CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 SỰ ĐỐI ĐẦU GIỮA HAI CỰC XÔ – MỸ QUA CUỘC CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN (1950 – 1953)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
SỰ ĐỐI ĐẦU GIỮA HAI CỰC XÔ – MỸ QUA CUỘC CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN (1950 – 1953) I_icon_minitimeThu May 12, 2011 3:40 pm

doducdung.hnue
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN

ĐIỀU HÀNH VIÊN

doducdung.hnue

ĐIỀU HÀNH VIÊN

Họ & tên Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : SỰ ĐỐI ĐẦU GIỮA HAI CỰC XÔ – MỸ QUA CUỘC CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN (1950 – 1953) 42
Ngày tham gia Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 111
Đến từ Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích Điểm thành tích : 176
Được cám ơn Được cám ơn : 36

Bài gửiTiêu đề: SỰ ĐỐI ĐẦU GIỮA HAI CỰC XÔ – MỸ QUA CUỘC CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN (1950 – 1953)

 

Cho đến nay, Chiến tranh lạnh đã kết thúc được hơn 20 năm. Sự đối đầu giữa hai cực Xô – Mỹ không còn. Bàn cờ chính trị thế giới từ hai cực chuyển thành đa cực. Chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ quốc tế chuyển từ đối đầu sang đối thoại, nhưng hệ quả của nó vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực, mà tiêu biểu là ở Bán đảo Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên nằm ở khu vực Đông Bắc Á, một trong những khu vực có vị trí rất quan trọng trên thế giới. Xung quanh Bán đảo Triều Tiên là một loạt các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật. Mỹ là cường quốc ở xa nhưng luôn có vai trò và sự hiện diện ở đây. Nằm ở giao điểm lợi ích chiến lược của các nước lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bán đảo Triều Tiên chịu tác động của các nước lớn, đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945).
1. Sự đối đầu giữa hai cực Xô – Mỹ làm bùng phát cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ quốc tế có những thay đổi rõ rệt. Lúc này, hai chủ thể trọng yếu của trật tự thế giới là Mỹ và Liên Xô đã từ chỗ là đồng minh với nhau, chuyển sang quan hệ đối đầu, dần dần đi tới tình trạng chiến tranh lạnh. Lúc này, do có nhiều lợi ích mâu thuẫn, cả Mỹ và Liên Xô đều can dự ở những mức độ khác nhau vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của Chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới. Ngược lại, Mỹ ra sức chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Sự hình thành và đối đầu giữa hai cực Xô – Mỹ đã chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ quốc tế từ năm 1945 đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Đường biên giới của chiến tranh lạnh biểu hiện nổi bật ở sự chia cắt nước Đức ở Châu Âu và Việt Nam, Triều Tiên ở Châu Á.
Tình hình trên cho thấy: Chiến tranh lạnh là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe - phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột. Chiến tranh lạnh đã diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa, tư tưởng,… ngoại trừ xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa hai siêu cường quốc Mỹ và Liên Xô – người đứng đầu mỗi cực.
Riêng về mặt quân sự, lúc thì nước này ra mặt, lúc thì nước kia ra mặt. Song, phương châm chung là cả Mỹ và Liên Xô đều tối kị đụng đầu trực tiếp. Với phương châm đó, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe tuy không có cuộc đại chiến trực tiếp giữa hai cường quốc, nhưng cũng đã xảy ra không ít cuộc xung đột quân sự mang tính khu vực ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có phản ánh cuộc đối đầu Xô - Mỹ. Một trong những cuộc xung đột khu vực ở thời kỳ này tiêu biểu phải kể đến là Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn để đối thủ của mình nắm trọn vẹn bán đảo Triều Tiên. Chính vì thế, ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc thì Triều Tiên đã được các nước lớn đưa lên bàn cân. Bằng chứng là việc giải phóng Triều Tiên khỏi phát xít Nhật do cả Mỹ và Liên Xô tiến hành, mỗi cường quốc giải quyết một nửa, lấy vĩ tuyến 380 làm ranh giới phân chia.
Tiếp đó, cả Mỹ và Liên Xô đều có những hoạt động để biến bán đảo Triều Tiên đi theo một quỹ đạo do mình đạo diễn; nếu không được, thì ít nhất cũng phải biến vùng lãnh thổ do mình kiểm soát không thể phát triển theo chiều hướng ngược lại.
Với những hoạt động của Mỹ và Liên Xô, một chế độ theo định hướng tư bản chủ nghĩa đã được xác lập ở Nam Triều Tiên: Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) (5- 1948) và một chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập ở Bắc Triều Tiên là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (9 - 1948) [5; 329]. Như thế, một nước Triều Tiên thống nhất đã bị chia cắt làm hai lãnh thổ: phía nam vĩ tuyến 380 là Hàn Quốc, phía bắc vĩ tuyến 380 là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Vĩ tuyến 380 trở thành “tấm màn sắt” giữa hai miền Triều Tiên. Ở dọc hai bên đường ranh giới là hai chính phủ thù địch nhau do Mỹ và Liên Xô bảo trợ. Điều này đã đi ngược lại nguyện vọng tha thiết của toàn thể nhân dân Triều Tiên, nhất là những nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đang muốn nhanh chóng thống nhất đất nước.
Mỹ không muốn có một Triều Tiên thống nhất, bởi nếu Triều Tiên thống nhất, ở bên cạnh hai "người khổng lồ" của hệ thống xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc thì sớm muộn cả bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản.
Mỹ cũng xác định rằng, Đông Bắc Á có nhiều lợi ích trong chiến lược toàn cầu của mình, mà điểm then chốt là Nam Triều Tiên. Mỹ coi Nam Triều Tiên như là chiếc neo chiến lược đối với sự có mặt của mình trên lục địa châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Bởi ngoài sự đề phòng Liên Xô, Mỹ còn sợ nếu mất Nam Triều Tiên, thì không chỉ Liên Xô và Trung Quốc, Nhật Bản cũng sẽ là một đối trọng với Mỹ. Nam Triều Tiên sẽ là một điểm dừng chân của Mỹ ở Đông Á, giúp Mỹ khống chế Liên Xô, Trung Quốc và Nhật Bản.
Phía Liên Xô cũng coi bán đảo Triều Tiên có tầm chiến lược quan trọng. Nếu Nam Triều Tiên được giải phóng thì phạm vi thế lực của Liên Xô sẽ được mở rộng tới sát Nhật Bản, đối thủ kỳ cựu đáng gờm nhất của nước Nga từ cuối thế kỷ XIX.
Hơn nữa cường quốc này cũng không muốn có một "biên giới mềm" của Mỹ ở ngay sát cạnh mình và khống chế cả khu vực vốn nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của mình. Chính vì thế, Liên Xô xem Nam Triều Tiên thân Mỹ là một cái gai trong mắt và luôn muốn nhổ bỏ nó đi.
Và như vậy, việc chiến tranh nổ ra trên địa bàn chiến lược Triều Tiên không phải là toan tính của riêng phía Liên Xô hay phía Mỹ, mà nó xuất phát từ động cơ chính trị, kinh tế của cả hai bên, sự mâu thuẫn giữa hai cực Xô – Mỹ và nằm trong một không gian chung - cuộc Chiến tranh lạnh.
Triều Tiên đã trở thành một chủ thể hàm chứa khối mâu thuẫn lớn của thời đại (mâu thuẫn giữa hai cực Xô - Mỹ). Chính vì vậy, việc nổ ra cuộc chiến ở đây là điều người ta hoàn toàn có thể dự liệu được.
2. Sự đối đầu giữa hai cực Xô – Mỹ trong diễn biến cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
Năm 1945, Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật Bản, nhưng đối với người Triều Tiên ở cả hai miền cuộc giải phóng đó không có nghĩa là chấm dứt khổ đau, mang lại độc lập và tự do cho họ. Trên thực tế nó cũng không có nghĩa là sự phục hồi vị trí dân tộc, mang lại cho họ lòng tự tôn dân tộc bị tước mất hơn 30 năm qua. Bán đảo Triều Tiên không những bị chia cắt mà cả hai miền còn phải liên kết với các cường quốc bên ngoài để bảo trợ cho mình. Việc đất nước Triều Tiên bị chia cắt thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau, tư tưởng đối lập nhau, không thừa nhận mà muốn lật đổ chế độ của nhau bằng biện pháp quân sự và dựa vào sự hỗ trỡ của hai cường quốc đang là thù địch của nhau ( Mỹ - Liên Xô) để thống nhất đất nước thì xung đột là điều khó tránh khỏi.
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên dựa vào sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Liên Xô bề ngoài tỏ ra không đếm xỉa gì đến vấn đề Triều Tiên, coi đó là công việc nội bộ của Triều Tiên. Song trên thực tế Liên Xô luôn tìm mọi cách để xác lập vị thế của mình trên bán đảo Triều Tiên. Biểu hiện trước hết là, cuối năm 1948, khi cho rút hết quân đội của mình về nước, thì Liên Xô vẫn để lại rất nhiều xe tăng và vũ khí đạn dược cho quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời, Liên Xô tích cực xây dựng một lực lượng quân đội mạnh cho Bắc Triều Tiên để đề phòng nguy cơ tấn công từ phía Nam Triều Tiên.
Tới tháng 9/1949, quân đội Bắc Triều Tiên đã có khoảng 90.000 người, trang bị đầy đủ các loại vũ khí nặng, nhẹ [8]. Liên Xô cũng không ngừng "bật đèn xanh" cho Kim Nhật Thành tấn công Nam Triều Tiên khi thời cơ thuận lợi.
Khi ngày 5 và 12/1/1950, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố vành đai an toàn của Mỹ không bao gồm Nam Triều Tiên và Đài Loan, Mỹ sẽ không dùng hành động quân sự trực tiếp bảo vệ khu vực này, thì Liên Xô đã coi đây là điều kiện thuận lợi để thống nhất Triều Tiên. Liên Xô đã tăng nguồn viện trợ quân sự cho Triều Tiên lên tới 300 triệu rúp và đánh động Bắc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành thống nhất lãnh thổ [8]. Tuy thế, Xtalin vẫn thận trọng nhắc Kim Nhật Thành chỉ được dùng hình thức phản công khi Nam Triều Tiên tấn công trước.
Đến đầu năm 1950, trước khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Liên Xô đã viện trợ thêm vũ khí và cử hơn 3.000 cố vấn quân sự sang giúp Bắc Triều Tiên (tính ra trung bình cứ 45 lính Bắc Triều Tiên có 1 cố vấn quân sự Liên Xô). Trung tướng Vaxilev dẫn đầu đoàn cố vấn quân sự Liên Xô đã lập kế hoạch tác chiến, trong đó dự định trong vòng từ ngày 22 đến 27/6/1950 sẽ chiếm xong Nam Triều Tiên.
Trong các bức điện ngày 1 và 6/7, Stalin viết: Liên Xô sẽ "hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu của Bắc Triều Tiên về vận chuyển vũ khí và các trang bị quân sự khác", "sẽ cung cấp toàn diện các loại vũ khí, xe tăng..."[8].
Cùng với những động thái của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có những hành động để chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai. Ngày 7/12/1949, đọc diễn văn trước quốc hội, Tổng thống Hàn Quốc Lý Thừa Vãn công khai phát biểu: “nếu Ủy ban về Triều Tiên của Liên hiệp quốc giúp đỡ mà vẫn không sát nhập được Bắc Triều Tiên bằng đường lối hòa bình thì quân đội quốc gia tất nhiên phải đánh Bắc Triều Tiên” [7; 27].
Phía Mỹ cũng có những hành động việc trợ cho Hàn Quốc vê mọi mặt.. Ngày 14/2/1950, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cung cấp viện trự cho Nam Triều Tiên. Mặt khác, ở Nam Triều Tiên, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Mỹ, việc chuẩn bị quân sự được gấp rút đẩy mạnh, nhân viên quân sự Mỹ được tăng cường, vũ khí Mỹ đưa vào ngày càng nhiều. Ngày 26/1/1950, một hiệp nghị về viện trợ quân sự được ký kết giữa chính phủ Mỹ và chính quyền Nam Triều Tiên, quy định việc giao nhận vũ khí và trang bị Mỹ. Ngày 19/6/1950, Đa-lét (cố vấn Bộ ngoại giao Mỹ) đã đọc diễn văn trước Quốc Hội Nam Triều Tiên, khuyến khích chính phủ Lý Thừa Vãn chống lại Bắc Triều Tiên, chống lại “phong trào cộng sản ở Triều Tiên và Châu Á” [2; 487].
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng trong những tháng đầu năm 1950, mà nguồn gốc của nó là sự đối đầu giữa hai cực Mỹ - Xô đại diện cho hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Những động thái của cả miền Bắc (đứng sau là Liên Xô) và miền Nam (đứng sau là Mỹ) đã đẩy bán đảo Triều Tiên đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Ngày 25/6/1950, cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ trên toàn tuyến biên giới. Sau 24 giờ chiến đấu, chiến xa của Bắc Triều Tiên đã tiến đến ngoại ô thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên.
Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên để tránh can thiệp một cách "thô thiển", Mỹ đã nhanh chóng đưa vấn đề Triều Tiên ra nghị bàn tại diễn đàn Liên Hợp Quốc trong lúc thiếu vắng sự tham dự của đại diện Liên Xô (vì Liên Xô phản đối phe Mỹ ủng hộ Tường giới Thạch, không chịu công nhận địa vị chính đáng của nước Cộng hòa nhân Trung Hoa ở Liên hợp quốc), rồi ngay lập tức lập ra một liên quân đồng minh do mình đứng đầu đến tham chiến tại Triều Tiên. Mặt khác, ngày 25/6/1950, chính phủ Mỹ dùng áp lực để Hội đồng bảo an thông qua một nghị quyết lên án “các lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên xâm lược nước Cộng hòa Triều Tiên”[2; 489].
Song song với cuộc vận động ngoại giao ở Liên hợp quốc để bao che cho những hành động của mình, Mỹ đẩy mạnh các hoạt động về quân sự: chính phủ Mỹ ra lệnh cho Mac Actua – tham mưu trưởng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương tiếp viện vũ khí cho Nam Triều Tiên. Ngày 27/6/1950, Tổng thống Truman chỉ thị cho Actua dùng không quân và hải quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở Triều Tiên. Ngày 29/6/1950, Tổng thống Truman lại có quyết định quan trọng hơn, ra lệnh cho Actua dùng không quân oanh tạc lãnh thổ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, đem lực lượng lục quân đổ bộ lên Triều Tiên và phong tỏa hải giới Triều Tiên [2; 490].
Với những hành động đó, Mỹ đã thực sự “vào cuộc”, can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên. Mỹ âm mưu xâm lược cả nước Triều Tiên, biến Triều Tiên thành căn cứ quân sự để kiềm chế làn sóng XHCN ở Đông Bắc Châu Á, nhất là đầu năm 1950, khi liên minh Xô – Trung ra đời và để uy hiếp phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này.
Trước những hành động của phía Mỹ và đồng minh, phía Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã tích cực đấu tranh, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của nhân dân Triều Tiên về cả vật chất lẫn tinh thần.
Liên Xô đã tăng cường viện trợ quân sự cho Bắc Triều. Viện trợ quân sự của Liên Xô trong năm 1950 lên tới kỷ lục 870 triệu rúp. Nhờ vậy quân đội Bắc Triều Tiên với sức tiến công như vũ bão, nhanh chóng chiếm gần hết Nam Triều Tiên. Đến tháng 9/1950, Quân đội nhân dân Triều Tiên đã giải phóng được 95% đất đai và 97% dân số Miền Nam [5; 329]. Tuy tăng cường viện trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên nhưng Matxcơva vẫn tìm mọi cách tránh nảy sinh xung đột công khai với Washington.
Song song với viện trợ quân sự, Liên Xô cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để giúp đỡ Bắc Triều Tiên. Ngày 9/7/1950, chính phủ Liên Xô ra tuyên bố tố cáo việc chuẩn bị và hành động vũ tranh xâm lược của Mỹ. Đồng thời chính phủ Liên Xô vạch trần tính chất bất hợp pháp của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ để che đậy cho hành động xâm lược của đê quốc Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ và cho rằng cuộc can thiệp vũ trang của Mỹ là nhằm chống lại nhân dân Triều Tiên và nhân dân Trung Quốc.
Chính sách hòa bình của Liên Xô và Trung Quốc có tiếng vang trên thế giới. Ngày 13 và 16/7/1950, Thủ tướng Nê-ru gửi công hàm cho Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Mỹ đề nghị giải quyết hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chinh phủ Liên Xô hoan nghênh sáng kiến hòa bình của chính phủ Ấn Độ và đề nghị giải quyết vấn đề này qua Hội đồng Bảo an có nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đại biểu của nhân dân Triều Tiên tham dự.
Liên Xô trở lại tham gia công việc của Hội đồng bảo an ngày 1/8/1950 và đã đưa ra một dự án về việc giải quyết hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng Mỹ bác bỏ những đề nghị này và chủ trương mở rộng thêm chiến tranh ở Triều Tiên.
Ngày 15/9/1950, quân đội Mỹ đổ bộ lên hải cảng Nhân Xuyên của Hàn Quốc, sau đó tiến đánh tiến quân đánh chiếm miền Bắc, vượt vĩ tuyến 380, đến tận sông Áp Lục, giáp giới Trung Quốc.
Trước nguy cơ nền an ninh biên giới phía Đông Bắc bị uy hiếp, Chính phủ nhân dân Trung Hoa đã nhiều lần cảnh báo Mỹ rằng: Trung Quốc không thể làm ngơ trước việc quân Mỹ vào Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai nói: nhân dân Trung Quốc quyết không để cho nước ngoài đến xâm lược người bạn láng giềng của mình. Nhưng Tổng thống Mỹ Truman và tướng Actua đều không tin vào lời cảnh báo này vì đánh giá tấp khả năng tham gia trực tiếp của Trung Quốc vào cuộc chiến. Trái lại với những nhận định của Mỹ, ngày 25/10/1950, quân chí nguyện Trung Quốc được phái sang “kháng Mỹ, viện Triều”. Quân đội Trung – Triều đã đẩy lui quân đội Mỹ khỏi bắc vĩ tuyến 380.
Trước những tình hình đó, ngày 15/12/1950, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ra lệnh “động viên kinh tế”, mở rộng quân bị, đưa quân các nước đồng minh của mình vào chiến trường Triều Tiên. Ngày 16/12/1950, Mỹ niêm phong tài sản Trung Quốc ở Mỹ, cấm các tàu bè Mỹ ra vào các cảng Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cố gắng quân sự của Mỹ không thu được kết quả. Những thất bại về quân sự ở Triều Tiên đã làm cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ mâu thuẫn với nhau. Sau những thất bại liên tiếp về quân sự, “quân đội liên hợp quốc” đã đi vào chỗ bế tắc vì không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng con đường chiến tranh.
Tháng 7/1951, cuộc đàm phán về ngừng bắn được bắt đầu với sự tham gia của đại diện Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, đại diện quân đội Mỹ ở Triều Tiên và đại diện quân chí nguyện Trung Quốc. Tuy chịu thương lượng nhưng Mỹ luôn tìm cách gây khó khăn, làm cho cuộc đàm phán kéo dài và gián đoạn nhiều lần. Mãi đến tháng 7/1953, Hiệp định đình chiến mới được ký kết ở Bàn Môn Điếm, lấy vĩ tuyến 380 làm ranh giới quân sự giữa hai miền Nam – Bắc. Một khu phi quân sự rộng 4 km sẽ ngăn cách quân đội hai bên [5; 330]. Từ đây, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc trở thành hai quốc gia đi theo hai định hướng phát triển khác nhau.
Như vậy, cuộc chiến tranh Triều Tiên mà khởi đầu có tính chất nội địa đã đưa tới sự đụng đầu giữa hai nước lớn Trung Quốc – Mỹ, hai cực Xô – Mỹ. Mỹ - Xô đứng đằng sau hai lực lượng: Liên Xô tuy không trực tiếp tham chiến, nhưng đã đứng đằng sau quân đội Bắc Triều Tiên và quân Chí nguyện Trung Quốc thông qua những hoạt động ngoại giao và viện trợ quân sự; quân đội Mỹ dưới danh nghĩa quân đội Liên hợp quốc đã tham gia chiến đấu trực tiếp.
Như thế, hai cực Mỹ - Xô tuy không trực tiếp đụng đầu nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953) nhưng luôn đối đầu nhau trong cuộc chiến không phân thắng bại này. Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vừa là hệ quả vừa là minh chứng tiêu biểu của sự đối đầu giữa hai cực Xô – Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đã gây nên những tổn thất vô cùng nặng nề. Nó không chỉ không giải quyết được vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên mà còn phá hủy toàn bộ các cơ sở kinh tế - xã hội của cả hai miền Nam – Bắc. Cùng với sự thiệt hại về người và của, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã dẫn đến sự nghi kỵ, thậm chí là sự thù địch nhau giữa hai miền Nam – Bắc.
Cho đến ngày nay, dù chiến tranh lạnh đã đi vào quá khứ, trật tự thế giới hai cực không còn, nhưng bán đảo Triều Tiên luôn đặt trong tình trạng căng thẳng. Chưa có một hiệp định hòa bình nào được ký kết giữa hai Miền Nam – Bắc. Để đi đến hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên là cả một chặng đường dài, đầy trông gai. Thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng con đường hòa bình là nguyện vọng chung của nhân dân hai Miền Nam – Bắc Triều và cũng là mong muốn của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Andre Fontain, Lịch sử chiến tranh lạnh, Lê Thanh Hoàng Dân dịch, 1972, Nxb Trẻ, Sài Gòn.
[2]. Phạm Giảng, Lịch sử quan hệ quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến năm 1954, 1962, Nxb Sử học – Viện sử học, Hà Nội.
[3]. Lê Đình Năm, 2004, Vấn đề Triều Tiên trong quan hệ quốc tế từ năm 1945 đến nay, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[4]. Nguyễn Anh Thái (Cb), 1986, Lịch sử thế giới hiện đại (1945 - 1975), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Anh Thái (Cb), 2009, Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Hồng Vân, 2009, Một số đánh giá của giới sử học về chiến tranh lạnh, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Số 11, tr. 60-70.
[7]. Viện nghiên cứu lịch sử thuộc viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, 1965, Lịch sử cuộc kháng chiến chính nghĩa giải phóng tổ quốc của nhân dân Triều Tiên, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
[8]. http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2009/7/69966.cand


Chữ ký của doducdung.hnue





Số lần được cảm ơn : Message reputation : 100% (1 vote)

 

SỰ ĐỐI ĐẦU GIỮA HAI CỰC XÔ – MỸ QUA CUỘC CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN (1950 – 1953)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: LỊCH SỬ THẾ GIỚI :: Lịch sử thế giới hiện đại-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất