84].
Nước thứ hai có quan hệ với Champa ở giai đoạn trước là Giava, thời kỳ này vẫn giữ được quan hệ thường xuyên, nhưng cũng không có ảnh hưởng về chính trị đối với Champa vì ở xa ngoài biển và hơn nữa vương triều Mojopahit cũng bắt đầu suy thoái.
Nước Đại Việt, trong thời gian cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV đã diễn ra những biến động lớn. Nửa cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu, nội bộ đất nước lục đục, triều chính rối ren. Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Năm 1407, Đại Việt bị nhà Minh xâm chiếm. Cuộc kháng chiến thất bại của nhà Hồ đã đưa Đại Việt vào thảm họa bị nô dịch dưới ách thống trị, đô hộ của phong kiến nhà Minh suốt 20 năm, từ năm 1407 đến 1427. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo thắng lợi, hòa bình được lập lại đã đưa đến sự thiết lập một triều đại mới – nhà Lê Sơ ở Đại Việt. Chính quyền nhà Lê Sơ đã thực hiện những chính sách tích cực, đưa Đại Việt vào thời kỳ phát triển thịnh đạt.
Như thế, mối quan hệ còn lại của Champa trong giai đoạn này là mối quan hệ với Đại Việt. Do đó, chính sách ngoại giao của vương triều Vijaya đối với Đại Việt có ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng, tới tình hình Vijaya và số phận lịch sử của dân tộc này.
2. Quan hệ giữa Champa với Đại Việt giai đoạn 1353 – 1471
Bảng 2: Thống kê những sự kiện quan hệ giữa Champa với Đại Việt giai đoạn 1353 - 1471

STT
Năm Nội dung
Quan hệ hòa hảo Quan hệ xung đột
1 1352 Hoàng tử Champa là Chế Mỗ sang cầu cứu Đại Việt.
2 1353 Đại Việt cử binh sang đánh nhưng thất bại.
3 1360 - 1391 Champa hơn 15 lần tấn công Đại Việt, trong đó có hai lần đánh đến kinh đô Thăng Long. Triều đình nhà Trần đã phải lo chống đỡ rất vất vả.
4 1390 Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt. Tướng Trần Khát Chân đã chỉ huy, bắn trúng thuyền làm chết ông vua kiêu hùng của Champa.
5 1400 - 1407 Hồ Quý Ly bốn lần đem quân đánh Champa. Champa phải cắt đất cầu hòa.
6 1427 Champa sai sứ sang cống, thiết lập quan hệ hòa hảo với Đại Việt.
7 1444 Champa cướp phá Châu Hóa.
8 1445 Champa cướp phá Châu Hóa.
9 1469 Người Chiêm Thành đi thuyền, vượt biển đến quấy Châu Hóa.
10 1470 Quốc vương Chiêm Thành đem quân thủy bộ, ngựa voi hơn 10 vạn đánh úp Châu Hóa.
11 1471 Vua Lê Thánh Tông đích thân đem 26 vạn quân đi đánh Champa, bắt được vua Champa và chiếm được kinh đô Vijaya.

Mở đầu cho giai đoạn mới trong quan hệ Champa – Đại Việt là sự kiện mà Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lai khá đầy đủ. Sự kiện này bắt nguồn từ việc vua Chế A Nan mất năm 1342, con rể là Trà Hòa Bố Để giành ngôi của Chế Mỗ (con của Chế A Nan). Năm 1352, Chế Mỗ sang cầu cứu Đại Việt. Năm 1353, Đại Việt cử binh sang đánh nhưng thất bại, phải quay về [2; 124].
Tuy nhiên, nhìn chung dưới thời Trà Hòa Bồ Để, tình hình Champa, cũng như quan hệ Champa và Đại Việt vẫn còn yên ổn, không có những biến cố lớn.
Khoảng năm 1360, ở Champa, Chế Bồng Nga lên ngôi, đã kích động được dân Champa chống Đại Việt, muốn phá vỡ ý thức thần phục đã nảy sinh trong điều kiện quan hệ giữa hai nước trước đó; đồng thời phá vỡ quan hệ hòa hiếu đã xây dựng được trong một thời gian dài. Trong Việt sử, Chế Bồng Nga gắn liền với giai đoạn từ 1360 – 1390, giai đoạn mà nhà Trần ở nước Đại Việt suy yếu. Champa lợi dụng tình hình này, đem quân tấn công liên tục vào Đại Việt. Trong những năm đầu (từ năm 1361 - 1368) gần như một năm một lần. Tính đến năm 1391, trong khoảng 30 năm, Champa hơn 15 lần tấn công Đại Việt, trong đó có hai lần đánh đến kinh đô Thăng Long. Triều đình nhà Trần đã phải lo chống đỡ rất vất vả. Các vua nhà Trần đã mấy phen phải rời khỏi kinh thành và đem vất giấu của cải đi nơi khác [3; 85].
Trong suốt 30 năm lên cầm quyền của Chế Bồng Nga (1360 - 1390). Đất nước Champa đã lao vào cuộc xung đột sống còn với Đại Việt. Đó là những năm tột cùng của sự gây cấn và có những tác động trực tiếp tới quan hệ giữa Champa với Đại Việt.
Năm 1390, nhân lúc triều đình nhà Trần rối ren, Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Đại Việt. Nhưng sự bất đồng đã sảy ra trong hàng ngũ Champa. Một viên quan Chăm đã chạy sang Đại Việt và báo cho biết thuyền của Chế Bồng Nga. Tướng Trần Khát Chân đã chỉ huy, bắn trúng thuyền làm chết ông vua kiêu hùng của Champa trong trận đó [2; 127].
Đối với Đại Việt, sự kiện Chế Bồng Nga là hình ảnh của một bài học lớn về Champa. Đối với Champa, tham vọng và cái chết của Chế Bồng Nga đã dẫn đến sự suy sụp nhanh chóng, không cưỡng lại được. Hơn ba mươi năm xung đột mất còn với Đại Việt Champa không thắng mà cũng chẳng thu được gì ngoài sự suy kiệt do cuộc chiến đem lại.
Hành động đánh phá điên cuồng và liên tiếp chắc có làm thỏa mãn tham vọng về của cải và uy tín của Chế Bồng Nga, nhưng rõ ràng là Chế Bồng Nga đã không tỉnh táo để thấy được thực lực của cả hai bên. Những lần tấn công tuy có làm cho Đại Việt khốn khó nhưng do tiềm lực kinh tế và dân số lớn hơn nhiều, sau mỗi lần bị tấn công, Đại Việt vẫn có khả năng tiếp tục củng cố lực lượng và tăng cường phòng thủ. Trong khi đó, tiềm lực của Champa rất hạn chế. Ngay cả những lần chiếm được kinh đô, họ chỉ cướp phá, rồi lại vội vã rút lui. Đối với một nước mà kinh tế không phát triển, dân số lại ít, sự huy động cho chiến tranh mỗi năm một lần sẽ đem lại hậu quả tai hại nhiều hơn là có lợi.
Sau khi Chế Bồng Nga chết, đại tướng là La Ngai dẫn quân chạy về, tự lập làm vua. Trong những năm tiếp theo tình hình lắng dịu hẳn đi, tuy vẫn có vài lần xung đột không lớn lắm.
Ở ngôi 10 năm, năm 1400 La Ngai qua đời, con là Ba Đích Lai (Indravarman V) lên ngôi. Lúc này Đại Việt cũng có sự thay đổi quan trọng là việc Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần. Trong thời gian Chế Bồng Nga tiến đánh, là một tướng có tài và là người nắm trọng trách ở triều đình nhà Trần, Hồ Quý Ly là người chỉ huy các cuộc chống cự có hiệu quả hơn cả. Đến đây, nắm trọn quyền hành trong tay, một trong những công việc mà Hồ Quý Ly dồn sức nhiều nhất là đánh lại Champa. Trước sau, ông đem quân đại Champa 4 lần trong vòng 7 năm. Trong tình thế ấy, Ba Đích Lai đã phải cắt hai châu Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Hồ Quý Ly lấy đất ấy lập ra bốn châu (Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa) và gộp làm hộ Thăng Hoa (Chiêm Động là Quảng Nam và Cổ Lũy là Quảng Ngãi ngày nay). Lại lấy cả miền thượng du của đất ấy để lập thành đất Tân Ninh. Biến giới phía bắc của Champa lui vào đến đất Bình Định ngày nay.
Năm 1407, nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, nhà Hồ sụp đổ. Champa đã tranh thủ lấy lại đất Thăng, Hoa. Khi nhà Lê dấy nghiệp, thì Champa muốn nhanh chóng lập lại quan hệ cũ nên đã sai sứ sang cống (năm 1427) trước khi diễn ra trận tổng công kích cuối cùng của nghĩa quân Đại Việt vào quân Minh. Từ đó đến cuối đời Indravarman V, cả Đại Việt và Champa đều lo khôi phục và xây dựng đất nước, đều giữ quan hệ thân thiện với nhau và thường xuyên cử sứ thần qua lại. Sứ thần Chiêm Thành đã từng được “ban yến, cho ngựa và lụa”, và vua Chiêm Thành cũng được gửi tặng “ngựa và đồ uống bằng pha lê xanh trắng” [2; 129].
Khoảnh khắc yên ổn của vương quốc Champa nhờ sự gắng gượng của Indravarman V cũng ra đi cùng với sự ra đi của ông. Sau Bá Đích Lai, ở Champa diễn ra tình trạng tranh chấp, lật đổ, tiếm ngôi. Và dường như vì không đủ sức để tự xây dựng đất nước, cứ vào thời gian nào tương đối ổn định thì vua Chăm lại đem quân tấn công Đại Việt để cướp của cải, lương thực và giành lại đất đai đã mất.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại liền trong hai năm 1444 – 1445 đến cướp phá Châu Hóa. Năm 1469 “tháng 3, người Chiêm Thành đi thuyền, vượt biển đến quấy Châu Hóa”. Một năm sau, năm 1470 lại thấy quốc vương Chiêm Thành đem quân thủy bộ, ngựa voi hơn 10 vạn đánh úp Châu Hóa (tr.228. Q.III). Nếu số quân 10 vạn mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi là đúng thì có lẽ vua Champa đã vét gần hết những người có thể đánh nhau được vào cuộc chiến mù quáng này.
Vua Chăm đã không tính đến tình trạng kiêt quệ của nước mình vì những cuộc chiến tranh liên miên. Sự mặc cảm và kỳ thị của Champa giành cho Đại Việt lúc này là không thức thời. Đại Việt mới khô phục và phát triển thịnh đạt qua một nửa thế kỷ sau chiến thắng quân Minh. Những năm 70 của thế kỷ XV là những năm vua Lê Thánh Tông tràn trề ý thức về sự vươn lên và tự hùng của Đại Việt. Chính trong bối cảnh đó, năm 1471, bực mình vì hành động đánh phá liên miên của Champa ở phía nam, vua Lê Thánh Tông đích thân đem 26 vạn quân đi đánh Champa, bắt được vua Champa và chiếm được kinh đô Vijaya.
Như vậy, đến năm 1471, trên thực tế Champa không còn nữa. Vua Lê lấy đất Vijaya nhập vào Chiêm Động, Cổ Lũy, lập một đạo mới gọi là đạo Quảng Nam. Sau đó, Lê Thánh Tông còn tiến quân đẩy Champa vào phía nam Đèo Cả, lấy đất Phú Yên ngày nay lập hai nước nhỏ làm đệm: Nước Hoa Anh ở đồng bằng và nước Nam Bàn ở miền núi, cử tù trưởng địa phương làm vua [3; 90].
Vijaya của người Chăm đã bị mất cùng với cả vùng đất Phú Yên. Vùng kinh đô thống nhất gần năm thế kỷ đã bị sát nhập vào Đại Việt cùng với sự ra đi của vương triều Vijaya. Phần lớn dân và triều đình đã bỏ chạy sang Sumatra và lui vào miền nam. Nước Champa bị thu hẹp từ Đèo Cả ở phía bắc đến lưu vực sông Đồng Nai ở phía nam. Họ sinh sống chủ yếu ở vùng đất nhỏ nghèo nàn Panduranga và ngày càng thưa thớt cùng với sự suy vi của đất nước.
3. Tiểu kết
Nhìn chung, trong giai đoạn 1353 – 1471, đã chứng kiến nhiều biến động lớn trong quan hệ giữa hai nước, những biến động đó ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của vương quốc Champa. Quan hệ hòa hảo được thiết lập khi cả Champa và Đại Việt đều mạnh, trong đó Champa là nước chịu thần phục. Nhưng khi Đại Việt suy yếu, Champa thường xuyên đem quân đánh phá, cướp bóc, nhiều phen gây cho chính quyền Đại Việt khốn đốn. Khi Đại Việt phục hồi đã đem quân đánh trả, sau nhiều cuộc chiến tranh mà phía Champa là nước chịu thất bại đã phải cắt đất cầu hòa, lãnh thổ của Champa bị thu hẹp dần. Đến năm 1471, Lê Thánh Tông dẫn quân đánh Champa, chiếm kinh đô Vijaya. Vijaya mất, sự kiện này đánh dấu sự suy vong hoàn toàn của vương quốc cổ Champa.








KẾT LUẬN
Vương quốc cổ Champa đã trải qua thời kỳ Vijaya (thế kỷ X – XV) đầy biến động. Trong thời kỳ này Champa thống nhất được quốc gia, phát triển kinh tế, xây dựng một quốc gia bước đầu đi đến sư thịnh trị. Nhưng sự thịnh đạt của Champa không duy trì được lâu. Bởi lẽ, chính quyền Champa đã thi hành một chính sách đối ngoại không thức thời, đặc biệt là trong quan hệ với Đại Việt.
Trong thời kỳ Vijaya, quan hệ bang giao giữa Champa với Đại Việt được thiết lập, trong đó Champa là nước chịu thần phục, thường xuyên phải cống nạp. Tuy nhiên, mỗi khi Đại Việt suy yếu hoặc nội bộ lục đục thì Champa lại cho quân đánh phá. Hành động đánh phá điên cuồng và liên tiếp của Champa đối với Đại Việt làm cho quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng. Những lần tấn công của Champa có làm Đại Việt vất vả chống đỡ, nhưng do có tiềm lực kinh tế, dân số đông nên Đại Việt nhanh chóng củng cố lực lượng, tăng cường phòng thủ. Trong khi đó, tiềm lực của Champa hạn chế, dân số ít điều kiện kinh tế hạn chế nên việc lao vào những cuộc chiến tranh liên miên đã làm tổn hại đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Nhìn một cách tổng thể, trong các cuộc tấn công, cướp phá Đại Việt, Champa là nước mất nhiều hơn là được. Khi Đại Việt mạnh lên đã đem quân đánh trả, không chống đỡ nổi, các vua Chăm phải cắt đất cầu hòa. Dần dần, lãnh thổ của Champa thu hẹp dần. Cho đến sự kiện năm 1471, về cơ bản lãnh thổ của Champa đã được sát nhập vào Đại Việt, vương quốc cổ Champa đã không còn vai trò trên vũ đài chính trị khu vực. Đây là quá trình sát nhập từng vùng lãnh thổ của Champa vào Đại Việt một cách tự nhiên, mà nhiều học giả gọi là “tằm ăn lá dâu”.
Chính sách ngoại giao thiếu mền dẻo, vừa tự hùng, vừa mặc cảm với nước láng giềng, nhất là đối với Đại Việt đã đưa vương quốc cổ Champa đến sự diệt vong. Đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho bất cứ quốc gia nào trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lương Ninh (cb), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.
[2]. Lương Ninh, Vương quốc Champa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2006.
[3]. Hà Bích Liên, Champa thời Vijaya và mối quan hệ của nó trong khu vực, Tiểu luận Khoa học Lịch sử, Thư viện trường Đại học sư phạm Hà Nội, 1993.
[4]. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1-2-3, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
[5]. Trương Hữu Quýnh (cb), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.
[6]. Đào Tố Uyên (cb), Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Việt Nam, tập II, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVI, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2008.


Chữ ký của doducdung.hnue




 

QUAN HỆ GIỮA CHAMPA VỚI ĐẠI VIỆT THỜI KỲ VIJAYA (THẾ KỶ X – XV)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: LỊCH SỬ THẾ GIỚI :: Lịch sử thế giới trung đại-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất